Đi tìm động lực của bản thân

Mấy tuần nay tôi suy nghĩ rất nhiều về bạn thân, về lý do tại sao tôi thích làm việc này và lười biếng khi làm việc khác. Có nhiều việc rất quan trọng, và tôi thấu hiểu điều đó, nhưng tôi đã lờ đi và không thực hiện nó. Có những việc có vẻ như không quan trọng, nhưng tôi vẫn thực hiện nó mỗi ngày. Có những thứ công việc không ai muốn làm nhưng tôi lại thích làm và thực hiện chúng mỗi ngày mà không ai trả công, hoặc thậm chí không ai tán thưởng. Vì lẽ nào tôi lại muốn làm những việc này mà bỏ qua những việc khác? Vì lẽ nào mà đôi khi tôi lại mất động lực làm việc? Tôi đã phân tích hầu hết các sự kiện đã qua trong đời và nhìn ra một vài điều, và có lẽ tôi đã tìm ra được câu trả lời cho chính tôi, để có thể duy trì động lực, giữ cột năng lượng tích cực và tiếp tục sống như một người hữu ích. Tôi nghĩ rằng, mình nên chia sẻ cho mọi người. Bởi sẽ có những người đôi lúc bị lạc mất phương hướng, có thể khi dùng cách của tôi, họ sẽ tìm ra động thực sự của bản thân, và có thể tiếp tục với một đôi mắt lạc quan hơn và lối sống tích cực hơn.
Trước tiên, chúng ta hãy nói về những thói quen không tốt, những thứ chúng ta biết là không nên làm nhưng vẫn làm. Ví dụ, nhậu mỗi ngày, chơi game online quá nhiều, la cà khắp nơi không có mục đích mỗi ngày, đọc quá nhiều truyện tranh hoặc xem phim quá nhiều mà không làm việc và bỏ bê nhà cửa phòng ốc không sạch sẽ. Chúng ta lười nhác, và thích giải trí hơn, tại sao lại như vậy?

