Photography – Chơi máy ảnh hay chơi ảnh?

Cách đây tròn một năm, tôi bắt đầu đi vào con đường nhiếp ảnh, và tôi đặc biệt thích chụp ảnh đời thường, hay còn gọi là chụp ảnh đường phố street photography. Tôi vốn thích công nghệ, rồi lại thích viết như một blogger, và giờ lại thích chụp ảnh. Khi chụp ảnh, tôi lại có cơ hội trải nghiệm nhiều thiết bị, và tôi bắt đầu chia sẻ trải nghiệm một số thiết bị tôi dùng trong một thời gian ngắn cho mọi người. Nhưng tôi lại không chia sẻ nhiều về những thiết bị tôi sử dụng thường xuyên, vì tôi post rất nhiều hình ảnh được chụp bởi những thiết bị đó, và hình ảnh sẽ nói lên chất lượng của thiết bị, do đó, tôi không cần phải nói nhiều, trừ phi được một người bạn nào đó yêu cầu review.

Tôi có cơ hội được trải nghiệm nhiều thiết bị khác nhau

Cũng vì tôi trải nghiệm nhiều thiết bị khác nhau, nên có bạn gọi tôi là “máy ảnh gia”. Bạn tôi gọi tôi như vậy hoàn toàn là ý tốt, nhưng khi search google, tôi chỉ thấy được những bài viết mang tính châm chọc xỉa xói với danh xưng này. Vì theo họ, cái loại “máy ảnh gia”, là những người mê “thủ dâm” với thiết bị ảnh, lens MF cũng chơi, AF cũng chơi, thấy gì cũng vọc, lúc nào cũng rút máy ảnh ra và chụp dù chủ đề chẳng có gì. Chụp ảnh vì thiết bị mới cầm trên tay hơn là vì mục đích chụp ảnh, và không dùng gì ngoài máy ảnh để chụp ảnh… Máy ảnh gia, theo họ là những đứa thừa tiền có khả năng mua sắm và thay máy liên tục để “thẩm du” thiết bị ngành ảnh. Và chả có phong cách ảnh gì cả.

Khi đọc những bài viết và nhận định kiểu như trên, tự dưng tôi thấy buồn và sau đó là thương cho người Việt, những con người kỳ lạ, chỉ biết xoi mói và GATO người khác. Tôi đã xem hàng ngìn video trên youtube, đọc sách, xem hàng loại lớp trực tuyến để trang bị kiến thức nhiếp ảnh và cách sử dụng thiết bị ngành ảnh. Nếu không có những người chịu khó sử dụng, trải nghiệm và review thiết bị ảnh, bạn sẽ là đối tượng bị làm thịt của các hãng máy ảnh, bởi bạn sẽ rối tung vì không biết mình cần gì, nên mua máy ảnh nào và lens gì.

Đã có thời kì tôi phải dán lên chiếc nhãn của máy Sony A7Rii, vì không muốn nghe quá nhiều lời ra tiếng vào

Hãy suy nghĩ nghiêm túc, để trở thành một người có khả năng chụp ảnh tốt, bạn cần biết và giỏi những gì?

Nếu bạn chơi nhiếp ảnh bạn sẽ phải làm rất nhiều việc để có thể trở thành một người chụp ảnh đẹp:

