Cha tôi thường bảo cha mẹ luôn mong con cái trưởng thành tự lập, không ngóng trông về gia tài cha mẹ để lại, và cha mẹ tôi cũng từ hai bàn tay trắng mà xây dựng nên cơ ngơi. Thế mà, tôi luôn nghĩ về gia tài để lại của cha mẹ, chỉ có điều, cái gia tài đó nó không như mọi người thường nghĩ. Gia tài của cha mẹ chả phải là tôi đấy ư?
Tôi vẫn thường suy nghĩ, dụng ý của ba tôi khi chỉ cho tôi điều này điều kia, không cho tôi học lớp chuyên Toán, rồi lại bảo tôi phải học kiến thức phổ thông thật nhiều vào. Giờ lớn rồi, tôi mới ngộ ra được những gì ba muốn dành cho tôi.
Ba bảo tôi phải phải thành nhân trước khi thành công. Tôi luôn nhớ điều đó, bởi làm con người không đơn giản, không chú ý, mình có thể mất phần người lúc nào không hay.
Cha tôi bảo ngoại ngữ là phương tiện thiết yếu nếu muốn thành công, nên từ nhỏ cha đã cho tôi đi học tiếng Anh, rồi vào trường Thực Nghiệm để được học tiếng Anh từ lớp một. Khi lên đại học, cha lại cho tôi đi học kỳ ngắn hạn để thi Ielts. Dẫu rằng, ngày xưa ấy, tôi thường ham chơi biếng học, thường xuyên bỏ học thêm, nhưng những gì còn sót lại cũng đủ cho tôi tự tin đứng thẳng lưng mà nói chuyện với đối tác nước ngoài. Đứng thẳng lưng là vì mình hiểu người ta nói gì, và biết cách nói cho người ta hiểu, và hơn thế nữa, từ nhỏ tôi đã được cha tôi dạy cho tôi hiểu rằng, trí tuệ của ta chả kém cỏi gì so với tây đâu, nhiều thứ ta còn giỏi hơn. Tôi nhớ lúc tôi học lớp 5, cha tôi làm trưởng ban kinh tế đối ngoại tỉnh Quảng Trị, có hôm dắt tôi đi khách sạn Hương Giang để gặp mặt một cựu đại tá tình báo Mỹ, và ông đã ngồi nói chuyện thẳng thắn, đối chất với tay cựu Đại tá đó về lịch sử nước Mỹ. Điều tôi học được từ cha tôi, đó là không quỵ lụy trước người khác, mình phải khí khái, có thế đứng của riêng mình. Nghèo mấy cũng không được đánh mất khí chất.
Cha tôi không mặn mà lắm với hệ thống trường chuyên, tôi học ở trường chuyên Nguyễn Tri Phương, trường chuyên Quốc Học, nhưng chưa bao giờ cha cho tôi học lớp chuyên, dù là chuyên Toán hay chuyên Anh, bởi theo ba, học phổ thông thì phải học toàn diện, môn nào cũng nên học để có kiến thức sống, chứ không nên chỉ tập trung vào một vài môn. Nhờ sự cứng rắn của cha, mà kiến thức về địa lý, lịch sử và những ngành khác không tệ. Cùng với đó, tôi được thừa hưởng từ ông ngoại niềm đam mê đọc sách, viết lách, nên tôi đọc nhiều và viết cũng nhiều. Viết như là một cách để tôi hiện hữu vậy đó.
Cái sự học toàn diện nó mang lại gì cho tôi? Thực ra nó mang lại rất nhiều thứ cho tôi. Ví dụ tôi có thể ngồi nói chuyện với người Anh về nước Anh, về văn hóa âm nhạc của họ, về những điển tích cổ xưa. Hoặc tôi có thể trò chuyện đôi chút với dân văn chương về các kiểu viết văn. Hoặc tám chuyện về địa lý với những người quan tâm đến địa lý. Nhờ kiến thức đa dạng về địa lý – địa chất, môi trường, lịch sử, văn hóa mà cha tôi đã làm một nhà ngoại giao giỏi, một người làm xúc tiến đầu tư xuất sắc. Còn tôi, với những gì học hỏi được, tôi càng mong muốn học nhiều hơn, biết nhiều hơn, nhất là hiểu hơn về con người.