Bạn biết không, tất cả chúng ta đều cố gắng tìm kiếm sự thoả mãn, cảm giác phấn khích, cảm giác sung sướng, hạnh phúc. Và cảm giác đó đến dễ dàng với chúng ta nếu chúng ta chơi game, nhậu nhẹt, la cà với bạn bè, xem phim.. Vì nó đến dễ dàng, nên chúng ta ưu tiên lựa chọn chúng để có thể đạt đến được cảm giác vui vẻ, phấn khích. Nếu chúng ta sống không cần ăn, không cần phải chăm sóc nuôi nấng ai và không có ước mơ gì khác, chúng ta có thể cứ sống như vậy. Nhưng bạn biết đấy, cho dù cái thú giải trí như ngồi cafe cóc cũng tốn tiền, chứ không nói đến các loại hình giải trí khác, và như vậy, nếu bạn càng ham chơi, lười làm việc, bạn càng có ít tiền để giải trí, nhưng đồng thời bạn sẽ có xu hướng lười hơn nữa, bởi làm việc không vui như chơi game. Bạn cũng có thể sẽ dể mất tập trung hơn, bởi khi làm việc, bạn không coi đó là một trò chơi, nên bạn mất hẳn hứng thú và không có động lực. Bạn thấy đấy, các doanh nhân nghĩ ra rất nhiều cách để thu hút sự quan tâm của bạn và rút túi của bạn (hoặc của cha mẹ bạn). Họ đang làm giàu từ thời gian và sự hứng thú của bạn còn bạn đang nghèo dần đi, và tệ hơn, bạn đang sống vật vờ.
Thậm chí những trang web chuyên đánh giá thiết bị cũng đang cùng với các doanh nghiệp đưa các bạn vào một vòng xoáy kinh khủng và không thể thoát ra được để biến bạn thành con nghiện mua sắm. Bởi cùng với games, nhậu nhẹt, thú vui mua sắm sẽ làm cho bạn có cảm giác hưng phấn và hạnh phúc tạm thời, nhưng đồng thời, nó sẽ làm hao hụt túi tiền của bạn và lấy mất thời gian của bạn.
Mất tiền, có thể kiếm lại. Nhưng thời gian trôi đi, bạn không thể lấy lại được nữa.
Họ, kẻ thu lợi từ những thói quên tiêu cực của bạn, hiểu rõ phương pháp để dẫn dắt bạn. Còn bạn, chỉ vì vui, vì thoả mãn, vì cảm giác hạnh phúc và hưng phấn tạm thời, bạn đã chấp nhận để người ta dẫn dắt bạn. Và bạn chẳng thế nhận ra, cho đến khi những thói quen xấu tước đi của bạn hết tất cả. Thời gian, hạnh phúc gia đình, công việc, tiền bạc, và mất luôn động lực để thực hiện những ước mơ của bạn. Những ước mơ có thể giúp bạn hiện diện chứ không chỉ tồn tại vật vờ. Chúng ta có thể chấp nhận điều đó hay không? Bạn có thể dễ dàng trả lời là không, nhưng thực tế trả lời ngược lại. Chúng ta bị những thói quen xấu nhấn chìm đến độ không ngóc đầu lên được.
Các doanh nghiệp sử dụng phương pháp: tín hiệu -> hành động -> nhận phần thưởng đế tạo thói quen mua sắm và vui chơi của bạn. Ví dụ, nếu bạn thấy một tựa game hay, bạn vào chơi bạn sẽ trở thành một anh hùng hoặc thậm chí là một kẻ xấu theo ý của bạn mà không cần phải cố gắng quá nhiều như trong đời thực. Chỉ cần bạn bỏ ra vài trăm ngàn, bạn đã có thể cho nhân vật game của bạn cưỡi con xích thố, chạy băng băng diệt quái trong game, trong khi đó, ở đời thực, bạn đang đi chiếc xe máy cà tàng, không biết cưỡi ngựa và chả có chút võ công.
Khi bạn nhậu, bạn uống bia rượu, cảm giác hưng phấn sẽ gia tăng, bạn sẽ phấn khích đến độ bạn sẽ làm những chuyện bạn không dám làm khi bạn không say. Bạn sẽ hát hò, sẽ trêu chọc một cô gái, nói ra những điều bình thường bạn nghĩ là viễn vông và không dám nói. Bạn sẽ dám nói yêu ai đó, điều bạn ngập ngừng khi chưa có hơi men. Bạn có được dũng khí tạm thời, và khi chất cồn tan đi, bạn sẽ trở lại như cũ, sẽ vẫn yếu mềm, thiếu tự tin. Và để có được sự tự tin, bạn lại uống.
Người ta quảng cáo uống nước tăng lực sẽ giúp bạn mạnh như Ronaldo, và họ quảng cáo dồn dập khiến bạn tin như vậy. Nhưng thực tế, bạn cần luyện tập để có thể đạt được một phần như Ronaldo, nhưng bạn sẽ chọn phương án dễ dàng hơn, và tự huyễn hoặc mình. Trong nước tăng lực, có đường, cafein và CO2, giúp bạn có được cảm giác sảng khoái, và bạn sẽ cảm thấy hưng phấn khi uống, nhưng ngược lại, bạn sẽ phụ thuộc vào nó để có cảm giác tương tự. Đó chính là công thức: tín hiệu -> hành động -> nhận quà.
Nếu bạn như tôi, nhìn ra được nó, bạn sẽ tìm cách hạn chế thói quen xấu chứ?

Nhưng hạn chế thói quen xấu không đủ. Bởi thứ gì sẽ thay vào đó? Bạn có thể hưng phấn được nếu không uống nước tăng lực? Bạn có thể tìm được niềm vui trong công việc như khi đang chơi game? Câu trả lời không dễ tìm ra tí nào, nhưng tôi đã tìm ra câu trả lời cho chính tôi, và có thể cách của tôi cũng sẽ giúp cho bạn tìm ra câu trả lời cho chính bạn.