  • Thực hành: Bạn phải chụp nhiều, nếu không nói là rất nhiều để tập luyện. Có lẽ chụp hơn mười ngàn tấm cũng chưa đủ để bạn trở thành một người chụp có cá tính, và cũng chưa chắc tới thời điểm đó, ảnh của bạn có thể được người khác chấp nhận.
  • Chọn được đúng thiết bị, tìm hiểu và trải nghiệm nó: Bạn không thể chỉ chụp bằng iphone để gọi mình là dân nhiếp ảnh, vì các loại máy ảnh và lens sinh ra có lý do của nó, bạn dùng lens wide và ultra wide để chụp phong ảnh và nội thất, lens khẩu lớn để chụp ảnh có d.o.f mỏng nhằm cô lập chủ thể với background, lens tiêu cự lớn để chụp chân dung hoặc săn hình widelife. Bạn dùng máy ảnh compact để chụp trong điều kiện đủ sáng, nhưng chụp trong điều kiện thiếu sáng thì cảm biến càng lớn càng có lợi. Bạn chụp ảnh mà không biết xài flash thì cũng tự mình hạn chế mình rất nhiều… Có hàng ngàn lý do để bạn phải giỏi sử dụng các công cụ để tạo ra những bức ảnh ưng ý. Nói gì thì nói, bạn không thể giỏi chụp ảnh nếu không làm chủ được chiếc máy ảnh của mình. Bạn phải dành vài chục giờ, thậm chí vài trăm giờ để làm chủ máy ảnh của mình. Máy ảnh càng đắt tiền và chuyên nghiệp, bạn càng phải tốn nhiều thời gian hơn cho nó.
  • Xây dựng kiến thức và thực hành thể loại nhiếp ảnh bạn muốn theo đuổi: Bạn có thể hài lòng nhanh với thiết bị mình mua, bạn đã chụp được ảnh, mọi người thấy bạn chụp ra ảnh nhìn được mắt, nhưng như vậy vẫn chưa đủ, bạn phải có kiến thức về nhiếp ảnh để chụp được thể loại ảnh mình muốn. Nhiếp ảnh có nhiều thế loại, chụp dân dung (studio, ngoài trời, boudoir), chụp phong cảnh, chụp ảnh đường phố, chụp ảnh nude, chụp nội thất, chụp kiến trúc, chụp sản phẩm, chụp sự kiện… Mỗi thể loại chụp hình yêu cầu bạn phải trang bị kiến thức rất nhiều và một set những công cụ để chụp hình khác nhau. Lấy ví dụ, nếu bạn chụp ảnh sản phẩm, bạn phải có softbox, flash, tripod.., nếu bạn chụp đường phố, bạn phải trang bị cho mình prime lens (thường là tương đương với 35mm, 55mm trên fullframe), máy ảnh cho đường phố cũng khác – ưu tiên nhỏ gọn, mà đó là chụp đường phố, còn nếu chụp chân dung đường phố, bạn sẽ phải trang bị thêm lens tiêu cự dài với khẩu lớn. Nếu chụp ảnh studio, bạn phải đầu tư cho các thiết bị strobist và hầm bà lằng các loại kiến thức dành cho nó.
  • Học và thực hành kỹ năng hậu kỳ ảnh: hậu kỳ ở đây không phải là áp preset có sẵn, hoặc biến người thành mỹ nhân mặt sáp nhé. Ảnh, nếu dùng máy ảnh chụp xong xuất ra file thì nó chỉ đẹp nếu người chụp chọn bố cục đẹp. Nhưng ảnh có thể được điều chỉnh thêm về contrast, màu sắc,.. để giúp cho bạn nói lên tâm trạng của bạn, hoặc cách nhìn của bạn về thế giới. Ngoài ra, bạn còn phải biết kỹ thuật chỉnh ảnh để làm cho chủ thể được chụp nhìn ưng ý hơn, ví dụ hôm mình chụp tự nhiên người được chụp nổi cục mụn to bằng hạt bắp ngay giữa trán, bạn nên xóa nó đi thay vì để nó chình ình lên đó, bạn cũng không nên đuổi người được chụp về và hẹn họ đến tuần sau khi mụn đã xẹp. Khi bạn chụp ảnh, có những điểm cần khắc phục sau khi chụp, vì lens dù đắt đến mấy cũng không đảm bảo hết được, ví dụ như độ méo hình, viền tím, quang sai, bụi lỡ bám lên cảm biến..v.v, lúc đó kỹ năng hậu kỳ ảnh cực kỳ quan trọng để bạn phục vụ được những bức ảnh đẹp cho mọi người.
  • Học chụp ảnh bằng cách xem ảnh đẹp của người khác: Muốn chụp ảnh tốt phải xem ảnh đẹp của người khác để hiểu thêm về concepts mà người ta chọn lựa, cách bố cục, cách hậu kỳ của họ. Mà bạn phải xem nhiều, và xem ảnh thường xuyên, xem nhiều giúp bạn có ý tưởng và có cảm hứng để chụp thêm ảnh. Đôi lúc cảm hứng khởi nguồn từ vay mượn, nếu bạn không nghe rock, làm sao bạn biết để muốn chơi nhạc rock? Bạn không xem, ăn thử và học recipes của người khác làm sao bạn nấu ăn giỏi được?
  • Chọn lọc, chia sẻ và nhận phản hồi của người xem: cho dù bạn là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, bạn cũng cần phải chụp nhiều ảnh và sau đó chọn lựa ra những bức ảnh mình ưng ý. Bạn không thể chỉ chụp 1 bức và có ngay bức ảnh đẹp được. Khoảnh khắc đôi khi không tới ngay thời điểm bạn giơ máy ảnh lên, mà nói tới sau đó, và bạn cũng không thể chắc khoảnh khắc tiếp theo tốt hơn hay tệ hơn khoảnh khắc hiện tại, nên bạn phải ghi thêm nhiều ảnh. Bạn cũng không thể chụp chân dung bằng cách bảo mẫu setup đúng tư thế, chụp một phát rồi đi về được, bạn phải chụp nhiều góc, nhiều tư thế, nhiều cách biểu cảm và sau đó lựa chọn. Sau khi đã chọn được bức ảnh ưng ý, hãy chia sẻ và để mọi người cảm nhận. Khi chơi nghệ thuật, bạn cần có khán giả, bởi họ chính là động lực để bạn tiếp tục với đam mê, khán giả yêu bạn họ cũng sẽ khắc khe và công tâm hơn với bạn. Đừng ngại tham gia các group, chia sẻ hình và đón nhận comment.

