Trong tiểu thuyết của Kim Dung, bạn thường nghe nhắc đến một nhân vật huyền thoại có tên là Độc Cô Cầu Bại, ông là một người có kiếm thuật vô song, tung hoành thiên hạ, đến trước bốn mươi tuổi đã vô địch thiên hạ không có địch thủ. Đến sau bốn mươi, ông đạt tới trình độ không dùng kiếm (mà chỉ dùng kiếm ý) có thể thắng đươc người dùng kiếm thật. Tên “kiếm mộ” chứa bốn mộ phần cho kiếm của ông có dòng chữ:
“”Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại vô địch thiên hạ, chôn kiếm chốn này.
Ô hô! Quần hùng thúc thủ, trường kiếm dẫu sắc, còn có ích chi!”
Một người lẫy những như Độc Cô Cầu Bại tại sao lại được xem là bất hạnh? Ông đạt đỉnh cao về kiếm thuật, sáng tạo nên Độc Cô Cửu Kiếm vô song thiên hạ, đến thời của Lệnh Hồ Xung, chỉ dùng kiếm thuật của ông mà từ đó biết lấy vô chiêu để thắng hữu chiêu, chiến thắng tất cả những kẻ thù mạnh mẽ nhất. Vậy mà tôi lại bảo ông ấy bất hạnh có gì sai chăng?
Tôi muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện do chính tôi bịa ra như sau.
Ngày xưa có một vị anh hùng võ công cái thế, tới hai mươi tám tuổi ông đã trở thành một trong những đại anh hùng, tiêu diệt hết giặc cỏ và quan tham ở một vùng rộng lớn và được người dân tôn làm Đại Vương để bảo vệ cho họ. Đại Vương đánh đâu là thắng đó, ông trở thành một vị tướng quân vô địch, không ai thắng nổi. Thế nhưng, sau độ tuổi ba lăm, ông đâm ra trở nên khác thường, trở nên tự tôn, coi thiên hạ chỉ bằng cái vung, thủ hạ của ông trở nên biến chất, tham lam vơ vét của dân, sưu cao thuế nặng. Vị anh hùng năm nào trở thành con quỷ ác độc trước mắt mọi người. Biết bao cuộc khởi nghĩa nổi lên, bao nhiêu âm mưu mưu sát đều bất thành. Đến năm ông 48 tuổi, có một thiếu niên 16 tuổi, vỗ nghệ cao cường, thông mình xuất chúng đã đứng lên lãnh đạo một nhóm nông dân và bắt đầu cuộc chiến dai dẳng với ông. Cháng thiếu niên này được nhân dân yêu mến gọi tên là Tiểu Minh, anh ta gai góc và lì lợm, cùng anh em vào sinh ra tử. Chàng trai này đã đôi lần khiến Đại Vương phải đích thân xuất chiến tấn công vào tận căn cứ của chàng. Điều kỳ lạ, đó là có mấy lần Tiểu Minh đã gần như bị bắt và phải chết dưới lưỡi kiếm của Đại Vương, nhưng chàng ta vẫn đào thoát được. Chính bản thân Tiểu Minh cũng không hiểu nổi lý do vì sao Đại Vương lại sơ hở để chàng ta đào thoát và lại có cơ hội để gây dựng lại đội quân cho mình. Tiểu Minh còn may mắn được những nhân vật ẩn danh tài trợ cho vũ khí, lương thực và tiền bạc để chiêu binh mãi mã. Những trận chiến liên tục diễn ra trong suốt mười năm, mười năm đó Tiểu Minh thoát chết tới hơn chục lần, có ba lần bị bắt và lại trốn thoát. Mười năm đó khiến vị Đại Vương trước đó không màn tới thế sự đã trở nên phấn khích, đứng lên sử vũ khí, nộ khí xung thiên, và Đại Vương vẫn là Đại Vương, ông không hề nao núng trước thanh thế ngày càng lớn của Tiểu Minh, ông tham chiến với niềm hứng khởi vô cùng trước một đối thủ thực sự mạnh mẽ, bền gang. Đến năm Đại Vương tròn năm mươi, Tiểu Minh đã lần thứ ba đánh thẳng vào đại bản doanh của Đại Vương và đã dùng một đao đâm xuyên mình của Đại Vương, nhưng kỳ lạ thay, ông ấy không tỏ ra đau khổ trước cái chết đã cận kề của mình, ông còn cười mãn nguyện và thốt lên một câu rằng “Tiểu Minh, người đúng là không phụ mong chờ của ta”, rồi ông rút thanh đao của Tiểu Minh ra mà ra đi. Còn Tiểu Minh, khi chứng kiến cảnh đó đã thẩn thờ, nước mắt chan hòa, bái vọng vị Đại Vương mà rời đi. Sau đó, Tiểu Mình điều tra các nguồn tài chính đã hỗ trợ cho mình, anh ta phát hiện ra, các nguồn tài chính đó đều xuất phát từ ngân khố của Đại Vương, hay nói cách khác, Tiểu Minh được Đại Vương hỗ trợ tài chính để anh ta có thể chống được ông. Và nếu nói theo một nghĩa nào đó, Tiểu Minh đã được Đại Vương rèn luyện để trở thành một vị anh hùng cái thế như lúc này. Tiểu Minh lúc đó đã nhận ra được một chân lý tuyệt vời, và từ đó anh đã rời bỏ cái vị trí Đại Vương mà dân chúng hào phóng ban cho anh để lang bạc kỳ hồ, tìm hiểu thế giới và tìm cơ hội được làm bạn với anh tài của thiên hạ. Cũng nhờ đó, Tiểu Minh mới nhận ra, thế giới quá nhiều kỳ nhân, và anh được tương giao với họ là may mắn của cuộc đời anh.
