Tôi thường đi Grab vào cuối tuần, vì MK – con trai của tôi còn nghịch quá, tôi không thể nào chở bằng xe máy được. Cứ mỗi lần đi Grab, tôi lại được nghe những câu chuyện thú vị từ các bài tài xế. Sáng chủ nhật hôm qua, lúc đã cận kề Tết, giá Grab tăng lên khá cao nhưng tôi không có sự lựa chọn khác nên vẫn gọi một chiếc Grab bốn chỗ đi từ Gò Vấp lên bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, và thật bất ngờ khi chiếc xe đến đón tôi là một chiếc xê hộp năm chỗ cao cầu màu đỏ rất đẹp và tài xế là một bác tuổi cỡ ba tôi giọng Huế khá rõ, nói chuyện rất điềm đạm dễ thương.
Bác ấy có tên là T (gọi tắt thế thôi, chứ không đúng tên đâu). Tôi khen chiếc xe bác ấy đẹp quá và tôi hỏi thử xem giá của chiếc xe năm chỗ ấy cỡ bao nhiêu, bác T cho biết giá cỡ 1.2 tỷ. Đi xe năm chỗ giá 1.2 tỷ để đi Grab, tôi gặp chưa nhiều. Vì là người Huế với nhau nên chúng tôi cũng khá cởi mở, tôi có kể cho bác nghe về câu chuyện của tôi, về sự thăng trầm của mình, bác ấy cũng khá ngạc nhiên và bảo tôi thế mà lại phải gánh nặng trên hai vai, cũng vất vả, nhưng miễn là mình thấy ổn, vẫn không sao.
Tôi cũng đoán là bác ấy không thường xuyên chạy Grab, bởi bác ấy không rành đường lắm, bác cũng xác nhận chuyện đó. Sau một hồi trò chuyện, tô mới biết bác ấy thực sự rất khá giả nếu không nói là giàu, bác ấy có một của hàng ăn ở quận 1, mỗi tháng kiếm được từ 700 triệu đến 1 tỷ, thế mà bác ấy lại chạy Grab, có thể bác muốn quen với bạn mới chăng? Bác có hai con, một người đang du học ở Úc, người kia đã lấy chồng và có con đã tương đối lớn. Bác bảo với tôi, ngày xưa bác nghèo mà hạnh phúc con ạ, giờ bác cái gì cũng có, nhưng hạnh phúc thì thiếu thốn lắm, vợ bác ấy bỏ bác ấy vì bác ấy trăng hoa, nhưng theo lời bác ấy thì đó chỉ là trò vui, còn bác không bao giờ bỏ vợ của mình, “nhưng cô làm lớn chuyện quá, đòi ly dị. Giờ cô đã lấy chồng mới rồi!”. Bác trầm ngâm bảo, thực ra giàu có thì cũng sướng thật, nhưng nghĩ lại lúc nghèo, mình hạnh phúc hơn nhiều.
Năm 94, bác đi buồn trầm mà vỡ nợ ở Huế, mắc nợ 70 triệu đồng (bằng vài trăm triệu bây giờ), nên đã chạy vào Sài Gòn để trốn nợ và làm lại từ đầu. Bác chỉ có hai bàn tay trắng mà gầy dựng tất cả. Đem con đi ăn hủ tiếu hay phở, bác chỉ dám ăn phần dư của hai con gái bỏ lại mà thôi, chứ không dám mua một tô cho mình mà ăn.
“Ngày ấy đói lắm con ạ, nhưng nghĩ lại thấy hạnh phúc, vợ chồng đồng lòng mà làm, mới có cơ ngơi bây giờ, nhưng giờ lại không còn vợ rồi, mà giờ bác chả dám cưới ai, yêu thì có yêu, nhưng cưới thì không cưới, bởi đâu biết người ta yêu mình hay yêu tiền của mình. Bác chịu không đoán ra được.”
Mà quá đúng là vậy thật, người dám cưới mình khi mình có khổ cực mới là người dám đồng cam cộng khổ với mình. Còn khi mình giàu có, người ta đã có sẵn kỳ vọng rằng mình sẽ như vậy luôn rồi, ít người chuẩn bị tinh thần cho những ngày khốn khổ nếu có biến cố xảy ra lắm.
Tôi cũng kể cho bác nghe về cái bệnh ham mua sắm thiết bị để giải stress của tôi, và tôi đang dần giải quyết nó như thế nào. Bác làm lại sự nghiệp khi ba mươi tám tuổi, trong tay không có một đồng xu, một vợ và hai con, bác ấy đã cần kiệm để gầy dựng sự nghiệp, có trong tay của ăn của để, mỗi tháng có thể sắm được cả một con xế hộp. Còn giờ, tôi chỉ mới ba mươi bảy tuổi, dù trong tay không có gì nhiều, nhưng tôi vẫn có xuất phát điểm không tệ hơn bác ấy lúc bác ấy ba tám tuổi, nên tất cả chỉ mới là sự bắt đầu cho một chương mới mà thôi. Bài học từ bác tôi cũng đã ghi nhớ. Bác còn bảo tôi “Cuộc sống ấy, không cần có nhiều tiền đâu con, vì nhiều tiền cũng không mang lại hạnh phúc.”
Khi đến bảo tàng thành phố, bác mới bảo nhà bác cách đây năm trăm mét thôi, và tôi hoàn toàn tin vào điều đó. Tôi chúc bác năm mới nhiều may mắn và cảm ơn bác vì chuyến đi và những gì tôi đã học được. Chúng tôi đều lưu lại số của nhau, biết đâu đấy sẽ còn có dịp gặp nhau.
Bạn thấy đấy, cuộc sống luôn có nhiều điều thú vị để ta học hỏi, cho dù chỉ là một chuyến đi trong vòng ba mươi phút. Đến chiều tôi lại được nghe câu chuyện về anh tài xế người Bắc lấy vợ người miền Tây, nhưng tôi sẽ kể trong một bài viết khác.
Chúc bạn đọc một năm mới bình an!
Sài Gòn, ngày 20 tháng 01 năm 2020