Hôm nay, sau một cuộc phỏng vấn với một ứng viên vị trí Java senior engineer, tôi mới ngồi nói chuyện với bạn lead bên nhóm marketing của công ty tôi đang làm việc, và tôi chia sẻ với bạn rằng, nếu một bạn candidate hỏi rằng “Anh ơi, những lý do nào khiến em nên chọn công ty mình làm nơi làm việc tiếp theo?”, và nếu tôi hoặc các bạn phỏng vấn khác có thể nói một cách trơn tru với niềm tin vào những điều mình nói về các điểm mạnh của công ty, những thứ mà người phỏng vấn viên thực sự tự hào về công ty, thì đó chính là cách tốt nhất để có thể thuyết phục một bạn ứng viên trở thành nhân viên của công ty. Nhưng nếu người phỏng vấn mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ, và sau đó trả lời với thái độ thiếu tự tin (vì nói những điều mà họ không nghĩ nó là sự thật), thì khả năng thuyết phục sẽ giảm đi rất nhiều. Và tôi nghĩ rằng, cách marketing tốt nhất về công ty, có lẽ nên bắt nguồn từ niềm tin của lãnh đạo của công ty về sứ mệnh cũng như là những giá trị cốt lõi của công ty mình, và lan tỏa niềm tin cũng như hành động để khẳng định niềm tin đó là đúng để nhân viên của công ty cùng chung một góc nhìn, lúc đó công ty có hàng trăm đến hàng ngàn đại sứ thương hiệu cho hình ảnh của công ty, và họ chính là người thuyết phục những ứng cử viên tiềm năng, xem công ty như là một nơi xứng đáng để gia nhập và làm việc.
Trong suốt chín năm làm việc ở công ty hiện tại, tôi có đến hơn bảy năm rưỡi ngồi ở vị trí là người phỏng vấn kỹ thuật (dù kỹ thuật của tôi mai một theo thời gian), và tôi may mắn được phỏng vấn nhiều vị trí khác nhau, từ những bạn mới tốt nghiệp cho đến các kỹ sư cao cấp, kiến trúc sư phần mềm… và phải nói rằng tôi khá mát tay, và nhiều người đã thành đạt ở công ty nơi tôi làm việc. Có những bạn sau khi vào còn phát triển vượt trội, trở thành người kế thừa công việc của tôi hoặc thực sự đã hơn tôi ở nhiều mặt và tôi thực sự tự hào vì mình đã mang về cho công ty rất nhiều nhân tài. Trong hơn bảy năm, tôi phỏng vấn vài ngàn người, có những mùa cao điểm, tôi phỏng vấn tầm bốn bạn ứng viên mỗi ngày, hay hai mươi ứng viên mỗi tuần và tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì điều đó, bởi tôi thích làm việc với con người và muốn giúp họ phát triển. Tôi thường nói đùa với team tuyển dụng, rằng nếu ai hỏi tôi làm nghề gì, tôi sẽ trả lời tôi là phỏng vấn viên chuyên nghiệp. Và khi đi phỏng vấn, tôi luôn trung thực với ứng viên về công ty, và tôi chia sẻ cả điểm mạnh lẫn điểm không phải là mặt mạnh của công ty, và nhờ đó các bạn hoàn toàn không cảm thấy shock khi đặt chân vào công ty. Tôi chọn chân thành, cởi mở và hỗ trợ khi chia sẻ với các ứng viên, và tôi chưa bao giờ hối tiếc khi một ứng viên vì nói thật, cho dù sự thật đó có thể tạo ra bất lợi tạm thời cho việc tuyển dụng.
Quay trở lại tiêu đề của bài viết này, vậy thực sự, tôi thấy gì và học được gì từ chị bán rau ở chợ Căn Cứ mà tôi thường mua.
Tôi để ý tới chị bởi vì hàng rau của chị thường rất xanh, sạch và tươi. Rau của chị luôn đẹp, và chị thường xuyên bỏ những rau đã cũ, chị thà không bán chứ không bán những bó rau đã hỏng với giá rẻ mạt. Chị chọn bán hàng chất lượng và chị luôn tuân thủ điều đó. Chị chấp nhận lỗ tạm thời nếu rau hỏng (vì quyết không bán), chứ chị không muốn mất hình ảnh của một người bán rau chất lượng tốt trong mắt khách hàng. Đó là lý do đầu tiên và quan trọng khiến tôi luôn tìm đến chị.
Thứ hai, chị luôn bán rau chất lượng tốt và giá rẻ cho sinh viên, vì chị quan điểm rằng sinh viên còn phải ngửa tay xin tiền cha mẹ, hoặc nếu có tự làm thêm thì đó cũng là những đồng tiền ít ỏi mà nhọc công mới có, nên chị nghĩ rằng chỉ bán giá vừa phải để hỗ trợ thêm cho lũ nhỏ. Và chị chia sẻ vì sao cũng chừng đó tiền, nhưng nếu tôi mua thì số rau sẽ ít hơn một chút nếu so với số rau mà chị bán cho các bạn nhỏ. Và vì thế, dù là sinh viên nghèo, hay khách có thu nhập khá, họ đều yêu thích tới mua rau của chị. Và cho dù họ đến buổi sáng, buổi chiều hay tối mịt (như tôi), thì chất lượng rau đều tốt như nhau. Hôm nào tôi mua rau ở hàng khác, thì chất lượng rau sẽ khác, vợ tôi sẽ chia sẻ ngay, vì thấy rau không tươi như thường lệ, hoặc rau dơ. Sự nghiêm túc và chuẩn chỉnh trong việc gìn giữ những giá trị mà chị xem là cốt lõi đã giúp cho chị có một lượng khách hàng ổn định và tuyệt đối trung thành. Họ cũng như tôi, sẽ không rời bỏ chị mà đi mua rau ở chỗ khác.
