Tạo dựng thói quen tốt bằng cách ứng dụng Kinh tế học hành vi

“Dũng ơi, giảm cân đi em, em mập quá là bệnh đó em, gan nhiễm mỡ nè, rồi nặng quá sẽ gây thoái hóa khớp,  chưa kể gan nhiễm mỡ nhiều quá cũng dễ dẫn đến bệnh khác lắm. Lo cho sức khỏe đi em!”

Tôi nghe những lời khuyên đó đến hàng trăm lần, nhưng tôi vẫn chưa bao giờ thay đổi để cho mình bớt béo đi (cho đến cách đây hai tháng). Trên thực tế, tôi là một người khá thông minh (tôi nghĩ vậy), nên tôi biết tất cả những điều người khác nói với tôi về tác hại của béo phì cấp độ bốn, nhưng tôi vẫn không thay đổi tập tính sinh hoạt của mình. Như vậy, rõ ràng chuyện có sự hiểu biết không hẳn đã giúp chúng ta thay đổi hành vi. Thậm chí khi nghe những câu “Ngày xưa anh đẹp trai vậy mà giờ béo quá” cũng chả làm tôi có chút mủi lòng mà nghĩ đến chuyện làm sao cho bớt béo đi, tôi còn thấy cái vẻ đẹp trai cũng đâm ra thừa thãi với tôi nữa cơ.

Bạn thử nghĩ xem, tôi được huấn luyện để ăn nhiều và ăn thật no từ nhỏ. Những kẻ như tôi, từ nhỏ vốn ham ăn vì thức ăn không có nhiều chất đạm, đã không ăn thì thôi, ăn thì phải hết đồ ăn trong bàn. Lúc nhỏ, ba tôi luôn chia phần cơm và đồ ăn còn thừa trên bàn lại làm hai phần, và cả tôi và ông đều phải ăn cho hết kẻo bỏ phí bữa ăn. Ba tôi vẫn luôn ốm gọn và đẹp trai, nhưng tôi có gene của mẹ tôi, nên càng về sau tôi càng béo dần đều lên, cho đến ngày tôi đạt đến số cân là 94kg với chiều cao vô cùng khiêm tốn là 1m68. Nhưng tôi đã quen ăn nhiều tinh bột, khi ăn là phải no, nếu không ăn tôi sẽ cảm giác đói đến bủn rủn tay chân. Trong khi đó tôi không dành thời gian cho tập gym hay tập thể dục, tôi thích ngồi đồng bên máy tính hơn.

Bạn có giống như tôi? Không thể thay đổi thói quen xấu, dù hiểu rằng hậu quả nó mang lại rất lớn và nguy hiểm. Cả tôi và bạn đều không có vấn đề về mặt nhận thức, chúng ta có vấn đề về mặt hành vi.

Ngoài ham ăn, tôi còn nghiện mua sắm thiết bị nhiếp ảnh. Tôi mê máy ảnh từ nhỏ đến to, mua loại này tôi lại cảm thấy thiếu và lại mua thứ khác. Sắm ống kính zoom vì sự tiện lợi, nhưng sau đó lại cần ống kính một tiêu cự khẩu lớn. Máy to ống kính lớn thì chụp ảnh đẹp, nhưng sau đó lại muốn có máy nhỏ để giảm kích thước, để đi lại gọn nhẹ hơn. Có một máy ảnh thì phải thay ống kính thường xuyên nên tôi mua nhiều máy ảnh để khỏi phải thay ống kính. Có ba cái máy ảnh rồi, nhưng khi đi làm, rút máy ảnh ra rất bất tiện, nên phải có chiếc máy ảnh compact đút túi quần để rút ra thật nhanh. Nói chung, tôi luôn nghĩ ra được lý do để mình mua thêm máy ảnh và thiết bị ảnh. Nếu tiền là vô biên, một tỷ đồng là đủ cho tôi sắm đủ các loại máy ảnh tôi cần, nhưng lúc đó có lẽ tôi sẽ nghĩ đến những nhu cầu khác, và sẽ bỏ hầu bao ra mua tiếp những thứ khác. Bởi cuộc sống mà, nhu cầu của chúng ta luôn leo thang cùng thu nhập.

