Thế giới đa dạng với nhiều con người với nền tảng giáo dục khác nhau và sẽ có cách hành xử khác nhau đối với mọi người. Nhiều lúc những người xuất thân nghèo khó nhưng ứng xử rất hòa ái, có những người sinh ra trong hoàn cảnh giàu có nhưng văn hóa thấp lại thích đe nẹt và xúc phạm người khác, câu chuyện cũng có thể xảy ra theo lối ngược lại. Tuy nhiên, chúng ta không thể mong chờ một mai cả thế giới thay đổi, ai cũng đối xử nhẹ nhàng với nhau, không ai dùng lời nói để xúc phạm nhau, bởi đó là điều không thể. Nếu bạn không thể mong chờ thay đổi, bạn phải tự thay đổi để giảm thiểu những tổn thương mà người khác có thể mang lại cho bạn mà thôi.
Trong một bài viết trước đây, tôi có nói về quyền lựa chọn của con người, bạn có quyền chọn bị xúc phạm bởi người khác hoặc phớt lờ lời nói của người ta. Nhưng làm sao để trái tim nhạy cảm dễ tổn thương của bạn không bị tổn thương bởi những lời lẽ khó nghe và cay nghiệt? Làm sao để khi bạn bị xúc phạm về hình thể của bạn, bạn có thể vượt qua được một cách dễ dàng? Làm sao để bạn không bị một kẻ tỏ ra dữ tợn làm cho bạn trở nên sợ hãi? Làm sao để những kẻ thủ đoạn không làm cho bạn phải cảm thấy tổn thương khi người ta giở trò với bạn?
Đầu tiên, bạn phải chấp nhận một thế giới không hoàn toàn tốt đẹp và không phải ai cũng sẽ tốt đẹp với bạn. Đừng nghĩ là bạn tốt với mọi người thì mọi người sẽ đối xử tốt lại với bạn, bởi thế giới đầy rẫy những kẻ ích kỷ, kiêu ngạo, dốt nát, thủ đoạn và xấu xa. Nghe có vẻ buồn, nhưng đó là sự thật. Bạn không thể trông chờ mọi người đều phải tốt với bạn trong mọi lúc mọi nơi, bởi họ không thể làm vậy kể cả đối với những người tốt bụng nhất, bởi bản thân họ cũng trải qua những cảm xúc trái chiều như chính bạn, họ có thể đang giận dữ, hạnh phúc, có thể đồng cảm, hoặc vô cảm, tự ti, hoặc tự tin, họ cũng không thể kiểm soát hoàn toàn cảm xúc của bạn. Nếu cứ mong chờ mọi người tốt với bạn, bạn sẽ thất vọng, cảm thấy bị tổn thương mà thôi. Chỉ cần bước ra đường và gặp mười người, mười người đó sẽ có cách nhìn khác nhau về bạn rồi, sẽ có người thích bạn, sẽ có người nghĩ rằng bạn kênh kiệu chỉ vì bạn ít cười. Chấp nhận thế giới đa sắc màu, và bạn hãy tạo ra lằn ranh, và không chấp nhận dành thời gian cho những người không xứng đáng, bạn có quyền chọn ít tương tác với những người không tôn trọng bạn. Và đồng thời, bạn cần cảm thông với mọi người, rằng họ cũng có những mặt tối của họ (như bạn vậy) và họ cũng có những thời khắc khó khăn, nhưng lúc tâm trạng họ không tốt, và khi họ nói những lời không tốt hay những hành động không hay, bạn sẽ tha thứ và bỏ qua cho họ, đồng thời thương tổn của bạn sẽ ít hơn. Bởi bạn từng có những lúc ích kỷ, mọi người cũng thế thôi.
Thứ hai, bạn cần chấp nhận sự thật và từ chối những lập luận không xác đáng. Ví dụ, tôi là một người rất béo, cách đây hai tháng tôi nặng đến 93kg (giờ tôi đã giảm được hơn chục kg), rất nhiều người có thói quen kêu tên tôi đi kèm với từ đặc tả hình thể của tôi, ví dụ như Dũng béo, Tumi mũm mỉm, anh mập, a Béo, hoặc họ còn nói “sao anh béo thế”, “anh mập quá, đi nổi không?”, may mắn là tôi luôn chấp nhận sự thật là tôi béo, thế nên, khi người ta bảo “béo quá đi”, tôi trả lời “béo là thương hiệu mà” và cười thôi. Chấp nhận sự thật, giúp cho chúng ta giảm bớt tổn thương. Nếu bạn béo, và người ta cứ giày xéo sự béo của bạn, và bạn để bụng thì bạn sẽ khốn khổ và mệt mỏi. Thế nên nếu họ chê bạn béo, nếu bạn béo thật thì thây kệ, họ nói đúng mà, vì bạn béo – họ sẽ chẳng nói là bạn gầy được, vì bạn lùn – họ chẳng thể nói bạn cao được. Còn nếu họ nói những điều không xác đáng thì sao? Chẳng hạn nếu bạn tốt bụng, họ lại bảo bạn xấu xa; hoặc nếu bạn trung thực, họ bảo bạn gian dối, những đều không xác đáng ấy chẳng lẽ lại là thứ khiến bạn phải để tâm ư? Vì sao bạn phải thấy khốn khổ khi người ta nói điều không đúng về mình? Vì sao bạn lại cho người khác có quyền phán xét bạn?
