Trò chuyện với MK: Giá trị của bản thân

MK ơi, hôm nay ba lại tiếp tục viết cho con về một chủ đề mà con sẽ trăn trở khi con lớn lên, đó là nhận biết giá trị của bản thân. Với ba, con là món quà vô giá của Thượng Đế, nhưng với chính con và với những người khác, giá trị của con sẽ biến thiên, tùy theo những gì con có thể mang lại cho bản thân và mọi người.

Điều trước tiên mà ba nên chia sẻ với con, đó là mỗi người được sinh ra đều là một cá thể đặc biệt và không ai giống ai. Mỗi người đều có khả năng riêng, và cùng với đó sẽ có cuộc đời và con đường phát triển riêng. Và bởi vì không giống ai, chúng ta không thể đi theo con đường của người khác, thay vào đó con phải tìm ra con đường cho chính con, để con phát huy tối đa tiềm năng của mình. Con đường khám phá bản thân là một con đường rất dài. Những tưởng, không ai hiểu chính mình bằng mình, nhưng trên thực tế, không nhiều người có thể hiểu được bản thân một cách tường tận, và biết được vì sao mình lại hành xử như thế này mà không như thế khác, hoặc vì sao mình không thể làm một việc tưởng như rất dễ đối với người khác mà lại hoàn toàn không dễ đối với bản thân. Để hiểu rõ bản thân, con cần có sự nhạy cảm và tinh tế, nắm vững học thuật về tâm lý con người, hiểu về những người xung quanh mình, nhìn vào những người đó để thấy hình ảnh của mình và tự nhìn vào nội tâm bản thân để phân tích hành vi của mình, từ đó nhìn ra được điểm mạnh và điểm yếu, các thói quen tốt & xấu để tự mình thay đổi nếu được. Tuy nhiên, mỗi cá nhân có một “mã định danh” riêng, nếu thay đổi hoàn toàn thì bản thân ta không còn là ta, nên phải hiểu những thứ mình muốn giữ và những thứ mình có thể thay đổi được.

Ba không thể giải thích hết cho con về cách nhìn nhận bản thân chỉ qua một bài viết, nhưng con cần biết để tự mình chuẩn bị cho mình kiến thức và kỹ năng để tự tìm hiểu và nhìn ra chính mình. Và ba tin con sẽ làm được, bởi đó chính là chìa khóa để giúp con đi đến sự hạnh phúc, bởi khi con hiểu rõ bản thân, con cũng sẽ cảm nhận được vạn vật xung quanh mình. Con sẽ biết sống chan hòa, vừa phải, không quá tham, cũng không yếm thế, con sẽ nhìn thấy tương quan giữa con và thế giới xung quanh con, nhờ đó mà sống hài hòa, tự do và hạnh phúc con ạ.

MK ơi, như lúc đầu ba chia sẻ, con phải hiểu được bản thân thì mới có thể giải thích được những hành vi của chính mình. Và khi thấu hiểu được bản thân, con mới cảm nhận được thế giới, bởi thế giới xung quanh con có rất nhiều người như con, nhờ hiểu con – con mới hiểu người khác. Nhờ tìm hiểu người khác – con sẽ hiểu được chính con. Nói khó hiểu như vậy, nhưng thực ra rất dễ hiểu và dễ áp dụng. Giả sử con nhìn thấy một bà mẹ mắng con vì đứa con làm rơi chén cơm, nếu đứng về phía bà mẹ, con sẽ hiểu rằng chén cơm đó người mẹ phải vất vả để nấu ra cho đứa con ăn, và bà có lẽ sẽ rất buồn bực vì sự cố gắng của mình phút chốc bị tiêu tan, bà còn thấy bực vì bất lực trước sự ngỗ ngáo của đứa con khi gạt chén cơm trên tay người mẹ. Nhưng nếu đứng về đứa con, có thể nó đang ngán cái món được ăn, có thể vì mẹ nó ép nó ăn khi nó chưa đói, cũng có thể nó chán ăn bởi đang thấy mệt trong người. Bà mẹ có quyền giận dữ không? Câu trả lời là có. Nhưng có nên giận dữ không, câu trả lời lại là không. Bởi trẻ nhỏ chưa thấu hiểu mọi chuyện, nếu chỉ trách mắng sẽ tạo ra tổn thương cho đứa trẻ. Cảm giác bị ép buộc càng gia tăng, đứa trẻ càng ngày càng dễ sản sinh tiềm thức chống đối sự chỉ dạy của ba mẹ. Khi quan sát và phân tích những hiện tượng bên ngoài con như vậy, con sẽ có cái nhìn khách quan, và sau đó con sẽ áp dụng cái nhìn khách quan cho những vấn đề của mình, con sẽ nhìn nhận ra con.

