Cách vượt qua những lo lắng thường nhật

Trong cuộc sống, chúng ta có vô vàn nỗi lo, bao gồm tiền bạc, công việc, bị bạn bè bỏ rơi, bệnh tật, những điều khiến bạn thất vọng, những lời hứa có thể không thực hiện được.. Chúng ta lo lắng mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đáng ra chúng ta nên tập trung tâm trí để tận hưởng niềm vui có trong hiện tại (như đang đi du lịch, ngồi quây quần với gia đình trong dịp Tết) hoặc tập trung để hoàn thành công việc cần kíp. Không ít người không thể thoát khỏi những lo lắng thường nhật đó, và họ luôn giữ một khuôn mặt đăm chiêu suy nghĩ mọi lúc mọi nơi, và gần như không thể thoát khỏi trạng thái lo lắng bần thần.

Chúng ta hẳn đã nghe bài hát Que Sera (biết ra sao ngày sau), với đoạn điệp khúc:

“Que sera, sera

Whatever will be, will be

The future’s not ours to see

Que sera, sera

What will be, will be”

Trong đoạn điệp khúc, có một câu ngắn đó là “tương lai không phải là của chúng ta, nên chúng ta không thể đoán trước được điều gì” và “điều gì sẽ đến thì chúng sẽ đến thôi”, tức là chúng ta không làm chủ được tương lai và cũng không thể cản trở tương lai. Vì tương lai là bất định, nên nếu chúng ta quá lo lắng về tương lai, chúng ta sẽ bỏ qua hiện tại, và chỉ đắm chìm trong suy nghĩ về những gì chưa tới. Nếu bạn thử làm một phép tính toán xem số lượng thời gian mà bạn dùng để suy nghĩ về những lo lắng có trong bạn, bạn sẽ giật mình vì nó chiếm quá nhiều thời gian, trong khi đó, thay vì bớt lo lắng, bạn có thể hành động để tác động tích cực để tương lai của bạn.

Có một sự thật mà bạn ít nghĩ đến, đó là bạn thường chỉ lo lắng và sợ hãi với những điều bạn đã biết và sợ hãi trong quá khứ, hay nói cách khác, những thứ bạn lo lắng đã từng xảy ra. Một ví dụ khá đơn giản, các đồng nghiệp lớn tuổi của tôi thường lo lắng đến nguy cơ sau này con cái họ sẽ phải chịu cảnh nghèo đói, tuy nhiên, lứa từ tuổi tôi về sau lại ít lo lắng hơn tới một tương lai nghèo đói, và hậu quả là các đồng nghiệp lớn tuổi chi tiêu rất cần kiệm và luôn tích lũy tiền bạc, nhưng dù họ có rất nhiều tiền, và xác suất để họ nghèo đi rất thấp, họ vẫn rất lo lắng về một tương lai nghèo đói, trong khi đó các đồng nghiệp trẻ lại luôn có sự lạc quan hơn và không lo lắng lắm tới nguy cơ đói khát. Sự thật là, những người sinh trước năm tám mươi đều phải trải qua cái nghèo đói thê thảm của thời bao cấp, và nó hằn sâu trong ký ức họ và hình thành nỗi sợ hãi không thể nào vượt qua. Giới trẻ hơn như tôi, không còn nỗi sợ nghèo đói, bởi thời kỳ của chúng tôi sống và nhận thức được đã bắt đầu thời kỳ đổi mới (1986), lúc đó chúng tôi không bị đói nữa.

Bản thân của tôi cũng có một nỗi sợ hãi ghê gớm, đó là sợ bị mọi người bỏ rơi. Nỗi sợ hãi này tôi gặp trong quá khứ, lúc đó tôi học lớp bảy, ham chơi điện tử, trộm tiền bán nước của ba mẹ để mua sách và chơi điện tử, tôi còn bỏ học thêm, thế nên sau khi bị phát hiện ra, tôi cảm nhận được thái độ ghẻ lạnh của ba mẹ và em gái dành cho tôi trong suốt một thời gian khá dài. Lớn lên rồi, tôi mới hiểu đó không phải là vì cha mẹ tôi không thương tôi, nhưng đối với họ, đó là một sự trừng phạt dành cho tôi. Nhưng với tôi, nó đã trở thành một nỗi sợ hãi bị bỏ rơi nằm sẵn trong tiềm thức. Thế nên tôi rất sợ bị cảm giác không được chú ý và bị cô lập, sự sợ hãi đó đôi khi phát triển trở nên thái quá, đến độ khi thấy mọi người quá vui mà không để ý đến tôi, trong lòng tôi bỗng chùng hẳn lại, và buồn tới độ không thể thoát ra nổi. Trong những chương trình cộng đồng tôi tổ chức, khi ở những giây phút cuối, khi mọi người đang vui vẻ và thăng hoa, tôi thường ngồi một góc và trong lòng thấy buồn não nề mà không giải thích nổi tại sao mình lại buồn như thế. Gần đây, khi tôi biết mình sẽ chuẩn bị đi nhận nhiệm vụ mới ở một nơi khác, lòng tôi lại sinh ra nỗi buồn đến độ trầm cảm, bởi tôi sợ mình sẽ mất đi những người bạn, những mối quan hệ, trong khi, thực tế tôi biết rõ, là tôi sẽ không mất bất kỳ mối quan hệ nào, trừ phi tôi bỏ lơ những mối quan hệ đó, thế mà tôi vẫn đắm chìm trong lo lắng và buồn khổ trong một thời gian khá dài.

