Tôi là một người béo tròn, trông có vẻ phúc hậu và tốt tính. Mọi người thường đánh giá tôi là người dễ tính, hay hỗ trợ người khác, va là người “flexible”. Đó là điểm tốt, còn điểm chưa tốt là gì? Tôi lười biếng với chính mình lắm bạn ạ.
Năm tôi hai mươi hai tuổi, được giữ lại trường vì là một sinh viên giỏi về học lực và hoạt động đoàn thể rất mạnh. Lúc đó tôi đã là chủ tịch Hội Sinh viên trường và phụ trách Đoàn thanh niên của khoa CNTT. Từ năm hai đại học, tôi đã là Phó chủ tịch HSV trường và làm UV BCH TƯ Việt Nam. Đại khái, tôi có một bảng lý lịch màu hồng khi vừa mới ra trường và được ưu ái giữ lại trường dù không tận dụng bất kỳ một mối quan hệ, hay phải xin xỏ bất kỳ ai. Ở học kỳ hai của năm học đó, tôi được khoa cử đi thi công chức cùng một cậu bạn cùng khóa, cũng được giữ lại trường. Cậu bạn này rất chăm học, học giỏi và là con của một trưởng khoa ở một khoa khác trong trường. Tôi cũng khá tích cực chuẩn bị bài giảng để tham gia thi giảng thử và được các thầy cô trong khoa khen ngợi khá nhiều vì bài giảng của tôi có sức cuốn hút, thậm chí có thầy đến vỗ vai tôi và bảo, em như được sinh ra để đứng trên bục giảng vậy. Chiều hôm đó, thầy trưởng khoa đến gặp tôi và bảo, em rất tốt, nhưng năm nay, em nhường suất biện chế cho bạn em nhé. Tôi không phản ứng gì, chỉ vâng dạ và để trong bụng nỗi ấm ức cho đến bây giờ, bởi biết rằng mình không hề tệ, nhưng tại sao mình lại phải nhường suất cho người khác và không có một lý do chính đáng. Bạn biết không tôi đã im lặng mãi cho tới bây giờ. Điều đáng nói là, dù thấy bất công nhưng tôi vẫn buông xuôi, chấp nhận sự sắp đặt của người khác, dù trong lòng không muốn. Có thể người ta tốt hơn tôi mà tôi không nhận ra, nhưng nếu tôi không làm rõ mọi chuyện, tôi sẽ không bao giờ biết lý do thực sự đằng sau là gì.
Vài năm sau đó, tôi quyết định rời trường và nộp đơn xin nghỉ việc cho khoa từ tháng hai, sau đó đến tháng tư, tôi vào một công ty phần mềm để làm. Tới tháng sáu, nhà trường gọi tôi trở về để họp một hội đồng kỷ luật dành cho tôi vì tội “Nghỉ việc mà không nhận lương”. Tội lỗi đó nghe thật buồn cười, và dù rằng tôi bảo tôi đã nạp đơn từ tháng 2, nhưng thầy hiệu trưởng bảo tôi là chỉ nhận được đơn thư của tôi vào cuối tháng tư, và tôi đã nghỉ việc trước thời hạn và không nhận lương, nên đó là lý do tôi bị kỷ luật. Câu chuyện buồn cười đó đã được tôi chấp nhận một cách miễn cưỡng với suy nghĩ là tôi không chấp nhặt và bị phạt một số tiền tượng trưng là 2.6 triệu đồng. Với lần kỷ luật đó, nhà trường muốn răn đe với đám giảng viên trẻ còn lại. Lại một lần nữa, tôi biếng nhác với chính quyền lợi của mình và để cho người khác quyết định số phận của chính mình.
Tôi đi làm ở các công ty khác nhau, và cho đến bây giờ, chưa một lần nào, tôi tự đi thương thảo về mức thu nhập hàng tháng của mình. Tôi phó thác cho người khác quyết định về thu nhập của tôi. Và dù rằng, đa phần thời gian, tôi được trả lương khá hậu hĩnh, nhưng liệu rằng tôi có làm đúng, khi để mọi thứ về quyền lợi của mình cho người khác quyết định?
Thậm chí, tiền nước – tiền điện có nhiều tháng tăng phi mã, tôi cũng chả mấy quan tâm.
