MK ơi, con của ba đã được 14 tháng. Thời điểm này con bắt đầu tập nói, cứ nhìn cách con bi bô, rồi cách con tiếp xúc với cả thế giới bên mình, ba thực sự rất tự hào và hạnh phúc vì có con. Và dù con chưa hiếu gì câu chuyện ngày hôm nay ba viết cho con, thì ba vẫn phải viết, bởi nó sẽ hữu ích cho con một ngày nào đó. Chủ đế hôm nay là mình nên ứng xử như thế nào với thất bại của chính mình.
Con biết không, giai đoạn con được 8 tháng, là con bắt đầu đứng và men theo bờ tường để tập đi. Và con trai ba tuyệt vời ở chỗ con không bao giờ khóc khi ngã xuống, con luôn bật dậy, đứng lên và tập đi tiếp. Có những lần con bị ngã ngửa ra phía sau, con đã bật khóc, nhưng chỉ sau mười giây, con đã quên và lại trở lại như bình thường. Những lần con đi tiêm cũng vậy, đa phần là không khóc, hoặc chỉ rên lên một tiếng và sau đó con lại trở lại như thường. Con không rên rĩ, làm mình làm mẩy, con luôn cười, và con luôn đứng dậy nhanh chóng sau những lần vấp ngã. Quan trọng hơn, con luôn học được bài học sau mỗi lần ngã đó. Con tự biết mở cửa mà không làm cửa kẹp chân, con chạy trên nệm mà không bị ngã. Không ai dạy con, nhưng con biết cách chơi chuyền bóng với ba. Con của ba thực sự rất khác biệt, và con đã làm cho ba nhớ những lần thất bại hoặc vấp ngã của ba, bởi ba cũng như con, sau mỗi lần thất bại, ba có buồn một chút, nhưng sau đó đứng lên ngay bước đi tiếp.
MK ơi, lúc lớn hơn, con sẽ hiểu thất bại không đơn giản là một cú ngã khi tập đi. Có những thứ mình chuẩn bị rất kỹ, mình vẫn thất bại, và lúc đó cảm giác thật chán chường và ê chề, thậm chí là thất vọng ở bản thân. Con biết không, có những lúc những người con quý mến sẽ làm cho con cực kỳ thật vọng bởi họ là người “đẩy” con xuống “vực sâu”, nhưng con đừng thù ghét họ, bởi mọi thứ luôn có lý do của nó. Con không được họ nâng đỡ bởi họ thấy con không đủ tốt. Hoặc chỉ đơn giản họ có lựa chọn tốt hơn.
Ba nhớ năm ba ở lại trường làm Giảng viên Đại học, ba đi thi công chức cùng một người bạn. Thi công chức để giúp mình vào biên chế nhà nước, tức là có chân làm giảng viên đại học lâu năm và không lo lắng chuyện sa thải. Trước khi đi thi, thầy trưởng khoa có nói với ba, Dũng ơi em rất giỏi, nhưng lần này em nhường cho bạn em nhé. Con có biết ba sốc đến thế nào không, khi biết kết quả trước khi đi thi. Rằng vì chỉ có một suất biên chế, và bạn ba là con ông trưởng khoa bên cạnh, nên ba phải nhường suất cho chú ấy. Bởi vì ba ở lại trường không nhờ “ô dù”, và dù ba giỏi trong nhiều mảng, thì ba vẫn “chưa đủ tốt” khi so sánh với con một trưởng khoa, người ta tốt hơn ba vì họ có quan hệ tốt. Ba đã đi thi biên chế cho có, và tất nhiên là không được vào biên chế năm đó, và cũng không được vào năm sau nữa, vì ba quyết định không vào biên chế và nuôi ước mơ được ra làm công việc phát triển phần mềm thật sự. Ba đã thất bại, nhưng ba không gục ngã, thất bại đó cho ba thấy được một phần những tiêu cực của môi trường giáo dục – môi trường nhà nước, và ba dần hiểu ra ba không thuộc về nơi này.
Lần thất bại thứ hai còn kinh khủng hơn, bởi hai năm sau đó ba bị kỷ luật vì “không nhận lương giảng viên” và bỏ trường đi làm việc cho công ty tư nhân. Việc ba đi là đúng luật, nhưng người ta gài bẫy ba, và sau đó khiến ba ra khỏi Đảng CSVN không sinh hoạt Đảng trong vài tháng. Ba coi như mất tất cả, con đường hoạn lộ dường như chấm dứt, ba lúc đó chỉ có dùng năng lực thực sự của mình để chứng mình bản thân và kiếm tiền nuôi thân mà thôi. Ba đã không gục ngã lúc đó, bởi ba thấy nó không đáng để mình khóc, không đáng để mình phải lê lết và quên đi một thực tế rằng, mọi con đường đều có điểm kết thúc, quan trọng là mình sẽ rẻ ngã nào để đi tiếp, hoặc giả như, con đường đó là con đường cụt, mình vẫn có thể quay lui và tìm con đường khác để đi. Và những cú đánh dù đau đến mấy, nó cũng không nên khiến mình gục ngã, mà chỉ mình chỉ nên tỉnh ra và nhận ra được mình cần phải làm gì để có thể đi tiếp và tránh bị rơi hoàn cảnh tương tự.
