Tôi đã từng có bài viết chia sẻ về cuộc đời sôi nổi của mình từ lúc còn là học sinh cấp 2 cho đến bây giờ, thế nhưng, nếu ai đó hỏi tôi, rằng tôi có gì hối tiếc không? Tôi sẽ là kẻ lừa dối nếu tôi bảo rằng mình không có gì để hối tiếc.
Tôi không hối tiếc về những quyết định tạo nên bước ngoặc của cuộc đời mình. Tôi tự hào với những nỗ lực tuyệt vời của bản thân khi rơi vào tình thế khó khăn. Tôi đã ôn thi đại học với 14 tiếng học tập mỗi ngày chỉ trong một tháng sau khi đỗ tốt nghiệp và tôi đã đậu tất cả các trường Đại học mà tôi thi. Tôi đã vượt cơn khủng hoảng thất nghiệp ở độ tuổi 29 bằng cách tự mở công ty, và rồi tự rèn luyện bản thân bằng cách xây dựng cho mình bộ kỹ năng về lập trình ASP.NET MVC và được trao giải thưởng Microsoft MVP trong suốt ba năm liền từ 2011 đến 2013 (sau đó tôi xin rút khỏi chương trình). Tôi đã cống hiến 8 năm liền cho công ty tôi đang làm việc hiện tại với nhiều chương trình hay và có giá trị về phát triển con người. Có thể nói tôi là một người có năng lực, khá thông minh, và có thể vượt qua được những khó khăn với nỗ lực tuyệt vời.
Thế nhưng, những nỗ lực tuyệt vời mà tôi nhắc đến đó chỉ xuất hiện khi tôi cảm thấy có những khó khăn hiện hữu hoặc đang đến. Trong suốt thời gian còn lại tôi thường “thư giãn”, làm việc vừa phải, đủ thông minh để hoàn thành những việc cần làm, nhưng tôi chưa bao giờ làm việc “thực sự chăm chỉ” nếu tôi không nhận ra có những nguy cơ đang cận kề. Nếu mọi người nhìn vào, người ta sẽ vẫn thấy rằng tôi là một người chịu khó và khá chăm chỉ, tôi thậm chí còn luôn là người đứng lên làm những việc mà không ai muốn làm (hoặc sợ phải làm) để hỗ trợ cho mọi người. Tôi dấn thân, tôi không sợ thất bại, nhưng tiếc thay, tôi chưa đủ chăm chỉ để tạo ra một “phiên bản tôi” thực sự thành công.
Người ta thường bảo rằng “Word smart not work hard” (làm việc thì phải thông minh chứ không phải chỉ là chăm chỉ cày bừa). Nhưng những người thực sự thành công mà tôi quan sát được, họ chỉ thành công nếu họ thực sự chăm chỉ. Không có ai ngồi chơi “lơi bơi” mà thành công cả, họ chỉ cố gắng thể hiện rằng họ “thong thả” mà thôi. Tôi sẽ không đậu đại học được, nếu tôi không học thực sự chăm chỉ trong một tháng cuối cùng đó, bởi tôi đã “ham chơi” trong suốt ba năm học đại học. Tôi sẽ không trở thành một kiến trúc sư phần mềm nếu tôi không thực sự đầu tư nguyên một năm 2010 tự học và lập trình rốt ráo, để rồi, từ việc được Harvey Nash cho đậu phỏng vấn ở vị trị trí Sofware Engineer ở năm 2010, và trở thành Principle Software Engineer / TA ở năm 2012 cũng chính tại Harvey Nash. Nếu tôi không thực sự chăm chỉ, không học tập và làm việc hết mình, tôi sẽ không có được bước nhảy cóc lớn đến như vậy. Hai năm để có thể có được vị trí như một người làm kỹ sư lập trình trong 8 đến 10 năm. Bởi tôi đã tốn năm năm cho một cuộc phiêu lưu khác với vị trí giảng viên, lập trình Java trong 9 tháng và tự mình khởi nghiệp trong 1 năm rưỡi, nên khi phỏng vấn vào Harvey Nash đầu năm 2010, kỹ năng của tôi chỉ ở mức độ của người mới bắt đầu với .NET mà thôi. Và tôi quyết định chứng minh với họ rằng, họ đã nhầm khi đánh giá tôi chỉ ngang đó, một năm sau tôi trở thành Microsoft MVP, và thêm một năm sau nữa, tôi trở thành kiến trúc sư phần mềm tại Harvey Nash, mặc dù trong hai năm đó, tôi không làm việc như là một kỹ sư phần mềm, tôi làm phó giám đốc đào tạo cho Huế Star và làm quản lý cấp trung cho công ty IMT. Như vậy, khi tôi nỗ lực, tôi sẽ làm được điều mình muốn, nhưng nếu tôi không nỗ lực, tôi chỉ là một người có tiềm năng mà thôi.
