Mấy hôm nay nghe nhiều tranh cãi về bộ sách Công nghệ giáo dục (CNGD), tôi thấy quen quen. Đặc biệt khi nghe đến giáo sư Hồ Ngọc Đại và chương trình Thực Nghiệm, tôi mới nhận ra, hóa ra người ta đang nói tới chương trình học mà tôi và nhiều người bạn đã từng học qua cách đây gần 30 năm. Tôi có xem lướt một số nội dung cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 mà dân mạng chia sẻ, và tôi không ngạc nhiên về nội dung ở trong đó, bởi nó gợi nhớ cho tôi nhiều bài văn tôi từng học ở cấp I.
Một lần họp lớp cấp 1 (5c), lúc chúng tôi đã là sinh viên
Tôi được ba mẹ chọn cho học trường Thực Nghiệm. Ba tôi là giảng viên Đại học, mẹ tôi là giáo viên dạy toán cấp 2. Bạn tôi là Bạch Nga, có ba là thầy (Tiến sĩ) Nguyễn Đình Ngộ, người thầy rất nổi tiếng ở Huế. Thằng bạn khác là Dương Nhật Phong, có ba là hiệu trưởng trường cấp I Đinh Tiên Hoàng, nhưng vẫn cho con học ở Thực Nghiệm. Và nhiều người khác là con các thầy cô giáo đều được học ở ngôi trường này.
Thời đấy nhà tôi rất nghèo, tôi sống trong chiếc nhà lợp tôn bốn bề, ở trong nhà có thể thấy những tia nắng khắp nơi lọt qua các kẻ tôn (do vết đinh đóng). Nhà nghèo vậy, nên không thể nói là ba mẹ tôi có tiền để cho tôi vào trường điểm. Và thực ra, trường điểm là trường Lê Lợi nằm ngay bên cạnh. Nhưng trường Thực Nghiệm là trường thí điểm để dạy học chương trình mới, và trong đó tiếng Anh được đưa vào dạy từ lớp một. Tức là tôi đã được học tiếng Anh từ năm 1989. Và tôi nghĩ đó là lý do các gia đình trí thức cố gắng đưa con vào trường Thực Nghiệm. Tôi chả nhớ có thi thố gì không, nhưng tôi đã vào học ngôi trường đó theo một cách khá tự nhiên, và tôi ở khóa thứ 3 của trường.
Một lần thăm cô Thu, chủ nhiệm lớp 3, lúc chúng tôi học lớp 12.
Đám bạn thân của tôi ở trường Thực Nghiệm ai cũng khá, cũng trở thành người tử tế. Còn thành công tiền muôn hộc thì có lẽ chúng tôi không có ai đạt được điều đó cả. Nếu nói nó có vượt trội hơn so với giáo dục phổ thông truyền thống không, tôi thực sự không dám khẳng định. Nhưng lợi ích chương trình này mang lại cho tôi thì tôi biết rõ.
Điểm hay của chương trình mà tôi cảm nhận được bao gồm:
- Học tiếng Anh ngay từ lớp 1 giúp tôi học tiếng Anh thật sự nhẹ nhàng thoải mái, tôi chả phải cố gắng quá nhiều để có thể nói và giao tiếp được
- Môn học tiếng Việt và Văn khuyến khích tôi có ý kiến của riêng mình, tôi bắt đầu trở thành người kể chuyện cho lớp từ lớp hai, và tôi thoải mái cải tiến những câu chuyện kể theo ý mình. Tôi không bị giáo viên bắt ép phải kể hoặc nói đúng y hệt như trong sách. Bất cứ lúc nào giáo viên tới trễ, cả lớp đều yêu cầu tôi kể chuyện. Tôi vẫn bị giáo viên khẻ tay vì viết tay trái, và ấn tượng xấu đó vẫn còn mãi với tôi, giờ tôi không viết được bằng tay trái (tay thuận của tôi).
- Chương trình Toán rất thách thức, nhiều bài toán khó và thú vị. Trình độ toán của lũ chúng tôi khá cách biệt với các bạn đồng cấp khác. Thậm chí tụi tôi có thể làm toán cấp 2 (lớp 6 -7) khá dễ dàng. Năm lớp 4, ba mẹ tôi lo tôi ở nhà sẽ hư nên gởi tôi đi học thêm Toán cô giáo gần nhà, cô này dạy chương trình phổ thông, kết quả là cô chả dạy gì tôi cả, tôi chỉ cầm theo cuốn sách toán khó lớp 5, mỗi ngày chọn 3 bài để làm, làm xong thì ngồi nhìn cô dạy các bạn khác, sau đó báo cô là tôi đã làm xong và đi về. Tôi chả giỏi giang gì, chỉ bởi chương trình Thực Nghiệm thực sự thách thức.
