Tìm kiếm trải nghiệm mới

Nhiều lúc bạn sẽ như tôi, tự hỏi tại sao mình lại đâm ra chán mọi thứ, thèm uống cafe, thèm mua sách, hoặc thèm kiếm một bạn hợp cạ để trò chuyện. Có lúc bạn sẽ cũng như tôi, bỏ cả đống tiền mua về cái máy ảnh rồi vài hôm sau lại đem bán đi vì chán. Có chuyện gì xảy ra cho tôi và bạn vậy? Có phải vì chúng ta mua sắm để giải stress, hay còn vì lý do nào khác? Có một câu cửa miệng mà chúng ta hay nói, nhưng chúng ta lại không mấy quan tâm tới ý nghĩa của nó, đó là câu “Chán quá!”.

Từ nhỏ tôi đã luôn miệng nói “chán quá”, và tôi cứ tưởng mình bắt chước anh chàng D’actanhang trong tiểu thuyết “Ba chàng lính ngự lâm” của Alexandre Dumas cha, anh chàng lính ngự lâm ấy luôn miệng kêu chán mọi lúc mọi nơi. Tại sao anh ta chán? Vì sao bạn và tôi thấy chán? Bởi tôi, bạn, D’actanhang và nhiều người khác có trong người dòng máu thích phiêu lưu, thích trải nghiệm cái mới. Chúng ta luôn bị nhàm chán với những thứ dù đẹp nhưng đã cũ, những trò vui nhưng không còn thú vị vì đã nhàm chán. Chúng ta đi tìm trải nghiệm mới trong vô thức và sau đó bị dẫn dắt vào bẫy mua sắm, các chương trình giải trí, games, nhậu nhẹt và những mối quan hệ vô bổ. 

Con người chúng ta vôn dĩ là loài động vật “tối ưu”, nên lười nhác và thích chọn đường đi ngắn nhất để có được cái cảm xúc tuyệt vời của trải nghiệm mới. Làm quen một người bạn mới cũng là trải nghiệm, nhưng trải nghiệm đó vất vả hơn việc ngồi xem một cuốn phim hai tiếng đồng hồ rất nhiều. Viết một bài viết về một chủ đề nào đó cũng là một trải nghiệm, nhưng nó không dễ đạt bằng cách ngồi vuốt vuốt đọc tin trên facebook đâu. Viết một phần mềm cũng là một trải nghiệm tuyệt vời, nhưng nó dễ như việc chém gió về chuyền Apple ra sản phẩm mới, hay Google vừa mới phát triển con bot có tích hợp tính năng AI. Và vì thế chúng ta đã chọn con đường ngắn và dễ để có được trải nghiệm mới, tuy nhiên, cái gì dễ đến thì dễ đi, chiếc điện thoại mới mau chóng thành cũ, cuốn phim xem xong đọng lại trong vài ngày và bạn phải đi tìm phim mới để xem, cuốn tiểu thuyết mới đọc cả tuần mới xong có dư âm kéo dài vài tuần, nhưng sau đó bạn cũng sẽ đi tìm thêm cuốn tiểu thuyết khác để đọc. Có những người thay người yêu như thay áo chỉ bởi vì không đủ kiên nhẫn để trải nghiệm hết một con người mà thay vào đó chỉ trải nghiệm phớt qua nhiều người và không có gì sâu sắc để nhớ lại, để thấm cả. 

Tôi là người cả thèm chóng chán, vì thế tôi luôn tìm kiếm trải nghiệm mới. Thế nhưng, trong vài năm gần đây, tôi thôi không đọc tiểu thuyết. Nhưng tôi vẫn còn thường xuyên mua sắm trải nghiệm thiết bị, và rõ là thói quen này không tốt vì loại trải nghiệm kiểu này rất tốn tiền. May mắn thay, tôi có một số trải nghiệm khác tốt, và nó sẽ giúp tôi phát triển được tốt hơn, và có thể vượt qua được chính mình. 

Tôi đã chụp với tổng cộng tám mươi loại máy ảnh khác nhau và hơn 120 ống kính, nghĩa là tôi có thể được xem như một người có kinh nghiệm với hàng trăm thiết bị máy ảnh và có thể chia sẻ trải nghiệm với mọi người. Đó là một khía cách tích cực từ một thói quen tiêu cực. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tôi nên duy trì cái thói quen mua sắm vô độ, thay vào đó tôi nên chọn cách khác để vẫn tiếp tục được trải nghiệm nhưng không tốn quá nhiều tiền. 

