Nỗi ám ảnh mang tên Trung Quốc

Trong nhiệm kỳ của tổng thống Trump, người ta thấy Trump liên tục áp thuế và tạo ra thương chiến với Trung Quốc và rất nhiều người cảm thấy hài lòng bởi những chính sách của nước Mỹ với Trung Quốc. Điều gì khiến người ta hài lòng với các quyết sách của Trump? 

Đầu tiên chúng ta cần quan tâm đến sự trỗi dậy của Trung Quốc và tìm hiểu về sự tăng trưởng của GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Trung Quốc và của Mỹ và khả năng tích luỹ tư bản để đầu tư cho những hạng mục quan trọng của Trung Quốc. 

Bây giờ chúng ta hãy cùng suy nghĩ về câu chuyện làm ô tô của Việt Nam của hai doanh nghiệp là Vinaxuki và VinGroup. Vinaxuki có giấc mơ tuyệt vời đó là muốn tạo ra thương hiệu ô tô của Việt Nam từ năm 2010 và kết quả là thất bại vì ông chủ doanh nghiệp không có khả năng tập trung tư bản để đầu tư vào sản xuất. Còn VinGroup với tiềm lực mạnh mẽ về tư bản từ các mảng kinh doanh khác nhau (bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, kênh phân phối, bán lẽ..) đã có thể huy động nguồn lực lên tới vài tỷ đô để có thể làm ô tô và nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường trong một thời gian ngắn. Ông Huyên chủ của Vinaxuki chỉ mong có được có được vài ngàn tỷ đồng (khoảng gần 200 triệu dollars) để có thể đưa được sản phẩm ra thị trường nhưng trên thực tế với chừng đó tiền có giúp Vinaxuki đưa sản phẩm ra thị trường hay không thì không ai rõ, còn VinFast họ đã tung ra một nắm đấm tổng lực với hơn 20.000 tỷ đồng để giúp đưa sản phẩm ra thị trường. Con số 20.000 tỷ đồng tức là đâu đó gần tới một tỷ USD. Bài học ở đây, đó là doanh nghiệp nào có thể huy động vốn lớn hơn và nhanh hơn thì sẽ nhanh chóng xây dựng được sản phẩm và đưa ra thị trường dễ dàng hơn. Khả năng huy động vốn thể hiện mức độ tích luỹ tư bản và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Tương tự như vậy, tổng sản phẩm quốc nội là một chỉ số cho thấy khả năng sản xuất và phần nào thể hiện khả năng tích luỹ tư bản của một quốc gia và phần nào giúp cho người ta có thể nhìn thấy được tiềm năng kinh tế và khả năng tung ra cú đấm tổng lực của quốc gia đó khi cần làm một điều gì đó vĩ đại. HIện tại, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ lớn hơn của Trung Quốc (21 ngàn tỷ đô so với 14 ngàn tỷ đô ở năm 2019), nhưng đà tăng trưởng của Trung Quốc cao hơn, nên Trung Quốc sẽ mau chóng bắt kịp Mỹ trong đôi chục năm tới. Và điều đó cũng có nghĩa là, Trung Quốc có thể đầu tư vào các dự án lớn hơn, có thể tạo ra những điều kỳ vỹ hơn và nó không còn là lợi thế riêng của nước Mỹ nữa. 

Mỹ đã từ lâu nhận thức được nguy cơ từ Trung Quốc, bởi Trung Quốc có diện tích và tổng dân số lớn hơn, nên nếu về khoa học và kỹ thuật của Trung Quốc phát triển đến một mức độ nào đó, thì năng suất lao động của Trung Quốc sẽ tăng lên và có khả năng cạnh tranh với nước Mỹ. Trung Quốc càng hiện đại thì càng trở thành nguy cơ lớn hơn đối với nước Mỹ. Và vì vậy, nước Mỹ vừa phải hợp tác với Trung Quốc vừa phải có những chính sách nhằm làm giảm đà trỗi dậy của Trung Quốc. 

Ví sao Mỹ cần Trung Quốc?

