Hai mẩu chuyện về những chiếc xe đạp bị đánh cắp

Hôm nay, trên đường đi về nhà tôi chợt nghĩ đến câu chuyện chiếc xe đạp bị mất cắp của tôi và một chiếc xe đạp khác của cậu sinh viên khoa Địa Lý Địa chất khóa dưới. Cũng là hai vụ mất xe mà tôi là người có liên can, nhưng mỗi câu chuyện đều có những điều khiến tôi không thể nào quên được.

Còn nhớ lúc học cấp một ở trường Thực Nghiệm, tôi thường được ba mẹ đưa đón đi học cho đến hết lớp ba. Từ sau đó, ba tôi mới cho tôi chiếc xe đạp cũ của ba. Nói là xe đạp cũ, nhưng đó là chiếc xe đạp rất đẹp và khác hẳn những chiếc xe Trung Quốc mà các bạn tôi được sử dụng. Chiếc xe đạp đó được mang về từ Ba Lan, là quà của bác cả của tôi tặng cho ba tôi khi ba còn là sinh viên. Chiếc xe đó được ba sơn sửa lại rất đẹp, xe có màu sơn xanh cổ vịt, toàn bộ chiếc xe được làm bằng i-nốc nên không có một vết rỉ sét. Chiếc là là niềm tự hào của tôi, bởi nó đẹp còn hơn xe Phượng Hoàng (xe nhập từ Trung Quốc) của mấy đứa bạn con nhà giàu. Thuỡ ấy, tôi còn nhỏ và thấp nhưng luôn thích bắt yên cao, và đạp với, vì như thế trông tôi mới cao hơn, người lớn hơn. Đến hè năm lớp năm, tôi thường lên trường chơi với các bạn vào sáng chủ nhật, lúc đó chúng tôi sẽ làm chung vài bài toán, hoặc ghé qua nhà cô bạn ở gần bên để đọc sách. Hôm chủ nhật nó, tôi đến trường, bỏ chiếc xe phía dưới cầu thang khu nhà mà tôi đương học để lên phòng lớp 5C ở lầu 1, chỉ lên có mười phút với đám bạn, khi đi xuống chiếc xe đã biến mất. Tôi hoang mang, miệng tự nhiên đắng nghét – khô khốc, không biết phải về nhà và nói với ba mình ra sao, liệu tôi có bị ba mắng hay không. Nhưng tôi đã vô cùng ngạc nhiên bởi sau khi nghe tôi báo mất xe, ba tôi đã không nói gì, chỉ đi vào phòng và đóng cửa lại. Tôi đứng phía ngoài đoán già đoán non, vì không biết ba sẽ làm gì. Tự nhiên, tôi nghe thấy tiếng khóc nghèn nghẹn của ba tôi, ông đã cố gắng không cho tôi thấy ông khóc khi đóng cửa phòng, nhưng ông không thể ngăn được tiếng nấc của mình. Đó là năm tôi mười tuổi, tôi quá nhỏ để có thể hiểu được ngay vì sao ba tôi khóc, ba tôi chỉ giải thích, ba không tiếc tiền vì mất chiếc xe, nhưng ba thực sự rất buồn vì ba đã mất đi một chiếc xe kỷ niệm của cuộc đời.

