Nhớ những ngày tình nguyện

Dẫn quân đi tình nguyện, ở đợt tình nguyện cuối cùng, mùa hè 2007

Mỗi khi ngồi trên một chuyến xe khách, tôi luôn nhớ về những kỷ niệm thời sinh viên khi đi cùng các bạn trẻ mỗi dịp mùa hè xanh. Những lúc đó tôi luôn chọn ngồi ở phía dưới cùng, vì phía dưới thường vui hơn, và chúng tôi có thể làm mọi thứ mình muốn. Ví như ca hát, kể chuyện vui, hay đánh bài. Phía trên xe thường để dành cho các bạn nữ, hoặc các bạn hay say xe.

Tôi vẫn nhớ những chuyến đi lên A Lưới, Nam Đông, những phút thót tim khi chiếc xe năm mươi chỗ chạy lên dốc Mạ Ơi. Những con đường mà phía bên này là vách núi, và bên kia là vực thẳm.

Thời đó tôi hoạt bát và thích đi đây đi đó là thế, còn bây giờ, mỗi chuyến đi chỉ đơn giản là vì công việc mà đi. Cái cảm giác thích thú được khám phá một nơi mới không còn. Có lẽ tôi đang vướng bận với chuyện tự khám phá chính mình hơn chăng?

Thế nhưng, trên chuyến xe Cần Giờ hôm nay, kỷ niệm vẫn ùa về…

Tôi chợt nhớ hình ảnh các bạn trẻ xắn tay áo đi vận chuyển táp lô, xi măng để xây nhà vệ sinh tự hoại cho dân nghèo. Tôi không thể nào quên, cái ngày hoàn công ở thôn Hạ Lan, Quãng Thọ, Quảng Điền. Hôm đó, tụi tôi mới làm xong năm nhà vệ sinh một ngăn, sử dụng tro than để giúp phân tự hoại. Trong năm gia đình được chúng tôi giúp đỡ, có một gia đình neo đơn, chỉ có hai cụ già trên bảy mươi tuổi sống cùng nhau. Hai cụ dựa vào nhau mà sống, ngày qua ngày, với mảnh vườn, một ít rau rán và sự cưu mang của những người khác. Các cụ vẫn phải tận hưởng thú vui “ỉa vườn”, nhưng nó chỉ là vui vào những ngày trời nắng, đến ngày mưa, thì chỉ biết nín nhịn chờ trời ngớt mưa. Nhưng mưa Huế dai dẳng lắm,  nên sự kiên nhẫn của các cụ cũng không phải “vừa” đâu. Nhưng biết sao được, khi mình đã già, mà lại còn nghèo, chỉ có thể đào cái hố nhỏ, bắt hai thanh gỗ, rồi che xung quanh bằng một ít rơm rạ là xong. Đến lúc mệt mỏi quá, rơm rạ rơi hết, các cụ cũng cứ thế mà đi, bởi các cụ cũng đã, già, chả ai muốn rình mò làm gì.

Chỉ huy trưởng cũng biết chuyển táp lô xây nhà, A Lưới, 2007

Lũ sinh viên chúng tôi nghịch lắm, đứa nào cũng vào ngồi trong chiếc hộ xí, rồi lấy máy hình chụp hình làm kỷ niệm. Đứa nào cũng muốn thử sử dụng cái hố xí do mình tự thiết kế, tự xây một lần, nhưng chắc chả bao giờ có cơ hội xài thiệt nó. Lúc đó tôi là chỉ huy phó Chiến dịch hè của trường, nên tụi nhỏ cũng bớt giỡn đi một chút. Chứ tôi còn nhớ, có hôm, tụi nó nhậu, có mấy đứa còn cởi quần “so chim”, lúc đó không có các bạn gái ở đó, còn tôi chỉ tình cờ đi ngang, thấy thì rầy la, suýt nữa thì tôi đã đuổi chúng về, nhưng sau đó, nhiều bạn xin quá, nên tôi đã để cho các bạn đó ở lại.

Thế mà, đứa hoang nghịch nhất lại là đứa chăm làm nhất, nó vừa hăng hái, vừa biết làm cho mọi người thấy vui mà hăng hái làm việc nên tôi cũng bớt lo về cái tính thích nghịch dại của nó.

Trở lại với hôm hoàn công, tụi tôi dắt ông bà cụ ra, thì cái thằng hoang nhất lại mở lời trước, tôi định ngăn mà không kịp, nhưng té ra những câu nó nói rất người:

“Ôn mệ ơi (người Huế rặt gọi ông – bà là ôn – mệ), tụi con xây xong nhà cầu cho ôn mệ, chừ ôn mệ cứ thoái mái mà đi hí, không phải sợ trời mưa nữa rồi. Ôn mệ đừng sợ chi hết, tụi con xây bê tông chắc lắm, tụi con đứa nào cũng ra ngồi thử, nhún nhún nữa, ông mệ khai trương đi, tụi con đã làm cái cửa để che lại, không nhìn lóm được mô”.

