Nói phải đi đôi với làm. Cha ông ta dạy thế, nhưng tuân theo được cũng khó quá đi. Thiết nghĩ cần quái gì phải “Súp gà cho tâm hồn”, “Trà sữa cho tâm hồn” rồi thì “Thịt chó cho bao tử” gì đó… Sống như thế nào mà không phải hổ thẹn, không cúi gập đầu, không đi bằng đầu gối, không nghèo đến chết đói, không thùng rỗng kêu to… nghĩa là không tự thẹn với lòng mình, với con cháu của mai sau là được.
Khi hỏi “Trên đời này anh sợ gì nhất?”
Thường người thì bảo sợ chuột, kẻ thì bảo sợ ma, có người lại sợ rắn rít, có người thật lạ vì bảo rằng họ sợ con người, nhưng có người lại bảo “Tôi sợ chính tôi!”.
Cái ông trưởng ban biên tập gì gì đó của báo Tiền Phong, bảo rằng tôi sợ những tham muốn tầm thường hoặc xấu xa của mình, phải luôn kìm hãm mình lại và rằng đôi lúc mình cũng “nhạt thếch”.
Tôi thì chả có gì để so sánh với cái ông nổi tiếng đó, nhưng tôi lại cùng một nỗi sợ với ông ấy, nỗi sợ hãi với chính mình. Ông đó cũng không phải là siêu sao gì đâu khi nói câu đó, vì dân gian có cái câu là “kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình”, hoặc muốn thành công phải “chiến thắng bản thân”. Thế đấy, cứ tưởng chân lý ở đâu xa xôi lắm, té ra ở ngay bên mình. Những câu châm ngôn, ca dao, tục ngữ đầy rẫy ra đó, đọc thì dễ hiểu, nhưng để làm được thì không dễ tí nào.
Tôi hay lạc quan tếu, thường là thế. Nên việc gì cũng vội tô cho nó một màu hồng, bởi thế lúc nào tôi cũng cười, thấp điểm vẫn cười, bị tông xe suýt chết cũng cười, gặp chuyện buồn thì lại thấy buồn cười. Đôi khi thấy người ta buồn mà không dám cười vì sợ người ta bảo là vô tâm, là mặt trâu, thấy cái gì cũng ngoác miệng ra cười. Thôi thì việc mình buồn, đời sống mình chán chường, nhạc thếch thì mình cười cho mình vậy.
Hôm rồi gặp bé Thanh, nó bị xe tông toạc cả mặt, mất cả mấy tháng mổ lui mổ tới, chỉnh đi chỉnh lại, nó vẫn cứ cười. Ôi hay, thế thì mình có chuyện gì buồn, có buồn đến mấy thì cũng nên cười. Ui chao, khóc làm chi cho tổ phí nước mắt, thay vì khóc mà đi buồn thì có vẻ thống khoái mà hợp vệ sinh hơn cả.
Hôm nay tôi ăn nói bốp chát thế là vì lỡ đọc truyện ngắn của Hồ Anh Thái, lỡ đọc nên khi viết ra thì lại có chút hơi hướm của lão ấy. Văn chương trào phúng có vẻ là nghề của Hồ Anh Thái, còn biến cái của người ta thành thế mạnh của mình là nghề của tôi. Thế nên, họ nói chuyện tây, tôi cũng nói chuyện tây. Họ ngâm cứu cái tôi, tôi cũng nói lại cái tôi. Họ mê văn học, tôi cũng mê. Chỉ có điều họ ăn tham thì tôi chịu. Tôi chỉ tham thực theo đúng nghĩa đen của nó, chứ tôi chả tham những thứ vật chất mấy.. Có nhiều thứ chết rồi bỏ đấy, tôi thì lại đi kiếm những thứ chết rồi mà vẫn mang theo được cơ. Nói chuyện tham thực, mới nhớ ra, hôm ngồi thư ký cái cuộc thi Tiếng hát sv, tôi ra về thì trời cũng đã tối mịt, lũ lụt thì đã nhấn chìm cái nền của nhà tôi, nhưng hai anh em tôi phải quất một mẻ thịt “..” để đủ sức về lội lụt. Chỉ mất khoảng 100k thôi: 1 phay giò, 1 xáo măng 2 đùi bự và 1 um hay gì đó… Khổ nổi, khi vào quán thịt cầy mời gặp anh bạn (lớn hơn tôi) làm ở khoa khác, mời mình vào ăn mà trong bụng mình thấy ngại chết. Tôi không nhậu mà cũng không định ăn nhờ người khác (vì tôi vốn tham ăn, ăn hết của người ta thì chướng lắm). Từ chối mà vòng vo thì mệt lắm, tôi cứ thẳng ra một lèo là em lên đây để ăn, mà tụi em ăn gớm lắm, chỉ tổ mất cái thú trà dư tửu hậu của anh.
Ăn xong, anh em đèo nhau, ai về nhà nấy, tôi thì phải lội mấy con nước mới về tới nhà. Hôm sau, trời lụt to, tôi lại phải dậy sớm cùng mẹ đi ghe, lội nước lên chuẩn bị cho cái cửa hàng. Sau đó tôi lại tiếp tục lội về một mình, ghé xuống cái nhà ở dưới Lộ Trạch, nước lụt cũng khá, ngang bụng, lội một lúc chân cứng đờ cả ra nhưng dù sao cũng về tới nhà, tra vội cái khóa, mở cửa vào và phát hiện hai cuốn tiểu thuyết của FTA bị ướt (phơi không khô anh sẽ mua lại), một cái máy in 3 chai mấy người ta gởi mình lập trình chìm trong nước, áo quần cũ của mẹ và em đóng trong thùng chuẩn bị đi phát mãi ướt sạch. Lúi húi dọn dọn, dẹp dẹp. Lúi húi sửa cái máy in thứ hai vị lỡ kẹt 40 trang trong máy… Điện thoại lại kêu ríu rít, “lên với em con ơi, nước đã vào nhà rồi…”. Thế là lại lội, rầm rĩ lội trong mưa, nói rầm rĩ là có thêm thằng cháu và ông bạn của bố, vừa lội vừa nói chuyện cũng lên được chợ Cống. Từ đó lại tiếp tục cuộc bộ về nhà mẹ, lại dọn dọn dẹp dẹp….
Ui cha..
Kể lể nhiều quá quên mất cái chủ đề lỡ ghi trên topic.
Nói hay đấy! Làm được không?
Định nói nhiều về chuyện này cách đây 3 ngày, bây giờ lỡ hết hứng rồi nhưng cũng đề cập một chút. Chả là tôi lãng mạn tử, mơ mộng hão huyền, nói nhiều làm ít, nói hay làm dỡ ẹt, thế nên đôi lúc nghĩ cũng nên phải tự răn mình một chút. Nói hay đấy! Nhưng làm đã được đâu?
Khà!
Nói phải đi đôi với làm. Cha ông ta dạy thế, nhưng tuân theo được cũng khó quá đi. Thiết nghĩ cần quái gì phải “Súp gà cho tâm hồn”, “Trà sữa cho tâm hồn” rồi thì “Thịt chó cho bao tử” gì đó… Sống như thế nào mà không phải hổ thẹn, không cúi gập đầu, không đi bằng đầu gối, không nghèo đến chết đói, không thùng rỗng kêu to… nghĩa là không tự thẹn với lòng mình, với con cháu của mai sau là được.
Trung thực mà nghèo cũng không được đâu đấy!
Huế, 2008