Street photography – Chúng tôi không bán đồ ăn cắp

Cách đây vài tháng, tôi quyết định xách chiếc Sony A7ii với lens FE 35mm f/2.8 đi chụp ở đường Nguyễn Kiệm, nơi có rất nhiều người bán đồ cũ. Góc đường Nguyễn Kiệm gần với công viên Gia Định có thể được xem như chợ trời với đủ thứ đồ cũ được bày bán. Đó là khung cảnh đầy màu sắc và gợi nhớ những vật dụng mà chúng ta từng dùng và thấy trong quá khứ.

Khi chia sẻ ý định đó, tôi đã nhận được rất nhiều lời khuyên răn, vì ai lại đi chụp đường phố bằng máy Sony A7ii, mặc khác những người dân bán đồ chợ trời ở đó rất nhạy cảm với những người chụp hình, nếu không may mắn tôi sẽ bị giật máy ảnh, hoặc bị đánh, hoặc người ta sẽ đập vỡ máy ảnh chứ chẳng chơi, vì ở đó toàn dân giang hồ, họ không thích bị chụp ảnh đâu. Tôi cũng chờn chợn, nhưng cứ đi gần con đường đó, trong tôi lại dấy lên ham muốn được chụp và được ghi lại. Tôi không thể cưỡng lại mong muốn đó, và trong một buổi chiều tháng ba, tôi đã đến công viên Gia Định, gởi xe máy, sau đi đi vòng qua Nguyễn Kiệm và bắt đầu chuyến phiêu lưu nhỏ của mình.

Đầu đường Nguyễn Kiệm toàn những tiệm đồ gỗ, cửa hàng ăn nhỏ, và một số quầy điện thoại.

Sơn gỗ

Phía trước xưởng đồ gỗ

Thợ gỗ

Anh chàng thợ mộc trẻ

Bác thợ cơ khí

Bác thợ hàn

Xe ôm

Xe ôm

Nướng gà

Nướng gà

Với những cửa hàng đồ gỗ ở đoạn đầu đường, việc chụp hình diễn ra khá thuận lợi, thậm chí mọi người còn cười với tôi khi tôi chụp. Nhưng khi đến các tiệm đồ cũ, tôi bắt đầu gặp ánh mắt khó chịu của những người bán hàng. Có người cười lại khi tôi cười thân thiện với họ, nhưng cũng có những ánh mắt không mấy thiện cảm dành cho tôi. Hãy khoan tìm hiểu tại sao người ta lại không thiện cảm với tôi, thay vào đó, bạn hãy xem một số hình ảnh tôi đã ghi lại được.

Đồ cũ -1

Đồ cũ có thể là chiếc ổ điện, ổn áp, hay dây sạc, quạt tản nhiệt..

Đồ cũ 2

Hay là bản mạch, gương chiếu hậu, cà lê, mỏ lếch, tất cả đều có ở con đường này

Đồ cũ 3

Những thứ bỏ đi đối với người này lại hữu ích đối với người khác, một đồng nghiệp của tôi đã mua được một chiếc máy ảnh cũ dùng được từ chợ trời kiểu như thế này

Những băng cát sét cũ

Những băng catssete cũ

Đồ cũ 4

Có những thứ có thể kiếm được ở đây chứ không thể kiếm được ở nơi nào khác

Đồ cũ 5

Từ lúc đi chụp hình trên đường này, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện tìm mua một số thứ mình cần như cà lê, mỏ lếch, kềm, tuốc nơ vít ở đây

Cô chủ cửa một cửa hàng lớn

Cô chủ của một cửa hàng đồ cũ thuộc loại lớn ở trên đường Nguyễn Kiệm

Một góc

Và đây là một góc cửa hàng của cô ấy

Những chiếc phuộc nhún

Những chiếc phuột nhún

Rửa

Một cô đang ngồi rửa sạch những thứ mới thu mua được

Ngủ

Một người bán hàng đang chợp mắt lúc thưa khách

Đến lúc này, tôi đã bắt đầu gặp những ánh mắt khó chịu. Có người vừa thấy tôi mới cầm chiếc máy ảnh thì đã quay mặt đi. Người khác hỏi tôi “chụp làm gì thế?”, tôi bảo “em chụp ảnh đường phố, lưu lại kỷ niệm ấy mà”, lập tức người đó lắc đầu tỏ vẻ không tin và bỏ đi.