Nền kinh tế học hành vi đã phát hiện ra con người tiêu dùng thường mua sắm theo cảm xúc chứ không mua sắm một cách có khoa học. Người ta sẵn sàng mua cả chục túi xách hàng hiệu, dù chỉ cần một túi xách là đủ. Người ta sẵn sàng bỏ tiền mua cả một hộc tủ trang sức, trong khi mỗi lần ra đường chỉ đeo mỗi một đôi bông tai và một sợi dây chuyền mà thôi. Khi buồn, người ta nghĩ đến mua sắm, khi vui người ta cũng nghĩ đến việc mua sắm, vì khi mua được một vật gì đó có giá trị, nó giống như là một phần thưởng giúp người mua cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn. Và điều khốn khổ là, những nhà kinh tế học hành vi họ biết rằng con người mua sắm theo một số tập quán nhất định và chúng toàn toàn có thể đoán được, thế nên, chúng ta bị dẫn dắt như những đàn cừu bị xoáy vào cuộc đua mua sắm không có hồi kết. Dân phương Tây gọi cuộc đua đó là “Rat race”, là vòng xoáy của những con chuột trong phòng thí nghiệm, chạy theo phần thưởng được treo ở cuối mê cung để làm tất cả những gì nhà khoa học cần. Loài người chúng ta tưởng như khó hiểu và khó đoán định, nhưng trên thực tế, tập quán của chúng ta đã bị đoán định và thậm chí chúng ta bị người khác tạo lập cho chúng ta hành vi mới khiến cho chúng ta trở nên ngốc nghếch và dễ bị dụ đến đáng thương.

Bạn sẽ bị quảng cáo đập vào mắt những món ăn ngon giòn, vàng rụm, thơm phức. Bạn sẽ cảm thấy nỗi sợ hãi bị lỡ bước (FOMO – Fear of missing out) vì không được tận hưởng những thứ mà người khác đang tận hưởng. Tôi nhớ hàng dài con người sắp hàng chỉ đợi được bóc tem ly café của quán café Starbucks đầu tiền của Việt Nam, ai cũng check-in để khoe chiếc ly giấy Starbucks đầu tiên họ được uống trong mấy tháng trời từ ngày đầu khai trương. Ai cũng khoe mình uống trà Phúc Long, sữa tươi trân châu đường đen của The Alleys, hay chiếc áo mới mua từ việc sắp hàng cả buổi trời của đại lý chính thức đầu tiên của Zara xuất hiện ở thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng ta phần lớn đều bỏ tiền ra mua tấm vé số Vietlot dù biết rằng xác suất để trúng được giải độc đắc gần như bằng không. Nhưng logic không có ý nghĩa gì, bởi chúng ta sẽ vô cùng tiếc nuối nếu ai đó không phải là chính mình trúng giải thưởng một trăm tỷ đồng. Hội chứng FOMO có khả năng khiến bạn thành con nghiện mua sắm trung thành mà không cần phải cử ai tới van nài bạn đi mua sắm cả, bạn sẽ tự nguyện thôi.

Hẳn bạn biết đến đôi giày thần thánh xuất hiện trong clip ca nhạc có tên Lạc Trôi của Sơn Tùng, đó là đôi giày Bitis Hunter mà Sơn Tùng đã mang trong clip. Vài triệu fan của Sơn Tùng sôi sục với chiếc giày kỳ lạ xuất hiện một cách kệch cỡm trong clip cổ trang, và nó trở thành hiệu ứng cực nóng đến độ đi ra đường đâu đâu cũng thấy người mang Bitis Hunter, dù những phiên bản giày đầu tiên nóng và làm ra mồi hôi chân, nhưng chả mấy ai thấy phiền cả, bởi “Sếp” đã mang đôi giày đó. Đó chính là chương trình marketing thành công bậc nhất của Bitis và chiếm lĩnh luôn phân khúc giày thể thao giá mềm. Ngày xưa Bitis có slogan cực chất “Nâng niu bàn chân Việt”, nhưng slogan đó không có sức lan tỏa kinh khủng như việc Sơn Tùng mang đôi giày Bitis Hunter. Sơn Tùng chính là một gương mặt tiêu biểu cho cái gọi là KOL (Key Opinion Leaders), những người định ra xu hướng cho người tiêu dùng. Sơn Tùng là thần tượng cho thế hệ trẻ, và nếu bạn thần tượng ai đó, bạn sẽ để ý đến mọi hành vi của người đó, hay vật dụng mà người đó dùng, bạn sẽ có xu hướng bắt chước thần tượng.

