Cụ già đi chợ, đang nghỉ mệt ở một góc đường, chụp tại Gò Vấp, HCM
Hình một cụ già với chiếc nón lá mà tôi chụp được đã gợi lại cho tôi bao kỷ niệm đẹp về Nội của tôi.
Cách đây mấy hôm, trong lúc đi dạo, tôi tình cờ chụp được vài bức hình một cụ già đi chợ, đó là những bức ảnh tôi rất ưa thích bởi nét hiền hậu, đôi mắt nheo nheo, và nụ cười phúc hậu của cụ. Khi ngắm đi ngắm lại những bức ảnh của cụ, tôi chợt nhận ra, mình đã xa nội nhiều năm rồi.Bà nội của tôi cũng như cụ già kia, phúc hậu, hiền như cục đất, và hơn nữa còn yêu thương tôi rất mực. Tôi vẫn còn nhớ, lúc bà nội tôi còn khỏe, bà thường nấu cho tôi ăn. Món ăn bà nấu tuy không phải lúc nào cũng ngon, nhưng trong đó là tràn đầy tình thương bà dành cho tôi. Bà thường hay nấu món bí đỏ xào tỏi, mà cách nấu của bà cũng khác người lắm, bí đỏ phải chấy hết cả ra, như nấu cháo vậy đó. Tôi chỉ ăn được vài muỗng là bắt đầu thấy no và hơi ớn, là bà lại thủ thỉ “Ăn đi Tu, ăn rồi mệ cho hai trăm”. Hai trăm ở đây là hai trăm đồng, thời đó có thể mua được vài cái kẹo, nghe như vậy mà thấy vui vui để mà ăn tiếp, chứ tôi cũng chả bao giờ lấy hai trăm đồng bà định cho.
Hằng ngày cứ vào buổi chiều, bà tôi lại bắt ghế ra ngồi trước hiên nhà và chào hỏi tất cả những người đi ngang qua. Cổng nhà tôi cách cửa ngỏ khoảng hơn mười thước, vậy mà bất cứ ai đi ngang bà cũng chào và mời vào uống nước trà. Phần lớn những người đi qua đều chào lại một cách xã giao rồi lại đi tiếp. Một vài ông bà lớn tuổi thì lại ghé vào nói đôi ba câu chuyện, dù chả có ý nghĩa gì mấy, nhưng cũng mua vui được một chút thời gian.
Trong các buổi chiều ấy, thể nào cũng có bà bán bánh lọc, ram, ít ở gần nhà, vừa đi vừa rao. Bà tôi lại gọi bà bán bánh vào, rồi mua cho tôi và bà mỗi thứ bánh một ít. Bà tôi hay có một chiêu, là cứ chỉ đâu đó bâng quơ “Ui cha, cái thằng đầu tê hắn mang cái quần lạ rứa” để bà bán bánh ngoảnh mắt đi, thế là bà tôi thó vội vào bát của tôi thêm được một chiếc bánh lọc. Tôi nghĩ, bà bán bánh biết, nhưng cũng sao đâu, chỉ là vui thôi, bởi tính bà nội tôn vốn thế rồi.
Tôi đã được ăn những chiếc bánh lọc chay / mặn, nhỏ xíu như ngón tay cái của tôi bây giờ suốt nhiều năm với tình yêu thương chăm sóc của bà. Bà tôi chả mua cho ai ăn ngoài tôi, kể cả em gái của tôi cũng chỉ được bà tôi mua cho ăn đôi ba lần khi có nó ở nhà.
Có lẽ, tôi là một trong những đứa cháu mà Nội thương nhất
Bà tôi thường hay khen tôi “Cái thằng đẹp trai thiệt, đẹp lồng lộng i rứa”. Tôi không biết mình có đẹp trai tới mức “lồng lộng” hay không, nhưng cứ nghe bà khen thì thấy vui vui trong lòng rồi.
Bà tôi rất thích ngồi hát một mình, bài mà bà thích hát nhất là bài “Một khúc tâm tình người Hà TĨnh”, bà chẳng biết bài hát đó tên gì, và thực ra cũng chả thuộc lời, bà chỉ hát được vài câu đầu mà thôi:
“Chứ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh
Nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng Sông La
Nhớ biển rộng mà quê ta…Ơ hơ…ơ hờ…
Những cánh đồng muối trắng
Tình sâu với nghĩa nặng, Biển ta lại nhớ Rừng
Nên chi rứa đồng bằng
Mà gió ngàn bay về”
Bà tôi xương cốt rất khỏe, bà làm đủ thứ việc trong nhà, cơm bà nấu rất nhanh, tay bà giống như tay của mẹ rồng trong phim “Cuộc chiến vương quyền” ấy, cứ chụp nhanh nắp xong, hoặc bưng cả nồi mà không hề sợ nóng. Bà tôi vốn là nông dân nên rất ham việc, thấy việc gì cũng muốn làm, và không quen ngồi không. Ba tôi và các o tôi thường hay kể, bà ngày xưa thường đi làm từ rất sớm, cấy lúa hết mấy sào ruộng rồi về. Về tới nhà thì cũng đã tối mịt, bắt nồi cơm, dọn dẹp chuồng bò này kia rồi mới chịu nghỉ. Đến cả khi sinh ba tôi, bà cũng phải quần quật cả ngày rồi mới sinh. Chả thế mà lúc già, lưng bà còm lắm, người lúc nào cũng nghiêng hẳn về phía trước.
