Bạn muốn thăng tiến trong một tổ chức ư? Hãy nghĩ thật kỹ nhé!

Tôi vốn được nhiều bạn trẻ tin tưởng và họ thường gặp tôi để chia sẻ về những ước vọng của họ hoặc những thắc mắc mà họ có trên con đường phát triển sự nghiệp của mình. Một số bạn rất khát khao được thăng tiến, tăng cấp bậc trong các tổ chức, nhưng họ loay hoay không biết phải làm như thế nào. Họ thường có câu hỏi kiểu như, làm sao để thu nhập của mình đạt năm mươi triệu đồng, hay làm sao để mình có thể có được vị trí quản lý, làm sao để mình thành công như anh A, anh B là quản lý trong công ty.

Hôm vừa rồi, tôi gặp một bạn trẻ, và tôi hỏi bạn ấy: “theo em, người quản lý có gì khác biệt?” Bạn ấy cho rằng, các anh chị quản lý có lương cao hơn và quyền lực hơn. Tôi hỏi có gì khác hơn nữa không, bạn ấy chưa thể trả lời được ngay.

Bạn biết không, nếu bạn muốn gia tăng cấp bậc trong một doanh nghiệp, việc đầu tiên bạn không nên quan tâm đó là tiền lương và quyền lực, bởi nếu bạn chỉ quan tâm đến hai thứ đó, có thể bạn đang ngộ nhận về các vị trí quan trọng trong một công ty, và khi đã ngộ nhận rằng, mình leo lên vị trí cao chỉ vì quyền lực và thu nhập, bạn sẽ bị lạc phương hướng và không thể thăng tiến được.

Bạn hãy thử nghĩ về những cấp bậc khác nhau trong công ty bạn, hãy tự hỏi tại sao người ta lại chia ra các cấp bậc như vậy, và các cấp bậc đó thực sự khác nhau như thế nào?

Giả sử bạn đang làm trong một công ty có chin cấp bậc, vậy chin cấp bậc đó sẽ khác nhau như thế nào, và leo lên từng bậc thang đó, bạn sẽ được gì và mất gì?

Thăng tiến thì tăng thu nhập và quyền lực, ai cũng biết là như vậy, nhưng chả ai hỏi, khi những thứ đó tăng thì mình mất những gì. Và ai cũng muốn thăng tiến nhanh, leo bậc nhanh mà chưa có sự chuẩn bị kỹ càng. Đến lúc leo lên vị trí cao, họ lại bị quả tải, thất vọng và mất phương hướng. Hãy thử phân biệt chin cấp bậc ở một công ty cở vừa nhé (500 đến 1000 người).

Cấp 1, bạn là người vừa mới bắt đầu làm việc, bạn chưa nắm rõ và có thể tự quản lý các nhiệm vụ dành cho cá nhân bạn, nên công ty phải cắt cử người cầm tay chỉ việc cho bạn. Công việc của bạn thường là những tác vụ đơn giản, dễ hoàn thành và bạn ít phải suy nghĩ quá nhiều để thực hiện công việc.

Cấp 2, bạn đã bắt đầu có thể nhận được những việc khó hơn, làm việc độc lập hơn, nhưng những công việc khó, đòi hỏi trí tuệ nhiều hơn hoặc tương tác với các thành viên trong nhóm nhiều hơn, bạn cần được sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm nhiều năm hơn. Bạn đã có một vài năm kinh nghiệm.

Cắp 3, hầu hết các công việc bạn đều tự chủ được, bạn có khả năng giải quyết những tác vụ khó mà không cần phải có người hướng dẫn. Bạn có thể hợp tác tốt với một vài người để thực hiện một công việc khó hơn, cần một nhóm người lám. Bạn bắt đầu hưỡng dẫn cho những bạn non hơn. Bạn có thể bắt đầu đã gánh trách nhiệm quản lý một nhóm nhỏ để thực hiện những công việc phức tạp hơn. Bạn đã tương tác với những người làm những công việc khác nhau trong cùng một dự án. Bạn đã bắt đầu viết các văn bản để hướng dẫn các người mới vào làm dự án của bạn. Bạn đã bắt đầu có sức ảnh hưởng với các thành viên trong nhóm.

