Có một chàng trai trẻ nọ, vốn thông minh, học giỏi và được xem là có tài năng. Chàng ta được gia đình rất kỳ vọng và hy vọng trong tương lai chàng sẽ thành đạt và giàu có, để mang lại sự vẻ vang cho gia đình và dòng họ. Và chàng ta quyết tâm đi tìm con đường để trở thành một người giàu có!
Có một chàng trai trẻ nọ, vốn thông minh, học giỏi và được xem là có tài năng. Chàng ta được gia đình rất kỳ vọng và hy vọng trong tương lai chàng sẽ thành đạt và giàu có, để mang lại sự vẻ vang cho gia đình và dòng họ.
Chàng ta rất trăn trở và băn khoăn, bởi chàng không nghĩ ra phương pháp nào có thể làm giàu thật nhanh, dù chàng ta là con nhà khá giả, không giàu có nhưng cũng có thể gọi là trung lưu.
Chàng ta biết không kinh doanh thì không thể làm giàu, bởi không ai giàu nhờ làm công. Chàng ta cũng hiểu được muốn giàu thì phải mạo hiểm, bởi nếu không mạo hiểm không thể có một vốn bốn lời. Chàng ta cũng học được muốn giàu thì phải làm việc chăm chỉ và tiết kiệm, bởi tiền bạc không để dành cho kẻ ham chơi, dù cho là gái đứng đường thì cũng phải chăm chỉ và tiết kiệm chi tiêu thì mới có chút vốn đề mở hàng nước hay tiệm hớt tóc mà sống an nhàn sau này.
Chàng ta cũng hiểu rõ muốn giàu thì phải có quan hệ, bởi nếu không có quan hệ thì sẽ không có khách hàng, mà nếu không có khách hàng thì có sản phẩm tốt đến mấy cũng chả biết bán cho ai.
Chàng ta càng tìm hiểu thì càng nhận ra, giỏi kỹ thuật không phải là tất cả, khối người giỏi kỹ thuật vẫn cứ nghèo, người bán hàng mới là người quan trọng nhất, bởi qua miệng lưỡi của họ, hàng cũ cũng có thể trở thành hàng mới, nước pha đường hóa học cũng có thể thành nước thanh lọc cơ thể, nhà xây với tổng chi phí 300 triệu cũng có thể bán với giá một tỷ, cổ phiếu của một công ty làm ăn thất bát cũng có thể trở thành cổ phiếu ăn khách nhất. Và làm người bán hàng, nghĩa là phải tô hồng cho sản phẩm của mình, và cho dù biết nó sai thì vẫn nói đúng. Dẫu ai cũng biết rằng, chả có bột giặt nào biến một cái áo màu cháo lòng thành “áo gì trắng và sáng thế” thì người ta vẫn nghe, vẫn mua mà chẳng có chút phản ứng gì đấy thôi.
Chàng ta càng tìm hiểu thì mới phát hiện ra, thị trường dễ nuốt nhất là thị trường nhà nước và doanh nghiệp nhà nước (miễn là có quan hệ), không những thế, còn dễ có lời và không có đối thủ nếu chịu khó chung chi. Chàng ta còn phát hiện ra, chân lý là của kẻ mạnh và sự thực hoàn toàn có thể bẻ cong nếu bạn muốn..
Càng tìm hiểu về cách làm giàu, chàng càng hiểu ra, thế giới trở nên giàu có là nhờ năng lực sản xuất của những người lao động chân chính, là nhờ vào những phát minh sáng chế của những người yêu khoa học. Một số ít người giàu lên là nhờ nắm bắt thời cơ, quan hệ, và biết bán thứ rẻ hơn với giá đắt hơn, hoặc tệ hơn thì là bán thứ giá đắt với giá rẻ, và trả lương thật thấp cho nhân cương của mình, nhưng tệ nhất là có thứ gì tồn tại thì lập tức đào nó lên để bán với bất cứ giá nào.