Tôi đã phân tích tất cả các công việc, nhiệm vụ, hoạt động mà tôi yêu thích từ lúc tôi còn nhỏ đến lớn, và tôi nhìn xem các công việc đó có điểm gì chung. Dần dần, tôi thấy được những điều kiện tiên quyết giúp tôi có thể vui với một công việc và một nhiệm vụ.
Bạn biết không, tôi vốn không quan tâm nhiều đến thành tích học tập. Đó là lý do tôi luôn trồi trụt về điểm số khi học cấp 1 và cấp 2. Tôi biết mình đủ sức để đạt loại giỏi, nhưng tôi không cố gắng nhiều. Cứ năm nào tôi đạt loại giỏi, năm sau tôi lại về khá, luân phiên như vậy suốt chín năm học. Mãi đến cấp ba, tôi mới đạt loại giỏi ba năm liền, luôn nhất nhì lớp, điểm cao ngất ngưỡng. Liệu tôi đã nghĩ khác chăng? Thực sự, kết quả đó có từ một sự thoả thuận. Năm lớp chín, khi nghe về đội Công tác xã hội (CTXH) thành phố Huế, tôi đã mong ước được tham gia đội đó để có thể hoạt động tình nguyện, dạy học cho trẻ em nghèo…, và tôi đã xin ba tôi để được chấp nhận đi tham gia hoạt động tình nguyện. Và lúc đó, ba tôi đã ra một điều kiện, khi nào tôi được loại giỏi, thì tôi vẫn tiếp tục được tham gia, còn nếu tôi không đạt loại giỏi thì tôi sẽ không được tham gia CTXH nữa. Kết quả là tôi đạt loại giỏi, năm sau điểm cao hơn năm trước. Tất cả chỉ để đảm bảo tôi được làm việc mình thích, được tự do trong ý chí của mình. Lúc đó tôi có thấy tự hào vì mình được loại giỏi không? Tôi cũng ko biết nữa, tôi chỉ biết nó là điều kiện cần, để tôi có thể tự do làm điều mình muốn, chỉ vậy mà thôi.

Bạn biết không, thậm chí tôi còn không quan tâm mấy đến việc học sao cho đậu đại học. Tôi đã bỏ hầu hết các lớp học thêm, thay vào đó, tôi đi nghe rock, la cà đâu đó. Chỉ đến khi thi tốt nghiệp xong, tôi mới bắt đầu bỏ ra một tháng học căng hết mình, từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối mỗi ngày để thi đỗ đại học. Tất nhiên, tôi đã đậu đại học, nhưng chỉ đậu những trường tầm trung, vì tôi chỉ chọn những trường hạng hai như ĐH Kinh tế TP.HCM để thi chứ không chọn trường có hệ số chọi cao nhất. Bởi, tôi biết, với sự chuẩn bị ngắn ngủi như vậy, tôi khó lòng đạt được điểm rất cao. Điểm của tôi luôn dư vài điểm so với điểm chuẩn, vì biết chọn đúng ngành và đúng với khối lượng mà tôi bỏ ra đầu tư cho việc học.

Vậy là rõ, tôi vốn lười biếng, và tôi chỉ trở nên có năng lượng để tập trung khi có động lực đủ mạnh. Thậm chí khi vào Đại học, tôi cũng trở nên lười biếng. Sau khi đứng nhất khóa khi học học kỳ một của năm nhất, sau đó tôi học làng nhàng trở lại. Tôi dành 60% thời gian khi học Đại học của mình cho hoạt động sinh viên và CTXH. Nhưng may mắn thay, tôi vẫn được giữ lại trường và làm giảng viên.

Khi làm giảng viên, động lực để tôi lên lớp chinh là sinh viên. Ngoài việc dạy kiến thức, tôi trò chuyện với họ về nhiều chủ đề khác, và mong giúp họ trở nên tốt hơn. Tôi cũng băn khoăn và đau khổ, bởi kiến thức của tôi không thực tế, tôi muốn bài giảng của tôi phải có ích cho họ. Và thế là tôi đã bỏ ghế giảng viên để làm lập trình viên, để có kiến thức thực tế và từ đó hữu ích với các bạn sinh viên hơn.

Bạn biết không, những hoạt động tôi thực hiện và tôi yêu thích không mang lại cho tôi một đồng thu nhập nào. Hoạt động CTXH, mở các code camp dạy lập trình ASP.NET MVC từ 2010 đến 2011, mỗi đợt như vậy kéo dài nhiều tuần liền, rồi đến hằng trăm bài viết về lập trình chia sẻ trên blog. Các hoạt động đó không mang lại cho tôi tiền bạc, nhưng tôi vui và tràn đầy năng lượng khi làm những việc như vậy. Năm 2011, tôi viết hơn 100 bài viết về lập trình, tức là cỡ 3 ngày tôi viết một bài, chả có ai cho tôi đồng cắc nào để làm như vậy, nhưng tôi thật sự ăn ngủ cùng chúng.