Thứ ba, bạn cần phải bớt đề cao cái tôi của bạn, bởi bị sỉ nhục một chút đâu có làm bạn chết đâu, sao bạn lại coi việc bị xúc phạm còn quan trọng hơn cả mạng sống. Có những câu chuyện chúng ta nghe đến quen, ví dụ như, một cậu chàng đi với người yêu, thấy người ta nhìn vào mình, thế là cậu ta nghĩ người ta đang “nhìn đểu”, nóng máu, cậu ta đến gây sự với anh chàng kia, hậu quả là đánh nhau bể đầu chảy máu, nếu xui hơn sẽ có án mạng. Vì sao cái tôi của cậu ấy to như vậy? Chẳng thế mà trong Kinh Thánh, chúa Gie Su có dạy mọi người đừng chống trả kẻ ác “Các con có nghe nói, ‘Mắt đền mắt, răng đền răng.’ Nhưng ta bảo các con: Đừng chống trả kẻ ác. Nếu ai tát má bên mặt, đưa luôn má bên trái cho họ. Nếu ai kiện các con ở tòa để lấy áo trong, hãy cho họ lấy luôn áo ngoài. Nếu ai ép các con đi một dặm với họ, đi luôn hai dặm. Ai xin gì thì hãy cho họ. Ai muốn mượn gì thì đừng từ chối.”, vì sao ngài dạy con dân của ngài như vậy, bởi khi bạn thấy bị xúc phạm, cái tôi của bạn sẽ bị tổn thương, và khi bạn thấy tổn thương, bạn sẽ thất vọng với cả thế giới. Bạn có thể tự hỏi chính bạn: tại sao bạn lại bị xúc phạm? Nếu nó vì một điều đã xảy ra trong quá khứ, tại sao lại cảm thấy khốn khổ vì điều đã qua? Bạn nên nhìn vào chính bạn và tìm hiểu tại sao mình lại bị tổn thương bởi yếu tố bên ngoài, và bạn cần làm cho tâm trí của bạn trở nên mạnh mẽ và có sức đề kháng tốt hơn. Sự nhạy cảm quá mức dẫn tới cảm giác bị tổn thương thường xuyên chính là dấu hiệu cho thấy khả năng kiểm soát cảm xúc của bạn chưa được tốt. Người ta nói gì là chuyện của người ta, chọn nghe hay không là quyền của bạn, trên thực tế, bạn nên tìm cách kiểm soát những gì bạn có thể kiểm soát hơn là đi kiểm soát những thứ bạn không đủ thực lực để kiếm soát. Thay đổi chính bản thân bạn còn khó, huống chi là thay đổi người khác. Hãy tìm hiểu tại sao bạn bị tổn thương và phân tích và tìm ra ngọn nguồn, khi biết được lý do, bạn sẽ giải tỏa được phần nào tâm lý của mình, và có thể bạn sẽ cảm thông cho đối phương và dần tìm được cách thức để giúp cho bản thân vượt qua những sang chấn tương tự.
Từ lâu, tôi đã chấp nhận mọi người không hoàn hảo, rằng tôi sẽ bị tổn thương bởi cả thế giới, và việc của tôi phải tự làm cho mình mạnh lên, có khả năng tự mình vượt qua mọi sự khó khăn đó hơn là đổ lỗi cho người khác. Nếu tôi gục ngã bởi người khác, đó là lỗi của chính tôi. Nếu lời nói của khác làm tôi tổn thương sâu sắc, đó là bởi tôi chưa đủ mạnh mẽ để bỏ qua mọi lời châm chích. Phải luyện tập khả năng hồi phục nhanh sau mọi sự thương tổn gây nên bởi các tác nhân bên ngoài. Khi tôi nghe một lời xúc phạm, tôi sẽ rất đau và rất giận, nhưng chỉ cần một thời gian cực ngắn, tôi có thể đứng dậy cười xòa và trở lại bình thường. Càng nhanh phục hồi, tôi càng bớt khổ đau, bớt thương tổn.
Để có sức khỏe về mặt tinh thần, bạn cũng phải luyện tập y như việc tập thể dục để duy trì sức khỏe thể lực vậy.
Năng luyện tập bạn sẽ có sức khỏe tinh thần tốt để vượt qua mọi nỗi đâu!
Ngày 21 tháng 12 năm 2019