Những tổn thương ở thời kỳ thơ ấu có tác động dai dẳng đến chúng ta lúc trưởng thành, những ai đã từng bị xâm hại tình dục ở thời thơ ấu có thể sẽ mang theo mình nỗi ghê sợ đến già. Có những người con gái đã bị đàn ông xâm hại lúc nhỏ, đến khi lớn họ trở nên đề phòng và thậm chí thà sống cô độc còn hơn là chung đụng với đàn ông. Không ít những người phụ nữ từng phải ly dị bởi những ông chồng khắc nghiệt hoặc phản bội, có xu hướng không muốn kết hôn thêm một lần nữa vì lo sợ lịch sử sẽ lập lại, trong khi thực tế đã chứng minh rằng nhiều cặp đổi đã có sự gắn kết, thấu hiểu và sống cùng nhau hạnh phúc vui vẻ và có những người tái hôn thành công và hạnh phúc suốt đời. Thế nhưng, họ vẫn sợ hãi về một tương lai tăm tối mà họ đã từng trải qua, hoặc mẹ họ đã từng trải qua.

Nếu lúc nhỏ bạn thiếu đi sự chăm sóc của cha mẹ, hoặc bị cha mẹ không chú ý đến, đến khi lớn bạn thường sợ hãi khi yêu, vì bạn sợ bị bỏ rơi, hoặc không chú ý đến. Những nỗi sợ hãi trong tuổi thơ hằn sâu trong ký ức bạn, và nó là một trong những lý do chính khiến bạn sợ hãi về mọi thứ. Thế nên, nếu bạn hiểu được những nỗi lo sợ của bạn trong quá khứ, bạn sẽ hiểu được phần nào lý do khiến bạn đang lo lắng về điều này – điều kia trong hiện tại. Sự sợ hãi là một cách trí não của bạn cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra, nhưng thay vì lo lắng quá cho tương lai, chúng ta nên tìm kiếm sự giúp đỡ, hoặc có sự chuẩn bị để tác động đến tương lai, và tự nhủ rằng, chính vì quá khứ có sự đau khổ mà ta trở nên lo lắng quá nhiều như vậy, và rằng, cho dù bạn có chuẩn bị hết mọi thư, thì những điều xảy ra trong tương lai vẫn không thể lường trước được hoàn toàn. Chúng ta đừng hành xử như đứa trẻ con mà chúng ta đã từng trải qua, giải quyết khó khăn bằng sự lo lắng, câm lặng, hay la hét… Thay vào đó chúng ta tìm kiếm lời khuyên, sự giúp đỡ, hoặc đơn giản là tránh đi, và trên tất cả, chúng ta sẽ nhìn nhận rằng mình phải có trách nhiệm để vượt qua những nỗi sợ hãi đó, bởi bây giờ chúng ta đã lớn và không dễ dàng bất lực như khi còn trẻ nhỏ, chúng ta có nhiều cách để vượt qua. Chúng ta có quyền cự tuyệt những điều xấu người khác mang lại cho chúng ta, chúng có thể đứng lên để bảo vệ chính mình, và kể cả khi chúng ta bị đánh cho gục ngã, chúng ta vẫn có thể xây dựng lại cuộc sống của mình.

Có hai cách để chúng ta vượt qua rủi ro: cách thứ nhất là bỏ mọi rủi ro (chuyện này gần như không thể), thứ hai chúng ta thay đổi thái độ ủa chúng ta với những rủi ro. Trong quá khứ, chúng ta đã từng trải qua những khó khăn, thế nên, thay vì lo sợ điều đó tái diễn, chúng ta cần biết rằng lịch sử hầu như không bao giờ lặp lại y hệt như khi điều từng xảy ra. Và bởi vì chúng ta đã trưởng thành, chúng ta có đủ trí khôn và sức mạnh để đối phó với rủi ro nếu như chúng có đến. Chúng ta vẫn sẽ cứ lo lắng, nhưng chúng ta sẽ không quá lo lắng như lúc này, thay vào đó chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để tận hưởng những điều đang xảy ra trong thực tại. Thay vì lúc nào cũng lo lắng, chúng ta nên phân ra một khoảng thời gian nhỏ để nghĩ về tương lai, và dành phần lớn thời gian cho thực tại, bởi chính những gì ta đang làm cho thực tại cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai.

Lo lắng quá hóa dư thừa!

Sài Gòn, ngày 21 tháng 01 năm 2020