Mỹ cần Trung Quốc vì Trung Quốc là một thị trường lớn thứ nhì thế giới về khả năng tiêu dùng (chỉ sau Mỹ), Và thứ hai, gia công giúp cách doanh nghiệp Mỹ có thể gia tăng quy mô sản xuất một cách nhanh chóng, và các doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều từ công xướng thế giới (ở đây là Trung Quốc). Và hiện tại, Trung Quốc là nước duy nhất có thể tổng hợp nguồn lực để cung ứng sản phẩm với số lượng lớn và có chất lượng cao cho các doanh nghiệp của Mỹ. Ngay cả những ngành có yêu cầu về độ chính xác cao thì Trung Quốc cũng đã đánh dấu sự hiện diện của mình. Các công nghiệp yêu cầu chế tác với độ chính xác cao như sản xuất chip, thiết bị quang học… đòi hỏi phải có chi phí R&D cao và phải dáp ứng các tiêu chuẩn khắc khe, nhưng bây giờ nó không còn là mảnh đất riêng của nhóm các nước G7 nữa. 

Vậy tại sao Mỹ không ngại Nhật Bản và Đức mà lại ngại Trung Quốc? Theo tôi, quy mô về dân số của Trung Quốc giúp Trung Quốc có thể tạo ra được lượng tư bản cao hơn Mỹ, điều mà Nhật Bản và Đức hay các nước phát triển khác đều không thể làm được. Hay nói cách khác, với Mỹ, nguy cơ lớn nhất hiện tại có thể tranh giành vị trí bá chủ không ai khác là Trung Quốc. Nguy cơ thứ hai là Nga, nhưng tổng sản phẩm quốc nội của Nga chỉ hơn 1/10 của Mỹ một chút, nhưng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã đạt tới ⅔ tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ (tính ở năm 2019).  Và trong tương lai nếu năng suất lao động của 1.5 tỷ dân Trung Quốc tăng lên thì nước Mỹ với chỉ hơn 300 triệu dân sẽ không thắng nổi Trung Quốc và lúc đó vài trò sen đầm quốc tế của Mỹ sẽ bị Trung Quốc tranh đoạt và lợi thế của các doanh nghiệp Mỹ trên trường quốc tế sẽ không còn như trước nữa. 

Vì sao vị trí sen đầm quốc tế của Mỹ cực kỳ quan trọng với các doanh nghiệp Mỹ và các nước đồng minh?

Kinh tế, chính trị và quân sự nghe có vẻ xa rời nhưng lại liên quan mật thiết đến nhau. Một quốc gia có sức mạnh về kinh tế thì sẽ có lợi thế về chính trị và quân sự và dùng chính trị và quân sự để giúp dọn dẹp hành lang khiến cho biên giới mềm của quốc gia đó vươn rộng đến các vùng đất khác. Nói cách khác, vị thế sen đầm của Mỹ giúp doanh nhân Mỹ có thể kinh doanh ở bất cứ đâu trên thế giới mà không gặp nhiều rào cản. Nếu có rào cản, Mỹ sẽ dùng sức mạnh kinh tế và quân sự để thay đổi thể chế chính trị hoặc tạo ra áp phe có lợi cho nền kinh tế của Mỹ. Nếu chúng ta nhìn lực lượng cảnh sát của một quốc gia như một lực lượng sen đầm có trách nhiệm đảm bảo trật tự xã hội và hỗ trợ người dân có thế kinh doanh một cách hợp pháp thì sen đầm quốc tế cũng vậy nhưng doanh nhân Mỹ và của các nước là đồng minh của Mỹ sẽ được ưu tiên hơn. Nếu Mỹ mất vị thế của một bá chủ đóng vai trò sen đầm quốc tế, và nếu vị thế đó rơi vào tay Trung Quốc, Trung Quốc sẽ là người hưởng lợi nhất. Chúng ta đã thấy dấu ấn của Trung Quốc ở châu Phi và ở ngay lục địa già Châu Âu, nơi mà ai cũng nghĩ là sân nhà của Mỹ. Công nghệ 5G là một ví dụ cho thấy Trung Quốc có thể chơi tay bo với Mỹ trên nhiều mặt trận và đó chính là lý do Mỹ phải dè chừng. Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc cũng cho thấy mong muốn của họ trong việc trở thành sen đầm quốc tế và đảm bảo cho doanh nghiệp Trung Quốc đường an toàn và dễ dàng giao thương với các thể giới thông qua con đường tơ lụa mới do chính quyền Trung Quốc thiết lập với các quốc gia khác.