Bạn có nhớ đến Tết, tới ngày tết ai cũng mang đồ đẹp, nữ giới sẽ sắm cho mình một bộ áo dài truyền thống để chụp hình. Dù bộ áo dài giá mềm cũng cỡ năm trăm ngàn, nhưng các bạn nữ vẫn may áo dài dù chỉ mang đúng vào ngày mùng một và sau đó cất hẳn không bao giờ dùng nữa. Thứ nhất đó là phong tục, nếu làm trái phong tục, nếu không mang chiếc áo dài vào ngày Tết thì thật là kì cục, thứ hai là vì đẹp, nhưng liệu nó có xứng đáng để bỏ ra năm trăm ngàn cho một lần mặc, hay là có thể đi thuê để mặc và chụp hình, thì mọi người sẽ có xu hướng đi đặt áo dài may đo cho chính mình hơn.

Nếu đã từng xài điện thoại Nokia cục gạch với giá tầm ba triệu một chiếc, bạn sẽ không tưởng tượng được tại sao bạn lại sử dụng những chiếc điện thoại có giá lên đến ba mươi triệu vào năm 2020. Bạn có thể trình bày vô vàn lý do về việc tại sao bạn mua chiếc điện thoại ba mươi triệu, và việc bạn thao thao bất tuyệt đó chính là thành công của nhà sản xuất vì họ đã giúp bạn hình thành nhu cầu xài sản phẩm xa xỉ, những thứ mà bạn cảm thấy cần nhưng nó không phải là thứ tối cần thiết cho bạn để tồn tại, nhưng bạn vẫn bỏ ra một số tiền rất lớn để mua chúng.

Tất cả những thói quen mua sắm của con người đều được nghiên cứu bởi ngành Kinh tế học hành vi (hay có thể gọi là nghiên cứu tâm lý trong hoạt động mua sắm của con người). Chúng ta sẽ khó lòng thoát khỏi được những chiêu bài marketing thượng thừa của nhà sản xuất sản phẩm. Nhưng tạm quên về việc mua sắm, liệu chúng ta có thể xây dựng thói quen tốt bằng cách ứng dụng những nghiên cứu từ ngành kinh tế học hành vi không?

Tôi đã giảm được 12kg trong hai tháng chỉ nhớ thay đổi thói quen bằng cách ăn cực ít vào ban ngày, chỉ đảm bảo để không bị cào ruột, và tôi chỉ mong chờ đến buổi ăn cuối cùng trong ngày. Cả một ngày làm việc hăng say được trả phần thưởng bằng một buổi ăn ngon vào buối tối đã giúp cho tôi tỉnh táo suốt ngày làm việc và ăn chỉ vừa đủ vào buổi tối. Việc tự mình cho mình phần thưởng (ăn ngon) vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày khiến tôi béo phì và năng suất giảm, bởi trong túi của tôi luôn có tiền, nên tôi có thể ăn bất cứ khi nào cảm thấy đói. Còn giờ đây, tôi chỉ nghĩ đến phần thưởng vào cuối ngày, được về nhà và ăn buổi ăn thật ngon với gia đình. Nhưng đến khi ăn tối, tôi lại nghĩ đến việc mình cần phải viết được một bài viết và chia sẻ lên mạng xã hội vào lúc nữa đêm, nếu tôi ăn quá no, tôi sẽ ngủ mất, thế nên tôi chỉ ăn đủ no, thưởng cho mình một giấc ngủ ngắn (30 phút) sau bữa ăn, và sau đó tôi thức dậy và làm việc đến một giờ sáng mà hoàn toàn không buồn ngủ. Sau khi đăng bài viết xong, tôi mới tự thưởng cho mình những phút xem video trên youtube một cách thoải mái, và trước khi đi ngủ tôi đọc thêm khoảng 15 phút tiểu thuyết.

