Tôi vừa nằm đọc cuốn “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán vừa nhìn cái cảnh tồi tệ của giao thông đường sắt và tôi lại tự nhủ, ừ thì người ta chiến đấu để có một xã hội tốt hơn, phúc lợi nhiều hơn, quả là Việt Nam đã có nhiều cái tốt hơn trước, nhưng sao lại có quá nhiều thứ chả tốt hơn tí nào.
Cả tá người đã ố, á, khi tôi chọn về tết bằng tàu hỏa. Họ ngạc nhiên cũng phải, bởi với những người bận rộn, như họ và như tôi, thì lựa chọn phương tiện đi lại bằng máy bay gần như là sự lựa chọn duy nhất. Khi thu nhập bạn khá lên, bạn sẽ không tiết kiệm tiền, mà thay vào đó là tiết kiệm thời gian và làm sao để ít ảnh hưởng đến sức khỏe nhất.
Ở một khía cạnh nào đó tôi cũng vậy, nhưng với tôi, đi tàu không lãng phí thời gian, đi tàu là một cách để gặp gỡ, để cảm nhận về thế giới mình đang sống, và một cách để cô độc và tự kỷ nếu tôi muốn. Những chuyến tàu cuối năm bao giờ cũng tất bật, và sự tất bật đó cũng lan đến khoan tôi ngồi, cho dù tôi đã chọn giường nằm. Với những người bạn luôn đi máy bay của tôi, có lẽ họ sẽ không bao giờ được thấy cảnh người ta nằm la liệt ở hành lang, hoặc những người mua trễ vé trải ra xin nằm ở sàn của các căn buồng.
Trong căn buồng chúng tôi, có sáu giường trong một không gian rất hẹp, chỉ cỡ 4-5 m2, nhưng đến tối vẫn có thêm ba mẹ con nằm ngủ nhờ ở dưới sàng. Bạn sẽ thấy bất tiện, pha lẫn tội nghiệp, mỗi khi bạn muốn đi vệ sinh, bởi bạn phải vượt qua hàng tá chướng ngại vật là những người nằm ngủ trên đường, kể cả nằm ngay trước phòng vệ sinh. Họ không chỉ là đàn ông, mà có cả đàn bà con nít, họ đi ké chúng tôi, trả tiền nhiều hơn chúng tôi, chỉ là trả trễ thôi.
Điều đáng buồn là, gần 40 năm độc lập, giao thông Việt Nam, mà đáng nói là giao thông đường sắt lại càng ngày càng tồi tệ hơn. Tôi vừa nằm đọc cuốn “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán vừa nhìn cái cảnh tồi tệ của giao thông đường sắt và tôi lại tự nhủ, ừ thì người ta chiến đấu để có một xã hội tốt hơn, phúc lợi nhiều hơn, quả là Việt Nam đã có nhiều cái tốt hơn trước, nhưng sao lại có quá nhiều thứ chả tốt hơn tí nào. Đường sắt là một ví dụ kinh điển. Khoang tôi nằm lý ra có máy lạnh, nhưng nó chả lạnh tí nào, khi tôi hỏi, cô nhân viên đường sắt bảo “Toa này được làm ra từ thời Napoleon còn chưa biết mặc quần anh ạ, giờ em cũng chả biết làm sao”, trả lời vui vui để cho qua như thế rồi thôi.
Tôi đã từng đi một chuyến xe từ Sài Gòn về Huế, tốn 900 ngàn vì về vào dịp tết, nhưng tôi được phát nước, ăn miễn phí, có tivi để xem, và cũng không cảm thấy mệt mỏi lắm. Nhưng với chiếc vé có giá hơn một triệu đồng của đường sắt Việt Nam, tôi không được phát đến một chai nước để uống, chả có gì để ăn, và mọi thứ đều hôi mùi ẩm mốc, chiếc nệm mỏng trên chiếc giường tôi nằm có lẽ chưa dược giặt trong suốt mấy tháng nay, toilet thì vẫn vậy, phân sẽ được thả thẳng suốt đường sắt. Thật khốn nạn cho các bác đi duy tu bảo trì đường sắt, bởi cứ mỗi chuyến đi dọc đường sắt, các bác sẽ được hít ngửi mọi loại phân, từ con nít cho đến người già. Giả thử, ngành đường sắt có làm các bồn để chứa phân, rồi bán lại làm phân xanh cho nông dân thì cũng kiếm được ối tiền.
Khoang của tôi có một anh chàng người Huế chỉ mới 23 tuổi đi kèm với cô vợ mang bầu chín tháng và một đứa em trai mười bảy tuổi, cộng thêm một cô ở Quảng Trị tầm 25 tuổi, và một anh người Hải Dương dắt theo vợ cũng có bầu chín tháng và một cô con gái nằm ở khoang bên kia.
Tôi vốn người hay chuyện, và người ta cũng thấy thoải mái khi nói chuyện với tôi, chả thế mà tôi mới biết được cặp vợ chồng người Huế 23 tuổi ấy đang kiếm sống ở Sài Gòn, cả hai ở trọ trong một căn buồng nhỏ bằng ván ép ở Quận 8, rộng 6 mét vuông và có giá 650 ngàn đồng mỗi tháng. Tôi chợt giật mình, bởi có nhiều triệu người lao động vất vả ở Hồ Chí Minh và cũng đang có cuộc sống giống như vậy. Và tôi, sống trong một căn hộ với giá thuê vài triệu, đang số ít kiếm được tiền dễ dàng hơn và có cuộc sống thoải mái hơn. Những con người ngày tất bật kiếm sống, và phải trải nghiệm một cuộc sống tù túng chật chội ở đất Sài Thành, thay vì ở một căn nhà khang trang ở Chi Lăng, Huế. Họ phải ra đi để có cuộc sống độc lập, có thu nhập, cho dù chất lượng sống giảm đi rất nhiều. Tôi vào Nam cũng với lý do đó, nhưng cũng đi kèm lý do “vênh váo” hơn, đó là để có thể học thêm, cống hiến được nhiều hơn, và để cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Sẽ khó có cơ hội cho tôi, được đi xe trên những cung đường của đèo Hải Vân, để được ngắm Thiên hạ đệ nhất hùng quan, và những chuyến tàu sẽ giúp tôi được nhìn và ngắm một Hải Vân đẹp và hùng vĩ, tôi hạnh phúc khi nhìn ngắm cảnh quan của quê mình, nhưng cũng thấy chênh vênh khi nhìn những con người trên cùng chuyến đi, họ cũng như tôi, cũng lạc quan, cũng sống và bước tới, nhưng những dịch vụ họ đang được thụ hưởng (dù phải trả không ít tiền) thật là tệ hại. Ngồi trên tàu mà tôi cứ cảm giác đây là chuyến đi tàu của những năm tám mươi (dù tôi chưa đi lần nào, và cũng chỉ nghe qua lời kể của ba tôi và những người lớn hơn).
Cuộc sống đang ngày càng khó khăn, kinh tế có dấu hiệu chững lại và đi xuống, và tôi thấy rõ nó trên chuyến tàu về Huế ngày hôm nay. Tối nay là giao thừa, ngày mai sẽ là ngày đầu năm mới, nhưng tại sao tôi không có một sự háo hức nào.
Thôi thì cứ nhắm mắt lại và mong ước, tết đến, xuân về, và mọi thứ sẽ tốt hơn cho đất nước, cho gia đình, người thân, và mọi người trên thế gian này.
Trên chuyến tàu Tết, Huế 2/2013.