Chúng ta có thể nghĩ đến biển Đông với chính sách gây hấn của Trung Quốc, nhưng nhìn sâu và rộng hơn, Trung Quốc không chỉ nhắm đến các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam chúng ta), mà còn đến Mỹ. Khi Trung Quốc chiếm đóng các đảo chìm và nổi trên biển Đông, họ sẽ trở thành cái cổng canh gác lớn nhất tên biển Đông, họ sẽ kiểm soát sự lưu thông trên biển và khi đó chính tàu Mỹ cũng sẽ bị làm khó dễ bởi Trung Quốc. Chúng ta thấy Mỹ phát ngôn về việc Trung Quốc chiếm đóng các đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa, phát ngôn đó không phải vì Việt Nam hay Philippine, mà vì chính lợi ích của nước Mỹ. Con đường biển xưa nay vô cùng thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ nay đã bắt đầu có những kẻ mạnh khác nhảy vào kiểm soát và điều đó có nghĩa là Mỹ không còn là tay chơi duy nhất có khả năng khuynh loát cả thế giới nữa rồi. 

Chúng ta đã nghe đến TPP và chính sách xoay trục sang Châu Á Thái Bình Dương của cựu tổng thống Obama. Mục tiêu chính của TPP và chính sách xoay trục là để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hay nói cách khác, Trung Quốc chính là nguy cơ lớn nhất của nước Mỹ. Nước Mỹ muốn tăng trưởng nhanh vẫn cần có Trung Quốc, doanh nghiệp Mỹ cần miếng đất màu mỡ là Trung Quốc để bán hàng, nhưng nếu Trung Quốc mạnh lên nữa thì Mỹ sẽ mất hẳn sự kiểm soát. Nước Trung Quốc bây giờ giống vị thế của nước Tần của Tần Thủy Hoàng khi xưa, và để ngăn cản nước Tần thôn tính cả thiên hạ Trung Quốc thời bấy giờ, sáu nước xung quanh (Hàn, Ngụy, Triệu…) phải thực hiện kế hợp tung để đối phó với Tần. Mặc dù hiện tại Trung Quốc chưa chiếm ưu thế vượt trội so với Mỹ, nhưng ngày đó sẽ đến, và nếu Mỹ không muốn thấy cái viễn cảnh cả địa cầu trở một nước Trung Quốc và các chư hầu, thì Mỹ phải thực hiện kế hợp tung với châu Âu và kể các các nước còn lại của cả thế giới. Nếu Mỹ rút đi sự hiện diện của mình ở châu Âu, Đông Nam Á và Bắc Á, thì Trung Quốc với giấc mộng bành trướng chưa bao giờ tắt sẽ biến Mỹ trở thành một bá chủ về hưu.

Trung Quốc làm bá chủ thì sao? Với tất cả các nước trên thế giới thì đó là một viễn cảnh khá tồi tệ. Trong khi nước Mỹ giương cao ngọn cờ tự do dân chủ, dùng quyền lực mềm để tác động cả thể giới, thì Trung Quốc hiện tại đang dùng tiền và cả quân sự để gây sức ép lên khắp mọi nơi. Nước Trung Quốc từ xưa đến nay luôn giống như một con mãnh thú đói ăn, nuốt tất cả các quốc gia xung quanh và không chừa bất kỳ lãnh thổ nào, từ nước Mông Cổ hoang sơ cho đến dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vỹ nhưng ít ai sống nổi. Trung Quốc trước đây bị ngăn bởi biến Thái Bình Dương và sa mạc ở Tây Á, nhưng nay những thứ đó không còn là thách thức nữa và vì vậy nước Trung Hoa cũng sẽ giống như con virus Corona sẽ lan tỏa ra toàn cầu. Nhưng, Trung Quốc không giương cao ngọn cờ tự do dân chủ, Trung Quốc cũng không phải là một đất nước hợp chủng quốc, Trung Quốc là của người Hán và họ sẽ thực hiện chính sách đồng hóa như bao đời nay họ vẫn làm. Khi tự do dân chủ không còn là rào cản, thì Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì và không bị chính chủ trương của họ ngăn cản, Mỹ thì ngược lại, họ có thể dựng chính quyền mới thân Mỹ ở một đất nước bằng cách dùng tiền hoặc dùng quân sự, nhưng họ không thể chiếm đóng vì nếu vậy họ đi ngược với ngọn cờ mà họ đang giương lên. Nga có thể một đêm dành lại lại đảo Crimea, nhưng Mỹ không thể một đêm càn quét Cuba rồi cho người Mỹ đến đó ở. Và cũng chính vì lẽ đó, người ta sợ hãi Trung Quốc ở vị trí bá chủ hơn là sợ Mỹ rất nhiều. Theo suy nghĩ của tôi, Mỹ cần thế giới và cả thế giới cần có Mỹ để ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng nếu Mỹ cứ hành xử theo lối của tổng thống Trump hiện tại thì ngày Mỹ mất vị thế bá chủ sẽ đến nhanh hơn rất nhiều.

