“Có một dòng sông đã qua đời”

Ấu Tuyền, con suối nhỏ của ông cố, nhưng là một dòng sông của ký ức cuộc đời con, hôm nay, dòng sông ấy đã qua đời!

Ông Ngoại ơi,

Mọi người thường hỏi con sao lại có cái tên Tumi, vì sao lại có cái tên nữ tinh như vậy. Con thường cười, bởi khó ai đoán được chữ Tu mi trong “Tu mi nam tử”.

Ngày xưa Nguyễn Công Trứ có câu thơ

“Đã xông pha bút trận, thì gắng giỏi kiếm cung,
Cho rõ mặt tu mi nam tử”

Tu mi ở đây là đấng mày râu, tu là râu, mi là mày. Ông ngoại đã đặt tên con như vậy để con sau này cứng cáp, xứng đáng là một người đàn ông, là chỗ dựa tốt cho gia đình và mọi người. Con hiểu điều đó và đã sống như một đấng Tu mi, sống hiên ngang, không phải nhờ cậy dựa dẫm vào ai. Con không giàu có, không đứng trên đỉnh thiên hạ, nhưng con có trí tuệ, lòng bác ái, và niềm tin vào những điều tốt đẹp. Và con tự hào vì đã được ông và ba con gieo cho con những hạt mầm đó.

Ông ngoại chưa bao giờ bảo con phải làm gì, ông chỉ sống nhẹ nhàng, yêu công việc, yêu cuộc sống và yêu thương con người. Nhìn ông, con tự rút ra bài học cho cuộc sống của chinh mình.

tumi_ongngoai_faceboook

Cháu Tumi và ông

Con nhớ hình ảnh của ông khi quan sát chăm lo cho bệnh nhân và những cô chú hộ lý, y tá ở bệnh viện. Con nhớ những bài thơ thâm thúy nhẹ nhàng mà ông viết. Con nhớ đến những chiếc tủ ngập tràn sách của ông. Ngày xưa, cuối tuần nào con cũng về ngoại, để được chui vào căn phòng cũ, để lục và đọc những cuốn sách của ông, nào là Đông Chu Liệt Quốc, tạp chí Nam Phong hay tủ sách Kiến thức ngày nay. Những cuốn sách như “Không gia đình” của Hecto Malot, “Những tâm hồn cao cả” do ông Hoàng Thiếu Sơn anh của ông ngoại dịch, hay cuốn Thần thoại Hy Lạp là những cuốn sách đã đi cùng tuổi thơ con. Ông biết không, tủ sách của ông, là cả một thế giới đối với con, một thế giới song hành với thực tại con đang sống. Những cuốn sách của ông ngoại phần nào đã định hượng và giúp định hình nhân cách của con.

Ngày xưa, nhiều lần con tự hỏi mình, sao ông không bao giờ la mắng hay răn dạy con cái, mà ai cũng ngoan và yêu thương nhau. Giơ khi khô lớn, con đã nhận ra, bài học sâu sắc nhất là bài học do ta tự nhìn, tự hiểu và tự cảm nhận. Các con của ông chỉ nhìn vào ông, tự cảm nhận và tự rút ra bài học cho bản thân.

201602-a7-granpa-titi-bw

Con vẫn nhớ câu chuyện của cuộc đời ông. Trước năm 75, ông là quản lý của một bệnh viện Huế, sau cơn can qua, ông chỉ trở thành anh thư ký quèn của chinh cái bệnh viện ông quản lý, nhưng ông vẫn giữ được nhiệt huyết với công việc, đóng góp rất nhiều cho bệnh viện. Đến năm ông 75 tuổi mới về nghỉ hưu. Từng nơi, từng chỗ trong bệnh viện đầu có dấu ấn của ông, ai cũng yêu quý ông. Con đi đâu, chỉ cần nói là cháu ông Tuyền, ai làm ở bệnh viện hoặc ở sở y tế cũng nói về ông với những lời trìu mến. Con hiểu được ông qua lời kể của mọi người, và con hiểu được, giá trị của một con người đôi khi không từ số tiền bạc người đó có, mà từ những điều tốt đẹp mà người đó mang lại cho mọi người, cho gia đình và cho xã hội. Ông không mang về cho gia đình nhiều tiền bạc, chỉ toàn sách báo, và những câu chuyện người ta kể về ông, nhưng với con đó là tài sản lớn nhất mà ông đã để lại cho con cháu. Và con thực sự tự hào là cháu ngoại của ông, được sống bên ông và kế thừa được một phần từ ông.

Giờ con đã hiểu vì sao bà ngoại luôn vui vẻ khi ông ngoại dành hết tiền để mua sách báo. Con đã hiểu tại sao ông ngoại và mẹ con luôn nhẹ nhàng với những lần can qua. Bởi cuộc sống, dù có xảy ra bao biến cố đi chăng nữa, ta vẫn phải sống tiếp, tại sao lại không giữ một tâm thái như cây cỏ, vô tư sống cuộc sống của mình dù có ở đỉnh vinh quang hay trong những ngày đói khổ. Con chưa từng nghe ông ngoại chê bai về chế độ Cộng Sản hay ngợi ca quá đà về quá khứ, bởi mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Và ông ngoại, một con người vươn lên từ vị thế của người không có gì trong tay, con nghĩ rằng, ông ngoại đã quá hiểu rằng mất đi của cải, mình có thể xây dựng lại. Chức tước tiền tài chỉ là những thứ hư vô. Tài sản tưởng như vô hình mà lại hữu hình nhất đó là nhân cách, tri thức, và niềm tin yêu vào cuộc sống.

201602-a7-grand-pa-color

Khi bà ngoại ra đi, ông ngoại đã đi theo, chỉ để lại thân xác và nụ cười để con cháu cùng vui vầy. Chứ ký ức cũng không còn ở lại cùng ông.

Ông ngoại ơi, con viết những dòng này, khi ông ngoại đã không còn trên cõi đời này nữa. Ông đã ra đi vào sáng hôm nay, và con đã không còn giữ được bình tĩnh để tiếp tục công việc. Ông mất khi tuổi đã cao, và đó là điều bình thường của tự nhiên, nhưng với con, đó là một sự hụt hẫng rất lớn, con đã khóc rất nhiều trước khi ngồi viết những dòng này. Không phải con không chấp nhận lẽ thường của tạo hóa, nhưng con thực sự rất buồn…

Ông biết không, vài ngày trước khi ông ra đi, chắt trai của ông đã ra đời, và con ước nguyện sao con con trai của con sẽ trở thành một con người có trí tuệ và nhân cách như ông. Cầu mong cho bé sẽ sống một cuộc sống thật sự ý nghĩa nhưng nhẹ nhàng như những ngày ông đã trải qua trên dương thế.

Cảm ơn ông ngoại vì tất cả!

Con xin kính chào ông với tất cả tấm lòng thương yêu con dành cho ông!

Cầu cho ông ngoại và bà ngoại sẽ hạnh phúc và vui vẻ như những ngày đã qua!

DSC_0270

Sài gòn, 14/09/2017