Năm lý do bạn chưa thể khởi nghiệp vào lúc này

Tại sao bạn không kinh doanh hay khởi nghiệp đi? Đó là câu hỏi thường trực mà những người bạn tôi dành cho tôi, bởi, với họ tôi vốn không phải là người an phận thủ thường hoặc là nhóm người chỉ biết học và làm một anh nhân viên văn phòng thông thường. Và thường tôi sẽ trả lời cho có lệ, rằng tôi chưa nghĩ đến việc đó.

Thực ra, tôi dã từng khởi nghiệp một lần và ba lần tham gia dự án khởi nghiệp khác (giáo dụ và CNTT, nhà đầu tư có khá nhiều tiền), và tất nhiên đó chưa chắc đã lần cuối cùng. Nhưng tại sao tôi chưa khởi nghiệp trở lại? Tại vì sao tôi vẫn tiếp tục làm thuê? Vâng, câu trả lời vì sao thì chỉ có tôi biết. Nhưng, tôi muốn viết bài này để chia sẻ với mọi người một số điểm mà tôi cho rằng chúng khiến cho một người chưa thể hoặc chưa nên khởi nghiệp.

Có thể bạn có ý tưởng hay, và được nhiều người đánh giá có tính khả thi cao, có thể bạn đã có nguồn lực giúp bạn khởi nghiệp, nhưng liệu đã đủ để cho bạn khởi nghiệp chưa?

Tôi chưa từng tự doanh thành công, nhưng những ý kiến của một người tự doanh thất bại có thể giúp cho bạn giảm bớt rủi ro khi muốn kinh doanh đấy.

1. Bạn hoặc gia đình bạn đang gặp khó khăn về tài chính, và gia đình bạn đang phụ thuộc vào bạn

Thực vậy, bạn khó có thể làm gì khi nguồn thu nhập của bạn chỉ đủ trang trải cho gia đình và đó là nguồn thu nhập duy nhất. Nếu bạn đang có vấn đề về tài chính, việc đầu tiên bạn phải làm là giải quyết vấn đề đó trước, ví dụ như khoản vay ngân hàng, hoặc món nợ do thất bại kinh doanh của người trong nhà, hoặc bạn phải đảm bảo an sinh cho gia đình bạn trước tiên. Bạn không thể hy sinh tương lai của con mình bằng một quyết định nghỉ việc, kinh doanh bằng tất cả số tiền bạn có khi bạn chưa có nhà, chưa có khoản tiết kiệm cho con của mình. Nếu bạn chỉ khởi nghiệp bằng quán cóc, tiệm hủ tiếu gõ, vốn sẽ không cần nhiều, nhưng nếu bạn kinh doanh một cửa hàng thời trang chẳng hạn, hoặc lập một công ty phần mềm, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.

Có nhiều người khởi nghiệp bằng buôn bán nhỏ trên mạng, với số vốn không lớn, điều đó có vẻ khả thi hơn cho một người khó khăn về tài chính.

2. Tôi không thích kinh doanh, tôi chỉ thích nghiên cứu, hoặc sống một cuộc sống tận hưởng

Vâng, nếu bạn không nghĩ kinh doanh là sứ mệnh của cuộc đời bạn, nếu bạn hài lòng với thu nhập bạn đang có và đang tận hưởng cuộc sống bằng các chuyến đi du lịch, đi phượt, hoặc dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Nếu bạn cho rằng cuộc sống bạn có ý nghĩa nếu bạn làm điều gì đó khác hơn là kinh doanh, bạn nên tiếp tục với việc bạn đang làm.

Con người, suy cho cùng, luôn mưu cầu hạnh phúc, nếu hạnh phúc đã có, và bạn hài lòng về nó, bạn đừng rước thêm mệt mỏi vào người. Người yêu kinh doanh sẽ hạnh phúc với dòng tiền, với lãi lỗ, và với giá trị họ tạo ra cho gia đình và xã hội. Nhưng nếu bạn không yêu kinh doanh, bạn sẽ mệt mỏi với những khoản đầu tư, khoản vay, lãi suất, lời lãi, tính thanh khoản, chu chuyển của dòng tiền, hàng tồn kho, lương, bảng chấm công, các mối quan hệ…v.v Quá nhiều thứ để suy nghĩ cho một người làm doanh nghiệp, và nếu bạn không muốn bị rơi vào vòng xoáy đó, bạn hãy dạt sang một bên, bởi không chỉ làm ra nhiều tiền mới giúp bạn có một cuộc sống có ý nghĩa. Cân bằng giữa công việc và những sở thích, cùng gia đình mới thực sự quan trọng đối với nhiều người.

