Công thức làm chủ cuộc đời

Tôi muốn làm chủ cuộc đời của mình, bạn cũng vậy, nhưng hẳn chúng ta luôn cảm thấy khó khăn trong việc làm chủ cuộc đời của chính mình. Phải chăng “làm chủ cuộc đời” là một điều viễn vông? 

Trước tiên, chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi căn cốt nhất, sau đó mới tính đến việc tìm lời giải cho câu hỏi làm chủ cuộc đời bằng cách nào. Đó là, như thế nào mới có thể nói rằng bạn đã làm chủ cuộc đời của chính bạn? 

Với tôi, làm chủ cuộc đời có nghĩa là, tôi sống tự lập, tôi phát triển được cá nhân theo định hướng của tôi muốn, sống theo cách của mình, và chịu trách nhiệm về những điều mình làm. Có thể tôi không có căn nhà, không có tiền tỷ, nhưng tôi phải tự nuôi được bản thân và làm được những điều mình muốn làm. Nếu tôi có ước mơ, tôi phải trong quá trình thực hiện ước mơ đó và đi đúng hướng mà mình chọn. Tôi có thể đi không đến đích, nhưng chí ít tôi phải được làm điều mình muốn làm và phải được chọn lựa, và phải là người ra quyết định cho vận mệnh của chính mình. 

Tôi vẫn nhớ một đoạn trong những chương cuối của cuốn truyện “Cuộc đời chìm nổi của thuyền trưởng Peter Blood”, khi đó vị thuyền trưởng này đang bắt đại tá Bishop làm con tin để có thể giải thoát hạm đội của mình ra khỏi cảng do ông Bishop đang làm đô đốc. Khi ra khỏi tầm đại bác, Peter muốn trả ông Bishop về cảng, nhưng đám đồng bọn của anh, những nô lệ cũ của Bishop không muốn điều đó tí nào, họ muốn treo cổ ông ta lên thanh giằng buồm. Thế nhưng, Peter với cương vị thuyền trưởng đã có lựa chọn của riêng mình, anh bảo Bishop có hai lựa chọn, hoặc ra đi hoặc ở lại, nếu ở lại ông ấy sẽ bị treo cổ, nếu muốn ra đi, ông hãy tự nhảy xuống biển và tự bơi về cảng. Ông Bishop càm ràm rằng Peter quá độc ác, Peter mới cười mỉm “Ngại đại tá, ít nhất tôi cũng đã cho ngài quyền lựa chọn”. Và thế là ông đại tá chọn nhảy xuống nước với thân hình phì nộn của mình và bơi về cảng.

Mẩu chuyện đó khiến tôi nhớ mãi dù tôi đọc truyện này từ những năm cấp 1, bởi tôi nhận ra rằng, khi làm con người, nếu muốn làm chủ cuộc đời mình, bạn đừng bao giờ giao quyền lựa chọn của mình cho người khác. Cho dù trong hoàn cảnh nào, bạn cũng phải tự quyết định lựa chọn và chấp nhận lựa chọn của mình, và vì vậy, bạn sẽ không bao giờ hối tiếc về mình đã ra quyết định. 

Cách đây nhiều năm, một người bạn hỏi tôi về việc có nên ly hôn với chồng của bạn ấy hay không, vì bạn cảm thấy tổn thương khi người chồng không quan tâm nhiều đến bạn ấy ở những giây phút bạn ấy khó khăn nhất, khi bạn ấy bạo bệnh hoặc sinh con. Tôi mới bảo bạn ấy rằng, hãy cho mình một khoảng thời gian nhất định, có thể là hai tuần, có thể là một tháng và sau đó chốt quyết định cuối cùng sau khi đã nghĩ thật kỹ. Và cho dù, quyết định đó là gì đi nữa, nó cũng là quyết định đúng vì bạn ấy đã suy nghĩ kỹ càng và đã chọn lựa. Duy trì hôn nhân là vì tình yêu vẫn còn, ly hôn là vì dù yêu, nhưng bản thân không chấp nhận sự thiếu quan tâm của nữa kia và vì không hạnh phúc. 

Cuộc đời tôi, có rất nhiều thăng trầm, có những quyết định mà sau đó tôi không có được kết quả như ý, nhưng tôi chưa bao giờ phải hối hận và vẫn tin vào những sự chọn lựa của mình, đó là những chọn lựa tốt nhất tại thời điểm tôi ra quyết định. 

Năm 2008, tôi quyết định bỏ vị trí giảng viên để làm lập trình viên, chín tháng sau tôi thất nghiệp vì công ty thuê tôi bị phá sản, tôi không còn vị trí giảng viên và cũng không còn là lập trình viên, và ở Huế không có công việc mà tôi muốn tìm. Chỉ với 2 triệu đồng, tôi tự mở công ty cùng người bạn và sau đó hai năm, tôi đóng cửa công ty để vào Sài Gòn vì tôi không phát triển được công ty do quá quan tâm đến kỹ thuật. Vào Sài Gòn, đầu quân cho một công ty về IT Outsourcing, nhưng lại làm công việc về đào tạo, sau một năm, tôi quyết định nghỉ việc để tìm kiếm công việc Kiến trúc sư phần mềm, bởi lý do tôi rời trường Đại học đó là muốn có kinh nghiệm thực thụ trong lĩnh vực phát triển phần mềm và tôi đã trở thành một kiến trúc sư phần mềm ở một trong những công ty IT Outsourcing lớn nhất của VN, và sau tám năm tôi lại rời đi khi đang có những thành tựu nhất định và chỗ đứng vững chắc ở công ty đó. Có nhiều người hỏi tôi, bạn rời đi như vậy và làm việc vất vả ở công ty khác, bạn có hối hận không? Tôi trả lời rằng, tôi có thể quay về làm cho công ty cũ một ngày nào đó, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình bởi tôi đã nghĩ kỹ và đã cân nhắc kỹ mọi thứ. 