Cả ông bà, lẫn tụi tôi đều cười òa, nhưng sau đó, tự nhiên ai cũng rơm rớm nước mắt, cái thằng ba trợn nhất lại là thằng khóc nhiều nhất. Còn tôi, một đứa làm công tác xã hội nhiều nhất bọn, từ năm học lớp 9 đến lúc đó cũng đã là giảng viên, tính ra cũng được  8 năm, mà cũng không thể cầm được nước mắt. Không biết đó là cảm xúc gì, không hẳn là vui, không hẳn là hạnh phúc, cũng có trong đó một chút xót xa…

Cũng trong đợt đó, tụi tôi có mua tôn lợp cho một nhà neo đơn, nhưng lại không có trong danh sách của xã gởi cho, thế là cái cô được chúng tôi giúp, lúc nào cũng đến nơi đoàn chúng tôi đóng quân để dọn vệ sinh giúp, tụi tôi can, mà cô cứ nhất quyết phải dọn giúp. Nếu ai từng đi tình nguyện đều biết, nếu năm mươi người ở chung ở một trường tiểu học, thì các nhà vệ sinh kinh khủng như thế nào, thế mà cô đã giúp bằng cách dọn dẹp nhà vệ sinh trong suốt những ngày tụi tôi ở đó. Chúng tôi không nhờ, và khuyên cô về suốt, nhưng cô cứ đến vào lúc chúng tôi đi làm, và phụ giúp các bạn nữ trực ở bếp. Có lẽ với cô, đã nhận thì cũng phải biết cho đi.

Đến hôm, tụi tôi về lại Huế, bà con đến từ sáng sớm để tiễn chúng tôi. Bịn rịn không rời, tụi tôi trở về mà lòng cứ bâng khuâng. Lòng muốn ở lại, nhưng chân vẫn phải rời đi…

Sinh viên tụi tôi, trẻ nên ham vui, cứ mỗi khi chiến dịch hè đến ngày cuối, chúng tôi được xả trại, được phép nhậu nhẹt thoải mái, tôi vốn không thích uống mấy, dù cố tránh mà cũng không thể tránh được.

Ít đồng nghiệp bây giờ tưởng được được tôi có thể hoạt bát như thế này, giờ tôi có vẻ tự kỷ hơn

Nhớ có một năm, khi tôi là sinh viên năm tư, cũng làm chỉ huy phó, nên sau khi nhậu chia tay với mấy anh ủy ban xã xong, tôi đã trở về lại phải tiếp tục nhậu với anh em, có nhóm những anh vốn là sinh viên tình nguyện cũ, về thăm, mà những anh này nhậu rất dữ, nên khi đến tôi cũng hơi lo, nên tôi mới nhờ một bạn sinh viên khác đi cùng, tôi xin mọi người không cho bạn đó uống, để khi tôi xay xỉn rồi thì dìu tôi về phòng, vì tôi uống cũng không phải là giỏi lắm. Mọi người nghe thấy có lý, nên để cho bạn ấy ngồi chơi. Anh em uống rượu theo kiểu chuyển nhau bằng một cái ca to, rượu trắng mà để trong chiếc ca to, cứ mỗi lượt đi qua phải uống một ngụm lớn, tôi thật cũng chịu chả nổi. Đến lượt thứ sáu, tôi mới nghĩ ra một kế, đó là vờ choáng, mà tôi ngã rất thật, va cái bộp xuống nền gạch đau điếng cả người, thế là mọi người mới bảo dìu tôi dậy, hỏi tôi có say chưa. Tôi đoán biết ý, nên cứ la làng “Em chưa say, mấy anh cho em uống nữa, không có say”… mấy anh lớn thấy vậy mởi bảo, thôi nó say rồi, nhóc kia dìu nó về đi, nghe vậy mà lòng khấp khởi mừng thầm, ra được khoảng mười mét, tôi mới bảo nhóc nhỏ “thôi qua nhậu với nhóm kiến trúc, em thấy anh giả say thần thánh không”, thằng nhóc bảo “em phục anh, đến em còn không biết”, tôi bảo “ừ, nhưng khi mày dìu tao qua nhóm kiến trúc, tao sẽ nằm, chứ mấy ông đó thấy tao ngồi dậy, lại kêu qua nhậu chứ chẳng chơi”.