Cấp 4, bạn đã bắt đầu được xem là người có kinh nghiệm nhất trong một số đầu việc, khi có những tác vụ có liên quan, bạn sẽ tham gia hỗ trợ xử lý, đánh giá công việc của các bạn trẻ hơn. Bạn đã bắt đầu tham gia huấn luyện người trẻ của các dự án khác. Bạn được công ty đánh giá là người có chuyên môn sâu, có thể giao cho những công việc rất khó khăn đòi hỏi có nhiều người tham gia, và bạn chính là người lãnh đạo nhóm đó, hướng dẫn và hỗ trợ cho những người khác để mọi người có thể hoàn thành công việc. Bạn đã bắt đầu viết các đề án để trình cấp quản lý cao hơn và đề nghị thực hiện. Bạn được công ty đề nghị làm người huấn luyện cho một vài chủ đề thường gặp ở công ty. Bạn bắt đầu được công ty sử dụng trong nhiều dự án cùng một thời điểm để tận dụng ưu thế về chuyên môn của bạn.

Cấp 5, bạn đã là người quản lý cho một dự án, hoặc một nhóm lớn những người có cùng chuyên môn. Bạn bắt đầu nhận trách nhiệm đánh giá năng lực của nhân viên, đánh giá đóng góp của họ cho công ty hoặc cho dự án. Bạn bắt đầu có trách nhiệm quyết định chia thưởng, hoặc thay đổi về mặt lương bổng cho một nhóm nhân viên. Bạn bắt đầu đại diện công ty để đi gặp gỡ khác hàng, nói chuyện với các đối tác về một chủ đề chuyên sâu nào đó. Bạn được xem đã tấm gương để các bạn nhân viên mới ở công ty noi theo. Bạn bắt đầu có ảnh hưởng đến các nhóm nhân viên. Trách nhiệm của bạn đã cao hơn nhiều so với cấp độ 4. Bạn được nghe nhiều hơn về quyết sách của công ty, bạn là người có trách nhiệm phổ biến hoặc giải thích lại với nhân viên về các chính sách đó.

Cấp 6, bạn đã là người quản lý những người quản lý. Bạn chịu trách nhiệm dẫn dắt một nhóm quản lý để thực hiện những công việc chung, lúc này bạn không chịu trách nhiệm về một dự án, bạn sẽ chịu trách nhiệm về nhiều dự án. Bạn bắt đầu được giao phó để thực hiện những chương trình nhằm cải thiện một vài vấn đề của công ty, ví dụ như chất lượng nhân lực, thay đổi diện mạo phòng ốc các kiểu. Bạn sẽ trở thành người chịu trách nhiệm cho nhiều nhóm, và phải làm sao để mục tiêu của từng nhóm phù hợp với mục tiêu chung của công ty. Bạn hỗ trợ công ty điều phối những người giỏi để làm sao tận dụng họ một cách tối ưu nhất cho vài dự án của công ty.

Cấp độ 7, bạn đã là người chịu trách nhiệm một mảng chính trong công ty, có thể là nhân sự, tài chính, quản lý các dự án, hay marketing. Bạn trông có vẻ có quyền lực hơn rất nhiều, được trao quyền sinh sát, nhận người, sai thải người. Bạn giúp nhiều nhóm dự án chạy, làm trọng tài phân xử khi có khó khăn xảy ra. Bạn tham gia như là lãnh đạo giải quyết những vấn đề lớn cho công ty, và việc đó bạn được ban giám đốc giao cho, phải phải tập hợp những lãnh đạo từ các phòng ban khác nhau để chạy chương trình đó. Bạn bắt đầu được giao giải quyết những vấn đề sống còn của công ty, như giải quyết hàng tốn kho, kế hoạch marketing, chiến lược phát triển nhân sự, phát triển ngành hàng..v.v