Việc tôi làm ở trên là ứng dụng các nguyên tắc về tâm lý học để giúp tôi làm được những việc quan trọng và tôi cần để có được phần thưởng ở sau cùng như cách các nhà kinh tế học hành vi thử nghiệm trên chuột bằng cách cho thức ăn mỗi khi chuột đi qua mê cung và nhấn chân vào một nút nhấn. Hành động của chuột được thưởng sau khi thực hiện hành vi, và hành vi được kích hoạt bởi một tín hiệu như chuông báo. Còn với tôi, tín hiệu để tôi bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả là thức dậy vào đúng sau bốn tiếng rưỡi ngủ (tôi đã sử dụng báo thức trong hai đến ba năm cho đến khi tôi ngủ đúng bốn tiếng rưỡi hoặc năm tiếng thì tự động thức dậy).

Tôi đã bắt đầu giảm cân khi có một cơn shock tâm lý khiến tôi mất cảm giác muốn ăn trong vòng hai tuần và tôi giảm liền 3kg, sau đó khi cơ thể quay trở lại bình thường, tôi phát hiện ra cảm giác đói nó cũng giống với cái khao khát chiến thắng, hoặc mong muốn mua sắm một thứ gì đó. Tại sao tôi lại không sử dụng cái cảm giác khao khát này để làm việc mình thích, và tự thưởng cho mình một buổi ăn ngon vào cuối ngày sau khi mình đã làm mọi việc cần làm. Kết quả là tôi đã thay đổi hoàn toàn thói quen của mình, đi làm đúng giờ, làm việc hiệu quả, đến tối tôi luôn viết từ một đến hai bài viết mỗi ngày, sau hai tháng, tôi viết được 80 bài viết, bằng 1/3 tổng số bài viết tôi viết trên trang blog của mình trong vòng mười năm (WOW!!!!). Mỗi ngày tôi vẫn được ăn ngon, và ăn đủ no, nhưng vẫn giảm cân, và làm được biết bao nhiêu là việc.

Sau đó để thay đổi hành vi mua sắm, cứ mỗi khi nhận lương, tôi chuyển hết khoản tiền dư dôi vào tài khoản tiết kiệm, và tôi bỏ thẻ tín dụng ở nhà, thế là tôi bớt hẳn đi hành vi mua sắm, bởi nếu tôi có thể ra quyết định mua một thứ cỡ vài chục triệu một cách dễ dàng, tôi sẽ tiêu ngay mà không suy nghĩ. Thay vào đó, tôi tự thưởng cho mình phần thưởng mỗi ngày bằng cách dành hai mươi phút mỗi ngày cho việc chụp ảnh và post hình đẹp lên trang web của mình. Khi nào thèm thiết bị quá, tôi sẽ đi mượn bạn bè, dùng một hai buổi, sau đó trả lại cho bạn, và tôi bớt được hẳn việc mua sắm và vẫn có nhiều ảnh đẹp. Người ta thưởng sợ mất khoản tiền lớn, hơn là sợ mất những khoản thu nhập nhỏ, đó là lý do tại sao doanh nghiệp thường có gói retention bonus (một gói tiền thưởng treo sẵn để giữ chân người làm trong vài năm cho đến ngày nhận tiện), và dù số tiền đó không lớn bằng việc bạn chuyển việc và nhận lương chênh lệch cao hơn trong hai năm, bạn vẫn có xu hướng ở lại để nhận retention bonus hơn. Nó cũng giống với việc tôi đẩy tiền của mình vào tài khoản tiết kiệm, thậm chí mượn tiền để nhét vào đó cho nó lớn lên, và sau đó không dám rút ra để mua sắm nữa.

Để giảm mua sắm, mỗi ngày tôi đều đi kiếm bài viết về việc chụp hình đẹp với các thiết bị sẵn có, đọc bài đánh giá về các thiết bị mình sở hữu của các KOLs (chứ không đọc bài review về các thiết bị mình không có) sau đó ngồi chiêm ngưỡng nhức bức hình đẹp mà mình chụp, và cảm kích vì mình đã có những thiết bị tốt đến nhường nào. Và rằng mình vẫn chưa xài hết công năng của nó, bởi những nhiếp ảnh gia mà tôi cảm kích chụp được những bức hình tuyệt vời cũng bằng thiết bị tương tự.