Lần thứ ba, diễn ra chỉ sau đó chín tháng, khi ba đã rời bỏ chiếc ghế giảng viên mà nhiều người mơ ước để đi làm vị trí lập trình viên ở một công ty của Mỹ ở Huế. Những ngày đầu thật vui vẻ, ba học được rất nhiều thứ và mới biết phát triển phần mềm thật sự như thế nào. Nhưng những ngày vui thật ngắn ngủi, ba và nhân viên công ty đã sốc khi nghe tin công ty phải bị đóng cửa. Và ba một lần nữa đã mất tất cả, bởi đó là một trong những công ty hiếm hoi ở Huế làm phần mềm. Và ba đã thất nghiệp thực sự. Ba muốn ở lại Huế và vì vậy cùng với những đồng nghiệp ở công ty đó mở một công ty Thiết kế & nhận diện thương hiệu ở Huế và làm phần mềm. Ba cũng phải đi làm quản lý cho một hệ thống giáo dục để kiếm tiền để nuôi bản thân và công ty. Và song song với đó ba xây dựng kế hoạch để trở thành một chuyên gia về phần mềm của Microsoft, và sau hai năm ba đã nhận được giải thưởng Most Valuable Professional của Microsoft đó con ạ. Nói ra thì nghe có vẻ đơn giản, nhưng thời điểm đó, ba đã phải cố gắng rất nhiều. Và có lẽ, đó là lần đầu tiên, một người ở tỉnh lẻ nhận được giải thưởng này chứ không phải là một người làm việc ở Sài Gòn hoặc Hà Nội.
Một lần thất bại khác là khi ba đã làm một số công việc về quản lý, và ba muốn làm công việc kiến trúc sư phần mềm, ba đã chuẩn bị rất kỹ về kiến thức, nhưng ba chưa có nhiều kinh nghiệm. Và vì thế ba đã bị một công ty lớn từ chối, nhưng ba không nản chí và tiếp tục cơ hội, cuối cùng ba đã tìm được vị trí kiến trúc sư phần mềm, ba đã trở thành kiến trúc sư phần mềm dù chỉ có đúng chín tháng kinh nghiệm làm lập trình viên. Và hiếm có người làm được điều đó con ạ. Nhưng nếu mình quyết tâm và không sợ thất bại, mình vẫn có thể đạt được điều mình muốn.
Ba có thể kể cho con cả tá lần thất bại. Và ba nhớ những lần ba thất bại hơn cả những lần thành công. Bởi cứ sau mỗi lần thất bại, ba lại trưởng thành hơn và mạnh mẽ hơn.
Con biết không, nếu con muốn trưởng thành và thành công, con phải biết chấp nhận rằng mình có năng lực hạn chế, và mình sẽ vấp ngã hoặc thất bại nhiều lần. Điều quan trọng là cách mình đối xử với thất bại. Khi thất bại, mình sẽ học được bài học gì, và làm cách nào để không thất bại theo cách tương tự thêm một lần nữa. Sau mỗi lần thất bại, hãy tìm cách đứng lên và làm cho mình trở nên mạnh mẽ hơn. Không ai có thể trở nên tài giỏi hơn nếu họ không từng phạm sai lầm trước đó. Con không thể đi và chạy bộ được nếu con không té ngã vô số lần khi con còn nhỏ. Nhưng nếu sau mỗi lần ngã, con sợ phải đứng lên và đi tiếp (vì ngã rất đau), có thể con sẽ không bao giờ đi và chạy bộ được. Nếu con không vượt qua được thất bại, thì con đã tạo ra thất bại cho cả cuộc đời mình.
MK ơi, hãy luôn luôn quý trọng những lần vấp ngã, những sai lầm, những lần thất bại nhé con. Bởi không có cách nào làm cho con dễ ghi nhớ những bài học hơn những thất bại. Không có vinh quang nào hơn khi con tự mình vượt qua được nghịch cảnh của bản thân mình để tiến lên phía trước. Không có niềm vui nào lớn hơn, nếu con tự mình khắc phục được điểm yếu và luôn tiến bộ hơn ngày hôm qua của chính mình.
Ba có thể kể chon con nghe vô vàn thất bại của chính mình, nhưng nếu ba không kể cho con nghe được ba đã tự đứng lên sau những thất bại như thế nào, thì ba là kẻ thua cuộc và không ai coi trọng kẻ gục ngã không đứng lên lại được. Nhưng nếu ba vẫn tiếp tục, vẫn bước về phía trước sau mỗi thất bại, và nếu ba tự rút được bài học cho riêng mình, ba vẫn xứng đáng là ba của con.
Con hãy nhớ câu “Thất bại là mẹ thành công”, bởi thất bại sẽ giúp con học được cách để tiến lên. Và con cũng nên nhớ một điều, nếu con luôn thành công và không thất bại lần nào, nghĩa là những việc con làm chưa xứng đáng với khả năng của con, và cũng đồng nghĩa với việc con chưa có cơ hội học cách xử lý thất bại, vì vậy hãy chọn những thách thức mới, những mục tiêu mới và thử thách chính mình, cho phép mình được vấp ngã – được thất bại, và tự mình vượt qua và trở nên trưởng thành và mạnh mẽ hơn.
Viết cho ba & cho con!
Sài Gòn, 29/10/2018.