Có một chú bán điện thoại cũ, để một chòm râu nhìn rất cả tính, nhưng khuôn mặt rất hiền. Khi tôi chụp hình, chú mới hỏi tôi chụp để làm gì, có phải chụp để đăng báo không, tôi mới trả lời tôi không phải là phóng viên, và chỉ muốn chụp lại khung cảnh một nơi mà tôi thường ngày đi qua, chú mới gật đầu và tỏ ra vui vẻ với tôi.

Chú bán điện thoại cũ

Chú bán điện thoại cũ

Cafe

Quầy hàng nhỏ của chú ấy

Đèn pin, đồng hồ

Các loại đèn pin, đồng hồ, hộp quẹt cũng được bày bán

Các quầy hàng

Các quầy hàng nho nhỏ kiểu này được bày bán trên khắp vỉa hè và phía trước các con hẻm nhỏ

Mua hàng

Rất nhiều người vào để xem và hỏi mua hàng

Bên kia

Bên này là các cửa hàng lề đường, còn bên kia đường là các tiệm điện thoại có kiosk đường hoàng

Ánh mắt ngờ vực

Ánh mắt ngờ vực của một người bán hàng khi trông thấy tôi

Và cả ánh mắt giận dữ

Và cả ánh mắt giận dữ của một người bán hàng vỉa hè

Lúc tôi nói chuyện với chú bán hàng có chùm râu chỏm dễ mến, rất nhiều người bán hàng vỉa hè đã xúm lại và bắt đầu tiếp chuyện với tôi với thái độ rất gay gắt.

Có một chú luôn miệng khẳng định tôi là phóng viên cho dù tôi đã khẳng định tôi chỉ là người đam mê nhiếp ảnh. Với giọng rất bức xúc, chú bảo “Tôi biết công việc của các ảnh là chụp hình, viết bài, viết phóng sự. Nhưng các anh phải nói đúng sự thật, và sự thật là tụi tôi bán đồ cũ, và không bán đồ ăn cướp. Tại vì sao các anh lại đăng trên báo Thanh Niên là tụi tôi thu gom và bán đồ trộm cắp”. Chú chỉ vào những thứ đồ cũ, rẻ tiền và hầu như chả ai thèm cướp rồi bảo “Mấy thứ này ai mà thèm ăn cắp? Toàn là đồ cũ, không dùng được, người ta mua lại để tận dụng linh kiện, đâu phải là thứ đồ ăn cắp, thế mà phóng viên các anh bịa đặt để làm gì vậy?”. Chú bức xúc, và rất giận dữ, những người xung quanh cũng y hệt như vậy. Cho đến khi tôi tỏ vẻ đồng tình, vì tôi cũng không tin là người ta đi trộm một chiếc sạc điện thoại, hay chiếc nokia cũ làm gì, và tôi cũng thấy người ta đi lặt lượm đồ cũ trong những thùng rác ở chung cư, hay mua lại đồ cũ đả hỏng thì tôi tin, phần lớn đồ được bày bán ở đây là đồ của những bà nhặt rác, hoặc thu gom đồ cũ rồi bán lại. Nghe vậy, mọi người mới dịu dọng, nhưng vẫn còn nói một hồi lâu cho tới lúc tôi bước đi tiếp. Cũng may, chả có ai đánh hoặc giật máy ảnh của tôi như những gì các anh bạn mê nhiếp ảnh của tôi đã cảnh báo. Chỉ là, tôi hiểu hơn, cái nỗi khổ của những người bán hàng rong, khi mà họ đã vất vả phơi nắng, tắm mưa để kiếm sống qua ngày, mà còn bị đặt điều bởi những ánh phóng viên muốn giật tít, và muốn có những phóng sự giật gân thu hút người đọc.