3. Bạn không biết gì về kinh tế, tiền tệ và kế toán, marketing và tâm lý người tiêu dùng

Nếu bạn chưa nghiên cứu gì về kinh tế, về tiền tệ và những thứ liên quan tới kinh doanh, bạn nên cẩn thận, bởi, với người không biết tính toán, đôi khi lỗ mà cứ tưởng là lãi. Bạn phải biết tính được chi phí sản xuất, chi phí tồn kho, các khoản chi tiêu và định giá được sản phẩm và dịch vụ của mình bạn mới nên nghĩ tới việc kinh doanh. Tất nhiên, bạn không cần phải học kế toán mới tính toán được, nhưng nếu bạn không giỏi tính toán, làm ông chủ là việc của người khác chứ không phải là việc của bạn.

Bạn có ý tưởng hay, bạn nghĩ vậy, nhưng nếu bạn không hiểu tâm lý người tiêu dùng, có thể bạn sẽ kinh doanh một thứ mà bạn tưởng là ai cũng cần, nhưng hóa ra chả ai mua. Bạn thường nghe rằng, người ta tạo ra nhu cầu cho người tiêu dùng và kinh doanh dựa trên nhu cầu mới ấy, nhưng hiếm ai hiểu rằng, để tạo ra được nhu cầu, người kinh doanh phải bỏ ra rất nhiều vốn. Nếu người dùng không biết đến sản phẩm của bạn, làm sao họ có nhu cầu?

4. Bạn muốn kinh doanh một mình? Bạn không quảng giao?

Bạn biết không, người ta khởi nghiệp kinh doanh bằng cách góp vốn, nghĩa là góp một phần vốn để bắt đầu kinh doanh và chia sẻ rủi ro, nếu bạn kinh doanh một mình bạn sẽ gánh tất. Cho dù bạn bỏ ra toàn bộ vốn, nhưng nếu bạn không chọn được người đồng hành, bạn sẽ không thể kinh doanh tốt được. Chọn được một team tốt, không gặp quá nhiều vấn đề về tài chính cá nhân có thể là khởi đầu tốt. Nếu tiền không thành vấn đề, bạn có thể chọn người giỏi và trả lương tốt cho họ, nhưng thực ra đời không đơn giản như vậy phải không bạn?

Nếu bạn không quảng giao, bạn sẽ không có các mối quan hệ, và nếu không có các mối quan hệ, mọi việc sẽ rất khó khăn với bạn. Cho dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, nếu bạn muốn khởi sự kinh doanh, bạn cần có rất nhiều mối quan hệ đủ thâm sâu để tăng tốc cho dự án của mình. Hơn nữa, những người từng trải sẽ giúp cho bạn có nhiều bài học tốt mà không phải mất quá nhiều tiền bạc và thời gian. Nếu bạn lủi thủi một mình, bạn sẽ không làm được việc lớn.

Tục ngữ Phi Châu có một câu khá hay:

“If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.”

Nếu bạn muốn đi nhanh, bạn  đi một mình. Còn nếu bạn muốn đi thật xa, bạn nên đi cùng nhau.

5. Bạn không có khả năng lãnh đạo và quản lý

Nếu bạn chỉ có tiền và không có khiểu làm lãnh đạo, bạn không nên khởi nghiệp, bởi khi bạn bắt đầu một doanh nghiệp, bạn cần phải tạo lập đội ngũ, gieo niềm tin vào doanh nghiệp cho dội của bạn và dẫn dắt họ trong chuyến phiêu lưu của mình. Nếu bạn không có khả năng lãnh đạo, thì người khác sẽ lãnh đạo bạn, và lúc đó, doanh nghiệp của bạn sẽ bị điều khiển với bởi người khác, và bạn sẽ không thể đi đến đích nếu cả đội không cùng chí hướng với mình.

Nếu bạn không có khả năng làm quản lý, hãy mướn quản lý tốt cho bạn. Nhưng đa phần những người khởi nghiệp thành công là người có khả năng làm quản lý tốt. Bạn không cần phải kinh qua vị trí quản lý doanh nghiệp mới biết mình có khả năng làm quản lý hay không. Bạn có thể trải nghiệm qua nhiều hoạt động khác. Và hãy nhớ kiếm một người làm coach cho bạn, để giúp bạn có thể tự mình trả lời được những câu hỏi mà bạn chưa mường tượng được câu trả lời.

Tóm lại, tôi nghĩ rằng, nếu bạn muốn khởi nghiệp, hãy lên một kế hoạch đủ tốt, và xem xét ở nhiều khía cạnh. Bạn không thể cầu toàn khi muốn khởi nghiệp, nhưng hãy đảm bảo rằng kế hoạch của bạn có khả năng thành công cao. Và nếu bạn hãy đoan chắc mình đừng gặp những vấn đề như trên.

Chúc bạn thành công!