Một cách nhìn khác về Sài Gòn

Sài Gòn lạ lắm, nó là một nơi mà người ta làm được những điều gì đó thực kỳ vĩ, và cũng dễ dàng mất đi mọi thứ. Có những quán xá mới mọc lên hôm qua, hôm nay đã đóng cửa, và lại có những quán xá khác mọc lên. Cứ như là cỏ mọc sau mưa, lớp này chen lớp khác, trùng trùng điệp điệp.

Sáng sớm hôm nay tôi chạy xe từ Tân Bình đến Quận 8, đến trưa, sau khi ngồi nghỉ ngơi ở một quán café trên đường Cao Lỗ, tôi lại lên đường đến quận 7, để đến chiều ngược lên quận 1 một chút và trở về với Tân Bình. Trên mấy chục cây số đi lại đó, tôi chợt nhận ra Sài gòn có gì đó thật lạ, thật khác biệt. Sài gòn với nhừng ngôi nhà lô nhô, có thể có căn nhà lụp xụp, nhưng không có mấy căn nhà quá nhỏ hoặc quá xấu. Con đường đi từ Hoàng Văn Thụ qua Nguyễn Tri Phương rồi đến quận 8, dù có những đoạn to nhỏ khác nhau, nhưng tôi không nhận ra nhiều sự khác biệt, bởi Sài Gòn vốn là chốn xô bồ, người đông như mắc cửi, cứ không bước ra khỏi nhà thì thôi, đã lên xe thì chỉ biết chạy đến đích, không ngó nghiêng, không có cơ hội để đi chầm chậm, hoặc tâm sự, hoặc hỏi han. Sài gòn là vậy, những con đường như những dòng sông chảy xiết, như con nước của những dòng sông vào mùa lũ, chảy nhanh, dồn dập và lan tỏa. Và tôi, một chàng trai từ phương xa cũng góp phần tạo nên cơ lũ đó.

Sài Gòn lạ lắm, nó là một nơi mà người ta làm được những điều gì đó thực kỳ vĩ, và cũng dễ dàng mất đi mọi thứ. Có những quán xá mới mọc lên hôm qua, hôm nay đã đóng cửa, và lại có những quán xá khác mọc lên. Cứ như là cỏ mọc sau mưa, lớp này chen lớp khác, trùng trùng điệp điệp.

Sài Gòn càng khác khi tôi đi từ quận 8 về quận 7, từ đường Phạm Hùng qua đường Nguyễn Văn Linh rồi về Parson. Con đường từ nhỏ hẹp với nhà cửa nhớn nhác trở thành đại lộ thênh thang với những tòa nhà không thể chê xấu được nếu không nói là đẹp, với những thảm cỏ, những căn biệt thự thấp thoáng dưới bóng cây. Một Sài Gòn trông có vẻ tuyệt hảo không chê được. Sự biến đối đó làm tôi nghĩ tới sự phân chia giai cấp, nhưng chỉ là ý nghĩ thoáng qua, tôi nghĩ đến một điều khác sâu xa hơn khi đứng trên một tòa cao ốc, nhìn khu triển lãm như một điểm nhấn trong không gian bao la, và xa xa kia lại là những tòa nhà lúp xúp, lều khều, lêu ngêu, chồng chồng, lớp lớp lên nhau. Không, Sài Gòn không phân chia đẳng cấp, ít nhất khi vào đây tôi không đặt câu hỏi tại sao họ lại giàu như vậy, tôi cũng không cảm thấy e dè, sợ hãi hay tự kỷ khi mình đứng cạnh một ai đó quá ư thành đạt hoặc quá ư giàu có. Tôi không có thời gian để nghĩ như vậy, Sài Gòn gợi nhớ những ước mơ tôi chưa làm được, và tôi cố gắng để làm, vậy thôi.

Sài Gòn có những người đang thành công, bỏ những nơi quá xô bồ để tìm đến những không gian sống thoáng đãng, tiện nghi. Họ làm ra tiền và họ dám tận hưởng những gì họ nghĩ là họ đáng tận hưởng. Sài Gòn cũng có những lớp người tay không tấc sắt, như tôi và nhiều người khác, họ đang làm tất cả để ngoi lên trong cơn lũ, vượt lên chính họ và như thế sẽ vượt lên nhiều người khác. Họ làm dịch vụ, họ phục vụ, họ không băn khoăn nhiều về sự bất công, họ băn khoăn về chính họ, về những nỗ lực tự thân và những thất bại tự thân. Cứ như mỗi buổi sang nếu không chạy, họ sẽ thất bại, họ sẽ chết đói.

Sài Gòn ở trong tôi có những nét thật đẹp, có những cái mà thành phố Huế mộng mơ của tôi không có, có một sự công bằng tương đối mà có lẽ Hà Nội khó có, có sự chính chắn hơn một Đà Nẵng mới chớm lên, và hơn tất cả Sài Gòn là cái cửa sông lớn để chúng ta đổ ra hòa vào thế giới, và cũng là cánh cửa mở rộng đón những luồng gió hiện đại thổi vào Việt Nam.

Người Sài Gòn đối chọi với sự lưỡng lập rất khác, họ không gồng mình, họ cũng không hẳn cam chịu, họ như dòng nước, khẽ len qua nếu con lạch quá hẹp, họ chảy ào ào nếu địa hình dốc và họ bình thản khi đáy sông bằng phẳng, nhưng họ vẫn cứ trôi.

Tôi nghĩ không có thời nào không có tinh hoa, không có thế hệ nào là không có những người có thể làm được những điều khác biệt và họ ở Sài Gòn. Họ không phải là nhóm người than vãn, họ hành động. Mặc cho mọi lời ủ ê, ai oán, cay đắng hay châm biếm ở phía sau. Họ mỉm cười và tiến lên phía trước!

Tôi thấy có một giấc mơ mà người Bắc Mỹ hay gọi là “American Dream”, với người Việt Nam, họ đến với Sài Gòn và họ có một giấc mơ không sai khác, họ không mơ tìm ra mỏ vàng và đào bới, mà họ mơ đến một nơi mà họ dám nói, dám nghĩ, dám làm.

Nghĩa là có Sài Gòn lô nhô, nhí nhố, có Sài Gòn cuồn cuộn như nước lũ miền Trung, có Sài Gòn sâu sắc và trầm lặng.

Có tôi!