Tôi cũng dĩ hòa vi quý, thường chiều lòng người khác và chịu thiệt về mình, và sau đó tự cho mình là người tốt bụng, không tranh đua.
Bạn có như tôi? Lười biếng với chính cuộc sống và quyền lợi của chính mình? Tặc lưỡi bỏ qua, và rồi càm ràm vì sự không tốt bụng của người khác?
Bạn có như tôi, thờ ơ với chính vận mệnh của mình, không đấu tranh vì nó và cứ để đời đưa đẩy?
Bạn có như tôi, cứ nghĩ cái gì mình cũng có thể làm được và chấp nhận mọi nhiệm vụ được giao dù thích hay không thích?
Nếu bạn có dấu hiệu như tôi đã từng có, thì hãy nghĩ lại. Chúng ta không thể biếng nhác với chính cuộc sống và vận mệnh của mình. Chúng ta không thể để người khác quyết định thời gian của chúng ta được sử dụng như thế nào và bản thân chúng ta phải làm gì.
Bạn biết không, có những điểm tưởng như là hay ho, nhưng té ra lại là mầm mống cho những thất bại lâu dài. Tôi hay thỏa hiệp, và sự thõa hiệp đó tưởng chừng như làm cho mọi người vui, nhưng trên thực tế tôi đã đưa tôi vào thế lose – win, tức tôi thua và đối phương thắng. Tôi chả phải là cao thượng gì cả, tôi chỉ là một người ngại va chạm, thiếu sức chiến đấu mà thôi. Trong mọi cuộc thương thảo, để tốt cho tất cả, cần phải đạt đến trạng thái win-win, tức là tôi cũng có lợi và các bên khác cũng có lợi. Và nên nhớ, để phát triển, mỗi cá thể nên là một cá thể tối ưu. Nếu tôi luôn thỏa hiệp bất lợi cho mình, hậu quả là tôi sẽ luôn là người chịu thiệt và không có gì cả.
Bạn biết không, tôi vốn chụp hình khá đẹp, và tôi chỉ luôn chụp hình miễn phí, trong khi thiết bị chụp hình của tôi có giá rất đắt. Mỗi giờ làm việc của tôi ở công ty giá cũng cao chứ chả rẻ. Nhưng tôi có thói quen cho đi miễn phí, và nghĩ rằng điều đó là hay ho.
Tôi sẽ không đủ thời gian để chỉnh hình cho người được chụp nếu tôi chụp cho người ta miễn phí. Tôi sẽ không có chi phí tái đầu tư cho bản thân, nếu tôi thực hiện việc mentoring và coaching cho tất cả người khác miễn phí. Sản phẩm của tôi mang lại cho mọi người không thể đạt đến sự hoàn thiện tốt nhất, nếu tôi làm và bán ở mức giá rất thấp. Ông bà ta thường có câu “của rẻ là của ôi, của cho là của nợ”. Cho không biếu không thì không có cam kết gì cả, và chất lượng sẽ không tốt. Cho đi và nhận về, để đảm bảo người cho cũng phải có cam kết mang lại món hàng giá trị cho người nhận.
Tôi không nên lười biếng với chính mình như trước đây!
Tôi không nên để người khác quyết định vận mệnh của mình như trước đây!
Cho dù có thất bại, thì tôi cũng phải là người lựa chọn cho kết cục của chính mình!
Và khác với trước đây, tôi sẽ không cho không biếu không nữa, tôi sẽ cung cấp dịch vụ cho những người cần tôi, và tôi sẽ cam kết mang đến dịch vụ tốt nhất cho họ. Bởi khi tôi nhận một số tiền tượng trưng, tôi đã đặt trong đó sự cam kết của chính tôi cho kết quả của công việc.
Đừng lười biếng với chính mình bạn nhé bởi mọi sự biếng nhác đều không tốt.
Thay vào đó hãy chăm suy nghĩ về những vấn đề của bản thân, lựa chọn giải pháp, lên kế hoạch hành động và thực hiện kế hoạch đó.
Hãy đừng giống tôi, đến tuổi này mới nhận ra mình đã quá ơ hờ với chính bản thân mình.
Hãy khắc khe với chính bản thân mình. Đừng xuê xoa, đừng dễ dãi nữa. Càng dễ dãi, tôi sẽ chẳng đi đến đâu.
T.P. Hồ Chí Minh, 29/03/2019