Cấp độ 8, ở cấp độ này  hầu như bạn chả bao giờ bị ai nhắc là phải làm gì, bạn sẽ là một người quan sát công ty, nhận diện vấn đề và tự mình đề xuât, lãnh đạo mọi người và giải quyết vấn đề. Vấn đề của các phòng ban khác nhau không chỉ là vấn đề của các phòng ban đó nữa, mà bạn sẽ nhận định và giải quyết nó để họ trợ cho hoạt động kinh doanh của công ty, đảm bảo mọi thứ thông suốt. Bạn sẽ không bao giờ chờ đợi lệnh từ cấp trên, bạn xem mình thực sự là máu thịt của công ty và ngược lại. Bạn sẽ tham gia những cuộc họp cực kỳ quan trọng chỉ có vài người để quyết định vận mệnh của công ty, để chạy một chương trình hoặc bỏ chương trình đó. Để cắt – sa thải một loạt người, hay tuyển rất đông người vào công ty. Bạn gần như là gương mặt, mà ai cũng biết đó là ai, mọi người chấp nhận sự hiện diện của bạn trong hầu hết các hoạt động khác nhau như là người hỗ trợ và giúp đỡ.

Cấp độ 9, bạn chịu trách nhiệm cho toàn bộ các hoạt động của công ty. Bạn điều phối chu chuyển nhân lực. Bạn là người cuối cùng ra quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định trước hội động quản trị. Bạn là người nhận lương cao nhất, hoạt động không mệt mỏi, không được ca thán, bạn là bộ mặt của công ty. Nói tới công ty, người ta sẽ nhắc tới bạn. Nói tới thành bại của công ty, người sẽ nói đến bạn như là nguyên nhân chính dẫn đến điều đó. Bạn không có thời gian riêng đúng nghĩa nữa, bạn làm việc không theo giờ hành chính nữa rồi, bạn cũng không thể nói tôi thích thì tôi nghỉ nữa. Bạn được công ty cho quyền chọn lựa cổ phiếu, tiền thưởng ngất trời và những ưu đãi khác. Nhưng có lẽ những điều đó chả thấm béo gì với áp lực mà bạn phải chịu đựng khi điều hành công ty.

Cấp độ 10, bạn là ông chủ.

Khi nghe xong mười cấp độ mà tôi trình bày, cậu bạn nhỏ trầm ngâm, và không còn quá hào hứng với việc leo cao nữa. Nhưng tôi hiểu, cậu đã hiểu ra, cấp bậc cao đi kèm với trách nhiệm cao, vì trách nhiệm cao – áp lực lớn – sức ảnh hưởng lớn nên quyền lợi mới cao. Mà muốn thế, cậu ấy phải tự nâng cấp bản thân đã!

Nhiều cấp độ quá phải không? Bạn còn muốn leo cao nhanh chóng nữa không? Hay bạn phải dừng lại một chút và suy nghĩ thật kỹ. Quyền lợi đi kèm với trách nhiệm. Càng lên cao, quỹ thời gian cá nhân của bạn càng bị thu hẹp, bạn từ một cá nhân tự do, từ từ sẽ nhất thể hóa với công ty, việc của công ty sẽ trở thành việc của bạn. Bạn sẽ phải suy nghĩ ngày đêm vì những vấn đề của công ty, bạn không thể rời mắt khỏi nó. Bạn đã có đủ năng lực, trí tuệ, khả năng lãnh đạo để vươn tới các vị trí đó hay chưa? Có đôi khi chính bạn cũng chưa thể trả lời, cấp trên mới là người khẳng định câu trả lời giúp bạn.

Leo cao trong một tổ chức làm cho bạn có thu nhập cao hơn, trách nhiệm lớn hơn và nhiều mất mát hơn, nhưng chả ai nói cho bạn những mất mát đó cả, bạn phải tự mình tìm ra câu trả lời của chính mình. Mình sẽ được gì và mất những gì.

Chả có con đường nào trải đầy hoa hồng mà không có chông gai. Chả có gì đẹp và hay mà bạn không phải trả một chi phí nào cho nó cả.

Hãy bình tĩnh, sáng suốt mà lựa chọn lối đi cho mình. Đừng ảo tưởng rằng lên cao sẽ giúp bạn thoải mái hơn. Khi bạn lên cấp bậc cao hơn, điều đó chứng tỏ bạn có năng lực quản lý và lãnh đạo tốt hơn, nhưng nó có thể không giúp bạn trở nên hạnh phúc và vui vẻ hơn đâu.

T.P Hồ Chí Minh 14/03/2019.