Tôi nằm bên cái chiếu đặt giữa sân của nhóm kiến trúc, chứng kiến bạn gái tên Hương Chi với thằng bạn từ thời cấp hai tên Thy Ngọc của tôi nhậu với nhau mà tôi cứ thầm cười “Cha cái thằng dại gái”, cả nhóm uống theo lượt, cứ đến đoạn bé Chi, nó lại bảo em uống yếu nên chỉ xin uống một phần hai ly thôi, thằng Ngọc thì cứ mạnh miệng, anh sẽ uống giúp em một nửa, rồi phần nó thêm một ly. Mà kể cũng phải, nó uống rất tốt, nên nó tự tin là đúng, nhưng ai không biết con gái Kiến trúc là “ngọa hổ tàng long”. Đến hai giờ sáng, khi những đứa khác đã ngã gục, thì thằng Ngọc với con Chi vẫn còn ngồi đó, Ngọc cũng đã sương sương, còn Chi vẫn còn cứ tỉnh bơ. Ngọc bảo “thôi, rượu cũng đã hết rồi, đi ngủ thôi”, Chi cười cười “Anh Ngọc ơi, em vẫn còn hai chai nếp mới, anh em mình uống tiếp nhé”. Thằng Ngọc, dù đã muốn xỉn, nhưng vẫn gật đầu. Hai đứa nhậu xong hết chai thứ nhất thì cũng đã đến ba giờ sáng, tôi thấy Ngọc cũng đã kiệt quệ nên mới đuổi bé Chi vào phòng, tôi mới chạy về phòng các bạn nam để ngủ một chút, nhưng cũng không nằm được lâu, do trời cũng đã gần sáng, và tôi còn chuẩn bị cho việc rời đi.

Tôi bước ra sân thì mới phát hiện gần sát bờ sông có người đang nằm ngủ, bạn này lúc tôi, nhậu xỉn quá, ra bờ sông đi tiểu rồi ngủ ngay ở đó. Còn thằng Ngọc thì đến giờ đó vẫn chưa tỉnh lại, nó xỉn quá trời, mà có lẽ từ đêm đến sáng, nó đã nôn nhiều lần; những thứ nó nôn ra có mùi chua thật kinh khủng. Đến lúc đó, tôi mới chợt thấy thằng Phong (bạn học từ cấp 1 của tôi), bên ngành kiến trúc mới tắm từ dưới sông lên:

“Dũng ơi, sáng tao ngủ dậy, rờ trên đầu với người thấy ướt ướt, cứ tưởng trời mưa, té ra, thằng Ngọc hắn nôn hết lên đầu tao, hôi kinh khủng. Đến lúc tao nhảy xuống sông tắm, cứ quời quời bơi, tự nhiên thấy đau đau, té ra, cá tới rỉa mi nở..”

Nghe thằng Phong tếu táo mà tôi không nhịn nổi cười, trong lòng thấy an tâm hơn, vì mọi người nhậu say như thế, may mà chưa có ai bị gì. Nhưng sau lần đó, tôi trở thành chỉ huy trưởng trong mấy năm, tôi không để cho chuyện nhậu nhẹt say sưa diễn ra thêm một lần nữa.

Ngọc xỉn đến chiều mới tỉnh, tôi với thằng Ngự phải đèo nó về thay vì đi xe. Tụi tôi chở ba, mà cũng phải tính kế nếu công an bắt. Nếu bị vậy, cứ lý giải là đem Ngọc đi chữa bệnh là xong.. Cũng may chả có chú công an nào thổi trên suốt năm mươi km chạy về.

Ngày xưa, đi tình nguyện, dù là những người có tấm lòng tốt, nhưng tụi tôi cũng là đám ham vui, nhậu nhẹt các kiểu. Tôi đã từng uống cả lít rượu, mà là rượu pha cồn, đến nỗi ruột trở nên nhạy cảm, thế mà bây giờ, suốt mấy năm trời tôi hạn chế không rượu cũng chả bia, bởi với tôi thì rượu bia chưa bao giờ là những thứ tốt, và mình sẽ không còn tự chủ được nữa nếu cứ rượu bia mãi.

Những câu chuyện về tình nguyện vẫn còn rất nhiều, có lẽ, tôi nên viết ra hết, bởi càng lớn, kỷ niệm cũng mờ nhạt dần. Hơn mười năm đi tình nguyện, biết bao nhiêu buồn vui đã trải qua…

Giờ tôi đã hết những chuyến đi tình nguyện, bởi tôi đã chọn cống hiến theo một cách khác. Bởi tôi biết cách để đóng góp được nhiều hơn theo năng lực của mình. Tôi chia sẻ tri thức và cách học tập với mọi người qua các bài viết trên blog cá nhân và trang cộng đồng. Cách tình nguyện mới phù hợp hơn với công việc hiện tại của tôi. Thế nên, dù thời gian có thay đổi, tôi có thể khác đi nhiều, nhưng con tim tình nguyện vẫn đập, tinh thần tình nguyện vẫn không đổi thay.

Chỉ là, cái tuổi trẻ trâu đã qua, mà khi người ta trẻ, người ta mới bồng bột, mới liều lĩnh, và như thế mới có nhiều chuyện để kể với mọi người. Còn giờ, tôi cứ thế mà học tập, cứ thế mà làm, chả có gì nhiều để kể…