Chàng hiểu ra rằng, nếu ai cũng giàu có (tức là buôn bán có lời) thì sẽ chả có ai giàu có cả, bởi sự thực là cần phải có những người “chịu bị bóc lột” để cho người khác “bóc lột”, họ có thể là nông dân, có thể là kỹ sư, thậm chí là nhà phát minh, tại sao họ lại không hiểu cái nguyên lý giá trị thặng dư dễ hiểu đó, tại sao họ chấp nhận sự lỗ mà không có một chút quan tâm?
Chàng ta mới tìm đến những người “ngốc nghếch” bán sức để nuôi thân và không chịu kinh doanh, để người khác khai thác trí óc đến tối đa để tìm hiểu, và chàng ta dần dần hiểu ra một bí mật vô cùng thú vị..
Có nhiều người vẫn hiểu mình bị bóc lột và họ than khóc vì không biết phải làm như thế nào. Họ không giỏi quan hệ, không giỏi mua quan bán chức, họ không dẻo miệng, họ chân chất bởi bản chất họ vốn như vậy, họ không muốn nợ nần bất cứ ai, họ chỉ muốn sống thật thà. Phần lớn họ tức giận bởi những người sống không đúng với cách sống của họ, bởi họ hiểu họ đang bán sức với giá rẻ hơn.
Có một số người rất giỏi, họ không quá nghèo, những rõ là họ đang cho nhiều hơn nhận rất nhiều, họ cũng biết rằng thứ mình cho đi nhiều hơn rất nhiều những gì họ nhận lại. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là họ vô cùng hạnh phúc, họ không chê trách ai, và cũng không băn khoăn tại sao thế giới đảo điên, tại sao người lười lao động lại thừa hưởng gia tài lớn, tại sao người này có thể mua siêu xe đắt tiền, người kia mua cả thành phố, với họ đó không phải là sự giàu có, đó chỉ đơn giản là một trò chơi, một trò chơi mà nhiều người không thể dừng lại được..
Chàng trai ngắm nhìn những con người đó, và thấy họ thật lạc quan tuyệt vời, chàng trai tự hỏi tại sao? Bởi chàng thấy những người rất giàu, những vị chủ tịch giám đốc, họ vô cùng tất bật nhưng họ có vẻ không vui tí nào, hoặc có vui phút chốc rồi cũng lại đăm chiêu, nhiều người chạy đi chạy lại như con thoi, đường là nhà của họ, nhà hàng là nơi ăn cơm chính, và họ uống rượu bia còn nhiều hơn lượng nước tiêu thụ của mấy người bình thường, họ ăn cua trứng, tôm hùm, uống rượu vài chục triệu đồng, và họ băn khoăn, khốn khổ. Có một vài người rất giàu, nhưng lại có vẻ hạnh phúc và lạc quan, và chàng thấy lạ, bởi những tưởng, mọi người giàu đều tất bật.
Chàng đi đến quyết định phải tìm hiểu những người hạnh phúc, bởi giàu có mà không vui thì cũng không bằng hạnh phúc!
Khó hiểu nhất là gia đình bác nông dân, bác ấy nghèo, toàn phải đi làm ruộng, bắt cá, nuôi gà, chăm mấy con chó, con mèo. Hỏi bác ta, bác ấy bảo, tôi vốn trước đây cũng trăn trở, nhưng càng lớn thì càng hiểu ra, tiền bạc là thứ phù du, chỉ cần có mảnh ruộng, cái sân vườn là ổn, hơn nữa, có nhiều thứ vui hơn kiếm tiền, ví dụ như chăm sóc nhà cửa, thăm ruộng vườn, đi câu cá, cho gà ăn thóc, rồi ngồi chơi với mấy người bạn, cùng nhau ăn những món đồng quê như cá nướng, ếch xào, thật không gì bằng.
À hóa ra, người không giàu có cũng có thú vui của họ, họ sống giàu tình cảm, họ yêu thương cảnh đồng quê, chia sẻ niềm vui với bạn bè, vợ con, thậm chí là với con chó, con mèo, hay gốc mít, gốc ổi, họ thương yêu những thứ gần gũi, thiết thân; và họ hài lòng với cuộc sống đó, chả thiết gì hơn.