Ngày xưa, khi bà tôi chạy giặt Mậu Thân, rồi vào chăm nom ông Nội đang nằm ở bệnh viện Huế, thì cũng là lúc bà xa rời làng quê, mà thay vào đó là buôn thúng bán mẹt ở chợ bến Ngự nuôi con, để ba tôi khôn lớn, và có tôi bây giờ. Bà tôi vất vả, cùng cực lắm, ngồi bán rau ở chợ cá, mỗi ngày chỉ kiếm được có vài đồng bạc, mà ngày nào cũng đi làm, không rên rỉ lấy một lời. Suốt thời gian niên thiếu, ở cùng bà, chả bao giờ tôi nghe bà rên một tiếng là mình phải cực khổ, hay kể lể về công nuôi nấng ba tôi nên người. Đến bây giờ, tôi mới thấu hiểu được sự lớn lao của bà, và sự hy sinh mà không giá nào có thể mua được mà bà đã phải trải qua.
Lúc tôi được sinh ra, nhà tôi còn nghèo lắm. Cứ mỗi tối đi chợ về bà lại dùi cho mẹ tôi cái bánh chưng, để mẹ tôi ăn thêm cho có sữa. Bà tôi không có nhiều tiền, thậm chí phải sống nhiều năm không có nhà, nhưng tình thương của bà dành cho con cái và mọi người thì thật lớn lao.
Ngày xưa, ba mẹ tôi mất nhiều năm mới xây được một căn nhà xi măng, trước đó tôi ở trong căn nhà bốn phía đều lợp tôn. Nhà mới, nền lót gạch hoa, rất mát và sạch. Ba tôi lúc đó kỹ lắm, mỗi ngày đều dặn tôi quét và chùi nhà hai lần cho nhà khỏi dơ. Nhưng người khó giữ cho căn nhà sạch được lúc đó lại là Nội tôi, Nội vốn quen ăn trầu, nhai bã rồi nhổ nước miếng khắp nơi. Không phải Nội tôi không thích sạch sẽ, nhưng đó là thói quen, với lại ai đã từng thử ăn trầu thì biết, không nhổ nước miếng mà nuốt vài trong thì say chết. Lúc đó tôi cũng không thích thói quen nhổ nước bã trầu ở khắp nơi của bà. Nhưng lớn lên rồi thì mới nhớ lắm những cái hăng của nước bã trầu, khi bà hôn lên má đứa nhóc tì là tôi. Những vệt màu đỏ loang lỗ khắp nơi trên nền hàng lang trước phòng khách lại là một bức tranh kỷ niệm đầy cảm xúc nhất mà tôi từng có.
Nụ hôn của nội dành cho tôi
Điều tôi tiếc nuối nhất là không thể làm gì được trong hai năm cuối đời của bà. Bà Nội tôi nằm liệt giường và chỉ biết kêu tên tôi, từ sáng đến tối, từ tối đến gần sáng hôm sau. Đêm nào tôi đang học bài bà cũng kêu, tôi biết bà đang đau ghê lắm, khi những cái hạch ở cổ đang nổi lên hành bà. Suốt một năm rưỡi, tiếng kêu của bà cứ vang mãi trong đầu tôi và vang đến tận bây giờ. Tôi cảm thấy mình thật hối lỗi, vì không thể ngồi bên bà suốt, để bà luôn thấy mặt tôi, và không phải kêu tôi hoài như vậy.
Những ngày cuối đời, bà không còn đi lại được, chỉ biết nằm nhìn lên trần nhà và kêu tên tôi. Còn tôi, tôi chỉ biết chăm lo vệ sinh cho bà, khi mẹ đi vắng nhà hoặc o Khuyên chưa kịp về. Nhưng tôi lúc đó còn quá trẻ để hiểu nỗi đâu thân xác mà bà đang mang. Tôi còn quá vô tư và hồn nhiên để có thể cảm nhận được hết.
Khi bà tôi ra đi, tôi đã không khóc, không có nhiều cảm giác buồn, mà chỉ có cảm giác thanh thản vì bà tôi đã được giải thoát khỏi cơn đau. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ khóc nhiều hơn. Nhưng giờ, mỗi khi nghĩ về bà, tôi lại không kìm được nước mắt. Tôi đã không ngừng khóc được khi viết bài này từ những dòng đầu tiên cho tới lúc này.
Bà ơi, bà đã ra đi mười mấy năm rồi, nhưng con vẫn nhớ bà, và mong bà nội của con cứ sống mãi. Con cũng biết sống chết là lẽ thường tình, nhưng từ ngày bà mất đi, con đã không còn được hồn nhiên được như ngày xưa.
Con vẫn nhớ những lời bà dặn. Bà Nội của con không chấp nê, không quá ham kim tiền, chỉ vui sống và thương yêu con cháu mình hết mực mà thôi.
Cơn nhớ Nội lắm, Nội có biết không?
Sài Gòn, 7/2016