MK ơi, khi lớn lên, con sẽ phải nhiều lần lựa chọn giữa việc giả dối để có kết quả “có lợi cho mình” (ba để trong ngoặc kép, bởi thực chất cái lợi này không hẳn lợi), và trung thực nói ra sự thực dù nó không mang lại “lợi ích” cho mình. Sẽ không dễ để con lựa chọn, dù chỉ cần có trí khôn như một người bình thường, con đã nhận ra cái gì là đúng, cái gì là sai, nhưng thực tế không dễ dàng, bởi con người ngoài các phẩm chất cao đẹp còn có lòng tham, nỗi sợ hãi, tính cao vọng, nỗi sợ thất bại.. Những thứ đó khiến cho con trở rỗi loạn và có thể dẫn đến sự lựa chọn sai lầm.
Một người có đức tính trung thực, là người có tấm lòng ngay thẳng, tôn trọng chân lý, tôn trọng sự thật, dũng cảm nhận sai nếu mình đã làm điều gì đó không phải, khẳng khái nói ra sự thật, tôn trọng sự thật chứ không bóp méo nhào nặn sự thật.
Ví dụ, có thể con lớn lên sẽ là một học sinh giỏi, nhưng cũng có thể con không có đủ tố chất để trở thành một học sinh giỏi. Con có một vài sự lựa chọn trong trường hợp này. Lựa chọn một là con sẽ cố gắng nhiều, nhưng do năng lực còn hạn chế nên con chỉ được học sinh khá. Lựa chọn thứ hai, con kết giao với các bạn, cho quà để được xem bài bạn hoặc xem tài liệu khi làm bài kiểm tra, và nhờ vậy điểm của con cao hơn thực lực của con, và con được loại giỏi. Lựa chọn thứ ba, là con không xem bài bạn, cũng không quay cóp, nhưng con tự lừa dối bản thân rằng mình không may, con luôn cố gắng thể hiện rằng con giỏi dù con không như vậy, con khoe mẽ nhiều hơn những gì con có với các bạn gái, hay với gia đình, con sửa bảng điểm trường gởi về trước khi đưa cho ba mẹ xem. Con sẽ chọn lựa chọn nào?
Nếu con chọn lựa chọn 3, con giả dối với bản thân, và giả dối với mọi người, con đã không trung thực, và con sẽ tìm mọi cách để lấp liếm che giấu sự thật. Con sẽ luôn phải tìm kiếm đủ cách để che dấu sự thực rằng con không đủ giỏi, điểm con không cao. Con sẽ rất mệt mỏi nếu một ngày ba đi trên đường và gặp thầy giáo của con. Con sẽ lo lắng để tìm mọi cách loại bỏ những nguy cơ làm cho thông tin con học không đủ tốt bị lộ ra. Nhưng con biết không, sự thực luôn là sự thực và cho dù con có cố đến mấy đi nữa để che giấu, thì con cũng đã tự biết được rằng mình học không giỏi. Thà con học không giỏi, mà con vẫn trung thực, còn tốt hơn nhiều việc con vừa học dở mà lại vừa giả dối.
Nếu con chọn lựa chọn thứ 2, con đã kém trung thực đi hơn rất nhiều, con sẽ tìm cách bóp méo sự thật, đánh lừa thầy cô, lừa bản thân và lừa ba mẹ. Nhưng điểm kiểm tra chỉ là điểm kiểm tra, con sẽ có thể quay cóp được cho đến khi con học xong đại học. Nhưng khi con đi làm, người ta giao việc cho con, con sẽ không hoàn thành được, và con cũng không thể giấu diếm được. Hậu quả của những lần thiếu trung thực nhỏ, sẽ dần tạo ra một bản tính giả dối ăn sâu vào con, và con sẽ không còn là một người trung thực nữa. Con sẽ trốn tránh mọi sự thực mà lẽ ra con phải chấp nhận. Và vì con trốn tránh, giả dối, nên con sẽ mất hầu hết thời gian của cuộc đời để tìm cách lấp liếm, che giấu những sự thực hiển nhiên. Và vì vậy, con không còn đủ thời gian để cải thiện mình, cải thiện công việc mà mình đang làm.
Nếu con chọn lựa chọn thứ nhất. Con sẽ báo cho cha mẹ biết con có học lực như thế nào, cùng ngồi xuống với ba mẹ để tìm một cách học tập hiệu quả hơn. Chỉ cần mỗi ngày con có một chút tiến bộ, cộng dồn 365 ngày một năm, con đã có 365 sự tiến bộ. Thời gian và trí óc của con sẽ chỉ để dành tập trung cho việc học tập làm sao cho tiến bộ thay vì nghĩ cách lừa thầy dối mẹ. Tự dưng khi đó con sẽ giỏi hơn, miệng không nói dối nên tâm can sẽ thấy thanh thản, chả phải sợ ai.
Lợi ích đầu tiên của trung thực là giúp con cảm thấy thanh thản, thoải mái, không phải cúi đầu khi nhận phải ánh mắt dò xét, nghi ngờ của người khác. Trung thực giúp tâm mình an vui đó MK ạ.