Giờ đây khi ở độ tuổi 38, tôi mới nhận ra được một vài sự thật.
Sự thật thứ nhất, đó là trí não của tôi vẫn nhanh nhạy, tôi vẫn có thể làm được những điều mà tôi có thể làm được lúc còn trẻ. Tôi vẫn lập trình rất tốt, dù bảy năm rồi tôi không thật sự viết một phần mềm cụ thể nào. Tôi vẫn có thể học với cường độ rất cao và có thể đạt được kết quả mà ít người làm được. Tôi trẻ trung và mạnh mẽ hơn chính tôi tưởng tượng.
Sự thật thứ hai, đó là trong những năm vừa qua tôi đã đánh lừa cảm giác của mình. Tôi đã tự mình giấu đi cái cảm giác chán chường khi thiếu thử thách, thiếu những cuộc phiêu lưu mới bằng trò chơi nhiếp ảnh từ năm 2015. Tôi đã sợ thất bại sau một số thành công nhất định trong công việc và cố bám víu cái ánh hào quanh nhỏ bé đó. Tôi đã lơ là con đường chính của mình bằng những thú vui khác, dù rằng chụp hình rất chăm chỉ, có nhiều ảnh đẹp, nhưng đó chỉ là thú vui, là thứ giúp tôi giải stress, và giúp tôi tạm quên đi những nỗi lo, những sầu muộn của bản thân. Nhưng lãng tránh không bao giờ là giải pháp triệt để. Nếu tôi mê nhiếp ảnh đến vậy, thì làm sao tôi có thể ngủ gục được lúc mười hai giờ đêm khi ngồi chỉnh vài bức hình. Tôi yêu nhiếp ảnh, nhưng nhiếp ảnh không phải là thứ duy nhất tôi có. Tôi yêu viết lách, nhưng viết lách không phải là tài năng duy nhất mà tôi sở hữu. Tôi giỏi quản lý và phát triển con người, nhưng tôi đang gieo ước mơ của chính mình cho những người trẻ. Tại sao, không phải là chính tôi, thực hiện ước mơ của chính mình. Tại vì sao tôi khiêm nhường chọn vị trí huấn luyện viên và người dẫn đường khi tôi còn sức lực và vẫn có thể thi đấu thành tích cao? Sau tất cả, đó là vì tôi lười biếng và thiếu đi sự khao khát chinh phục. Tôi đã quá an toàn trong suốt thời gian vừa qua. Khi tôi cứ mãi ngồi trong vùng an toàn, tôi sẽ không tạo được điều gì khác biệt. Tôi cần tỉnh lại, trước khi nó trở thành quá muộn.
Sự thật thứ ba, đó là, tôi thực sự khỏe, tôi có thể viết ba mươi bài viết mỗi tháng, một đêm tôi có thể viết được một bài chỉ trong hai tiếng, sau sáu tháng tôi có 165 bài viết với chất lượng khá tốt, bằng tống số bài viết tôi đã viết trong suốt mười hai năm. Tôi có thể biến mình thành một senior developer có skill đủ ngon để kiếm lương tốt trên thị trường chỉ sau ba tuần lập trình mê say tới 3-4 giờ sáng (tất nhiên, tôi đã từng là kiến trúc sư phần mềm, tôi có căn bản tốt, nếu không có căn bản tốt, thời gian cần cho tôi phải là hai năm, chứ không phải ba tuần). Tôi đủ khỏe để có thể bức phá và giúp cho tôi trở thành một “tôi mới” mạnh mẽ hơn và có khả năng hơn. Tôi có thể đọc được một cuốn sách vài trăm trang chỉ trong hai tiếng và sau đó diễn thuyết được như là khối kiến thức đó thực sự thuộc về mình. Nói một cách khác, tôi vẫn là một cỗ máy có thể bức tốc và chạy đường dài rất tốt, sao lại không xài cỗ máy đó theo đúng khả năng của nó?
