Ngày xưa tôi đã từng sợ thất nghiệp và tôi hiểu vì sao mọi người sợ thất nghiệp, bởi khi bạn có một công việc và thu nhập ổn định, bạn tương đối hài lòng về nó, nhưng đồng thời bạn cũng lo sợ đến một ngày nào đó bạn mất việc và không còn thu nhập ổn định. Bạn lo lắng và sợ hãi về viễn cảnh bạn sẽ bị sa thải, không kiếm được việc làm, cả gia đình sẽ rơi vào cảnh túng bấn, mặc khác bạn sợ người ta sẽ cười bạn nếu bạn bị sa thải và thất nghiệp. Nỗi sợ hãi làm cho bạn trở nên yếu đuối, không dám ra quyết định và luôn ở trong trạng thái chực chờ và nơm nớp lo sợ. Nhưng bạn ơi, tôi khuyên bạn không nên sợ thất nghiệp, thay vào đó, bạn hãy chú tâm xử trí những vấn đề khác thì sẽ tốt hơn.
Hình minh họa là hình một cụ bà gần tám mươi tuổi ngồi bán vé số ở cửa chợ Gò Vấp, và bà vẫn sống tốt được, thế nên bạn đừng hoảng loạn bởi nội sợ hãi thất nghiệp nữa, nó không có thực đâu bạn nhé!
Thứ nhất, với tôi, thất nghiệp hay có công việc là sự lựa chọn hơn là hoàn cảnh. Nếu bạn có hai tay, hai chân, đầu óc còn bình thường, bạn sẽ kiếm được công việc cho dù bạn đã già. Có thể bạn đang làm kế toán và bị sa thải, bạn kiếm mãi không ra công việc kế toán, nhưng đó là vì bạn cố chấp muốn tìm công việc kế toán và cố chấp với mong muốn đạt được một mức thu nhập nào đó. Trên thực tế, người ta luôn có nhu cầu lao động, nếu không làm được nghề mình mong muốn, bạn hãy tự tin xin làm những công việc khác. Bạn cần có thu nhập, hay bạn cần có thu nhập cao? Chỉ cần bạn sẵn lòng làm bất cứ công việc gì, thể nào cũng sẽ có cơ hội cho bạn.
Thứ hai, cho dù bạn không kiếm được việc đi nữa, bạn hãy thử đi ra chợ một lần đi và hãy quan sát kỹ, bạn sẽ thấy biết bao nhiêu người chỉ với một chiếc mẹt và ít rau mà đã bán được hàng để mưu sinh. Biết bao nhiêu người làm các công việc bổ trợ cho người khác ở chợ. Nói một cách nào đó, thất nghiệp chỉ là cách biện minh của những kẻ lười biếng và sợ phải làm những công việc trái với mong muốn của mình. Nếu không ai nhận bạn, bạn vẫn có thể làm xe ôm cơ mà, nếu bạn không có chiếc xe để chạy xe ôm, hãy ra chợ mà làm thuê, làm tất cả những việc mà người khác nhờ bạn làm. Đó là trường hợp tệ nhất, trên thực tế, nếu bạn chỉ cần biết đọc, biết viết, thực tâm muốn làm việc, sẽ có công việc cho bạn. Những người lớn tuổi thường làm bảo vệ, những người thất nghiệp còn biết nhận vé số về đi bán, thế quái nào lại không có việc cho bạn làm nhỉ?
