Đúng là tuổi thơ ảnh hướng đến đời sống tâm lý lúc trưởng thành, nhưng nó không đơn giản như người ta nghĩ

Hôm nay, một người bạn của tôi gởi cho tôi xem một clip của anh chàng Vlogger nổi tiếng có tên là Dưa Leo với chủ đề “Bạn yêu kiểu nào – Tuổi thơ quyết định hết”, khi tôi đọc tiêu đề, tôi chợt nghĩ, ồ cái cậu hay tấu hài này có vẻ sâu sắc thật, đúng là tính cách của một con người đa phần là do những thứ họ trải qua trong tuổi thiếu thời tác động mà thành. Nhưng khi tôi xem clip của cậu ấy, tôi thấy vô cùng lo lắng, bởi những clip theo dạng “nếu -> thì” kiểu như thế này, thì mọi người sẽ hiểu sai hết về cái nhận định tuổi thơ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiện tại như thế nào.

Nếu bạn lỡ xem clip trên của Dưa Leo, bạn hãy tin rằng, clip đó được làm để mang mục đích giúp ban giải trí, chứ nó không có giá trị nhiều cho bạn tham khảo đâu nhé. Đừng suy nghĩ theo lối 1+1 = 2, ví dụ những người cố gắng làm hài lòng người yêu, cái gì cũng nhận sai thì tuổi thơ của người đó sống trong một môi trường mà ba mẹ khắc nghiệt, muốn con phát triển và thường xuyên la mắng con cái, thế nên con cái nó luôn muốn làm hài lòng cha mẹ nó, và tránh cái vã, và thế là khi yêu người đó luôn nhận lỗi, nhận phần thiệt, và không lớn tiếng và nặng lời… Trên thực tế, chưa hẳn một người nào đó luôn cố làm hài lòng người khác đã thật sự sinh ra trong môi trường cha mẹ hà khắc, có những lý do khác nhau khiến cho một người quyết định sống theo lối luôn chiều người khác và trở thành một người luôn “tốt bụng, hy sinh”,  bạn nghĩ sao, nếu một cậu bé khác dù sống trong yêu thương, như khi đi ra ngoài đường, cậu ấy thấy biết bao mảnh đời cơ cực, những đứa trẻ nghèo khổ bán báo, cậu ây được ba cậu giải thích cho lý do vì sao người ta trở nên như vậy, khi cậu nhìn qua nhà bên, thấy ba mẹ nhà bên kia hà khắc, mẹ cậu giải thích cho cậu biết đó là vì họ nghèo khổ và khó khăn quá, họ buồn bực mà không biết tại sao mình lại nghèo suốt dù chăm chỉ và thế là họ cáu gắt và muốn con cái mình phải thoát khỏi cái cảnh khổ của mình, và thế là khi lớn lên cậu ấy luôn cảm thông và chăm sóc mọi người, nhường nhịn người khác và cố gắng giúp họ nhìn ra những điểm chưa ổn của mình, cậu ấy luôn “tốt”, luôn “hy sinh” và luôn làm người khác cảm thấy “thoải mái”. Cậu ấy kiên trì yêu thương, gợi ý, giải thích nhẹ nhàng để người ta thấm dần mà thay đổi, chứ không theo lối ép buộc người khác.  Thực sự, tuổi thơ có tác động rất lớn đến những hành vi của bạn trong hiện tại, nhưng nó không phải theo cái lối nếu -> thì. Não của con người là một bộ máy vô cùng tinh vi, và nếu nó dễ đoán như vậy thì đâu cần một ngành tâm lý học với hàng trăm thuyết tâm lý khác nhau và cần phải có bác sỹ tâm lý để hỗ trợ và giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề của mọi người? Nhiều thứ nghe có vẻ có lý, nhưng chưa hẳn là đúng, thế nên, bạn cần phải tìm hiểu rộng ra và liên tục kiểm chứng. Để hiểu về một con người, cần rất nhiều sự quan sát, cảm thông và một lượng tri thức khoa học khổng lồ, chứ không thể chỉ là đọc một bài viết nào đó và bạn trở thành bậc thầy được.

Vậy tuổi thơ thực sự ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của bạn lúc trưởng thành như thế nào?

Hãy thử suy nghĩ, bạn sinh ra trong một môi trường với những tác nhân với cha mẹ, ông, bà, người thân với những tính cách khác nhau và sẽ có những tác động vào tâm lý của bạn, bởi họ chính là những người cho bạn những nhận định đầu tiên về cuộc sống, về định nghĩa đúng sai, về những hành vi mà bạn xem là quy chuẩn. Ví dụ người cha gia trưởng thì người con trai thường sẽ học mà gia trưởng theo, nhưng không phải bao giờ cũng như vậy, bởi nếu người con trai rất thương mẹ, anh ta sẽ cố gắng làm theo chiều ngược lại để bảo vệ cho người anh ta thương yêu và đó cũng chính là yếu tố khiến anh phải suy nghĩ và bớt gia trưởng đi.

