Nhiều quá hiển nhiên là không tốt

Hôm nay đột nhiên tôi nghĩ đến giặc Khăn Vàng trong tiểu thuyết Tam Quốc Chí của Trung Quốc. Gọi là giặc thật ra cũng không đúng. Khởi nghĩa Khăn Vàng là cuộc khởi nghĩa nông dân do Trương Giác và hai người em là Trương Bảo và Trương Lương thực hiện vào thời kỳ Đông Hán, khi mà chính quyền mục nát, tham quan ô lại và lụt lội hạn hán triền miên. Trương Giác đã kết nạp được ba mươi sáu vạn giáo chúng và khởi nghĩa đánh chính quyền Đông Hán trên toàn Trung Quốc, ban đầu thắng như chẻ tre nhưng sau đó thất bại nhanh chóng chỉ sau một năm. Toàn bộ ba mươi sáu vạn quận bị tiêu diệt gần hết chỉ trong chớp mắt. Giá trị mà cuộc khởi nghĩa mang lại đó là khởi đầu cho sự sụp đổ của nhà Đông Hán (ba mươi năm sau đó), nhưng những người thất bại thì không thể thấy được điều đó.

Trương Giác khởi nghĩa là vì thất được sự bất bình của xã hội với chính quyền, có thể gọi là ông đã biết thuận thời để thực hiện khởi nghĩa. Nhưng ông không phải là chiến tướng, lại không có sự chuẩn bị kỹ càng, trong khi quân lực quá đông và không quy cũ. Quân chưa được huấn luyện kỹ, chỉ toàn nông dân thì làm sao giữ được ưu thế lâu dài của việc có đông người hơn? Hơn nữa, khởi nghĩa mà không có sự mệnh rõ rang, lật đổ chính quyền rồi sau đó làm gì, có gì hay hơn không thì không ai hay. Sự thiếu hụt về phương hướng cũng dễ làm lung lay những cái đầu nóng. Thất bại là hiển nhiên.

Câu chuyện của khởi nghĩa Khăn Vàng có liên quan gì đến chủ đề “nhiều quá quả nhiên là không tốt” của tôi hôm nay?

Bạn thử nghĩ, nếu bạn giao một đống tiền cho một người chưa nếm từng có cơ hội quản lý nhiều tiền, hậu quả sẽ như thế nào? Đa phần những người trúng số độc đắc ở Mỹ đều không giữ được gia sản may mắn có được vì không đủ kỹ năng để quản lý tài chính của chính mình. Giàu thực chất cũng phải có sự chuẩn bị. Trong một gia đình giàu, con cái được nghe cha mẹ mình nói nhiều về quản lý tài sản, nên dần dà cũng quen thuộc với điều đó, đó là lý do họ giàu và càng lúc càng giàu hơn.

Khi một công ty tăng trưởng nóng về quy mô, đa phần các nhà quản lý đều rất vui mừng và phấn chấn. Nhưng câu hỏi đặt ra đó là, liệu bộ khung quản lý hiện tại có đủ đáp ứng cho tăng trưởng và cho quy mô lớn hay không?

Ai cũng sẽ phấn chấn khi thấy mình mạnh lên nhanh chóng. Nhưng cũng như những người trúng số độc đắc, đa phần bị choáng ngợp bởi dòng thu nhập và quên mất câu chuyện phát triển bền vững. Họ thúc đẩy tăng trưởng thật nhanh, và sau đó guồng máy bị quá tải bởi sự phát triển nóng, và vì thế họ sẽ đắp tiền và người để bù đắp cho sự thiếu hụt. Lời nhiều nên bỏ thêm tiền không sao. Đến khi thị trường chỉ có một chút trúc trắc, tốc độ tăng trưởng giảm lại, cái bộ máy được đắp đầy “by accident” đó trở nên cồng kềnh và lãng phí, doanh nghiệp lại tái cấu trúc không kịp, nhưng lần này hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều. Doanh nghiệp sẽ xuống dốc không phanh.