Thứ ba, nếu bạn sợ mất khoảng thu nhập lớn từ công việc hiện tại, cách tốt nhất là hãy giảm chi tiêu về mức mà bạn cảm thấy an toàn và có thể để dành được một khoản tiền trợ cấp thất nghiệp cho chính mình. Chỉ cần bạn có thể để dành được một năm thu nhập để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, bạn sẽ dũng cảm hơn đấy. Giảm bớt việc mắc nợ sẽ giúp bạn tăng thêm phần dũng cảm. Đừng mắc nợ vì tiêu dùng, nếu bạn kinh doanh, có khả năng trả nợ bắng chính kết quả kinh doanh, hãy mắc nợ và luôn phải có một quỹ dự phòng cho chính gia đình của bạn. Chúng ta đa phần dễ thích nghi với cuộc sống dễ thở và sợ quay lại với thời kỳ khốn khó, nhưng trên thực tế, con người rất mau chóng thích nghi với hoàn cảnh, thu nhập thấp thì chi tiêu cần phải thắt chặt lại, thế nên hãy cân đối chi tiêu và hãy nhớ, cho dù ở thành phố Hồ Chí Minh này, có những người đi làm thu ngân, thu nhập chỉ năm triệu đồng một tháng, họ vẫn sống tốt đấy thôi. Ông bà ta có câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, chỉ cần có công việc dù lương thấp hay cao, nếu biết tằn tiện chi tiêu, bạn sẽ sống được.
Thư tư, bạn không cần phải quá lo về những người phụ thuộc vào bạn, chỉ trừ những đứa con còn ở tuổi vị thành niên của bạn, những người khác để có thể lao động được và tự lo cho họ được. Nếu họ không tin vào điều đó, bạn hãy chia sẻ với họ ba điều tôi đề cập ở trên.
Tôi đã từng thấp nghiệp ngay sau khi rời bỏ công việc giảng viên đại học và đang làm việc cho một công ty phần mềm nước ngoài tại Huế, và khi mất việc tôi chỉ còn có hai triệu đồng trong túi, và đó là những tháng ngày tương đối lo lắng của tôi, nhưng trên thực tế tôi không lo thất nghiệp mà lo người ta cười tôi vì rời bỏ công việc giảng dạy mà lại không có công việc như ý thì đúng hơn. Khi tôi đi phỏng vấn việc ở các doanh nghiệp sản xuất, người ta ngại không nhận tôi bởi khả năng của tôi khác với nhu cầu người ta cần và họ cảm giác rằng tôi chỉ đi kiếm việc kiểu đó vì tạm thời không có việc tôi muốn mà thôi (quả thực là như vậy). Và tôi đã tự doanh trong những tháng ngày đấy để được làm công việc mình thích là lập trình, và tôi vẫn sống được với thu nhập rất thấp trong những ngày đầu. Mà thực ra, thời tôi đi dạy, thu nhập của tôi còn thấp đến thảm thiết hơn với chỉ bảy trăm ngàn đồng mỗi tháng, đủ để ăn một tô bún mỗi ngày, tôi vẫn sống được đấy thôi, trong khi thời đó, chỉ cần đi làm bưng bê ở quán cafe một suất 4 tiếng mỗi ngày, người ta đã kiếm được năm trăm ngàn đồng mỗi tháng, thế nên không thể có chuyện chết đói vì thất nghiệp được, mà chỉ có chết đói vì không chịu làm việc hoặc chi tiêu thái quá với thu nhập hiện có mà thôi. Nếu thất nghiệp, hãy cởi bỏ cái tôi, bạn sẽ lại có việc ngay thôi.
Nói tóm lại, nỗi sợ thất nghiệp thực ra chỉ là nỗi sợ bị mất một công việc đủ tốt, và thay vì sợ mất việc, bạn hãy chú tâm làm sao cho bạn trở nên hữu ích hơn với mọi người. Hãy rèn luyện thêm những kỹ năng mới, hãy làm tốt những việc được giao để làm và chuẩn bị tâm thế tốt cho mọi bất trắc có thể xảy ra. Thất nghiệp là một trạng thái tạm thời, và nếu bị rơi vào trạng thái thất nghiệp, hãy thoát khỏi nó. Đừng chảnh chọe theo kiểu, tôi có bằng đại học nên tôi không chấp nhận làm việc chân tay, hay tôi không chấp nhận lương thấp. Nếu bạn có đủ năng lực, bạn sẽ được nhận làm công việc tốt, nếu bạn đi phỏng vấn mãi mà không được nhận làm những việc bạn muốn, hãy xem lại năng lực của bạn và chọn công việc có tính chất phù hợp hơn.
Đừng sợ thất nghiệp bạn nhé!
Sài Gòn, ngày 21 tháng 02 năm 2020