Tìm hiểu cội rễ của những lo lắng bất thường

Lo lắng là một thứ có thể khiến cho chúng ta bị cạn kiệt về năng lượng và làm cho chúng ta trở nên suy nghĩ thái quá, tâm trạng không tốt và khó có thể tiếp thu được những điều khác ngoài sự lo lắng mà chúng ta đang có.

Mẹ vợ của tôi khi đang còn sống là một người phụ nữ tuyệt vời gánh vác gia đình, nhưng cũng vì thế mà bà là người hay lo, cả nghĩ, nhiều lúc khi đến chơi nhà, tôi thấy bà ngồi trầm ngâm, khuôn mặt cau có, trán nhăn lại và cáu gắt với mọi thứ xung quanh. Tôi có chia sẻ với mẹ vợ, rằng bà đang lo lắng quá nhiều về mọi thứ. Nhưng mẹ vợ của tôi không thể thoát khỏi những lo lắng ấy, những lo lắng về miếng ăn cho gia đình, sự trưởng thành của con cái, chuyện sữa chữa nhà cửa, hay thậm chí chỉ là cái gì để ăn trong hôm nay. Thế nhưng, đằng sau những lo lắng đó là gì?

Khi chúng ta lo lắng thái quá, cả hệ thống trí óc của chúng ta dường như bị đình trệ và không làm gì được thêm bởi lúc đó chúng ta đang mãi nghĩ về những khó khăn, nhưng lo lắng cho những chuyện chưa xảy ra trong hiện tại. Nhưng liệu những lo lắng đó là vấn đề chính chúng ta muốn quan tâm, hay chúng chỉ là một màn sương mờ che lấp những vấn đề cốt lõi mà chúng ta không nhận thức được để có thể giải quyết?

Tâm trí của chúng ta thường chọn cách sinh ra nhiều thứ để lo để có thể bỏ qua việc đối mặt với thứ khó khăn nhất mà chúng ta cần giải quyết. Ví dụ như, bạn trông có vẻ như đang lo lắng đến công việc, hoặc chiếc áo của bạn mặc có đủ đẹp không, chiếc mụn có làm xấu đi gương mặt của bạn không, hay vì sao chiếc bàn phím lại trông dễ ghét và bạn không thể gõ nhanh được, rồi có vẻ bạn đang lên ký nên bạn cáu gắt, trong khi thực tâm của bạn đang lo lắng vì chuyện khác, bạn lo sợ người bạn yêu không còn yêu bạn như trước vì cậu ấy có vẻ đang lơ là bạn.

Cũng có lúc bạn nổi nóng với đồng nghiệp của mình chỉ vì một lỗi vặt của người ta, hoặc tỏ ra quá lo lắng cho chất lượng công việc, trong khi thực tế, có thể bạn đang bấn loạn và lo lắng vì hai vợ chồng cố mãi mà chưa có con.

Người ta thường có câu “chuyện nọ xọ chuyện kia” hoặc “giận cá chém thớt”, nhưng khi chính chúng ta không hiểu được nguyên nhân cốt lõi của những vấn đề mà chúng ta đang gặp, và thay vào đó chúng ta bấn loạn về mọi thứ. Để thoát được khỏi tình trạng đó, chúng ta phải tìm kiếm lý do cốt lõi dẫn đến mọi sự xáo trộn. Có một câu hỏi bạn nên tự hỏi bản thân:

“Nếu bỏ qua những lo lắng mà tôi đang gặp phải lúc này, tôi sẽ nghĩ về điều trước tiên?”

Câu trả lời lúc đó sẽ rất đơn giản kiểu như:

“Tôi chợt nhận ra tôi thực sự đơn độc và cô đơn đến nhường nào…”

“Tôi nghĩ đến những công việc lặp đi lặp lại, có lẽ từ lâu lắm rồi tôi chưa có sự thay đổi nào trong tính chất công việc…”

“Tôi nghĩ đến sự lạnh nhạt xa lánh của chồng tôi với tôi…”

“Tôi cảm thấy bị mọi người bỏ rơi…”

Khi nhìn được tới lý do sâu hơn khiến cho bạn rối trí và lo lắng những chuyện tưởng như đơn giản và làm cho bạn rối bời trong mọi việc. Cho dù bạn có bị rối bời, bạn cũng nên biết mình rối bời bởi lý do gì, và sau đó bạn hãy đối mặt trực tiếp với những điều trong sâu thẳm đó, và phải nhìn ra rằng, bạn không thể cứ làm loạn mọi thứ lên, mà bạn cần phải tách bạch để bạn có thể thực sự tập trung vào những việc khác khi cần thiết, sau đó hãy dành thời gian để suy nghĩ và giải quyết vấn đề chính của bạn.

Trước đây, lúc còn làm giảng viên Đại học, có một quãng thời gian tôi cảm thấy chán chường tất cả, tôi bắt đầu cày game Võ Lâm Truyền Kỳ, rồi thường ngủ gục khi ở công ty, tôi đâm ra cáu kỉnh, khó chịu với mọi thứ và kể các với người thân. Chuyện này diễn ra khoảng bốn tháng, sau đó tôi ngồi suy nghĩ kỹ về bản thân và nhận ra, mình cần phải có sự thay đổi, môi trường làm việc không giúp cho tôi có sự tiến bộ khiến cho tôi trở nên chán chường, sự cạnh tranh giành giật ăn thua từng “miếng bánh nhỏ”, cái môi trường đó khiến tôi cảm thấy tôi vừa thất vọng, vừa có chút tuyệt vọng. Cuối cùng, tôi chọn ra đi và làm lại từ đầu với công việc lập trình viên, và gần như ngay lập tức, tôi có được sự tập trung, hăng say lao động và yêu công việc trở lại.

Mỗi khi cơ thể tôi có sự thay đổi, cho dù là cơn buồn ngủ hay kéo đến, hay chỉ là những cơn gắt gỏng nhất thời, hay sự nóng tính đến những việc nhỏ nhặt không đâu, tôi lập tức ngừng lại công việc một chút, đi bộ hoặc làm ly café và ngồi suy nghĩ thử xem mình đang gặp khúc mắc gì. Và nhờ vậy, tôi ít khi tạo ra “ảnh hưởng tiêu cực” đến người khác, và thường tự mình giải quyết vấn đề của mình hơn là làm mọi thứ rối tung rối mù lên.

Chúc bạn tìm được vấn đề cốt lõi mà bản thân bạn đang gặp phải để có thể đối diện với nó và giải quyết hơn là bị rối loạn cảm xúc và nảy sinh quá nhiều lo lắng thứ cấp và gây xáo trộn cho cuộc sống của mình và những  người khác.

Sài Gòn, ngày 01 tháng 02 năm 2020