Lợi ích thứ hai của tính trung thực, đó là con nhận được sự tin tưởng của người xung quanh. Người đời luôn tin chọn người trung thực làm bạn, cùng kinh doanh và cùng nhau làm việc lớn. Nếu con được người khác tin tưởng, con mới có cơ hội cùng họ làm những điều lớn lao. Người trung thực khi nói điều gì ra, ai cũng tin tưởng đó là sự thực, người gian dối nói gì ra cũng bị nghi ngờ.
Ngày xưa, bên Tàu, có ông vua tên là Chu U Vương, ông vua này có vợ là Bao Tự, nàng này đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng không bao giờ cười. Vua cho người xé cả trăm thước lụa mỗi ngày chỉ để tạo ra tiếng kêu vui tai làm Bao Tự cười mà thôi. Nhưng dần xé lụa cũng không mang lại hiệu quả, ông U Vương mới nghe lời cận thần đốt lửa để triệu các nước chư hầu đem bình tới cứu giúp. Việc đốt lửa để nhờ chư hầu đem bình tới giúp là việc quốc gia đại sự, một nước khi phải điều động quân binh đi theo thì tốn rất nhiều tiền của. Vua U Vương điều binh của mười nước chư hầu đến, xong rồi chỉ bảo là thật may mắn, không có định nhân nào đến đánh cả. Nàng Bao Tự thấy các nước chư hầu đều bị lừa mà ngồi vui cười nắc nẻ. Ông U Vương chỉ vì nụ cười của Bao Tự mà gian dối với cả đám chư hầu. Đến sau này, vua bị ông Thân Hầu mời giặc rợ ngoại bang đến đánh, cho đốt lửa cả mấy ngày cũng không thấy chư hầu đến, hậu quả là U Vương cũng chết, Bao Tự sau đó tính mạng cũng chẳng còn. Lời nói dối tưởng chừng vô hại lại mang đến hậu quả kinh khủng như vậy đó. Người ta hay bảo là vì Bao Tự mà U Vương mất nước và mất mạng, nhưng thực ra, U Vương vì nói dối gây mất lòng tin của chư hầu nên mới dẫn đến cái họa diệt thân.
Làm người ai cũng từng ít nhất một lần nói dối, nhưng không vì vậy mà không thay đổi. Ba lúc nhỏ rất ham chơi, ông nội cho tiền đi học thêm, ba không đóng học thêm mà đi chơi điện tử. Ông nội hỏi con có đi học thêm Anh Văn không, ba không dám trả lời là không nên nói dối là có, ông nội bảo đem bài vở ra coi, ba giả bộ đau bụng, đem vở vào toilet ngồi viết thêm vào cho nhiều chữ để đánh lừa ông nội. Vì vậy cái sai không bị phát hiện lúc đó. Tiếp sau ba lại bỏ học thêm toán, đến khi bị ông nội phát hiện thì ông nội không còn tin ba nữa, cả nhà cũng vì thế mà ghét ba. Con sẽ khó mả hiểu được cái cảm giác cả nhà nhìn vào mình với ánh mắt khinh ghét, không thèm trò chuyện. Cái cảm giác mà mình bị bỏ rơi, không ai thèm đoái hoài. Cái vết nói dối vẫn còn trong tâm trí mọi người đến tận hai ba năm, đến sau này, ba tự nhận ra và không nói dối nữa. Để lấy lại niềm tin của mọi người không đơn giản đâu MK ạ.
Người không trung thực hay gian dối thì chỉ có thể chơi với những kẻ giống họ. Người ta bảo đó là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, nhưng những mối quan hệ như vậy thường không bền, bởi đâu chắc người ta gian dối với người khác lại không gian dối với mình. Nên dù chơi với nhau, những người gian dối vẫn luôn nghi kị nhau, nói thật cũng không tin là thật. Nếu một nhóm người không tin tưởng lẫn nhau thì không thể nào làm việc lớn được.
Khi con phải đối chọi với những kẻ xâm lược, cướp nước, cướp đất, hoặc vu oan giá họa cho mình thì có thể trí trá một chút. Làm người không đơn giản chỉ là nói một là một nói hai là hai. Nên lúc trưởng thành MK phải suy tính thực kỹ những việc mình làm. Phải tồn tại và phát triển, nhưng đừng tự đánh mất chính mình.
MK thấy đấy, giữ được đức tính trung thực rất khó, bởi nhiều khi mình phải hy sinh cái lợi trước mắt để giữ mình. Mình không trung thực thì có thể giấu được trong chốc lát, nhưng cái kim trong bọc thế nào cũng đến ngày lòi ra. Giữ gìn đức tính trung thực sẽ giúp MK tự tin, được mọi người tin yêu, và trên hết MK sẽ được sống trong thanh thản.
“A man is nothing without his integrity!”
MK sau này lớn lên nhớ lấy điều này nhé!
Thành phố Hồ Chí Minh, 31/12/2018