Bà nội tôi là một người nghèo, vì cả cuộc đời vất vả bà cùng con gái lớn nuôi hai đứa trẻ mồ côi cha ở xứ Huế, một thành phố mà vì chạy giặc mà cả gia đình bà đã lưu lạc vào đây. Ông nội tôi đã mất từ khi cha tôi còn 8 tuổi, ông mất tại thành phố Huế do bị linh chế độ cũ đánh đập đến độ ông phát bệnh không hồi phục được.
Nội tôi buôn thúng bán mẹt, ngày ngày ôm chiếc mẹt rau ngồi bán ở ở chợ cá của chợ Bến Ngự. O Nga của tôi bán hàng rau lớn hơn cùng tại cái chợ này. Bà Nội tôi có đôi chân Giao Chỉ, hai ngón chân cái bẹt hẳn ra. Nội rất tiết kiệm tiền bạc, lượm lặt được cái gì cũng để dành cho cháu ngoại cháu nội. Thế mà nội chả bao giờ giàu, chưa bao giờ sắm được căn nhà cho tới khi bác cả của tôi đi tập kết về mua cho nội một căn nhà từ năm 1978. Nội chắt bóp từng đồng tiền một, từng vài chục đến vài trăm đồng.
Nội thích ăn bánh lọc trần, nên hay gọi người bán bánh lọc ở gần nhà vào mua, nội tôi mua 1000 bánh lọc, mà cái thời đó, chắc được 5-7 cái gì đó. Nội hay làm trò, chỉ ra ngoài đường, bảo bà bán bánh “Coi ngoài tê, có ông nớ mang bộ đồ lạ chưa”, bà bán bánh vừa quay mặt, thì nội tôi đã thó thêm hai cái banh nữa bỏ vào dĩa bánh nội mua riêng cho tôi. Tôi nghĩ nhiều lần diễn như vậy, bà bán bánh biết cả đấy, nhưng cũng giả vờ vậy cho nội tôi vui.
Ngày nào nội cũng thơ thẩn ngồi trước hiên nhà, thấy ai quen đi ngang qua, nội đều mời người ta vào ngồi nói chuyện, uống nước trà. Cũng có người vào, nhưng đa phần mọi người đều biết nội tôi mời đưa thôi, nên chào một tiếng rồi lại đi.
Nội tôi có bản tính hiếu khách, nên nếu có ai đến, nội luôn mời người ta ở lại thời cơm. Nếu người ta từ chối, nội tôi chụp tay lại miệng khẳng khái “Ở lại đây chơi với mệ. Ló chin mới lâu, cơm chin mấy tí!”. Ló ở đây là lúa, những người gốc Quảng Trị thường hay gọi lúa là ló như vậy.
Tôi thường nghe O tôi kể lại về tính hiếu khách của nội. Nhà ở quê, đồ ăn hết sạch, gạo cũng hết, nhưng bạn của bác thứ hai trong nhà về chơi cả nhóm, là nội liền tuồn rào đi mượn gạo về nấu cho mọi người ăn. Thấy thiếu là mượn thêm nhưng giấu không cho người ta biết. Cái câu “Ló chin mới lâu, cơm chin mấy tí” đã thành câu cửa miệng của nội từ lúc nội còn trẻ cơ.
Nội tôi, người chân chất, chả bao giờ động tay động chân với mấy đứa cháu trong nhà. Đứa nào nội cũng thương, nhưng có lẽ người nội thương nhất là tôi. Cái chính là tôi hay cười và “đẹp trai lồng lộng”. Chả biết tôi có đẹp trai “lồng lộng” như nội nói hay không, nhưng tôi nghĩ cái nụ cười của tôi khiến cho nội luôn ấm áp. Giờ ngắm cậu con trai của tôi, tôi mới hiểu sao ngày xưa nội thương tôi đến vậy. Nếu bạn có một đứa cháu luôn có nụ cười thường trực trên môi, làm sao bạn không yêu nó được.
Ngày nào nội cũng ngồi nhìn ra ngoài đường, có lẽ nội nhớ quê rồi lại hát bài “Ai đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ cách đồng bao la, biển trời bát ngát..”. Nội hát theo trí nhớ của nội, và tôi cũng nhớ lời bài hát theo lời hát của nội mà thôi.
Chả hiểu tại sao hôm nay tôi lại viết về nội! Nhưng tôi nghĩ, cái người mà yêu thương mình, nhai rồi mớm từng miếng cơm cho mình, thì có chết cũng không thể quên được.
Nội tôi ấy luôn có cái điều cười cười rồi chửi “Mã cha mi, cái thằng giặc!”, ừ chỉ có nội mới có cái quyền chửi yêu tôi câu đó mà thôi.
Nhớ nội quá, nhớ cái tuổi thơ êm ấm của ngày xưa!
Sài Gòn, ngày 05 tháng 11 năm 2019