Việt Nam đang dần khá lên, thành phần có thu nhập cao càng lúc xuất hiện càng nhiều, số lượng tỷ phú đô la cũng vì thế mà tăng lên đáng kể, thế nhưng có những điều trông thấy làm cho tôi có cảm giác Việt Nam mình còn “nghèo” lắm.
Từ ngày facebook lên ngôi, suốt ngày tôi phải nghe đến cụm từ “cộng đồng mạng”, cộng đồng này có một số tác động tích cực đến chính xác xã hội, có thể kể đến như vụ xả thải ra biển từ nhà máy Formosa. Thế nhưng, khi quan sát cộng đồng mạng Việt Nam, tôi mới nhận ra, có nhiều người Việt thật sự ác mồm ác miệng, miệt thị, khi rẻ người khác. Chúng ta thường ném đá không thương tiếc người có lỗi, chúng ta dễ giận dữ, dễ văng tục và dễ dàng miệt thị người khác chỉ vì một lỗi lầm nhỏ của họ.
Tinhte.vn là tôi thường theo dõi vì nó chia sẻ trải nghiệm sử dụng thiết bị công nghệ và có một số thông tin bổ ích khác. Khi vào đọc comments của các thành viên trang này, tôi mới thấy một số lượng lớn là tín đồ mù quáng của các thương hiệu, họ chửi rủa nhau không thương tiếc và sử dụng các từ ngữ để lăng mạ nhau và không “tinh tế” chút nào.
Có thể nói người Việt chúng ta, có một bộ phận dân chúng còn “nghèo văn hóa”, họ không chỉ làm náo loạn mạng xã hội, họ còn xả rác bừa bãi, hát karaoke ngoài trời bất chấp việc ảnh hưởng đến người khác. Cả người giàu lẫn kẻ nghèo đều đua nhau lấn chiếm vỉa hè; chỉ đến khi tôi dắt con trai mình đi bộ thường xuyên, tôi mới thấu hiểu hết nỗi khổ của người đi bộ khi các chủ quán cafe, quán phở dùng các chậu cây bao hết vỉa hè để có thể để bàn ghế. Người bán hàng rong cũng chiếm sạch chỗ đi lại của người đi bộ. Nhà hàng tiệc cưới trồng những cây cảnh khổng lồ và làm chậu thật to để chiếm sạch vỉa hè. Không ít người trong chúng ta vừa “nghèo văn hóa” và “nghèo luôn cả liêm sỉ”.
Người Việt của chúng ta bây giờ không “đói tri thức” giống như chục năm về trước, chúng ta được tiếp cận nền văn hóa đa dạng từ các nước phương đông lẫn phương tây, sách vẫn là món ăn tinh thần của nhiều người, có lẽ đó là điều may mắn cho xã hội. Thế nhưng, khi tôi đọc về những hội chị em bài sữa công thức, hay hội chỉ muốn sinh để tự nhiên không cần sự can thiệp của bác sĩ, hay làn sóng người đổ xô tranh giành khẩu trang, sự hoang mang đến kỳ lạ của người Việt trước dịch virus Corona, tôi tự hỏi, liệu chúng ta có thực sự trang bị đầy đủ tri thức cho mình?
Một điều tôi băn khoăn nữa là về triết thuyết, người Việt du nhập đủ các loại triết thuyết từ những nền văn hóa lớn như Lão Tử, Khổng Tử, triết học Tây Phương, Phật Giáo… thế nhưng, chúng ta thiếu đi những người có thể tự xây dựng chủ thuyết cho người Việt Nam của mình. Chúng ta nói quá nhiều về nền tảng tri thức của người khác, triết thuyết của người khác, tuyệt nhiên, chúng ta hiếm khi nghe đến một chủ thuyết được xây dựng bởi người Việt. Người Việt chúng ta đã du nhập Phật Giáo, Đạo giáo, Thiên chúa Giáo, chủ thuyết của Karl Max, chủ nghĩa hiện sinh… và chúng ta dừng lại ở đó, ở việc áp dụng tư tưởng của người khác, nói về tư tưởng của người khác hơn là về tư tưởng của chính mình. Có phải vì người Việt Nam không có chủ kiến gì hay vì trí tuệ của người Việt không đủ lớn để có thể đúc rút cho chính người Việt một bộ quy tắc gọn gàng và phù hợp với người Việt? Và có phải vì thiếu bệ đỡ về một bộ quy tắc đủ tốt đã khiến cho người Việt trở nên “nghèo” đủ thứ như ngày hôm nay?