Cha tôi không bao giờ phải lo nghĩ về điểm số của tôi. Khi học cấp 1, ba năm đầu tôi chỉ đạt loại khá, tới năm thứ tư tôi đạt bốn bằng khen cùng một lần vì đi thi đội tuyển học sinh giỏi các kiểu. Bốn năm đó, ba luôn đưa tôi đi nhận thưởng và không bao giờ thắc mắc hoặc so sánh với các bạn lớp tôi, những người cực kỳ giỏi. Bạn Bạch Nga chẳng hạn, chả có năm nào mà bạn không nhận thưởng và phải chở về bằng chiếc xích lô cả, trong khi thường thì tôi chỉ có vài tập vở. Lên đến cấp 3, tôi giỏi liên tục ba năm, tới năm cuối điểm cao nhì khối phổ thông, ba cũng chẳng quan tâm mấy, mà không quan tâm cũng đúng thôi, điểm số chẳng nói lên điều gì cả. Điều mà trường lớp thực sự mang lại, đó là khả năng tự học, tự nghiên cứu. Chả ai nhớ hết điểm số những năm đi học mà khoe với mọi người, những giải thưởng lúc nhỏ cũng chỉ là quá khứ, quan trọng là sự cống hiến của bạn ở thời điểm hiện tại.
Cha tôi dạy tôi sống ngay thẳng, trung thực, sống có ích, có tham vọng, có hoài bão. Và nhờ luôn nghĩ và làm theo những điều đó, tôi luôn ngủ ngon và mỗi sáng thức giấc đều tỉnh táo và tràn đầy năng lượng, bởi ngày sống của tôi là một ngày có ý nghĩa.
Cha tôi dạy tôi làm đàn ông thì phải biết bảo bọc gia đình, bảo vệ những người phụ nữ của mình. Và từ nhỏ tôi đã thấm nhuần điều đó.
Cha tôi dạy tôi yêu nước thương nòi. Yêu gia đình, ruột thịt. Cha tôi còn dạy tôi nhiều điều hay lẽ phải nữa.
Bạn biết không cha tôi không là người hoàn hảo. Nhưng với bao nhiêu đó thôi, những đứa con của ông chưa bao giờ trở nên hư hỏng, hay biếng nhác. Tất cả chúng tôi đều là những người có ích cho xã hôi, dù ít hay nhiều.
Mẹ tôi, người có trái tim nhân hậu, luôn yêu thương và cảm thông với mọi người. Bao nhiêu con cháu ba tôi vào chơi, hay lũ bạn tôi đến nhà, ai khó khăn – nghèo khổ, mẹ đều tặng cho người ta áo sơ mi, quần jean, hay chút quà đồ ăn mang về nhà. Mẹ tôi là vậy, nên lũ bạn của tôi, dù đôi lúc chả còn quý tôi nữa, Tết vẫn về thăm ba mẹ tôi mỗi năm.
Yêu thương, lắng nghe, cảm thông, sẻ chia là những gì tôi được thừa hưởng từ mẹ.
Lạc quan cho dù có mất tất cả, nghĩ tốt về mọi người cũng là những thứ tôi học từ mẹ.
Gia tài ba mẹ để lại ư? Đó là tôi. Gia tài đó có hữu ích hay không, lớn lên hay không là do tôi.
Bởi vậy, tôi không còn trông mong điều gì khác hơn!
Nếu bạn muốn để lại cho con bạn những điều tốt đẹp nhất, việc đầu tiên phải làm là sống thật tốt vào!
T.P. Hồ Chí Minh, 20/07/2019