Chiếc xe đó, nó là một món quà vô cùng giá trị vào những năm sau ngày thống nhất đất nước. Lúc đó, gia đình bà nội tôi vẫn chưa có nhà ở Huế, ba tôi là một anh sinh viên nghèo, có được một chiếc xe đạp để đi học rồi sau đó để đi làm. Thời đó, chỉ có những gia đình giàu có mới có chiếc xe đạp Ba Lan hiệu Eska như chiếc ba tôi đi. Có thể hiểu, chiếc xe quý giá đối với ba tôi như thế nào. Chiếc xe đó cũng là chiếc xe mà ba tôi đèo mẹ tôi cùng hai anh em tôi đi chơi cuối tuần, về ngoại hay lên thăm nội. Là chiếc xe cùng với ba tôi từ lúc cơ cực nhất cho đến khi dựng được nhà, sắm được xe máy. Thế mà, tôi đã làm mất đi kỷ niệm của ông và là vật kỷ niệm quý báu của gia đình tôi nữa. Dù bây giờ, sau mấy chục năm, tôi vẫn nhớ như in tiếng khóc của ba. Mà ba tôi có bao giờ khóc trước mặt tôi đâu, trừ lần đó và lần thứ hai khi bà nội tôi mất. Bất cứ ai, cũng sẽ có một vài kỷ vật quý giá mà khi mất đi sẽ khiến chúng ta vô cùng nuối tiếc. Với tôi, chiếc xe đạp của ba tôi vẫn là một báu vật vô giá mà tôi đã đánh mất, tôi cũng không thể trả lại ba chiếc xe dù có nhiều tiền đến cỡ nào đi nữa. Những hình ảnh về chiếc xe đạp Ba Lan ấy vẫn cứ mãi theo tôi từ lúc ấu thơ cho đến bây giờ.

so_sanh_chung_cu-anh_1

Một chiếc xe đạp Eska cũ – nguồn: Internet 

Chiếc xe đạp bị mất cắp thứ hai khiến tôi không bao giờ quên là chiếc xe đạp của một cậu sinh viên nghèo. Cậu bé này học khoa Địa lý – Địa chất, cậu ấy tham gia các hoạt động của trường rất tích cực và là thành viên của Hội Sinh Viên trường. Mẹ của cậu ấy bán rau ở chợ Bến Ngự, cạnh hàng rau của bà cô của tôi (chị của ba tôi), tôi hay gọi là O Nga. O là tiếng miền Trung, có nghĩa tương tự với từ “cô” ở miền Bắc, là chị ruột của cha. Gia đình ba tôi vào Huế năm Mậu Thân để chạy giặc, đồng thời đem ông nội tôi đi chữa bệnh. Ông tôi bị quân Cộng Hòa đánh đập vì nghi chứa chấp Việt Cộng, dù biết rằng bác thứ nhì của tôi là Đại úy công bình bên Cộng Hòa. Bác cả thì đi tập kết ở miền Bắc không biết tin tức thế nào. Ba tôi vào Huế khi tám tuổi, rồi chứng kiến cái chết của ông tôi ở nhà thương. Bà nội tôi và O tôi phải đi ở nhờ, rồi bán rau ở chợ bến Ngự để nuôi ba tôi khôn lớn. Bởi câu chuyện của gia đình tôi như vậy, nên tôi rất có hảo cảm với những người kiếm kế sinh nhai ở chợ, và rất thương các bạn sinh viên nghèo học hành giỏi giang như ba tôi ngày xưa. Cũng khá trùng lặp là ba tôi từng là giảng viên khoa Địa Lý – Địa chất. Còn tôi lúc đó làm giảng viên khoa CNTT, và là chủ tịch Hội Sinh viên của trường. Hôm đó là ngày Học sinh – Sinh Viên Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức một buổi lễ kỷ niệm ngày truyến thống HSSV rât ấn tượng và sau đó toàn bộ các bạn sinh viên tham gia tổ chức cùng tôi đi ăn khuya trước khi về. Cậu bé cũng có mặt trong nhóm đó. Cả đoàn đến cửa hàng ăn ở đường Ngô Quyền và ở đó cậu bé đã bị ai đó ăn cắp chiếc xe đạp mới mua cách đó mấy hôm.

Xứ Huế vốn an bình, ít khi có ai bị mất cắp. Ngày xưa tôi mất xe vốn là chuyện hi hữu. Lần này cậu bé sinh viên dễ thương đó cũng lại bị mất xe khi đang ngồi ăn với chúng tôi. Chiếc xe của cậu bé ấy có giá hơn một triệu rưỡi. Đó là chiếc xe mẹ cậu mới mua cho.