Tiếp theo đó, để sống đơn giản và tiện gọn, tôi cho hoặc bán hết những đồ vật không quá cần thiết và đặt ra luật, là nếu tôi muốn mua một đồ vật gì đó, tôi sẽ đợi năm ngày trước khi mua nó, trong thời gian đó, tôi suy nghĩ xem thực sự mình có muốn mua hay không. Nếu không thực sự cần thiết, sau năm ngày, cái cơn mê mua sắm đã giảm dần, tôi không cần phải mua nữa. Nhờ có ít đồ vật hơn, tôi đỡ phải chọn lựa hơn, và chỉ cần xách túi xách chứa thứ mình cần cho những mục đích khác nhau, và tôi không phải suy nghĩ nhiều nữa mỗi khi bước ra đường.

Một điểm thay đổi quan trọng nữa, đó là tôi không đổ lỗi cho các lý do bên ngoài nữa, ví dụ như, tôi béo là do tôi thiếu kỷ luật chứ không phải do stressed, hay do vợ nấu đồ ăn quá ngon. Tôi làm việc chưa hiệu quả là vì tôi chưa thực sự cố gắng chứ không phải vì công việc nhàm chán. Và tôi áp dụng trải nghiệm 21 ngày để xây dựng thói quen tốt, ví dụ như, từ việc uống 5-6 lý café mỗi ngày, tôi đã tập được thói quen chỉ uống 1-2 ly café bằng cách bỏ hẳn café trong 21 ngày liên tục, sau đó cho phép mình quay trở lại với café nhưng chỉ uống từ một đến hai ly mỗi ngày.

Tôi áp dụng luật “1 ngày một tuần” đó là trong quá trình giảm cân, tôi sẽ cho phép mình được phá luật trong đúng một ngày của một tuần và sau đó phải quay trở lại với luật lệ của mình. Trong hai tháng giảm cân, tôi vẫn ăn nhiều buổi rất ngon, bảy lần ăn buffet, sáu lần đi ăn cùng với nhóm ở công ty nhưng tôi không hề bị béo lên, bởi ngay sau khi phá luật tôi lại quay trở lại với những quy tắc do mình đặt ra.

Tôi còn đặt ra cho mình một quy luật khá thú vị, đó là tôi chỉ ăn ngon vào ban ngày mỗi khi tôi mời bạn bè của tôi đi ăn, do tôi không có nhiều tiền, nên chuyện tôi ăn ngon liên tục là không thể, và khi mời tôi phải mời từ năm người trở lên. Trong hai tháng, tôi có 6 buổi ăn ngon vào ban ngày, và sáu buổi đó là tôi mời nhóm đồng nghiệp của mình. Dù tôi tốn tiền, nhưng tôi đạt được hai mục đích, thứ nhất là tăng sự kết nối, thứ hai là tôi không thể ăn ngon và no vô tội vạ được.

Mọi thói quen đều có thể thay đổi được nếu chúng ta thực sự có niềm tin và thấu hiểu được thói quen tâm lý của chính mình. Chịu khó quan sát và học tập, bạn sẽ thay đổi được bản thân mà không phải cố gắng quá nhiều.

Bạn hãy cùng xem bức hình dưới đây về số bài viết tôi viết từ ngày 26 tháng 10 năm 2019, bạn sẽ hiểu tôi thiết lập thói quen mới thành công như thế nào. Tôi đã viết được số bài viết bằng một nhóm copy writers viết đấy bạn ạ, chỉ bằng hai tiếng đồng hồ mỗi đêm thôi. Tám mươi lăm bài viết trong gần hai tháng rưỡi với 1300 từ mỗi bài viết, thật ấn tượng đúng không. (Nếu bạn để ý, thì tôi có tầm hai tuần ngừng viết, lý do là tôi phải họp nguyên ngày liên tục trong hai tuần, nên tôi phải ngừng viết để giữ sức khỏe cho các cuộc họp).

Capture

Nếu tôi làm được, bạn cũng sẽ làm được (bởi tôi đã là một kẻ lười chảy thây và béo ị, giờ tôi không còn như vậy nữa chỉ trong hai tháng). Tôi đã ứng dụng tâm lý học và kinh tế học hành vi vào việc thay đổi bản thân, nếu bạn cần thay đổi thói quen của mình, hy vọng bạn đã tìm được vài gợi ý tốt trong bài viết này.

Sài Gòn, ngày 10 tháng 01 năm 2020.