Khi nghe tới cụm từ “con nghiện”, chúng ta thường nghĩ đến những người nghiện ma túy, nghiện rượu, thuốc lá, hoặc nghiện mua sắm, hoặc thậm chí nghiện sex, nhưng nếu bạn không thuộc nhóm đó, liệu rằng bạn có thể an tâm là bạn không phải là “con nghiện”?
Trên thực tế, mỗi chúng ta đều nghiện một thứ gì đó. Những biểu hiện nghiện ma túy, thuốc lá hoặc nghiện rượu có tác hại thấy rõ về sức khỏe và có ảnh hưởng đến xã hội thế nên được quan tâm hơn. Những thứ có thể gây tác hại cho bạn nhưng ít gây tác hại cho xã hội sẽ ít được quan tâm hơn hẳn.
Trước tiên, hãy suy nghĩ xem vì sao bạn lại nghiện thứ gì đó, vì bạn thích nó hay vì lý do gì khác. Hẳn bạn từng nghe câu “uống rượu để quên sầu”, tức là khi có nhiều người uống rượu chỉ để lãng quên những nỗi đau mà họ đang mắc phải. Chúng ta hãy cùng xem và nghe một bài hát rất buồn có tên là “Whiskey Lullaby” của nam ca sĩ Brad Praisley ở YouTube.
Bài hát Whiskey Lullaby kể về một anh lính chiến, sau khi làm nhiệm vụ trở về nhà thì phát hiện vợ của anh ấy ngoại tình, và anh ta đã bỏ đi để lại sau lưng người vợ đau khổ. Bản thân anh lính cũng mang một nỗi đau dằn xé mà anh không thể không nghĩ tới nếu anh tỉnh táo, và vì vậy anh tìm tới rượu để có thể lãng quên hiện thực đớn đau và anh mắc phải, nhưng đáng tiếc thay, như một câu thơ của người Trung Quốc rằng “nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm”, rượu không thể làm anh quên đi nỗi đau mà còn làm anh trở nên đau khổ hơn, và cuối cùng anh đã chọn cái chết để có thể quên đi nỗi đau của mình. Chị vợ cũng mang trong mình nỗi đau tương tự, bởi trên thực tế chị vẫn yêu anh và mang trong lòng niềm hối hận vô biên, chị thấy anh sa đọa mà không thể làm gì, và bạn thân chị cũng phải tìm đến rượu để quên đi nỗi đau của chính mình, và cuối cùng, cũng như anh chồng xấu số, chị đã tìm đến cái chết để giải tỏa mình khỏi nỗi đau. Và hai người đã được chôn ở cạnh nhau. Đó là câu chuyện buồn mà bài hát Whisey Lullaby kể lại.
Quay trở lại với chủ đề “con nghiện”, chúng ta có thể băn khoăn giữa “nghiện” với đam mê, đam mê cũng là sự hưng phấn và tập trung quên thời gian khi được làm công việc mình thích, nghiện cũng là sự tập trung để lãng quên thứ khác bằng cách làm các hành vi “gây nghiện” đó. Tôi nghĩ chúng ta cần tách bạch giữa nghiện và đam mê. Nghiện chính là sự mê mãi làm một thứ công việc gì đó để lãng quên tránh né những vấn đề khó khăn và chúng ta lý ra phải đối mặt.
Tôi biết những cô gái nghiện ăn đến mức béo phì vì chỉ muốn lãng quên mối tình đã qua. Có những người chỉ muốn chơi game suốt ngày chỉ để quên đi nhiệm vụ mà họ phải làm với gia đình như dọn dẹp nhà cửa, hay chỉ để quên cái nhiệm vụ chán ngắt là “học bài”. Có người nghiện mua sắm để khỏa lấp nỗi đau không giải quyết được, ví dụ như cô vợ ngán anh chồng bất tài ham chơi, thế nên làm ra tiền thì phải mua sắm cho nó sướng cái thân, hoặc cô con gái vì ba mẹ suốt ngày chỉ ham làm không quan tâm đến cô, nên cô đi bar bay lắc, quan hệ tình dục bừa bãi chỉ để quên đi nỗi đau đó.