Phân tích bản thân không chỉ ở tính cách, hành vi mà còn phân tích về khả năng của mình. Nếu con là người nóng vội, khi con làm việc, người xung quanh sẽ đánh giá con là người “dục tốc bất đạt” ý là cái gì cũng muốn làm nhanh quá thì thương không xong. Nếu con là người ích kỷ nhỏ nhặt, người xung quanh sẽ không chơi với con nhiều, bởi họ không thấy con là người đáng chơi. Nếu con luôn ganh tỵ với thành quả của người khác, người ta sẽ không chia sẻ câu chuyện thành công của người ta cho con, và con sẽ không học được những bài học từ thất bại hay thành công của người khác. Con thấy đấy, chỉ mới mấy nét về tính cách, con cũng có thể thấy, vài trò của tính cách trong việc định hình mối quan hệ của con và xã hội. Và tính cách của con cũng một phần giúp người khác xác định giá trị của con. Con là một người có “giá trị” trong mắt người khác nếu con là  một người trung thực, biết hợp tác, biết đúng sai, chính chắn khi suy nghĩ và hành động. Con không có “giá trị” cao, khi con là người hẹp hòi, không chính trực, hay lừa dối, hoặc không giữ chữ tín thì “giá trị” của con sẽ thấp. Rèn luyện tính cách giúp mình trở thành người tốt sẽ giúp con nâng “chân giá trị” của mình lên. Nhưng vì sao phải làm cho mình “có giá” trong mắt người khác?

Khi con có “giá trị” trong mắt người khác nghĩa là họ cần có con. Nếu con giỏi tiếng Anh, sẽ có người nhờ con chỉ cho đôi chữ, hoặc xem văn họ viết. Nếu con thông tuệ chuyện cổ kim, những người có tri thức sẽ thích trao đổi với con. Nếu con giỏi lập trình, con sẽ có cơ hội cung cấp dịch vụ làm phần mềm cho những người khác. Con ơi, từ ngàn xưa, con người đã biết trao đổi với nhau những gì mình có, để giúp cho mỗi bên có được những thứ họ không có. Người thợ săn đổi tấm lông thú lấy lúa gạo từ người nông dân. Nhờ đó người nông dân có thể làm chiếc áo choàng lông giúp giữ ấm vào mùa đông, còn người thợ săn lại có lương thực cho gia đình mình. Và nếu con có gì đó để trao đổi, con đã có “giá trị” trong mắt những người đang cần thứ mà con có. Mặt khác, con không thể tự làm được mọi thứ, nên con cũng sẽ phải cần “giá trị” của những người khác. Khi con đi ăn một quán ăn ngon, đó là lúc con nhờ vả “giá trị” của một người đầu bếp giỏi, và con phải trả tiền để được tận dụng “giá trị” đó. Nếu con lớn lên, học giỏi ngành kiến trúc, và được người ta mời thiết kế nhà, lúc đó, người ta đang cần đến một phần “giá trị” của con.

Nói như vậy, có thể “giá” của con sẽ cao trong mắt một vài người và “thấp” trong mắt những người khác. Hoặc thậm chí người khác không quan tâm đến con, bởi họ không cần đến con. Cha của con, là một người thường được người khác quý mến, ở chỗ ba con chịu khó lắng nghe người khác và giúp họ tự tìm ra cách để giải quyết khó khăn của mình. “Giá trị”  đó của ba, khó nhìn nhận ra, bởi nếu chỉ nhìn qua, người ta khó mà thấy được ngay.

Ông nội của con, là một người am hiểu địa lý – địa chất, văn hóa, kinh tế,  ông hiểu về người lao động và lại có khả năng giao tế cực tốt, nên ông nội con rất có giá trị đối với chính quyền và các doanh nhân. Thế nên, cuộc đời của ông là cuộc đời làm “ngoại giao” và “xúc tiến đầu tư”, ông có thể thuyết phục doanh nghiệp đầu tư cho địa phương, giúp cải thiện kinh tế và đời sống của người dân. “Giá trị” của ông rất lớn.

Câu hỏi đặt ra cho con, đó là liệu một con người khi sinh ra vốn đã có “giá trị” lớn hay không?

Nếu người đó là con một tỷ phú, được thừa hưởng rất nhiều tiền của, tự thân người đó đã có “giá trị”. Bởi anh ta có tiền, và anh ta có thể đổi tiền lấy rât nhiều thứ. Tuy nhiên “giá trị” đó là giá trị bên ngoài, không nói lên “giá trị nội tại” của anh ấy. Nếu anh ấy là người xấu tính, không có tài năng gì, “giá trị nội tại” sẽ không cao, nhưng “giá trị bên ngoài” vẫn cao, và vẫn có nhiều người cần anh ta, nhưng lúc đó, người ta sẽ không đề cao anh ta. Và nếu anh ta hết tiền, người ta không cần anh ta nữa.