Có phải đó là bởi sự hạn chế của tư duy?
Hơn ba trăm năm trước, những người đầu tiên đặt chân đến đất Mỹ đã khai hoang và làm giàu trên vùng đất đó. Họ là những kẻ mạo hiểm phiêu lưu, những quân nhân dũng cảm đi theo tiếng gọi của quốc gia và những kẻ tù tội (mạo hiểm, liều lĩnh) bị lưu đày sang đất Mỹ, những người nô lệ bị bán đi từ Châu Phi, nhân công người Trung Quốc… và toàn bộ những con người đó đã đạt được mọi thứ trên đất của Mỹ Quốc, kể cả người nô lệ cũng đã tìm được tự do sau cuộc nội chiến của nước Mỹ, và có lẽ từ đó người ta đã có một thứ gọi là “Giấc mơ Mỹ”, một giấc mơ mà mỗi người khi nghĩ về nó là nghĩ về mưu cầu tự do, cuộc sống giàu có và hạnh phúc tại một vùng đất mới. Rất nhiều người trên toàn thế giới đều mơ một giấc mơ được đến nước Mỹ và đạt được giấc mơ Mỹ, và thực tế chứng tỏ điều đó, nhiều người đã thành công trên đất Mỹ. Đa phần dân di cư đều sống tốt ở nước Mỹ. Nước Mỹ có nhiều đất đai hơn, trù phú hơn nhưng đó không phải là điều kiện tiên quyết làm nên người Mỹ. Mà chính là niềm tin vào chính bản thân họ và niềm tin vào tổ quốc mới của họ, khiến cho họ nỗ lực cao hơn mức bình thường và trở nên thành đạt.
Người Việt Nam của chúng ta sống tại đất Việt Nam, nhưng niềm tin vào khả năng có thể tạo ra được tự do, sự thịnh vượng và hạnh phúc trên chính mảnh đất của cha ông để lại lại không cao như những người đi tìm hạnh phúc ở xứ sở khác. Chúng ta với suy nghĩ ganh ghét, nghi kị, chuyên nhòm vào sự giàu có của người khác mà quên mất rằng mình nên tập trung vào giấc mơ của mình đã tự làm cho chúng ta trở nên nghèo khó, ích kỷ và chậm tiến. Chúng ta dẫm lên chân của nhau, kéo chân nhau và không ai tiến lên được. Những con người rời khỏi đất Việt và thăng hoa ở xứ khác như Ngô Bảo Châu, Thích Nhất Hạnh, còn ở Việt Nam, người ta thường lý giải thành công của người khác theo một lối đơn giản như “mấy ông tài phiệt giàu lên là nhờ câu kết với chính quyền và bán đất mà giàu thôi”, hoặc “tài phiệt của Việt Nam giàu lên chỉ nhờ bất động sản”, đến khi họ làm được điều gì đó lớn hơn thì chúng ta cũng lại lập luận “đó là nhờ lợi thế của nhóm lợi ích mà thôi, nếu không có đất mua được từ nhà nước thì sao làm được chuyện ABC, XYZ..”. Khi người ta có mơ ước cải tiến chữ Việt, chúng ta không kịp nhìn và suy ngẫm thì đã ném đá cho người ta không ngất mặt lên nỗi rồi. Giáo sư Hồ Ngọc Đại với giấc mơ “Thực Nghiệm” và tạp chí Tia Sáng với biết bao nhiêu bài thực sự hay thể hiện tinh hoa của người Việt cũng bị bóp chết một cách dễ dàng chỉ bởi luồn dư luận về “lợi ích nhóm”, bởi chúng ta không suy nghĩ một cách cặn kẽ mà thay vào đó là sự a dua, nám đá hội đồng. Có lẽ chúng ta quên rằng, ai cũng cần có một quá trình tích lũy và một quá trình tiến hóa, một doanh nghiệp cung ứng bún sạch cho thành phố Hồ Chí Minh khởi đầu là một lò bún nhỏ lẻ, một doanh nghiệp kinh doanh súc sản, thịt xông khói…v.v có thể khởi đầu chỉ là một người bán buôn thịt lợn, cà phê Trung Nguyên với thương hiệu mạnh khởi đầu chỉ như là một anh dân buôn đi mua cafe về rang xay và bỏ mối cho các tiệm cafe nhỏ. Nếu bạn biết tới Trung Nguyên, bạn sẽ tìm tới một quán cafe nhỏ, tối nằm ở đường Nguyễn Kiệm và bạn sẽ ngạc nhiên vì sao quán ít khách mà Trung Nguyên vẫn nuôi quán đó, đó là một trong những tiệm cafe đầu tiên làm nên thương hiệu Trung Nguyên và nó là khởi đầu cho một tập đoàn hùng mạnh sau này. Thành công lớn được hình thành nhờ những những bước đi nhỏ. Khi và chỉ khi người Việt bỏ đi cái bản tính tị nạnh, tin vào chính mình có thể làm ra được mọi thứ trên mảnh đất của cha ông, người Việt mới có thể trở nên khác biệt.