Tôi nâng đỡ các học trò của mình, kéo chúng vào Sài Gòn, nấu cho lũ nhỏ ăn, động viên chúng để chúng có thể trụ lại và phát triển ở Sài Gòn, tình cảm đó là miễn phí.

Tôi đã làm nhiều loại công việc, nhưng tôi sẵng sàng bỏ chúng nếu công việc đó chỉ đơn giản là kỹ thuật, hoặc đó là loại công việc không giúp được cho mọi người phát triển.

Năm 2013, tôi đã xin nghỉ vị trí TA và lúc đó, giám đốc nhân sự của công ty tôi đã trò chuyện, lắng nghe, và trao cho tôi một cơ hội để có thể giúp được nhiều người phát triển, công việc quản lý và phát triển con người. Công việc này đã giúp tôi trụ lại với công ty cho đến bây giờ. Tôi đã ở một công ty đến tận 6 năm, còn lâu hơn thời gian tôi giảng dạy đại học. Tôi có bị áp lực khi đi làm ở công ty hiện tại không? Câu trả lời là có. Nhưng, ở đó, tôi giúp được nhiều người hơn, từ những bạn trẻ mới ra trường, cho đến những người có cả chục năm kinh nghiệm. Ở môi trường này, tôi được làm việc như cách tôi muốn.

Khi một người bạn có vấn đề về tâm lý, tôi sẵn sàng ngồi hàng giờ để tư vấn. Khi có nhân viên gặp khó khăn cần hỗ trợ để đạt được sự cân bằng, tôi sẵn lòng lắng nghe và chia sẻ cùng họ.

Ngày mỗi ngày, số lượng những bạn trẻ tìm đến tôi để trò chuyện và từ đó tìm hướng đi để giải quyết những vấn đề của mình càng đông. Tôi vốn là người hướng nội, nên sau mỗi đợt trò chuyện như vậy, tôi gần như kiệt sức, nhưng bù lại, tôi vui vì đã giúp ích được cho những người khác. Họ cũng là một phần động lực để tôi cố gắng mỗi ngày, bởi nếu thiếu vốn sống và tri thức, tôi khó có thể có ích cho họ.

Bạn thấy đấy, chỉ cần nhìn lại một số điểm, tôi dễ dàng nhận ra tôi vì cái gì để sống. Vì lẽ nào để cảm thấy vui vẻ hạnh phúc.

Tôi khá về kỹ thuật, tôi khá về nhiếp ảnh, viết lách, và giỏi ở một vài thứ tôi đụng đến. Nhưng tôi sẽ sớm chán, nếu thứ đó không có yếu tố con người. Tôi không mê chụp ảnh phong cảnh, tôi thích chụp đường phố. Tôi thích ngắm nhìn những con người xung quanh mình, tôi phấn khích khi thấy một cá tính lạ. Tôi thích trò chuyện với những bạn trẻ. Tôi muốn truyền cảm hứng cho họ. Tôi muốn cùng họ giải quyết những vấn đề tâm lý của họ để họ có thể khai thác hết tiềm năng của mình. Và tôi tự hào mỗi khi họ thành công, động viên họ khi họ có những thất bại tạm thời. Tôi là vậy đấy!

Khi đã hiểu về động lực của bản thân, tôi thấy mình nhẹ nhõm hẳn. Những băn khoăn, những cơn stress dồn nén đã phần nào được giải toả. Để luôn yêu thích công việc, để luôn bước về phía trước, tôi cần phải chọn những việc tạo ra động lực cho mình. Nếu bạn phân tích và nhìn ra được động lực của bạn thân và sống thực sự vì nó, bạn sẽ vui vẻ hơn, thanh thản và sẽ hạnh phúc hơn.

Ai trong chúng ta cũng có những nét cá tính riêng, “code”riêng. Ai trong chúng ta cũng có những niềm yêu thích và có thể biến nó thành động lực để phát triển, để hiện hữu chứ không chỉ tồn tại.
Chúc các bạn tìm ra động lực của chính mình!
Sài gòn, 21/05/18