Tôi vốn nghe về cậu khá nhiều. Một cậu con trai hiếu thảo, luôn bới đồ ăn ra chợ cho mẹ. Mặt mũi hiền khô, chăm học, chăm hoạt động xã hội. Khi cậu mất xe, đứng tần ngần, cả bọn chả biết làm sao. Tiền tổ chức chương trình còn dư thì cũng chỉ đủ cho buổi ăn hôm ấy. Tôi thấy mình thực có lỗi vì để xảy ra chuyện mất xe như vậy, nên đã hỏi các bạn có ai có tiền thì góp cho cậu ấy phần nào. Cả lũ đều là sinh viên, chả ai có tiền. Đến như tôi, lương giảng viên trẻ mỗi tháng chỉ 720.000 đ, có thể gọi là đồng lương chết đói, bởi nếu mỗi buổi sáng tôi đều ăn một tô bún bò có giá 20.000đ, thì tôi đã tiêu gần hết cả tháng lương cho tiền ăn sáng rồi. Tôi gần như cầm lòng không được khi nhìn gương mặt ngơ ngẩn – lạc thần của cậu bé. Bởi đồng tiền kiếm được vô cùng khó khăn, bởi mẹ cậu đã để dành biết bao tiền mới mua được chiếc xe đạp mới cho cậu. Tôi liền cho cậu gần hết tháng lương vừa mới nhận của mình. Trong khi đó, chỉ mới cách đó mấy tháng, tôi phải đi vay tiền ngân hàng mười triệu đồng để trang trải cuộc sống bởi tôi đã ở riêng và sống tự lập với gia đình, và mỗi tháng tôi phải trả ngân hàng hơn 300000 đồng trong ba năm. Khi cho cậu bé số tiền đó, tôi cảm thấy thật vui dù không biết ngày mai, ngày kia mình sẽ có đủ tiền để ăn hay không, và liệu tôi có đủ tiền để đưa người yêu đi chơi mỗi cuối tuần hay không nữa. Và dẫu tận đến bây giờ, cậu bé đó vẫn chưa ngỏ lời cảm ơn tôi thêm một lần nào sau đêm ấy, tôi vẫn luôn thấy vui bởi mình đã làm được điều có ý nghĩa. Sau vài năm, tôi nghe tin cậu ấy đã trở thành giảng viên trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, tôi thực sự mừng cho cậu và gia đình cậu bởi cậu đã không phụ công nuôi dưỡng của cha mẹ mình.

Bạn biết không, tôi đã từng được một người chị cưu mang cho ở nhờ ở thành phố Hồ Chí Minh hai tháng để đi học một khóa quản lý dự án, để tôi có thể tự mở công ty và quản lý nhân viên của mình ở Huế. Lúc đó, khi vào Sài Gòn tôi chỉ có sáu triệu tiền học phí, và hai triệu tiền mang theo, nếu không có chị, tôi cũng không biết sẽ làm thế nào, bởi đó là thời gian mà tôi vừa mới thất nghiệp do công ty tôi làm việc bị phá sản (chỉ sau chín tháng tôi rời bỏ ghế giảng viên đi làm lập trình viên và ở Huế không còn một công ty phần mềm khả dĩ nào để tôi có thể tham gia, nên tôi phải tự lập công ty của riêng mình chỉ với số vốn tự có là 0 đồng). Sau đó, tôi không làm được gì cho chị ấy ngoài lời cảm ơn, và cũng ít thăm hỏi chị ấy. Nhưng, tôi luôn nghĩ về chị, về những người luôn tốt bụng khi có thể mà không đòi nhận lại dù chỉ một lời cảm ơn.  

Bạn thấy đấy, những chiếc xe đã bị đánh cắp, nhưng kỷ niệm vẫn luôn còn mãi! Nay đã gần ba mươi sáu tuổi, hành trang tôi mang theo là hàng trăm câu chuyện nho nhỏ như vậy. Những mẩu chuyện đó giúp tôi trở thành một người như bây giờ. Tôi hy vọng là mình có thể kể lại hết tất cả, bởi biết đâu đấy, chúng cũng có ích cho bạn như cái cách mà chúng ảnh hưởng đến tôi.

Thành phố Hồ Chí Minh, 01/02/2019.