Bản thân tôi, tôi mong đợi một thế hệ tinh hoa của người Việt được hình thành nhờ sự giàu lên của một nhóm người Việt, cho dù họ giàu lên nhờ lợi thế chính trị, buôn đất hay nhờ làm ăn chân chính, thì sự giàu có của họ đều tạo ra lợi ích cho xã hội nhờ một bàn tay vô hình dẫn dắt. Khi họ giàu lên, họ sẽ đầu tư cho con cái của họ, và con cái của họ không còn bị gới hạn bởi chuyện cơm áo gạo tiền, và có đủ điều kiện tài chính để thực hiện những giấc mơ kỳ vỹ cho dù người bình thường xem đó là chuyện viễn vông. Có người giàu mới có những ngành chế tác tinh kỳ. Có người giàu mới có những người tài trợ cho nghệ thuật. Có người giàu mới có sự tập trung nguồn vốn để thực hiện cho một ý tưởng cao đẹp nào đó. Khi bạn không bị giới hạn bởi nhu cầu vật chất, bạn mới có thể nghĩ đến những điều xa xôi như tập trung nguồn lực để nghiên cứu việc thám hiểm mặt trăng hoặc đặt chân lên sao hỏa được. Và vì thế, một mặt chúng ta cần bổ sung và trau đồi tri thức, mặt khác chúng ta hãy chúc tụng cho những người đã may mắn trở nên giàu có, bởi sự giàu có của mọi người cũng chính là cơ hội của chúng ta. Một nhà hiền triết suốt ngày đi hùng biện không thể sống được nếu không có sự tài trợ, bởi bản thân họ không muốn làm anh giảng sư suốt ngày đi giảng những thứ mà người khác muốn nghe hơn là chủ thuyết mà họ muốn nói, và vì thế họ cần sự tài trợ. Một người họa sỹ tài hoa cần giới giàu có mạnh chi để mua tác phẩm của họ và nhớ thế họ có thể có tài chính để nuôi gia đình và tiếp tục sáng tác. Những người làm văn chương của Việt Nam, chắc hiếm có ai sống được chỉ nhờ tiền bán sách, đó là bởi dân Việt Nam chưa đủ giàu có để có tiền mà tôn vinh cho trí tuệ. Chúng ta cần có nhiều người giàu, và càng nhiều người giàu hơn sẽ càng tốt cho xã hội hơn.
Giàu tiền bạc sẽ hỗ trợ cho giàu tri thức, và giàu tri thức sẽ giúp sản sinh ra những trí tuệ lớn. Khi mà chúng ta còn nghèo về tư duy, và vẫn còn nuôi bản tính ích kỷ và ganh ghét, chúng ta sẽ chỉ kiềm chân nhau lại mà thôi.
Tôi ước mong, người Việt của chúng ta sẽ không còn “nghèo” nữa, sẽ bớt đả phá, mà thay vào đó sẽ cổ xúy cho sự thay đổi, phát triển và tiến lên. Chúng ta đã nghe mãi câu “thế giới đổi thay khi chúng ta thay đổi”, thế mà chả mấy ai chịu thay đổi mà chỉ toàn phàn nàn, và giờ đây, chúng ta nên nhìn vào bản thân, đổi thay để nhìn thế giới quanh ta thay đổi.
Dù chúng ta không thể “giàu” lên chỉ nhờ một lần nhất nút, nhưng khi tư duy thay đổi, và nhớ tiếp thu tri thức, mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực đấy bạn ạ.
Và kể cả tôi, tôi cũng có một giấc mơ có thể phần nào giúp mọi người sống tốt hơn nhờ vào những bài viết của mình và tôi có thể có được năng lực tài chính để toàn tâm toàn ý cho công việc đó. Dù đó là giấc mơ xa xôi, nhưng nếu không bắt đầu viết, sẽ chẳng bao giờ giấc mơ đó trở thành sự thực.
Như lời của ai đó “hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ”!
Sài Gòn, ngày 11 tháng 03 năm 2020