Chàng trai trẻ lại đi hỏi bác viên chức, bác vốn làm bệnh viện, ở chế độ trước bác làm quản lý bệnh viện lớn, qua chế độ mới, bác cũng làm ở bệnh viện đó, nhưng chỉ làm với chức trợ lý. Khi đất nước còn nghèo, bác không ngừng làm cầu nối xin viện trợ máy móc, bác làm việc chăm chỉ suốt ngày, quan tâm đến mọi người, không chỉ chăm lo việc đối ngoại, đến từng công trình nhỏ đều có bàn tay của bác.. Hỏi bác có buồn khi chỉ làm việc với chức danh một anh trợ lý, lương chỉ có hơn một triệu, bác trả lời, miễn là được làm việc mình yêu thích, được làm những điều tốt cho mọi người, có cống hiến cho xã hội, còn cuộc sống đủ ăn là được, bởi quan trọng nhất là được làm điều mình thích và có ích. Làm con người mà quan tâm quá nhiều đến vật chất sẽ không còn tốt nữa, bởi vật chất là cái bẫy lớn, khi sa vào bẫy rồi thì khó thoát ra được.
Chàng trai trẻ suy nghĩ thấy bác già này nói rất có lý, chỉ có một điều duy nhất chàng ta còn băn khoăn, nếu vậy thì đâu có công bằng, nhiều người làm ít, ít sáng kiến mà sao lương lại nhiều, còn như bác kia, tốn hết cả tiền chỉ để mua sách báo, còn lại thì vợ rất năng nổ giúp chồng nuôi cả gia đình, liệu điều đó đã ổn?
Chàng trai lại tiếp tục tìm gặp một người đàn ông thành đạt, anh ta rất tài giỏi, chả mấy khi anh quan tâm đến tiền, anh bảo người ta trả lương cho anh và nếu anh thấy ổn thì nó nghĩa là ổn. Chàng trai mới hỏi thế nào là ổn? Anh này bảo, ổn nghĩa là chi phí đủ sống, có chút tiền để tiết kiệm, công việc đủ tốt để anh có thể phát triển tài năng và được học tập thêm những gì anh thích là đủ. Có gì sung sướng hơn cuộc sống như vậy, thật an toàn và thật đã khi có thời gian để làm điều mình thích?
Quả đúng thật, vậy ra, người đàn ông thành đạt này rất giàu một thứ là tri thức, và anh có thể sống tốt với tri thức của mình. Chình nhờ niềm đam mê học tập, anh này không bao giờ cũ kỹ và không bao giờ bị bỏ rơi, và anh ta có thể sống theo ý mình mong muốn, tất nhiên là đừng mong muốn điều viễn vông là được.
Và rồi chàng trai lại suy nghĩ, nếu có những con người hạnh phúc như vậy, tại sao những người còn lại không nhận ra, họ vẫn mơ mộng những thứ có màu vật chất hơn, và họ vẫn sống, nhiều lúc họ vẫn vui, và nhiều người vẫn cho rằng tiền bạc là thước đo của sự giàu có và hạnh phúc.
Những người chàng trai mới tìm hiểu, họ sử dụng thước đo tri thức, thước đo bằng đơn vị cống hiến, thước đo bằng niềm vui thường nhật.. Té ra, giàu không chỉ đơn giản là có nhiều tiền, có người được khen là giàu lòng nhân ái, người khác lại được khen là giàu lòng yêu nước, có người lại được khen là giàu lòng cống hiến..
Và chàng trai, sau khi đã tìm hiểu rất nhiều, chàng vẫn ước muốn giàu có, nhưng thước đo và đơn vị đo hình như đã có chút đổi thay.
Nếu một ngày bạn mang chiếc áo rách, và ai đó khen bạn giàu, bạn cũng đừng quá ngạc nhiên, có thể bạn đang giàu thật đấy..