Mấy hôm nay Sài Gòn mưa nhiều, nhiều như xứ Huế thân thương của tôi vậy. Cứ nhìn mưa Sài Gòn là lại thấy nhớ Huế da diết. Huế bình yên, Sài Gòn thì tấp nập, nên người Huế luôn muốn quay về Huế hơn.
Với tôi, cả hai chỗ đó đều không bình yên, bởi tâm hồn tôi xáo động!
Lâu rồi, tôi như mất hẳn cái cảm xúc muốn viết, tôi bị cuốn theo công việc, sự hung phấn, hứng thú dường như chỉ để dành cho công việc, mọi thứ khác đều là thứ yếu. Bởi với tôi bây giờ, không còn gì quá quan trọng, tồn tại cũng chả mấy quan trọng, nhưng khác với những người khác, tôi là tuýp người không thể ngồi không quá một buổi, nên chả thể nào khác được, công việc luôn là sự cứu cánh lớn nhất.
Tôi có hạnh phúc không? Tôi có!
Tôi có nỗi đau không? Tôi có!
Đau đớn và hạnh phúc đi kèm nhau, cứ cảm thấy hạnh phúc thì nỗi đau lại trồi lên, cứ cảm thấy đau thì mưu cầu hạnh phúc lại càng lớn. Cái cảm giác đan xen chết tiệt ấy đang gặm nhấm tâm hồn tôi.
Tôi vào Sài Gòn để mong mưa gió thuận hòa, làm ăn phát đạt. Ai dè, từ ngày tôi vào, Sài Gòn cứ như bị cái niềm nhớ Huế của tôi ám ảnh. Sài Gòn bây giờ đã khác, tháng này rồi mà mưa vẫn tấp mặt, mưa khi sầm sập, khi lại bay bay. Cái cảm giác ẩm ướt môi khi ra đường luôn thường trực khi bước ra đường. Cánh tiểu thương bây giờ cũng than thở y hệt những tiểu thương ở Huế “Cứ mưa thế này thì buôn bán gì được?”
Ai biểu Sài Gòn hay vui, giờ những người hay buồn như tôi đã làm cho bầu trời Sài Gòn trở nên khác biệt. Sài Gòn bây giờ cũng buồn và nhiều chất thơ.
Trưa nay tôi ăn một chiếc bánh nhỏ, uống một ly café và ngồi suy nghĩ tới những điều mà tôi biết có nghĩ đến mấy tôi cũng chả có phép giải hoàn hảo. Đường đời khác với những gì ta được học, bởi như toán học, đúng sai luôn rõ ràng, nhưng với chuyện đời, sai đúng luôn có thể được tráo đổi với nhau. Tùy theo anh nghĩ, tùy theo ngữ cảnh, tùy theo văn hóa, mà cái đoán định đúng sai trở nên khác nhau rất nhiều.
Tôi chợt nghĩ đến những tiểu thuyết xưa nay tôi vẫn đọc, những con người – những số phận không giống nhau, được khắc họa bởi văn chương, nhưng họ đều có một điểm chung, đó là sự khác biệt của họ tạo nên cảm xúc văn học. Nếu anh sống, nghĩ và làm việc theo lẽ thường, có thể anh đúng nhưng anh đang tạo nên những lối mòn muôn thuỡ. Nếu anh sống khác, nghĩ khác, anh có thể trở thành tội đồ, nhưng cũng có thể mang lại niềm cảm hứng bất tận cho nhân gian.
Ngày xưa, Lọ Lem mê hoàng tử, cô bé bán diêm mê mẩn con ngỗng quay trong đêm đông, anh chàng nhỏ con mơ màng với một đấm chết bảy, Trương Chi mê công chúa để rồi chết trong tương tư. Ôi chao, đâu phải những con người đó không biết đúng sai, hay không hiểu cái lẽ thường tình với cuộc sống. Nhưng họ vẫn như thế, chọn con đường gần như một ngõ cụt…
Dù sao, họ đã mang lại những màu sắc khác cho thế gian, để cho loài người còn chút gì đó lãng mạn, để có thế mơ màng. Cảm ơn trời Huế, cứ mưa đi, cứ bão lũ đi, tôi vẫn cứ yêu Huế, bởi Huế và tâm hồn của tôi là sự phản chiếu lẫn nhau.
“Chiều mưa phố xưa u buồn..”