Nếu bạn để ý kỹ, có những thói quen lặp đi lặp lại liên tục với tần suất cao, nó có thể là biểu hiện của “cơn nghiện”. Bạn có kiểm tra tin mới mỗi vài phút không, bạn có xem Facebook hay Instagram liên tục hay không? Bạn có hay đốt thuốc hay thậm chí uống cafe quá nhiều hay không? Bạn thường vung tiền quá trán để ăn uống hay mua sắm có thường xuyên không? Đằng sau những thói quen tai hại đó là những vấn đề ẩn sâu mà bạn đang cố gắng lẩn tránh để không phải đối diện trực tiếp.
Điều chúng ta cần phải làm, đó là hãy tạo cho mình những khoảng không gian và thời gian để mình có thể tự đối mặt với chính mình, lắng nghe những suy nghĩ của mình và lục tìm những nỗi đau buồn trong quá khứ và những nỗi lo lắng về tương lai, cho phép chúng ta được cảm thấy nỗi đau, khao khát và thậm chí hưng phấn. Chấp nhận những vấn đề mà chúng ta đang có, để rồi có thể đứng lên ở hoàn cảnh đó và bước tiếp, hơn là đắm chìm mình trong những thú vui để chỉ lãng quên nỗi đau vẫn hiện hữu trong tiềm thức.
Tuy nhiên, những “cơn nghiện” không hẳn đều là điều xấu, nhưng hiểu về chúng có thể giúp bạn giảm bớt đi những tác hại tiêu cực của chúng đến bạn.
Hãy xét đến trường hợp của tôi, tôi cũng có những nỗi đau của riêng mình, và tôi chọn nhiếp ảnh làm thú chơi để giải tỏa stress, tôi nghiện chụp ảnh tới mức trong túi tôi luôn có máy ảnh và chụp ảnh mọi lúc mọi nơi, kết quả là tôi đã tìm được một niềm vui để tôi có thể thực sự “thiền” với nó, để tận hưởng thực tại, để ghi lại kỷ niệm và những gương mặt, những khung cảnh ấn tượng với tôi, và nhớ đó tôi lưu giữ được ký ức của cuộc đời mình và có thể quay trở lại với chúng ở bất cứ thời điểm nào. Ký ức nào tôi chọn không nên lãng quên, tôi sẽ chụp lại.
Nhưng để quên những nỗi buồn lo của mình, tôi cũng trở nên nghiện mua sắm, nghiện ăn uống và tiêu tiền như nước. Hậu quả là tôi béo đến 94 kg trong khi chỉ cao 1m68 và luôn không có nhiều tiền trong túi dù thu nhập hàng tháng của tôi không đến nổi tệ. Nhiếp ảnh cũng là một “cơn nghiện” nhưng lại mang hiệu quả tốt, ăn uống – mua sắm thiết bị ngành ảnh quá đà lại mang lại kết quả tiêu cực. Và tôi phải đấu tranh với chính bản thân liên tục trong suốt thời gian vừa qua để chiến thắng mình, tôi giảm được cân nặng nhưng vẫn chưa thoát khỏi được cơn nghiện mua sắm. Nhưng chí ít, khi tôi nhận thức được vấn đề của mình, tôi đã tự giao nhiệm vụ cho tiềm thức của tôi giải quyết nó từ từ. Dũng cảm đối mặt mới có thể thoát khỏi nó được. Và đương nhiên, tôi dám đối diện với nỗi đau của chính mình!
Còn bạn, bạn đang có những “cơn nghiện” nào? Nhằm để lãng quên điều gì? Hãy nghĩ về chúng nhé!
Sài Gòn, ngày 05 tháng 03 năm 2020