MK biết không, một trong những trạng thái cảm xúc của con người là giận dữ. Ví dụ, MK đang chơi đá banh, bỗng nhiên MK đá hụt trong khi rất chắc chắn mình đá trúng, MK sẽ giận dữ. Hoặc giả như, mẹ MK dặn MK ở nhà trông nhà, và đừng phá phách gì, nhưng MK ở nhà đã chơi và đu lên cái rèm cửa làm thanh rèm rớt xuống mặt kiếng của cái bàn, mẹ MK sẽ rất giận dữ và sẽ la mắng MK. Cũng có khi, ta bước ra ngoài đường, và nhìn thấy mấy anh chàng thanh niên trẻ phóng xe rất nhanh, lượn lách không tuân thủ luật lệ và làm cho một bà già gánh hàng rong bị ngã trong hoảng sợ, ta sẽ cảm thấy giận dữ.
Tumi đã từng là một người rất hay giận dữ. Giận bản thân khi mình làm không được điều gì đó. Giận ba mẹ khi thấy ba mẹ lỡ cãi nhau, nên lúc nhỏ, Tumi hay đập đầu vào tường lắm, vì không biết xả cơn giận vào đâu. Đến khi lớn, Tumi lại giận nhiều người, có thể do họ chậm, hoặc do họ làm sai, hoặc họ nghĩ theo hướng khác với Tumi nghĩ (mà có thể họ đúng), nhưng Tumi vẫn giận. Khi giận, khuôn mặt Tumi trở nên rất xấu, cái cổ và vai đỏ ửng y chang một con gà chọi, và ai thấy cũng có cảm giác sợ hãi hoặc ghê ghê. Nhưng lớn dần lên, Tumi số lần nổi giận của Tumi giảm đi nhiều, nếu không nói là ít khi xuất hiện cơn giận. Và Tumi đã suy nghĩ về sự giận dữ khá nhiều, để hôm nay có thể chia sẻ cho MK.
Giả như, một lúc nào đó, MK đi về và đưa điểm bài kiểm tra cho mẹ, và MK chỉ đạt điểm 2, lúc đó mẹ sẽ giận MK, có thể sẽ phạt MK quỳ, và la một trận té tát. Xác xuất rất cao mẹ sẽ quên hỏi MK lý do vì sao MK lại bị điểm thấp, mà chỉ nghĩ rằng lý do duy nhất điều đó xảy ra là tại MK lười, không chịu học bài. Có thể MK không chịu học bài, nhưng chưa chắc là vì MK lười. Sự nóng giận sẽ che mắt mẹ của MK, và mẹ sẽ không nghe MK nói. Nếu tính huống đó xảy ra, MK sẽ ấm ức,giận luôn cả mẹ, và tệ hơn, nó khiến MK chán việc học hơn nữa.
Sự giận dữ đến với nhiều lý do, nhưng đa phần người ta giận dữ vì cảm giác bất lực cho một câu chuyện đã xảy ra. Mẹ MK giận MK vì MK điểm thấp, và điều đó không cứu vãn được (vì thầy đã cho điểm rồi). MK sút trái banh trượt cầu môn, MK sẽ giận dữ vì đã sút trượt. Ba mẹ của Tumi cãi nhau, và bởi Tumi muốn can ngăn nhưng do còn quá nhỏ nên thấy bất lực, và giận dữ đập đầu vào tường. Tumi có một người đồng nghiệp trái tính, nên Tumi giận họ vì không thuyết phục họ được.
Giận dữ đa phần đến từ sự bất lực. Và giận dữ đa phần mang hiệu ứng xấu, và nó chắc chắn sẽ xấu nếu chúng ta không quản lý được cơn giận của mình. Khi giận, chúng ta sẽ suy nghĩ mang tính chất cực đoan hơn, và sẽ làm chúng ta rời xa đối tượng mà chúng ta giận hơn. Ví dụ, sau khi giận ba mẹ, Tumi sẽ không thèm nói chuyện với ba mẹ nữa, thay vào đó sẽ bỏ vào phòng ngồi một mình, và giận quá nên chả thèm học, cũng không thèm đọc sách nữa. Cơn giận không có kiểm soát sẽ làm cho tâm trạng của chúng ta bất ổn và không thể kiểm soát được mình và giúp mình làm được những điều đúng đắn.
Hãy thử nghĩ, một lúc nào đó MK đến tuổi 17, MK thích một cô gái nào đó, nhưng mẹ đang cấm MK có bạn gái vì mẹ nghĩ MK đang còn tuổi học, cần phải tập trung học tập chứ không phải chuyện yêu đương. MK nghĩ rằng sẽ không ảnh hưởng gì, nhưng mẹ MK không lắng nghe và cấm tiệt. Tình cờ, một hôm mẹ nghe có người méc MK đi chơi với bạn gái, và mẹ đã giận dữ, mắng MK té tát. MK bực mình và giận dữ với mẹ nên bỏ đi, đạp xe thật nhanh và không nhìn xung quanh. MK vấp phải viên đá và ngã xuống đấp, chập mặt và bị thương.. MK thấy đó, giận dữ là một thứ cực kỳ khó kiểm soát và có tác động xấu, nhưng rõ ràng, trong cuộc sống luôn có những thứ làm chúng ta giận dữ, vậy chúng ta cần phải làm gì? Chả lẽ chúng ta biết rằng nó xấu, nhưng vấn để nó diễn ra, hay chúng cần làm gì khác để kiểm soát được cơn giận và hạn chế nó?