- Tôi hoàn toàn không có áp lực gì khi học ở cấp 1. Ba tôi cũng chưa bao giờ ép tôi phải học đạt loại giỏi các kiểu. Tôi học chỉ đạt học lực khá ở từ năm lớp 1 đến lớp 3, đến lớp 4 va lớp 5 thì tôi mới đạt loại giỏi. Tôi vẫn nhớ mình cầm món quà phát thưởng là 5 cuốn vở, trong khi cô bạn Bạch Nga là học sinh giỏi nhất trường, phải đi xích lô mới mang hết phần thưởng về nhà. Tôi mê đọc truyện tiểu thuyết hơn cả học, và cũng ko bị đánh mắng gì về chuyện này cả. Chỉ khi ba tôi phát hiện tôi đọc cuốn Bố già lúc lớp 4, thì ba tôi mới cấm không cho tôi đọc cuốn đó và yêu cầu tôi chỉ đọc khi sau tuổi 15, nhưng tôi vẫn đọc hết cả, kể cả cuốn Những hảo hán nơi tràng cát. Tiểu thuyết Trung Quốc như Thủy Hử, Tam Quốc, Đông chu liệt quốc tôi đều luộc sạch ở thời cấp 1.
Điểm tôi thấy có vẻ chưa ổn:
- Môn toán có vẻ khá nhồi nhét với học sinh cấp 1. Các bạn học yếu hơn sẽ chịu không nổi áp lực, một số phải chuyển trường. Còn tôi thì bị cảnh chả có gì để học khi học hai năm đầu ở cấp 2, vì cấp 2 không dạy tiếp chương trình Thực Nghiệm. Và dù ba tôi cấm tôi học lớp chuyên, thì tôi vẫn phải đi học thêm ông thầy dạy chuyên toán bởi nếu không chắc tôi chán chết vì chả có gì để học. Cả môn tiếng Anh cũng vậy.
- Chương trình này đúng là chương trình thực nghiệm, nếu áp dụng đại trà, có thể nhiều bạn sẽ không theo kịp.
Tôi và các bạn tôi vẫn tự hào vì mình là học sinh trường Thực Nghiệm, và tụi tôi vẫn thân thiết với nhau cho đến bây giờ. Suốt hơn 20 năm đi học, lớp cấp 1 của tôi vẫn luôn họp lớp hằng năm, chúng tôi vẫn yêu thương quý mến nhau như những ngày còn học với nhau.
Ba tôi đưa tôi đi nhận thưởng cuối năm lớp 3, lúc đó tôi chỉ đạt học sinh khá
Chả biết chương trình CNGD bây giờ như thế nào, và sau mấy chục năm, chương trình thay đổi như thế nào, nhưng cứ nghe người ta chỉ trích (khá nhiều chỉ trích thiếu căn cứ) làm tôi thực sự nhói lòng. Chương trình Thực nghiệm mà tôi học không tệ tí nào. Và tôi mang ơn chương trình đó, mái trường đó. Mong nhìn thấy những lời phản biện hợp lý và nhẹ nhàng. Cách người ta phản ứng thực sự làm tôi thực sự thấy sợ hãi. Thậm chị có người còn gắn chương trình này với cả Trung Quốc, thực sự buồn cười.
Tôi nghĩ, bất cứ nền giáo dục nào cũng nên có chương trình Thực nghiệm để trải nghiệm cái mới để từ đó có thể cải cách giáo dục. Khi Thực nghiệm mà áp dụng đại trà thì không còn là Thực nghiệm nữa. Chương trình Thực nghiệm ngày xưa tôi học đã thất bại vì nó hơi tham lam khi nhồi nhét nhiều kiến thức, nhưng tôi tin nó có giá trị của nó.
Tôi không muốn phân tích nội dung cuốn sách tiếng Việt, với nhiều nội dung tôi đã từng học qua. Đã có quá nhiều ý kiến về cuốn sách đó rồi. Chỉ mong mọi người nói chuyện và phản biện có văn hóa. Mỗi lời nói, mỗi câu viết ra trên mạng xã hội này cũng thể hiện được nhiều điều lắm.
T.P. HCM, 9/2018