Sự gia tăng về quy mô mà vẫn giữ cấu trúc cũ sẽ khiến cho mọi người đều bận rộn. Sự bận rộn quá mức không nói lên được điều gì, ngoài việc năng lực của các bộ phận bị hạn chế và dẫn đến sự quá tải. Sự hạn chế có thể đến từ người lao động, nhưng cũng có thể đến từ các quản lý cấp cao. Sẽ chẳng bao giờ một công ty tăng trưởng nóng kiểu như FSoft có thể lớn nhanh được nếu họ không thực hiện việc chia để trị. Chia nhỏ ra để cấu trúc quản lý không cần phải cồng kềnh. Nhân rộng bộ máy quản lý đủ sức quản lý vài trăm ngườingười lên vài chục bộ máy như vậy sẽ dễ hơn rất nhiều so với việc tạo ra một bộ máy quản lý đủ sức quản lý 2000 lao động công nghệ cao. Mặc dù như vậy có thể dẫn đến loạn mười hai sứ quân, nhưng xử lý từng đơn vị nhỏ sẽ dễ hơn nhiều so với việc chứng kiến khủng hoảng của một công ty ở quy mô lớn.

Microservices là thuật ngữ nói về một kiến trúc nhằm quản lý một hệ thống phần mềm lớn bằng cách phân rã các chức năng của nó thành nhiều dịch vụ nhỏ, và các dịch vụ này hoàn toàn độc lập với nhau. Kiến trúc này cực kỳ phù hợp với các hệ thống đã trở nên quá lớn và phức tạp, nhưng lại không phù hợp với các hệ thống nhỏ do chi phí xây dựng và quản lý quá lớn. Chia nhỏ ra để trị phù hợp với những bài toán lớn. Khi bài toán đủ nhỏ, không cần phải chia ra để trị, vì có thể tận dụng một hoặc một vài đơn vị xử lý thì đã có thế xử lý hết.

Vấn đề của chủ doanh nghiệp cần phải nhận ra, đó là, khi nào thì bài toán về quản trị của mình đã bắt đầu quá phức tạp, hoặc đã tăng trưởng quá nóng khiến một bộ máy thông thường không còn đảm đương nổi, thì họ nên tái cấu trúc hoặc có thể chia nhỏ ra đễ bề quản lý. Tuyển một cái đầu có thể quản trị vài trăm người sẽ dễ hơn rất nhiều so với những cái đầu có thể quản trị vài ngàn người. Khi chia nhỏ, thay vì các quản lý phải nhức đầu với việc quản trị số lượng lớn, họ sẽ suy nghĩ về những việc khác như tăng năng suất lao động, cải tiến sản phẩm…v.v  Đó là lý do các doanh nhân hiện đại lựa chọn quy mô nhỏ để dễ bề hoạt động và thích nghi.

Quản lý một siêu đô thị như thành phố Hồ Chí Minh sẽ phức tạp gấp trăm lần so với quản lý đô thị nhỏ như Đồng Nai hay Bình Dương, nên các nhà quản lý vĩ mô đã nghĩ tới mô hình đô thị vệ tinh thay cho đại đô thị, nhưng phương án này không thành công, có lẽ do lòng tham của con người không dễ để kiềm chế. Nhân tiện, nói đến câu này, tôi chợt nhớ đến câu nói của cậu bạn đồng nghiệp “Việt Nam mình có cái dỡ là không phân biệt rạch ròi giữa chính trị và kinh tế, đưa mấy anh làm kinh tế vào quản lý bộ máy chính trị, thì khó mà làm tốt được”. Để câu này ra để suy nghĩ, chứ tôi không dám lạm bàn.

Quy mô lớn mà không có sự quản trị hiệu quả thì sẽ dẫn đến việc kinh doanh không hiệu quả. Nhóm quản trị viên chỉ lo về các vấn đề nảy sinh do bộ máy cồng kềnh hơn là việc phát triển thực sự. Trong khi đó, các đối thủ nhỏ lại linh hoạt và dễ bề xoay chuyển hơn.

Cái bẫy của doanh nghiệp lớn vẫn hiện hữu bao đời nay. Hiển nhiên, các các vị quản trị đều phải suy nghĩ rất nhiều.

Còn tôi, một quản lý cấp trung, trong một ngày đẹp trời, chợt nhớ đến câu chuyện khởi nghĩa Khăn Vàng và ghi ra những dòng suy nghĩ này chỉ trong bốn mươi phút. Mới hiểu là người nhỏ mà suy nghĩ về chuyện lớn thì đã thấy rối đầu, những người “lớn” thật sự chắc sẽ có cao kiến nhiều hơn.

Chả biết đúng hay sai! Nhưng đã nghĩ thì cứ phải ghi ra! Biết đâu đấy, sau này sẽ hữu dụng!

TP Hồ Chí Minh, 4/1/2019