Chấp nhận gục ngã để trở nên mạnh mẽ hơn

Một trong những phẩm chất được đánh giá cao ở con người là tính “kiên cường”, tuy nhiên nó được hiểu chưa hẳn đúng, nhiều người trong chúng ta uôn cố gắng tiến lên, không bao giờ chấp nhận thất bại hoặc gục ngã. Có những người quanh năm suốt tháng bươn chải, kiếm tiền nuôi sống gia đình và luôn luôn tỏ ra mạnh mẽ, không bao giờ thể hiện sự yếu đuối. Có những người khác luôn thể hiện mình trong công việc, kiên trì làm mọi việc để thể hiện mình là người tốt và có năng lực. Có những học sinh – sinh viên luôn cố gắng chứng tỏ mình  xuất sắc và giỏi, luôn học để có được điểm cao nhất và không bao giờ chấp nhận mình bị điểm thấp. Phải chăng, chúng ta đang cố gắng làm hài lòng thế giới bên ngoài hơn là những nhu cầu thực tế của bản thân chúng ta? Liệu rằng, chúng ta cần được nghỉ ngơi?

Những con người tưởng như không bao giờ thất bại, bỗng dưng đến một ngày lại gục ngã, buông bỏ tất cả. Một người kiên cường ở công ty, làm việc không biết mệt mỏi, là người có năng suất tốt nhất, là quản lý giỏi bậc nhất, mạnh mẽ nhất, nhưng đến hôm nay đã chấp nhận sự yếu mềm của mình, nằm bẹp dí và không bước ra khỏi giường. Một người luôn tỏ ra mạnh mẽ, cứng rắn, tự dưng trở nên yếu đuối, và bật khóc không dừng lại được. Họ đang tạo ra cơn sốc cho mọi người bởi họ không giống với chính họ. Trông họ có vẻ yếu đuối hơn, đổ vỡ và ngã quỵ.

Gục ngã, đổ vỡ, trên thực tế là một trạng thái ít khi được chính chủ nhân của trạn thái đó chấp nhận, bởi ít ai có thể chấp nhận rằng  mình là người yếu đuối, là người thất bại. Tuy nhiên, hãy thử nghĩ đến chiếc máy tính của bạn, nếu bạn bật nó 24/24 giờ mỗi ngày và để nó chạy trong vài tháng, đến một ngày nào đó, chiếc máy tính trở nên ì ạch không chạy nổi, và đến lúc đó dù bạn có tìm cách tắt bớt chương trình, chiếc máy vẫn chạy chậm, và bạn quyết định khởi động lại máy, và lạ kỳ thay, máy chạy nhanh hơn. Con người chúng ta cũng vậy, đến một lúc nào đó cần phải chấp nhận cho mình được phép chùng lại, được quỵ ngã, bởi đó là một cơ hội để chúng ta có thời gian suy nghẫm, nhìn lại – soi chiếu bản thân và hiểu rõ mình hơn. Bởi, một khi cơ thể của chúng ta đến một giới hạn nhất định, nó sẽ phát ra tín hiệu rằng, mọi thứ không thể diễn ra theo lối thông thường nữa, mà chúng ta phải thay đổi, thay đổi để có thể cải thiện tình huống và tiến hóa. Nếu không thay đổi, thậm chí chúng ta còn nghĩ đến cái chết để có thể có được một trạng thái tốt hơn nữa cơ.

Nhưng tại sao chúng ta không lắng nghe bản thân và tự điều chỉnh mà lại để cho mình gục ngã? Thực ra, chúng ta ít khi lắng nghe những dấu hiệu từ bản thân, thay vào đó, chúng ta để trí óc dẫn dắt, chạy theo những mục tiêu khác hơn là lắng nghe bản thân, thế nên, đến một giới hạn nào đó, cơ thể của chúng ta phản kháng và dẫn tới sự gục ngã về mặt tâm lý. Nó cũng giống như mọi cuộc cách mạng chống chính quyền xảy ra, là bởi vì dù có  những mong muốn thay đổi đến từ chính quyền, nhưng khi chính quyền bịt tai thì đến môt thời điểm nào đó, mọi thứ đạt đến điểm tới hạn, cách mạng nổ và và sẽ cuốn trôi tất cả để mọi thứ được tái xác lập.

Thế nhưng, mọi thứ không hẳn đã diễn ra như vậy, bởi con người thường bị đắm chìm trong nỗi đau tình thần sau cơ gục ngã và chúng ta sẽ trở nên đớn hèn, nhậu nhẹt, tìm rượu để kiếm niềm vui. Cơn đau sẽ kéo dài, cho đến một ngày chúng ta thấy rằng, không thể mãi vậy được nữa, và thế là chúng ta đứng dậy, làm lại tất cả và có một tâm thế mới tốt hơn, sẵn sàng để vượt qua mọi khó khăn.

Hẳn bạn cũng như tôi, đã từng quỵ ngã và đến một ngày nhìn lại, chúng ta mới thốt lên một câu cảm tháng rằng “Nếu không có thất bại ngày đó, tôi đã không phát triển đến như ngày hôm nay!”.

Thật vậy, nếu bạn để ý kỹ, tiếp theo mỗi thất bại, nếu vượt qua được, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và có khả năng xử lý mọi chuyện tốt hơn. Cứ mỗi lần tôi quỵ ngã, gặp khủng hoảng về tâm lý, và tôi chấp nhận mọi chuyện kể cả sự bất lực của bản thân, thì y như rằng, sau đó tôi trở nên mạnh mẽ hơn, lì hơn và có khả năng đương đầu với mọi chuyện tốt hơn, xử lý sự vụ thông minh hơn. Bởi mỗi khi chúng ta quỵ ngã, chúng ta lại có cơ hội dỡ bỏ hết mọi ràng buộc, phá bỏ tất cả để xây dựng lại bản thân, nó giống như xóa đi một ván bài và bắt đầu chơi lại từ đầu, nhưng lúc này chúng ta đã có kinh nghiệm hơn. Mỗi khi cơ thể của chúng ta đòi chùng xuống, tâm trí của chúng ta muốn buông bỏ, lúc đó không phải là vì chúng ta gặp khó khăn, mà thực ra chúng ta đã gặp vấn đề từ lâu và bây giờ đã đến điểm tới hạn mà thôi. Khi gặp khủng hoảng như vậy, nếu chúng ta chấp nhận sự thật và có thể vượt qua được, chúng ta sẽ trở thành một con người mới, một phiên bản tốt hơn và mạnh mẽ hơn.

Đôi khi, bạn cũng phải chấp nhận rằng mình là kẻ yếu đuối và là kẻ thất bại, để rồi sau đó bạn mới có thể thực sự trở nên mạnh mẽ hơn!

Sài Gòn, ngày 09 tháng 02 năm 2020