Với tay đến máy bay

“Chỉ với tay cũng đến được máy bay”, nếu tôi không đam mê, tôi chả bỏ thời gian ngồi canh, chụp hơn ba chục bức ảnh với hai anh thợ treo mình trên cao như thế này đâu

MỘt số ý tôi nghĩ khi viết bài này vào buổi sáng sớm trước khi đi làm. Có thể có nhiều thứ hơn bạn cần phải làm khi theo đuổi nhiếp ảnh, nhưng với tôi, những điểm trên là những điểm quan trọng để giúp tôi tiến bộ.

Nếu ai cũng tự tin chỉ dùng iphone để chụp được ảnh theo ý mình muốn, thì xin cứ dùng iphone thôi, nhưng đừng xỉa xói những người muốn có được công cụ tốt hơn để chụp ảnh. Đừng vội gọi người ta là “máy ảnh gia”, hay là thằng cuồng thiết bị, bởi việc trải nghiệm và chọn công cụ là một phần của quá trình phát triển kỹ năng của người chụp ảnh. Nhiều người “thủ dâm” với máy ảnh film, hoặc lens MF, họ đâu có gì sai, cho dù chụp hình bằng iphone hay DSLR thoải mái hơn nhiều. Người ta bỏ ra nhiều tiền để trải nghiệm thiết bị và chia sẻ thì lại càng có lợi cho bạn, bởi họ chịu khó làm tester và bạn chỉ việc đọc bài của họ để có thêm kinh nghiệm. Với lại liệu họ có ngu hay hy sinh tiền của để trải nghiệm thiết bị? Không bạn ơi, họ đang dũng cảm làm điều họ thích. Với bạn này bỏ ra mỗi lúc năm mười triệu để đi du lịch là tuyệt vời vì nó làm cho bạn hạnh phúc. Với bạn kia, bỏ ra nhiều tiền để chăm sóc cho chiếc xe máy là việc làm đúng. Với người yêu gia đình, hy sinh hết mọi thứ vì gia đình cũng là đúng, bởi không có gì làm họ hạnh phúc hơn là xây dựng gia đình của họ. Lại có người, làm ra tiền là đem đi làm từ thiện hết, và họ cũng không sai. Bạn lao động vất vả để kiếm tiền, và bạn hoàn toàn có quyền sử dụng tiền theo cách mình muốn. Bạn chỉ đáng chê trách nếu dùng đồng tiền lao động vất vả của người khác một cách thiếu suy nghĩ, hoặc ăn cắp – ăn trộm để kiếm tiền thỏa mãn ý thích của mình. Còn nếu bạn lao động chân chính, tiêu tiền vì đam mê của mình, hãy cứ ngẩng cao đầu, tiền suy cho cùng cũng chỉ là phương tiện mà thôi.

Liệu bạn có muốn có người thử nghiệm và chia sẻ cho bạn về chiếc máy ảnh họ đã sử dụng, và nhờ đó bạn chọn được chiếc máy ưng ý của mình?

Bất kỳ món ăn chơi (đam mê) nào cũng đòi hòi bạn tiêu tốn thời gian và tiền bạc cả. Thậm chí là viết văn cũng khiến bạn mất rất nhiều tiền vậy, vì thời gian kiếm tiền bạn phải xén bớt để ngồi nghĩ và viết. Nên nếu bạn không đầu tư được thời gian và tiền bạc như người khác, bạn đừng ghét họ nhé.

Street boys

Hai đứa trẻ đường phố đang ăn bữa tối của mình (lúc 10 giờ tối). Liệu bạn có đủ dũng khí cầm một chiếc máy ảnh lớn, đi một mình trong đêm để ghi lại khoảnh khắc không?

Cần lắm một giấc ngủ

Giấc ngủ tranh thủ, bạn có sẵn sàng tay máy và luôn quan sát để chụp hình ở mọi lúc mọi nơi không?

Còn tôi, liệu tôi đang “chơi ảnh” hay “chơi máy ảnh”? Tôi xin khẳng định, mục đích cuối cùng của tôi nhiếp ảnh, là những bức ảnh tôi chụp được. Trên con đường chơi nhiếp ảnh, tôi có thử qua vài thiết bị, nên tôi chia sẻ trải nghiệm cùng mọi người, mọi người có đọc, có nghe, cũng đừng gói tôi vào trong vài chữ “máy ảnh gia”, vì nói về độ am hiểu máy ảnh, tôi chưa đạt tới mức được gọi bằng ba chữ đó, và tôi tập trung vào nhiếp ảnh hơn là thiết bị ngành ảnh, chẳng qua, khi rèn luyện kỹ năng nhiếp ảnh, tôi biết thêm nhiều hơn về máy ảnh và lens mà thôi.

Các bạn có thể xem thêm ảnh đường phố của tôi trên Flickr.

Chúc những người yêu nhiếp ảnh vẫn được enjoy với thú vui của mình!

Sài gòn, 1/9/2016