Tumi không tin rằng có người cả đời một người không thể giận ai (cho dù họ có lý trí). Và giận dữ là một trong những trạng thái của tâm trạng con người, chúng ta không thể loại bỏ nó hoàn toàn. Mặc khác, đôi khi, cơn giận cũng giúp có tác dụng tích cực (Tumi sẽ giải thích sau nhé), nên chúng ta đừng nên cố gắng loại bỏ hoàn toàn các cơn giận dữ, mà thay vào đó hãy kiểm soát nó và giảm bớt tác động tiêu cực của cơn giận. Điều này không dễ, nhưng nếu biết luyện tập, chúng ta sẽ làm được.
Đầu tiên, hãy nhìn vào gương để thấy gương mặt chúng ta khi đang giận dữ, nó rất đáng sợ. Với gương mặt như vậy, chúng ta sẽ khó trao đổi được với ai, và nếu mọi người thấy ta giận dữ, họ sẽ tránh xa ta, bởi không ai muốn bị giận lây, và vạ lây vào cơn giận dữ của người khác. MK sẽ hiểu cụm từ “giận cá chém thớt”, tức là giận người này khiến cho ta khó chịu với người khác. Và điều đó làm hỏng nhiều mối quan hệ mà chúng ta trân trọng và có khi còn không cứu vãn được. Khi cảm thấy mình đang nổi giận, hãy tìm cách tách mình ra khỏi những người có thể sẽ gặp hậu quả với cơn giận của mình. Hãy tự suy nghĩ, ngoài cách giận dữ và thét vào mặt người khác, chúng ta có cách nào làm cho tình huống trở nên tốt hơn?
Nếu MK giận vì ai đó làm hỏng một đồ vật của MK. Việc trước tiên MK hãy nghĩ, đồ vật đó đã hỏng, việc hét vào mặt người làm hỏng đồ vật của MK sẽ chả giúp ích được gì thêm, nếu chậm lại một chút, chia sẻ với người ta một cách nhẹ nhàng “Bạn làm hỏng chiếc bút của mình rồi!”, lúc đó MK đã kiểm soát được cơn giận một chút rồi. Nếu MK nhận được lời xin lỗi, đó là điều tốt. Nếu MK không nhận được lời xin lỗi, MK có thể nhẹ nhàng chia sẻ, để người đó hiểu. Sự áp lực từ những lời nói nặng lời sẽ làm tăng sự chống đối của người đối diện. Nếu người đối diện cảm thấy đối phương có sự cảm thông, họ sẽ dễ nhận lỗi hơn. Ngay cả khi cha mẹ nói chuyện với con cái, dù con cái mắc lỗi, cha mẹ cũng không nên quát tháo, chà đạp, hoặc đẩy con cái vào cái thế phải chống lại. Bởi sự cưỡng ép, thái độ khinh thường, sự nóng giận, khiến cho người đối diện bị đẩy vào bức tường, và họ phải quay lại chống lại người công kích mình.
Khi MK giận bản thân, hoặc cảm thấy bất lực về chính mình, đó là thời điểm khó khăn nhất của mỗi người. May mắn là mình còn biết giận bản thân mình. Nhiều người luôn thỏa hiệp với chính bản thân và luôn cho mình đúng, lúc đó, nếu họ có sai sót, họ cũng không thể sửa chữa được. Giả sử, Tumi giận bản thân vì không học bài nên được điểm thấp. Việc giận như vậy là đúng, nhưng phải kiểm soát cơn giận, để thay vì tự trách bản thân quá nhiều, Tumi sẽ suy nghĩ làm sao để có kết quả học tập tốt hơn trong tương lai.
Việc có một đứa con hư sẽ làm cha mẹ nóng giận, sự nóng giận sẽ dẫn đến mắng nhiếc và cô lập đứa con, khiến cho nó cảm thấy bị cô lập và đẩy đến đường cùng. Sự giận dữ, trách mắng mà không đi kèm giải pháp sẽ là thảm họa đối với người tiếp nhận. Không có mấy người tự biết mình chưa đúng để tìm cách sửa chữa. Thậm chí dù biết mình sai cũng chưa chắc đã tìm được giải pháp để cải thiện. Thế nên, giận trong kiểm soát là việc cần phải thực hành và luyện tập để tránh những hậu quả đáng tiếc do cơn giận mình gây ra.
Khi cơn giận đến, cần có thời gian lắng đọng để suy nghĩ liệu mình giận đã đúng hay sai. Bởi có thể cơn giận đến do sự hiểu lầm. Có thể vì ta không hiểu người đối diện. Có thể là sự khác biệt về quan điểm. Có thể đến từ những bức xúc khác (giận lây đó MK). Nếu là khác biệt về quan điểm, tình huống này sẽ khó giải quyết hơn nhiều. Và giận dai không phải là cách. Nếu có dịp, Tumi sẽ giải thích cho MK về sự mâu thuẫn quan điểm và hướng giải quyết.
MK thấy đấy, giận dữ chỉ tốt khi chúng ta kiểm soát được nó. Vì vậy, dù có giận ai đi nữa, MK cũng đừng bao giờ hét vào mặt người ta, đừng chì chiết chỉ trích thái quá. Hãy chia sẻ, lắng nghe, và tìm cách cùng giải quyết. Nếu người đối diện cứng đầu không chấp nhận, MK hãy bỏ qua và bỏ đi bởi cuộc sống còn nhiều thứ để phải lo nghĩ hơn là rơi vào một cơn mâu thuẫn. MK hay Tumi muốn sống tốt phải có đầu óc tỉnh táo, thái độ bình tĩnh nhẹ nhàng. Quản lý cơn giận sẽ giúp chúng ta có đủ trầm tĩnh để giải quyết mọi việc.
Nhớ đừng để cơn giận kiểm soát lý trí của mình nhé MK!
Sài Gòn, 1/2018