Sự thật thứ tư là tôi đã thu mình bỏ quên những mối quan hệ xã hội, bỏ quên những thế mạnh mà ít người có thể có được. Tôi may mắn được nhiều người yêu thương, và tôi cực kỳ may mắn khi được quen biết những người thực sự giỏi, họ làm được những điều vĩ đại, chứ không chỉ ba chuyện cỏn con như thi đại học hoặc trở thành vị trí gì đó như tôi, họ có những cống hiến tuyệt vời cho xã hội. Tôi đã vì một số vết thương tâm lý, đã thu mình mà từ bỏ các mối quan hệ đó, và rồi tôi trở thành một kẻ cô đơn, tự mình chiến đấu với những nỗi đau của chính mình, tôi đã chiến đấu trong nhọc nhằn như vậy đấy, dù không tuyệt vọng, nhưng tôi cũng đã từng chạm đến cảm giác tuyệt vọng, tôi đã từng ngồi khóc không ngừng được trong buối sáng đầu năm mới khi thấy mình đã bất lực như thế nào trong một số chuyện cá nhân của mình. Tôi chỉ thực sự khác đi, khi tôi phá vỡ lớp kén của mình, đi tìm những con người thực sự từng trải và có thể truyền cho mình cảm hứng, và tôi đã mang một tâm thế khác từ đó. Tôi là một người có nhiều may mắn, nhưng tôi chưa bao giờ biết tranh thủ may mắn một cách tối đa cả, và những mối quan hệ của tôi chính là một trong những điều may mắn tuyệt với đó.
Năm sự thật trên đây chính là điều đã làm cho tôi cảm thấy hối tiếc vì mình chưa thực sự là phiên bản tốt nhất của chính mình trong suốt hai mươi năm qua. Tôi vẫn nhớ mãi cái tát của ba tôi khi tôi ham chơi bỏ học thêm đi chơi trò chơi điện tử trong suốt sáu tháng của năm lớp bảy, ba tôi bảo “ba thực sự rất buồn, ba sẽ không cảm thấy tiếc nếu con chỉ là một đứa trẻ ngốc nghếch hay không có năng lực, sự thực là con có năng lực nhưng lại đổ đốn như thế này, và ba sẽ vô cùng ân hận nếu con không thực sự phát huy được khả năng của mình”.
Ba ơi, con đã có chút thay đổi từ ngày ấy, nhưng tới giờ, ở tuổi ba mươi tám, con mới thực sự thấm thía câu nói của ba, và con phải thay đổi để con không phải hối hận về chính bản thân của mình. Ai cũng chỉ có một đời để sống, và giờ đây, sống lười biếng không còn là lựa chọn của con nữa. Con đã chơi đủ rồi, đã thư giãn quá lâu rồi. Con có một người cha tuyệt vời, có những tấm gương sáng để noi theo, nhưng con vẫn chỉ là thằng bé ham chơi cho đến cách đây một tháng. Khi con đã dám nói ra những điều này, con đã là một con người khác, và con sẽ không để mình chỉ là một nốt trầm buồn đâu.
Sự thật cuối cùng mà tôi muốn nói, đó là, dù bất ở bất cứ độ tuổi nào, thay đổi để tốt hơn và tiến bộ hơn đều không muộn. Tôi chỉ mới ba tám, nghĩa là tôi vẫn còn rất nhiều thời gian để phát triển, tôi chỉ mất cơ hội khi tôi không làm gì cho đến khi chết đi. Tôi sẽ “work smart and work really hard”, không phải để có thứ này thứ kia, mà để tôi thực sự khai thác hết tiềm năng của mình, để tôi có thể sống một cuộc đời ý nghĩa và sẽ không hối tiếc về cuối đời.
Sài Gòn, ngày 07 tháng 06 năm 2020
P.S: Gởi bạn đọc! Những lời tôi viết ở đây không nhằm khoe mẽ, cũng không phải là tuyên ngôn.Tôi đã từng tâm sự với mọi người, rằng tôi không nói gì khác ngoài sự thật, nên ai muốn biết về tôi đủ nhiều, họ chỉ cần đọc blog này. Tôi biết có nhiều bạn cũng có những nỗi niềm trăn trở như tôi, và tôi ghi lại để như là một chỉ mục tham khảo cho những người đó. Cuộc sống không bao giờ là dễ dàng, và vì vậy, chúng ta nên biết rằng có những người có chung suy nghĩ và trăn trở như mình. Hy vọng những lời tâm sự chân thật của tôi sẽ hữu ích cho mọi người. Trong tương lai, có thể tôi sẽ có những thất bại, nhưng chí ít, tôi sẽ không còn cảm giác bứt rứt và hối hận như bây giờ.