Tôi mê nhiếp ảnh, và tôi đã chụp được mấy trăm ngàn tấm hình trong vòng năm năm, trong đó tôi đã xử lý tầm hơn một trăm ngàn tấm và có được hơn 25 ngàn tấm nhìn thấy được. Kỹ năng chụp ảnh của tôi tiến bộ, tôi lại có một kho tư liệu tuyệt vời về đủ chủ đề, từ con người đến máy bay, từ chợ đến người bán hàng rong, từ phố Tàu đến hẻm ta… Chụp ảnh giúp tôi có vốn sống, có trải nghiệm mới và có một thứ tài sản vô hình, vài chục ngàn bức ảnh có thể được dùng để làm tư liệu cho các thể loại sáng tác nghệ thuật khác. Hàng trăm bức ảnh tôi dùng làm ảnh nền cho các bài viết trên blog của tôi chính là một phần thành quả từ việc chụp hình trong mấy năm qua. Như vậy, loại trải nghiệm này không đến nỗi tệ. 

Tôi chọn viết blog như là một cách để chia sẻ được trải nghiệm, vừa kể được câu chuyện của mình, vừa có thể giúp được cho những người khác về những kinh nghiệm mà tôi thu lượm được. Viết blog là một hình thức trải nghiệm khó, nhưng viết sách còn khó hơn. Nó giống như chụp một bức ảnh đẹp vốn dĩ không dễ, nhưng nếu chụp một bộ ảnh đẹp có nội dung và thông điệp xuyên suốt sẽ khó hơn rất nhiều. 

Viết được một phần mềm tốt là một quá trình vất vả và cần nhiều nỗ lực. Nó cũng giống như một nghệ nhân ngồi chạm trỗ một bộ bàn ghế. Bộ bàn ghế hình chạm trổ càng tinh xảo thì công sức bỏ ra và sự sáng tạo càng lớn. Những trải nghiệm này khi bắt đầu rất dễ chán, nhưng càng làm càng gây nghiện, và nó giúp cho ta sự say mê hơn bất cứ chất gây nghiện nào và không gây ra những ảnh hưởng xấu như nghiện rượu hoặc nghiện thuốc lá. 

Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta cảm nhận được những dấu hiệu rằng chúng ta đang nhàm chán (như ngồi buồn không biết làm gì, đụng vào cái gì cũng thấy chán, thèm đi chơi, thèm mua sắm, thèm rượu bia..), đó là lúc chúng ta biết rằng chúng ta nên làm một điều gì đó thú vị giúp cho chúng ta thoát khỏi sự nhàm chán thường thấy của cuộc đời. Hãy lên một dự án thực sự thú vị, hãy tâm niệm rằng “khó mới thích”, những trò chơi càng tốn công sức và mất thời gian thì kết quả sẽ càng kỳ vỹ. Chơi càng lâu thì sẽ càng “máu”. Và bởi vì đời người ngắn ngủi, thời gian là tài sản quý giá nhất, nên chúng ta đừng tiêu phí nó vào những trò vô bổ. Bạn có thể chơi game một chút, nhưng đừng chơi liên tục ngày này qua ngày khác, bạn có thể đi nhậu với bạn bè, nhưng đừng nhậu một tuần vài cử mà chỉ nên nhậu vài tuần một cử, bạn có thể mua sắm đồ đắt tiền, nhưng hãy đứng biến nó thành cơn nghiện. Hãy nghiện các thứ bổ ích, chơi những trò chơi giúp bạn có thể tạo ra thành quả tốt cho bạn và hữu ích cho mọi người. 

Tôi sẽ không sợ hãi những lần khao khát mua sắm thiết bị mới, hay không cảm thấy ngán cái cảm giác chán chường nữa, mà thay vào đó, tôi sẽ hiểu rằng, đã đến lúc phải làm điều gì đó mới mẻ, phải chơi một “trò chơi mới mẻ và vui vẻ hơn”. Cảm giác chán ập đến, có nghĩa rằng tôi đã đang cũ và mòn vẹt đi đấy, thế nên phải tìm nguồn vui mới, nghĩa là, tôi cần nạp thêm thông tin mới, học hỏi những điều mới mẻ và thể nghiệm một số công việc sáng tạo thú vị. 

Cuộc sống tối đa cũng chỉ kéo dài cỡ 100 năm, thế nên phải làm sao cho cuộc sống phong phú, thú vị và đặc biệt đừng bao giờ “sống hoài, sống phí”.

Sài Gòn, ngày 03 tháng 05 năm 2020