Bởi vậy, nếu con may mắn, con sẽ có được nhiều “tư sản” được ông bà cha mẹ để lại, và con có giá trị bên ngoài. Tuy nhiên, nếu con không có được gì để lại, chưa chắc con đã không may. Bởi “giá trị bên trong”, nếu tốt, nó sẽ giúp tạo ra “giá trị bên ngoài”. Nếu con có tiền tài, và con dùng nó để bồi dưỡng tri thức, rồi dùng tiền để sinh ra tiền, “giá trị” của con sẽ lớn hơn, mọi người sẽ cần con hơn.

“Giá trị” của con, sẽ bao gồm những điểm tốt đẹp trong tính cách của con (điểm cộng, nếu có tính cách xấu thì nó là điểm trừ), tri thức của con, cam kết & lòng nhiệt huyết của con khi làm một công việc gì đó, và tài sản bên ngoài mà con có (nhà cửa, tiền bạc, xe cộ..). Nếu con chọn chỉ tăng “giá trị bên ngoài” mà không tăng “giá trị nội tại”, con sẽ vẫn có giá trị nhưng không được coi trọng. Nếu con chỉ có “giá trị bên trong” và con nghèo nàn về tiền của, con vẫn được yêu quý, nhưng vào những lúc người ta không cần giá trị nội tại của con, thì cũng có thể con chả có giá trị gì. Ví dụ như, con là người rất tốt tính nhưng sức khỏe yếu và không có tiền, nhưng có đợt hạn hán mất mùa, con không có tiền, cũng không có lương thực, con không thể  đổi cái tính tốt của con lấy lương thực được, vì lúc đó ai cũng cần lương thực, nến “giá trị” của những người có lương thực tạm thời sẽ tất cao, và “giá trị” của con tạm thời sẽ rất thấp, và chả ai cần đến con lúc đó, bởi con không thể lao động giỏi như người khác. Và con cũng có thể chết đói vì không tích lũy “giá trị bên ngoài”.

Như vậy, “giá trị” của mỗi người, tùy hoàn cảnh sẽ thay đổi. Nên khi con sống, con phải tích lũy giá trị “bên trong” lẫn “bên ngoài”, để con luôn có “giá trị” trong mọi hoàn cảnh, khi con có “giá”, thì con mới có thể “đổi” được thứ con cần.

Con phải nhớ, không được đổi “giá trị bên trong” để lấy “giá trị bên ngoài”. Bởi “giá trị bên trong” khi mất đi khó thu lại được. Ví dụ con có tiếng trung thực, nhưng một hôm vì thiếu tiền và đói quá, nên con đi ăn cắp một ổ bánh mỳ, lúc đó “giá trị” trung thực của con sẽ mất chỉ bởi một ổ bánh mỳ. Con có thể xin vào làm thuê quán bán bánh mỳ để đối vài ổ bánh mỳ, như vậy “giá trị nội tại” của con không mất, và con còn có thêm. Bản tính tốt rất khó để xây dựng, và khi đã phá bỏ, thì xây dựng lại còn khó hơn. Và khi con mất đi “giá trị nội tại”, người ta sẽ không nhìn con bằng nửa con mắt. Hoặc giả họ có vẻ thân thiện với con, cũng chỉ bởi vì “túi tiền” con đang có mà thôi.

Vậy nên, một người khôn ngoan, là một người biết tích lũy cho “giá trị” bên trong lẫn bên ngoài. Ba đã từng ngu dại vì kiếm ra được nhiều tiền nhưng tiêu phí rất nhiều, hậu quả là “giá trị nội tại” vẫn có, nhưng tự thân đến quá tuổi ba mươi vẫn không tự mình dựng cho mình được ngôi nhà. Lúc này ba đã nhận ra, và ba phải mất rất nhiều thời gian để sửa sai. Đừng coi khi “giá trị bên ngoài” cho dù nó không đáng quý bằng “giá trị bên trong”. Nên con phải trân quý những thứ làm cho con có “giá trị” hơn.

Trong cuộc sống, con cần phải hợp tác với những người “có giá trị” khác, để có thể cùng nhau làm những điều lớn hơn. Con chỉ có thể hợp tác với một người, nếu con có thứ người ta cần và ngược lại. Nên hiểu người khác và qua đó hiểu được nhu cầu của họ, thì con mới biết tạo ra “giá trị” mà người khác cần, nhờ đó mới có thể hợp tác với họ được.

Nếu con bị ai đó chối bỏ, đó là bởi vì “giá trị” của con mang lại cho người ta không lớn bằng thứ người ta mang lại cho con. Hoặc là bởi vì con không biết cách làm cho người ta nhìn ra “giá trị” của con.

Hy vọng con sẽ sớm hiểu và tự mình xây dựng “giá trị bền vững” cho mình. Bởi chỉ như thế, con mới có thể tồn tại một cách thoải mái trong xã hội này được. Và luôn nhớ rằng đừng đánh mất “giá trị nội tại” chỉ để đổi lấy “giá trị bên ngoài” nhé con.

TP HCM, 17/11/2018