Làm chủ cuộc đời không chỉ là nghĩ kỹ và ra quyết định, mà làm chủ cuộc đời còn là chuẩn bị cho những thứ quan trọng với đời mình. Tôi không thể đi Sài Gòn và làm kiến trúc sư phần mềm với chỉ 9 tháng kinh nghiệm làm lập trình viên, nên tôi đã phải chuẩn bị trong 2 năm để đạt được ví trí đó dù chỉ có chừng ấy kinh nghiệm. Tôi cũng không thể đang làm kỹ thuật và quản lý con người lại nhảy sang làm quản lý nguồn lực, hay quản lý chung về delivery, chất lượng, và con người cho một tập thể được. (Xin lỗi vì tôi chưa nghĩ ra từ tiếng Việt tương đương cho chữ delivery). Tất cả những việc mà tôi làm đều cần có sự chuẩn bị về kiến thức và kỹ năng, nếu không, tôi sẽ không được lựa chọn để làm. 

Có một bạn nhân viên nói với tôi rằng, bạn ấy ngày nào cũng phải chạy đua với những công việc vừa gấp và vừa quan trọng, nên bạn ấy không thể nào học và phát triển kỹ năng thêm được. Tôi mới chỉ cho bạn ấy hiểu, việc gấp và quan trọng mà bạn đang làm là cho công ty, nhưng phát triển năng lực bản thân là công việc quan trọng cho bạn. Nếu bạn ấy không có bất kỳ sự ưu tiên nào cho việc phát triển bản thân, bạn sẽ chững lại ở đó. Hãy đầu tư thời gian nhàn rỗi cho tri thức và phát triển kỹ năng và đừng đem việc về nhà, bởi khi bạn đem việc về nhà, bạn sẽ bỏ qua những thứ quan trọng khác đối với bạn, chẳng hạn như gia đình, con cái, phát triển bản thân. Có thể trong một tháng, bạn phải đem việc về nhà một hai ngày, nhưng nếu ngày nào bạn cũng làm như vậy, rõ ràng bạn đang bán cuộc đời của bạn cho công ty. Việc bán cuộc đời cho một công ty có xứng đáng hay không, chỉ có bạn ấy mới biết. 

Để phát triển và làm được những điều như dự định, chúng ta phải đầu tư thời gian để chuẩn bị và thực hiện việc mình muốn làm mỗi ngày. Khi và chỉ khi bạn thực hiện, thì mơ ước của bạn mới có khả năng trở thành sự thực. Nếu không, bạn không thể trách cứ ai, hoặc trách cứ cho hoàn cảnh của mình. 

Làm chủ cuộc đời là một sự lựa chọn, và nó cũng giống như việc xây dựng và làm chủ một doanh nghiệp vậy đó, và đó chính là doanh nghiệp một người mà thôi. Khi bạn vào làm một công ty, bạn đang bán sức lao động của bạn cho công ty đó, vì vậy hãy bán sao cho khôn ngoan và hợp lý để đôi bên đều cùng có lợi và nhờ vậy mối quan hệ hợp tác mới được bền lâu. Và phải đầu tư phát triển bản thân để bán sao cho được giá tốt. Một lái xe grab có thể kiếm tiền tốt nhất ở mức 25 triệu mỗi tháng, một chủ xe với hai chiếc xe có thể kiếm được mức cao hơn nhờ thuê tài xế, một nhân viên lập trình chỉ có thể kiếm được việc $4000 nếu họ có sự đầu tư xứng đáng cho chuyên môn (ở thị trường Việt Nam), nhưng cũng có thể lương họ chỉ ở mức $800 sau tám năm làm việc bởi họ không có sự đầu tư xứng đáng.  Đừng cảm thấy bất công nếu người khác quá giỏi còn bạn thì lơ bơ, người ta giỏi vì người ta đầu tư thời gian để phát triển năng lực và kỹ năng, bạn lười hoặc đầu tư không đúng cách nên bạn không giỏi bằng. 

Với tôi, đời tôi đi đến đâu là do tôi chọn lựa, tôi nghèo hay giàu là bởi tôi, may mắn hay không là do tôi có biết tranh thủ thời cơ hay không (nếu có cơ hội thu nhập cao, nhưng trình chưa tới thì đó gọi là may mắn vuột qua kẻ tay vậy). Tôi không ghen tị nếu ai đó mở doanh nghiệp làm ra cả mớ tiền mỗi tháng, bởi tôi không chọn con đường đó. Tôi cũng không ghen tị nếu ai đó đi xe ô tô sang hay ở nhà lớn, bởi đó cũng không phải là lựa chọn của tôi. Nhưng tôi sẽ rất buồn nếu mình không đi đúng hướng mà mình chọn, và tôi sẽ buồn hơn nữa nếu tôi không dành được thời gian cho những điều mình chọn lựa. Không gì quan trọng bằng được làm những điều mình chọn lựa và sống theo cách của mình. 

Chọn lựa và đầu tư thời gian và tiền bạc cho điều mình chọn, với tôi, đó là công thức làm chủ cuộc đời. 

Sài Gòn, ngày 28 tháng 10 năm 2020