Cuộc sống của chúng ta dường như được lập trình sẵn, mỗi ngày đều dậy lúc sáu giờ, ngày ăn ba bữa, học đủ ba cấp học rồi đi làm hoặc đi học đại học, lớn lên đi làm làm công ăn lương, yêu và cưới một người và sau đó sinh con đẻ cái và sống cuộc sống đó đến già. Cuộc sống như vậy không có gì sai, nhưng nó hơi nhàm chán. Liệu chăng, chúng ta đang phí hoài món quà của thượng đế nếu chỉ biết sống, yêu, ăn, ngủ, đi du lịch?
Tôi không dám gọi đó là sống mòn, nhưng tôi gọi đó là tồn tại nhưng không chắc là họ đang hiện hữu.
Bạn chỉ hiện hữu thực sự bạn cảm giác được mình đang tồn tại hữu ích, và khi mọi người nhớ đến bạn và những gì bạn mang lại cho họ.
Ví dụ, ba của tôi luôn hiện hữu trong tôi vì những gì ông đã làm được cho gia đình và những đóng góp của ông cho xã hội. Mẹ của tôi hiện hữu trong trong tôi bởi tình yêu của bà dành cho anh em tôi và dành cho mọi người. Nói như vậy, bạn đã hiện hữu rồi đấy, bởi chí ít bạn cũng quan trọng với gia đình bạn, nếu bạn có ra đi họ cũng nhớ đến bạn.
Nhưng, nếu như bạn muốn hiện hữu ở một mức độ rộng hơn?
Bạn muốn có sự ảnh hưởng đến người khác ngoài những thành viên trong gia đình mình?
Để đạt được sự hiện hữu như vậy, bạn cần phải dám nghĩ, dám ước mơ và dám làm.
Bạn cũng phải trở nên khác biệt và sáng tạo, bởi không ai quan tâm đến một người giống như bao người khác. Kể cả như Ngọc Trinh, cô ấy có nhan sắc, nhưng ngày cô ấy mới từ quê lên, liệu ai có biết đến cô ấy. Nhưng qua quá trình tập luyện, biết cách lăng xê, Ngọc Trinh đã rất nổi và nhiều người biết đến. Giờ cô ấy đang làm vlogger và fashionista, hàng triệu người follow. Với tôi cô ấy là một người có tài năng và có sức ảnh hưởng dù dính nhiều thị phi. Cô ấy thực sự đang hiện hữu, dù rằng tôi không thích nội dung vlog của cô lắm.
Xưa chúng ta nghe bà Tưng, rồi giờ là bà Tân, những người dám làm khác. Chưa nói đến tốt hay xấu, họ có tiếng vang, tuy nhiên, sau đó họ tự lụi dần, vì họ không làm được những điều khác biệt hơn. Họ đã dám nghĩ khác, nhưng không dùy trì được phong độ. Ở đây chúng ta không nên bàn chuyện xấu tốt, mà chỉ cần nhìn vào một số trường hợp để suy ngẫm.
Giáo sư Ngô Bảo Châu, người cả đời làm toán, đạt được thành tựu về toán học, nhưng không dừng lại ở đó, khi đạt được quyền lực nhờ tính phổ biến của tên tuổi mình, ông tham gia nhiều hoạt động khác nhằm chấn hưng văn hóa và trí tuệ của con người Việt. Ông vừa tồn tại và vừa hiện hữu. Chí ít bạn sẽ biết đến tủ sách Ngô Bảo Châu, những cuốn sách ông khuyến khích đọc. Có thể bạn sẽ còn follow cả fanpage của ông ấy.
Đặng Lê Nguyên Vũ, từ người buôn café trở thành người mang café Việt Nam ra với thế giới, sau đó ông lại tiếp tục với giấc mơ kiến quốc. Người ta bảo ông điên, còn tôi chỉ thấy ông dám nghĩ khác, làm khác. Chí ít, người ta cũng biết rằng, ông là một tấm gương thể hiện được ý chí và khao khát vươn lên sách vai với cường quốc năm châu của con người Việt. Ông không tự viết được sách, nhưng biết chia sẻ sách hay. Ông không đi dạy truyền cảm hứng, nhưng ông biết dùng thành quả của mình để tạm cảm hứng dám nghĩ dám làm cho người Việt.
Điểm chung của những người đó, đó là họ dám nghĩ và dám làm. Nhờ dám nghĩ dám làm họ mới có thành quả và đạt được sự chú ý của mọi người.
Nói tới những nhân vật ở trên, mọi người sẽ nghĩ, ôi tôi không làm được vậy đâu.
Bạn hãy nhìn xung quanh mình, hãy chọn phân tích những con người bạn cảm thấy họ ấn tượng, và bạn sẽ thấy những người đó nghĩ khác làm khác như thế nào.