Tất nhiên, tôi hiểu, không phải toàn bộ những người buôn bán ở trên con đường này đều sống lương thiện, nhưng tôi tin phần lớn họ đều là người tốt. Những kẻ thấp cổ bé họng, đâu có thể là cường hào ác bá. Và vì tôi có thiện cảm với họ, nên họ cũng cảm thấy tôi như một người bình thường, và không phải là một mối nguy hiểm trong mắt họ. Nhưng tôi vẫn băn khoăn về chuyện bán đồ ăn cướp. Tất nhiên, có lửa mới có khói, nhưng thực sự, những thứ tôi thấy chỉ là hàng ve chai. Còn đồ ăn cướp mà phóng viên đưa ra, có thật không? Đó vẫn là một câu hỏi, chưa có lời đáp, cho tới khi tôi đi hết đoạn đường có bày bán đồ cũ, và gặp một cô bán nước..

Cô hàng nước

Người cô đẫy đà, nhưng phúc hậu, và cô cũng rất sẵn lòng trò chuyện cùng tôi. Tôi kể cho cô nghe sự nhầm lẫn của những người bán đồ cũ khi xem tôi là phóng viên và hỏi cô liệu rằng những người trên con đường này có thu mua đồ ăn cắp rồi bán lại không. Cô mới bảo, rằng có nhưng mà ít, với lại đó không phải là những thứ mà họ bày ra, với lại chỉ một vài người như vậy, chứ không phải cả hết đâu. Rằng cách thấy mấy tuần có một nhân viên khách sạn ăn cắp chiếc iPad của khách rồi đến đây bán lại cho cái bà bán điện thoại cũ ở trong chùa. Không biết bằng cách nào, chủ biết được nên đến xin chuộc lại, người ta chuộc trả cho khách để bảo vệ uy tín của khách sạn, nên họ sẵn sàng chuộc với giá cao. Lúc đầu, người thu mua chối bay chối biến, nhưng sau cũng cho người ta chuộc lại. Con thấy đó, đồ ăn cắp vẫn được thu mua ở dây, nhưng không phải mấy thứ ve chai kia đâu. Với lại, các tiệm điện thoại sang trọng, sáng trưng vẫn thu mua đồ ăn cắp cơ mà. Nên bảo người nghèo và người bán lề đường xấu không thì không phải. Đâu cũng có người tốt kẻ xấu, mình phải tinh ý mà nhận ra thôi.

Cô bán nước phúc hậu

Khuôn mặt phúc hậu của cô bán nước

Nói chuyện với cô xong thì trời cũng đã gần tối, tôi ngừng chụp hình thêm vì lúc này tôi đã chụp được và học được nhiều điều trong một chuyến đi bộ ngắn, chỉ khoảng hơn 600m. Buổi đi chụp này cũng giúp tôi nhận ra, rằng không cần phải dùng máy nhỏ như Fujifilm X100s hay Ricoh GR để đi chụp đường phố, DSLR hay Sony A7ii đều có thể được sử dụng để chụp đường phố. Quan trọng hơn, người chụp đường phố cần phải tự tin, luôn mỉm cười và đựng ngại giao tiếp. Khi bạn tránh giao tiếp, chỉ chụp hình rồi ngó lơ, bạn sẽ dễ bị ngờ vực và điều đó làm bạn thiếu tự tin khi chụp hình, và quan trọng hơn bạn không bắt được những khoảnh khắc tự nhiên của những người ở đó.

Nhiếp ảnh đường phố với tôi không chỉ là chụp ảnh, mà là để thấy, nghe, cảm nhận và thấu hiểu.

Sài Gòn 8/2016