Còn có những yếu tố khác tác động đến tâm lý của một người chứ không chỉ có mỗi gia đình, mà còn là môi trường sống xung quanh, cô, thầy, bạn bè, sách người đó đọc, chương trình TV người đó xem. Con người là sinh vật có khả năng học tập mạnh mẽ, họ tò mò và tiếp thu mọi tri thức ở xung quanh và não bộ sinh ra nhưng lập luận của riêng mình. Nếu một người sinh ra trong thời phong kiến Việt Nam, có lẽ tình yêu đồng giới là nghịch thiên và đáng chết, đó là bởi vì ở thời của người đó, người ta không thừa nhận tình yêu đồng giới. Nhưng nếu người đó sống ở Hy Lạp ở thời kỳ cổ đại, câu chuyện sẽ khác một chút. Nói cách khác, não của chúng ta cần nguồn tri thức để hình thành ra cách nghĩ và lối sống. Đôi khi chỉ một tác động nhỏ lại có thể làm thay đổi hoàn toàn một con người, chứ không hẳn cái gì cứ tác động liên tục mãi hoài thì sẽ khiến cho người ta trở nên như vậy. Năm tôi hai mươi mốt tuổi, tôi có người yêu đầu tiên, và sau ba tháng tôi đã chia tay vì một lý do đơn giản, tôi không hợp với bạn bè của người yêu. Và sau đó, khi suy nghĩ một cách thấu đáo, tôi tự thấy mình đã không thực sự kiên trì và công bằng với người mình đã từng yêu và tôi quyết định sẽ nhẫn nại với người mình yêu trong tương lai và sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn của họ hơn là thấy khó thì bỏ nhưng cách tôi từng làm, và tôi đã thay đổi hoàn toàn trong suy nghĩ theo cách như vậy đấy.

Có thể hai con người được sinh ra trong một môi trường gần như giống nhau, nhưng họ không hoàn toàn giống nhau, thậm chí còn khác nhau, bởi vì mỗi người sẽ chịu những tác nhân tác động khác nhau chứ không y hệt một trăm phần trăm, và cho dù gần giống nhau hoàn toàn, chỉ cần có một tác động khác như một lần gãy tay, hay một bài báo tình cờ đọc vào một khoảnh khắc vui / buồn khác nhau, có thể đời của mỗi người đã đi theo một ngã rẽ khác và tâm lý của họ đã có cách hành xử khác.

Tuổi thơ của mỗi người là phải chứng kiến hành vi của những người khác như cha mẹ và ông bà, và chúng ta phải tìm cách lý giải hành vi của họ, đôi khi chúng ta may mắn được cha mẹ hoặc một người thông thái nào đó giải thích cho chúng ta hiểu. Nhưng nếu không may, chúng ta lại được những người không thông thái và hiểu biết sai lệch giải thích cho, và chúng ta mang theo cái định kiến đó suốt đời mà không nhận ra. Thực ra, chúng ta phải tìm câu trả lời cho tất cả những điều xảy ra ở chung quanh, nhưng lúc đó chúng ta là những cá thể non nớt chưa trưởng thành, chúng ta không đủ nền tảng để có nhận định theo một triết lý đúng đắn, chúng ta tự tạo ra cho mình những tiên đề, những lý thuyết của riêng mình để làm nền tảng giải thích cả thế giới xung quanh, thế là nhân sinh quan, định kiến và tính cách của chúng ta cũng hình thành từ đó. Bản thân chúng ta chịu nhiều tổn thương bởi những người xung quanh và có nhiều tổn thương không được hóa giải và chúng đeo đẳng theo chúng ta suốt cuộc đời. Chúng ta cùng sống với những người cũng xoay vần trong những nỗi đau riêng với những định kiến của riêng họ, và bởi sự tác động của họ (vô tình hay hữu ý), chúng ta cũng trở nên hoặc quá mong manh dễ vỡ, hoặc quá cứng nhắc, hoặc quá ư tiêu cực, chúng ta trở thành những con người mà có lẽ ban đầu chúng ta thực sự không mong muốn trở thành, nhưng chúng ta không nhận ra được và sau đó mỗi chúng ta tự cho rằng mình sinh ra đã như vậy, hoặc “như vậy mới là tớ”.

Chúng ta bây giờ như thế nào đều liên quan đến những điều xảy ra trong quá khứ, và nếu muốn thay đổi chính mình trong tương lai, cách duy nhất có thể làm đó là giúp cho não bộ tiếp thu những thông tin có ích và đúng đắn và nhờ thế não chúng ta, một bộ máy hoạt động theo một lối mà ta chưa hiểu hết sẽ tự phân tích và thay đổi bên trong, tiềm thức của chúng ta sẽ hoạt động để giúp ta nhận thức thế giới. Đừng nghĩ rằng nếu bạn muốn là bạn có thể thay đổi nhận thức được ngay, mà hãy kiên trì tiếp thu tri thức từ những người thực sự thông thái, từ những nguồn tri thức đã có sự bảo chứng và liên tục phân tích nguồn trí thức đó và chính hành vi của mình, nội suy nhìn vào trong và giúp mình tiến bộ.

Chúng ta biết quá khứ quyết định tính cách hiện tại, và chúng ta cũng hiểu rằng những gì đang làm ở hiện tại sẽ góp phần tạo ra phiên bản của chúng ta ở tương lai. Và vì thế, đừng chỉ mày mò trong quá khứ mà hãy thu nạp những điều tốt đẹp và nhân bản ở thời điểm hiện tại để chúng ta có thể tác động thay đổi đến tương lai.

Và bạn hãy nhớ rằng, bạn không thể hiểu người khác nếu không tự tìm hiểu chính mình và bạn cũng không thể hiểu chính bạn nếu bạn không có sự cảm thông với những người khác. Chính nhờ yêu thương, cảm thông, tri thức và nhờ kiên trì quan sát bạn mới có thể hiểu được phần nào người khác, và nhờ đó bạn sẽ tìm những tấm gương phản chiếu để hiểu ra chính mình.

Tuổi thơ thực sự ảnh hưởng đến đời sống tâm lý lúc trưởng thành, nhưng nó không đơn giản như những bài báo ngắn, hay những video mang tính giải trí theo kiểu bói toán như trên đâu. Nên hãy thông minh trong việc tiếp nhận và chắt lọc tri thức nhé!

Sài Gòn, ngày 06 tháng 03 năm 2020