Ở công ty tôi có một bạn nữ làm kế toán, ngày làm kế toán rất giỏi, đêm đi làm vũ công cho các nhóm nhạc. Bạn ấy cực kỳ năng động, luôn tổ chức các tiếc mục văn nghệ rất hay cho công ty. Tôi rất nể phục bạn ấy, vì bạn có khả năng của một người lãnh đạo, dẫn dắt người khác dám làm theo mình, nhảy theo mình. Nếu bạn ấy chỉ nghĩ rằng, phải tập nhảy nhiều như bạn mới làm được, thì những người có thân hình hơi béo, hoặc cả đời chưa nhảy nhót bao giờ làm sao dám ra tập múa cùng bạn ấy được. Có tinh thần muốn làm, và dám nghĩ rằng mọi người đều có thể múa đẹp đã giúp mọi người vượt qua trở ngại. Bạn ấy hiện hữu với cả công ty tôi và những người đã tập chung cùng bạn.
Tôi có một cô bạn, cô nàng này là designer, chồng cô ấy mê xăm hình, nhưng ở Huế không dễ kinh doanh nghề này. Tôi bảo cô ấy đem chồng vào SG, hai vợ chồng đã vào SG và sau tám tháng họ đã trở lại Huế để lập nghiệp với nghề ở Huế. Họ dám làm điều khác biệt, và với niềm tin vào năng lực và niềm đam mê của mình, họ đang thực sự sống, thực sự hiện hữu.
Ngày đầu tiên tôi viết blog, bản thân tôi thấy văn tôi viết dở ẹt, và cũng chả ai đọc, nhưng viết nó là một nhu cầu tự thân vì muốn chia sẻ suy nghĩ của mình với thế giới bên ngoài. Tôi muốn những gì tôi nghĩ, những kinh nghiệm tôi thu lượm được sẽ hữu ích đối với người khác. Nói cách khác, tôi muốn tạo ra sự ảnh hưởng đến mọi người (theo nghĩa tích cực). Và giờ tôi có một blog tạm ổn, có người theo dõi và có những người chọn tôi làm niềm cảm hứng cho họ, dù tôi cũng chả thành công lắm đâu.
Ngày xưa tôi thích chụp hình để lưu giữ ký ức, nhưng tôi chụp xấu lắm, vợ và thành viên các group trên facebook cứ chê hoài, nghĩ kỹ thì thời điểm đó tôi chụp ảnh xấu thực, nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Tốn hai năm liên tục học kỹ thuật chụp ảnh, đọc blog, nhìn ảnh đẹp người khác chụp, kỹ năng chụp ảnh của tôi ngày một khá hơn và giờ tôi luôn chụp ảnh vì với tôi đó là một quá trình sáng tạo, giúp tôi tạo ra được sản phẩm và có thể chia sẻ với mọi người. Khi thực hiện quá trình sáng tạo đó, tôi cảm thấy mình thực sự đủ đầy. Và giờ, tôi luôn giữ được ký ức cho mình và chia sẻ thế giới mà tôi thấy cho mọi người. Nếu tôi ngừng việc chụp ảnh từ ngày mới bắt đầu do những lời chê, thì hôm nay tôi không có ảnh đẹp để chia sẻ cùng mọi người và quan trọng hơn, tôi không có được niềm vui với nhiếp ảnh như bây giờ.
Tôi có cậu bạn mong muốn tạo ra công ty nhỏ có khả năng phát hành sản phẩm cho cả thế giới, và cậu ấy đã bước đầu thành công khi làm được những phần mềm mà cả thế giới sử dụng. Vấn đề là, cái ngày bạn ấy mới có ý tưởng đó, nếu bạn ấy không dám nghĩ tiếp, không dám làm tiếp thì có thể bạn ấy sẽ không có thành quả như bây giờ.
Để có thể nghĩ ra được những thứ khác biệt, bạn cần phải xóa bỏ những ràng buộc, những rào cản khiến bạn trở nên yếu đuối và bất lực, kiểu như, để làm được chuyện này cần phải có nhiều tiền, hoặc mình muốn làm nhưng gia đình mình không muốn. Trước tiên bạn phải nghĩ mình là người tự do trong suy nghĩ, lúc đó bạn mới đủ dũng cảm để nghĩ đều mà thường bạn không dám nghĩ.
Tiếp theo đó bạn cần nhận thức được rằng, ý tưởng nếu không được thực hiện thì cũng chỉ là lý thuyết suông, bạn cần phái thực hiện điều bạn muốn làm. Trước tiên bạn phải thử, có thử mới biết rằng mình thực sự có thích làm điều đó hay không. Nhờ thích thú, bạn sẽ liên tục thực hiện, quá trình thực hiện sẽ giúp bạn hình thành kỹ năng. Khi bạn làm việc với kỹ năng cao và với niềm yêu thích dạt dào bạn sẽ đạt tới trạng thái đam mê. Và lúc đó đam mê sẽ là dộng lực giúp bạn vượt qua mọi khó khăn. Nhưng trước khi có đam mê, bạn cần phải đi một quãng đường khá dài.
Khi bạn dám nghĩ, dám làm, có mơ ước, có đam mê, bạn mới thực sự cảm thấy mình hiện hữu. Cảm giác mình thực sự hiện hữu còn quan trọng hơn cả việc bạn được thừa nhận sự hiện hữu bởi người khác.
Để hiện hữu, trước tiên bạn phải dám nghĩ dám làm!
Sài Gòn, ngày 28 tháng 10 năm 2019