Câu chuyện tôi bịa ra ở trên sẽ hao hao với một số câu chuyện bạn đọc được ở đâu đó. Ở trong thế giới thực tế, không bao giờ tỏ rõ trắng đen, mà luôn là màu xám. Ở thế giới nào cũng có anh hùng và phản anh hùng. Nếu có kỳ tài, hẳn nhiên phải có kỳ phùng địch thủ. Không ai trở thành kỳ tài, xuất chúng nếu thiếu đi những địch thủ trời sinh. Hay nói cách khác, một người muốn tiến bộ cần phải có ai đó đủ khả năng làm đối thủ để so sánh và đối chiếu. Có đối thủ mạnh hơn để có thể cầu tiến mà vượt qua. Thế nên câu chuyện những võ sư đi thách đấu cả thiên hạ cũng chỉ với mong ước có thể cầu gặp bậc kỳ tài mà nhờ đó tự mình có thể vượt qua đượt giới hạn của chính mình.
Câu chuyện tôi kể ở trên cũng không phải là một câu chuyện lạ. Bậc đại trí thường cầu mong tạo ra được những truyền nhân có thể vượt qua mình, và họ sẽ truyền hết tất cả những gì họ biết cho hậu nhân, còn bản thân họ sẽ khai phá những giới hạn cao hơn. Khi họ không có địch thủ, họ sẽ tự tạo ra địch thủ để có thể được sống một đời sống hào hứng và sôi nổi. Anh hùng không sợ kẻ mạnh hơn, họ luôn tìm đối thủ mạnh hơn. Người hèn kém luôn tìm cách triệt người có tiềm năng phát triển hơn mình vì sợ người ta vượt qua mình. Người hèn kém thích tập trung quyền lực, thích cai trị và luôn tìm cách duy trì quyền lực của mình, và giữ tai mắt của mình ở khắp nơi để đảm bảo không có ai có tiềm năng có thể thay thế mình. Bậc đại nhân lại tập trung anh tài, hướng đến những mục đích lớn hơn và cùng nhau phát triển. Bậc đại nhân không ngại người giỏi hơn mình và thích sử dụng người tài. Người hèn kém thấy người tài là ganh ghét vì sợ bị qua mặt và bị tranh mất quyền lợi.
Trong cuộc sống hiện đại, những con người cầu tiến, luôn muốn vượt qua giới hạn của bản thân và hỗ trợ cho người trẻ phát triển chính là những người luôn có cảm giác đủ đầy, vì họ được thực sự sống và phát triển. Những người tham vọng nhưng lại tiến thân bằng cách đè bẹp các đối thủ tiềm năng, tìm nhược điểm để phên phán người khác, ngại phát triển người tài vì sợ người ta vượt qua mình là những người luôn sống trong lo toan và cảm giác khốn khổ. Còn loại người thứ ba, bất hạnh như Độc Cô Cầu Bại, là người chỉ biết sống trong cái thế giới nhỏ hẹp của mình, đạt đến trình độ tuyệt luân về cái thứ mình luyện tập từ nhỏ, nhưng chỉ biết sống trong cái thế giới nhỏ hẹp đó mà không biết khám phá những chân trời mới, ông giỏi về kiếm thuật chắc gì đã đạt tới trình độ tinh thâm về thơ phú, hay đánh cờ, hay kỹ năng điều binh khiển tướng. Thế giới có muôn vàn điều thú vị, vì sao ông lại chọn kết thúc cuộc đời trong cô độc chỉ vì mình là thiên hạ vô địch thủ? Tôi xem đó là bất hạnh của Độc Cô Cầu Bại, một người khi đã xem mình là vô địch thiên hạ, thì người đó cũng khó lòng mà tiến bộ thêm được nữa. Dù ông có vô địch thiên hạ đi nữa, ông vẫn có thể tạo ra những người giỏi hơn ông cơ mà.
Tôi nghĩ, thế giới này không có bất cứ ai là Độc Cô Cầu Bại, không có ai là người giỏi nhất hành tinh cả. Có thể bạn giỏi rất giỏi, nhưng vẫn có những người giỏi theo những cách khác nhau để bạn có thể học tập từ họ. Khi nhìn ra thế giới với thái độ cầu thị học hỏi, bạn sẽ tìm ra những bậc thầy để có thể tương giao mà từ đó có thể giúp bạn tiến hóa và đạt được tầm cao mới.
Cuộc sống là một cơ hội tuyệt vời, bạn chỉ có một đời người để có thể khám phá và phát triển bản thân mình, bạn cũng chỉ có đúng một khoảng đời hạn định để có thể tạo ra được những điều thú vị cho chính bạn và cho mọi người. Bạn chỉ có một cuộc đời để có thể học hỏi cái hay của thiên hạ và giúp mọi người sống một cuộc đời sôi nổi và thú vị như cách bạn làm.
Đừng phí hoài thời gian bạn nhé!
Nếu bạn thấy không còn gì để học, không còn gì để phát triển, có thể bạn chưa đủ mạo hiểm!
Chúc bạn luôn vui với những cuộc phiêu lưu của chính mình!
Sài Gòn, ngày 11 tháng 03 năm 2020