Tôi có tính hay quên mang tiền theo, và cứ mỗi lần tôi quên tiền, tôi lại bảo chị cho tôi mượn khoảng 300 đến 500 ngàn đồng để tôi có thể đi mua các thứ khác. Và dù trong suốt hai năm đầu, chị không biết tên tôi, không nắm số điện thoại và không biết nhà, chị vẫn cho tôi mượn tiền mà không chút nghi ngại. Tôi nghĩ chị mạnh dạn đặt niềm tin vào những người chị thấy nên tin, dù tôi đi chiếc xe máy hơn hai mươi năm tuổi, và dù chị có thể sẽ bị tôi quỵt mất tiền. Niềm tin rất quan trọng, nếu bạn không tin ai cả, việc kinh doanh sẽ rất khó khăn. Nếu bạn nhẹ dạ cả tin, bạn sẽ mất tiền. Trao niềm tin cho ai đó cần khả năng đánh giá và hiểu về con người, nếu trao niềm tin sai chỗ, cái giá phải trả sẽ rất đắt. Theo góc nhìn của tôi, chị là người biết nhìn người, uyển chuyển trong việc trao niềm tin.
Chị là người thích hỗ trợ và giúp đỡ người khác, chị giúp cho chị bán cá thác lác bằng cách cho chị ấy mượn tiền khi biết chị ấy vỡ nợ và làm lại từ đầu bằng thau cá thác lác. Chị thường xuyên cuốc bộ đi mua thêm thứ này thứ kia cho tôi, không phải bởi tôi lười, mà bởi chị thích làm vậy. Chị muốn chọn giúp khách hàng thân thiết những thứ thực sự ngon và thực sự đáng để mua. Chị luôn ưu tiên cho nhóm khách hàng thân thiết bằng những giá trị cộng thêm và làm cho họ cảm thấy họ thực sự được trân trọng. Nói theo một cách khác, chị đang làm tốt hơn những công ty ngàn tỷ trong việc đối đãi với khách hàng thân thiết.
Chị thường xuyên trò chuyện và xin lời khuyên từ khách hàng về chuyện đời, chuyện học của con cái và chị chắt lọc chứ không phải với ai chị cũng hỏi. Chị thường hỏi tôi về việc phát triển sự nghiệp cho cô con gái, về việc khuyến khích con gái đi làm thêm và nhận thử thách mới. Chị cũng thường hỏi xem, cách người ta tuyển người như thế nào, làm sao để con gái chị có lợi thế cạnh tranh hơn. Chị là một người bán rau ham học hỏi và có trí tuệ. Nếu chị làm quản lý trong một công ty, tôi tin là chị sẽ thành công. Nhưng nếu tôi làm anh bán rau, tôi nghĩ tôi không dễ có thể làm tốt được như chị.
Mấy hôm rồi tôi có một số trắc trở trong cuộc sống, nên khi gặp chị tôi có than, không hiểu tại sao ông trời cứ thích đem khó khăn lại cho tôi như thế này. Chị cười bảo, ông trời cho em quá nhiều thứ, thế nên ông trời cũng phải trao cho em những thử thách xứng tầm chứ. Tôi mới bảo chị tôi có gì hay ho đâu. Chị mới bảo, em thông minh, giỏi đối nhân xử thế, có thể kiếm được khá nhiều tiền (có lẽ chị nhìn qua những thứ tôi hay mua), thế nên, em phải có những thử thách xứng đáng, đâu có phải ai cũng được như em, và đâu phải ai cũng có thể giải quyết được vấn đề khó như em. Tôi nghe đến đó thì ngậm ngùi, bởi tôi biết tôi bán than sai chỗ, dù tôi không chia sẻ nhiều với chị, nhưng có lẽ chị hiểu tôi hơn nhiều người khác. Và dù tôi luôn đi chiếc xe future đời đầu cũ nát có tuổi thọ trên hai mươi năm, nhưng tôi cũng không giấu được hết với chị. Có khó khăn ư, mình có năng lực mà, thế nên cứ kiên trì mà giải quyết. Thông điệp ẩn chứa bên trong những gì chị nói với tôi là vậy đấy. Và quan trọng hơn, chị trao một niềm tin rất lớn rằng dù không biết vấn đề của tôi là gì, nhưng chị tin là với năng lực của tôi, mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa. Nếu các sếp biết trao niềm tin cho lính của mình đúng chỗ như cách của chị, có lẽ các bạn nhân viên sẽ mạnh hơn rất nhiều.
Tôi có may mắn được quan sát nhiều người bán hàng, nhưng có lẽ hai người bán hành thực sự khơi gợi cho tôi nhiều cảm hứng nhất đó là Steve Job và chị bán rau ở chợ Căn cứ. Có người bạn bảo rằng tôi có thể bán tốt những thứ cực kỳ sang chảnh kiểu như máy ảnh Leica hoặc dự án đắt giá, tôi tin là bạn ấy nói đúng về tiềm năng của tôi. Nhưng để có thể làm được những điều lớn lao, việc đầu tiên tôi cần làm là học tập từ những con người vĩ đại đã. Chị bán rau là một trong những người vĩ đại mà tôi nên học tập.
Sài Gòn, ngày 18 tháng 03 năm 2020.