Ai giúp ta tiến bộ, đó là thầy ta

Hôm 20-11, tôi cứ mong có được một chút rãnh rỗi để viết về những cảm xúc ùa về khi chợt nhớ đến những ngày còn đi học và kể cả lúc được đứng trên bục giảng như một người thầy, nhưng hầu như không thể viết được gì trong ngày hôm đó. Công việc cứ quấn lấy tôi suốt ngày này qua ngày khác, và đến hơn cả một năm tôi chả viết gì cả, ngoài mấy bài hướng dẫn lập trình khô khan được viết vội vào những buổi chiều cuối tuần.

Với nhiều người, hình ảnh người thầy thật thiêng liêng và cao vời. Những người thầy đứng trên bục giảng với trí tuệ vô biên, những cái đầu “biết tuốt” và có thể lý giải mọi thứ trên đời… Nhưng từ nhỏ, tôi đã không bao giờ nghĩ như vậy. Và khi đi dạy hoặc đi huấn luyện cho sinh viên hoặc nhân viên công ty, tôi đều luôn nhắc với các bạn rằng, người thầy hay người huấn luyện viên không phải là những người phải ở đỉnh cao nhất, chỉ giản đơn là họ có thể giúp người khác tìm được con đường đến với tri thức và có thể áp dụng tri thức đó vào cuộc sống. Đỉnh cao sẽ đến với những người vận dụng tri thức vào thực tiễn hơn là những người chia sẻ tri thức, nhưng không vì thế mà những người chia sẻ bớt đi sự cao quý. Chia sẻ tri thức và kinh nghiệm vốn là một tính cách “không phổ biến” ở người Việt Nam.

Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác lúc tôi rời khỏi bục giảng để đi làm anh lập trình viên. Cái cảm giác mong muốn được sẻ chia, được truyền đạt kinh nghiêm vẫn có đó, sự khát khao nói về những gì mình biết, giúp những người khác tiến bộ hơn vẫn còn đó. Làm cách nào để đưa những thứ mình học được đến với sinh viên, để họ không mắc những sai lầm mà mình đã từng vấp phải?

IMG_0897.JPG

Những buổi training miễn phí ở ĐH Khoa học Huế, lúc nào cũng đông các bạn tới tham gia

Tôi vẫn còn nhớ như in những buổi code camp (kiểu như cắm trại để tập trung lập trình) dành cho sinh viên Đại học Khoa học Huế. Tôi đã vất vả xin khoa CNTT, Đoàn trường cho tôi được sử dụng một căn phòng để huấn luyện cho các em sinh viên một cách miễn phí. Hàng chục buổi trong bốn tháng trời đã giúp các em biết về ASP.NET MVC khi nó chỉ vừa mới ra đời. Tôi không thể quên được những em bất kể mưa nắng để tới nghe giảng. Cũng không quên được chiếc màn chiếu “tự tui” của em Long là một tấm vải với những đinh ghim để giữ nó trên bảng. Ngày Huế mưa bão, Đại học Khoa học bị bao vây bởi bốn bề nước lũ, tôi lên trường trong trạng thái ướt như chuột lột, nhưng đã có gần hai chục em vẫn chờ đợi tôi, phía trong thầy trò cứ học, bên ngoài nước lũ đã tràn vào, ngập lên cả bánh xe máy. Cái sự khát khao tri thức nó lớn như vậy đó. Có lẽ, tự thân người ta không muốn mình biến nhác, nhưng nhiều người, kể cả tôi, chỉ có thể làm được điều gì đó khi bên trong mình có động lực. Tôi luôn tự tìm cho mình động lực, những người khác cũng vậy, nhưng không phải ai cũng có phương pháp đúng, cách nhìn đúng, và sự tin tưởng vào những gì mình đã nghĩ, nên phải có những người thầy ở đó, để thắp lửa, để truyền cho mọi người niềm khát khao, để giúp cho mỗi người tìm thấy cho mình một mục tiêu, một cuộc sống có ý nghĩa.

03102010080.jpg

Hôm đó trời mưa lũ, nhưng các em vẫn đến để được chia sẻ về viết phần mềm

03102010077.jpg

Lũ to, hầu như không thể chạy xe máy đến trường được nữa, nhưng các em vẫn đến rất đông

Tôi đã từng suy nghĩ nhiều về cách sẻ chia, làm sao để chia sẻ được cho nhiều người hơn, làm sao để ai cũng có thể học được mọi thứ mà không phải nhất thiết phải đến một lớp học theo kiểu vật lý. Và tôi đã hiểu ra tại sao thế giới rất nhiều người giỏi, nhưng Việt Nam thì lại ít hơn rất nhiều. Văn hóa chia sẻ tri thức chưa phổ biến. Tìm blog chia sẻ tri thức của người Việt về lập trình ít còn hơn cả việc đếm ngón tay ngón chân trên người mình. Học đã khó, chia sẻ càng khó hơn.

IMG_0953.JPG

Không chỉ mình tôi, các học trò của tôi cũng cùng tham gia để hướng dẫn cho các em

IMG_0967

Màn chiếu tự chế

Lúc chân ướt, chân ráo vào Sài Gòn, tôi đã vội tìm đến các đoàn trường để tổ chức các lớp học hay các buổi seminar miễn phí cho sinh viên, và tôi cũng tổ chức được một số buổi cho các trường như khoa Tin học tại trường ĐH Kinh Tế, hay ĐH Công nghệ SG. Nhưng sự hiệu quả và tính lan tỏa không được là bao. Blog tumivn.com, cộng đồng lập trình jou.vn làm được nhiều hơn thế.

IMG_0991.JPG

Những gương mặt quen thuộc với ASP.NET MVC Code Camp tại Đại học Khoa học

Hôm 20-11, khi được mời lên chia sẻ cảm xúc của một trainer tại Harvey Nash, tôi chợt nghĩ, thật dễ dàng để gọi điện và cảm ơn một người thầy đã từng đứng trên bục giảng mà mình đã từng học, nhưng có bao giờ mình nói lời cảm ơn với những người thầy “không biên giới”, những blogger trên toàn thế giới, về lập trình, về những tri thức khác? Nếu thiếu vắng họ, làm sao chúng ta, những lập trình viên ở Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới. Chính nhờ họ, những người không sợ bị bắt kịp, những người luôn chạy về phía trước nhưng không quên vạch dấu chỉ đường đã giúp tôi và nhiều người khác không bị lạc giữa rừng hoang. Họ đã giúp chúng tôi tiến bước. Có lẽ họ sẽ không đòi hỏi gì ở chúng ta ngoài mong muốn chúng ta hãy cũng làm như họ, như những chú chim đầu đàn giữ đội hình hình chữ V bay vượt đại dương. Giữ cho dòng sông tri thức luôn tràn đầy.

Hôm nay đã là 28-11, nhưng những xúc cảm về người thầy vẫn còn đó. Ai giúp ta tiến bộ, đó là thầy của ta. Xin cảm ơn những người thầy!

P.S. Những hình ảnh về những buổi code camp thuộc về lớp học ASP.NET MVC code camp do tôi dạy cho các em ở trường ĐH Khoa Học Huế vào năm 2010, khi đó ASP.NET MVC còn chưa phổ biến ở TP. HCM.