Tôi sẽ viết một bài về các chính sách mà Trump đang thực hiện và nó sẽ ảnh hưởng đến chính nước Mỹ như thế nào, nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ muốn thể hiện suy nghĩ của mình về sự trỗi dậy của Trung Quốc và nguy cơ mà nó mang lại. Trung Quốc cần đồng minh nhưng không quá cần như Mỹ, Trung Quốc có 1.5 tỷ dân và học có thể tăng gấp đối số đó nhờ xuất khẩu chính dân của họ qua các nước khác và thực hiện đồng hóa mà không ai có thể cản kịp. Có thể những người da vàng đều mong họ có vị thế ngang hàng với người da trắng, nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ đảm bảo cho người Hán chứ không phải là người da vàng nói chung, và nó còn là nguy cơ khiến các dân tộc châu Á nhỏ hơn sẽ tiêu vong trong tương lai hoặc sẽ trở thành các cộng đồng nhỏ được duy trì để thể hiện rằng Trung Quốc “không thực hiện” chính sách đồng hóa. Trung Quốc có rất nhiều các khu tự trị trên đất nước họ (dân tộc Choang, dân Nội Mông, người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng), nhưng các sắc dân đó không thể lớn lên được nữa, họ chỉ là một góc nằm trong “viện bảo tàng” mà thôi. Và người Việt chúng ta, cũng như các dân tộc lớn khác đều không muốn trở thành khu tự trị của một đế chế Trung Hoa, nhưng để làm được điều đó, phần còn lại của thế giới phải có một chiến lược hợp tung hợp lý, một mặt tự lực tự cường, mặt khác tương hỗ lẫn nhau không để Trung Quốc thực hiện chính sách song phương để tách từng chiếc đũa trong bó đũa, một khi Trung Quốc sử dụng thành công chính sách song phương với các quốc gia lân cận thì các quốc gia đó sẽ dần thành các tỉnh lẻ của Trung Quốc mà thôi. 

Tự trong thâm tâm của mình, tôi mong đợi nhiều hơn từ đất nước xứ sở cờ hoa, bởi chí ít, họ cũng sẽ không có cái dã tâm biến mọi đất nước trở thành khu tự trị, nhưng những diến biến hiện tại làm cho một cá nhân nhỏ bé như tôi cảm thấy ít nhiều thất vọng. Nhưng tôi nghĩ rằng, các quốc gia với những cái cái đầu có trí tuệ siêu việt sẽ có cách để Trung Quốc chơi theo lối chơi mà cả thế giới mong đợi, một cách chơi mà đôi bên cùng có lợi, không dùng súng mà thay vào đó là hợp tác đôi bên cùng có lợi. Nhưng nếu các cái đầu trí tuệ đó không liên hợp lại, Trung Quốc sẽ dễ dàng bóp nát hết tất cả. 

Tôi tin tưởng ở chính phủ ta, bởi nước Việt Nam quá hiểu dã tâm của anh láng giềng luôn coi mình là tâm của thế giới ở bên cạnh. Chỉ là, khi bạn sống ở bên cạnh một anh hàng xóm vừa giàu, vừa mạnh lại vừa mất dạy, thì bạn không thể cứ cương mình lên để nó bẻ một phát là gãy luôn được. Thay vào đó phải tranh thủ từng nguồn lực một. Một Việt Nam muốn hùng cường và tồn tại dài lâu thì phải khôn khéo, nhẫn nại và “dĩ bất biến ứng vạn biến”. 

Cầu mong thế giới sẽ vẫn bình an! 

Sài Gòn, ngày 25 tháng 06 năm 2020