Thế giới mà chúng ta sống, là một thế giới mà vật chất được xem trọng, ở đó mọi thứ đều có dáng dấp của mua bán vị lợi. Một thế giới mà mọi thứ vận hành dựa trên khả năng đánh thức và đáp ứng nhu cầu khao khác của con người. Trong thế giới này, không ai hiểu chúng ta hơn Google và Facebook, không ai khác ngoài các doanh nghiệp bán hàng có thể thay đổi tập tính và hành vi của chúng ta thông qua các chiêu thức truyền thông, dẫn dắt định hướng hành vi bằng các KOLs, phần mềm và quảng cáo.
Chúng ta đang sống ở một thế giới mà mọi người đều đang hăng hái làm việc và mơ ước giấc mơ giàu lên nhanh chóng. Ai cũng trông chờ ở giá trị thặng dư và lãi suất kép. Người ta cũng chăm mở quán trà sữa với loại nước bao béo, bao ngọt và bao gây ra các loại bệnh về tim mạch nếu người ta nghiện nó, và một ly trà sữa có khả năng gây nghiện, béo phì và bệnh tim mạch đó có giá cỡ năm mươi ngìn.
Thế giới mà chúng ta sống, người ta chờ đợi người khác sập vào cái bẫy tiêu dùng, vào khát khao có được quyền lực và cá tính nhờ vào sở hữu các đồ vật đắt tiền, có thương hiệu và “cá tính”. Người ta cũng trông chờ nhận được sự tán dương từ những lựa chọn mang tính chất đẳng cấp của mình.
Ở thế giới chúng ta sống, chúng ta vừa là những con nghiện được dìu đắt bởi những kẻ có khả năng định hướng dư luận đại tài và cũng là những con người nghiện công việc, làm việc đến mòn cả tuổi thanh xuân và sau đó lao vào du lịch và mua sắm để tìm kiếm sự cân bằng.
Ở thế giới này, mọi người đều khao khát được chứng tỏ bản thân bằng số lượt tương tác trên mạng xã hội. Những tin giật gân (cướp, hiếp, giết), những trò đùa nhễu nhại, những thông tin bịa đặt không kiểm chứng được mọi người chia sẻ không một chút băn khoăn, chỉ bởi mong muốn nhận được tương tác.
Ở thế giới mà chúng ta sống, phần đông chúng ta đóng vai đàn cừu để người khác dẫn dắt một cách tự nguyện. Chúng ta đóng vai người tiêu dùng “thông minh” nhưng vẫn không thoát khỏi cái bẫy nâng cấp mà thay thế. Cái hãng sản xuất lớn nhất thế giới đã không quên làm chậm máy để giữ dung lượng pin và giúp người dùng mong muốn nâng cấp chiếc điền thoại của mình. Những thiết bị mới luôn được đánh bóng với những tính năng “không thể thiếu” nếu bạn muốn trở nên “nổi bật” so với mọi người. Đến khi bạn nhận ra, ai cũng đang sở hữu những thứ giống nhau, thì bạn lại càng có niềm tin bất diệt về sự chọn lựa “đúng đắn” của mình.
Này ngay, hệ thống truyền thông có sức lan tỏa quá tốt. Đâu dễ trở nên nổi hơn Hoài Linh nếu bạn muốn diễn hài, đâu dễ làm vlogger về du lịch tốt hơn Khoai Lang Thang, Quang Vinh và Vũ Khắc Tiệp đâu chứ. Bạn biết không, cái thế giới hiện tại sẽ giúp cho bất cứ ai có thể làm được điều mình muốn, nhưng không phải ai cũng có thể sống được nhờ làm những điều mình thích. Khi bạn làm bất cứ một thứ gì, bạn sẽ thấy mình có vẻ na ná ai đó, bởi đã có những KOL dẫn dắt mọi người cơ mà. Các KOL đó, luôn giới thiệu về một thứ thức ăn chức năng mà ăn vào sẽ đẹp da, rồi đi tới các khách sạn năm sao để mọi người đều mơ ước, tới những nhà hàng đẹp với những món ăn ngon không tưởng. Họ là người dẫn dắt mọi người, và họ cũng chịu sự dẫn dắt của các doanh nghiệp, bởi nếu họ muốn sống tốt có thu nhập tốt, họ phải tham gia ngành quảng cáo và trở thành KOL.
Thế giới này chỉ có ba loại người, người sản xuất, những người “power users” có khả năng dẫn dắt người khác và những người tiêu dùng được dẫn dắt khác. Đa phần chúng ta được dẫn dắt, một số ít dù bị dẫn dắt những vẫn có khả năng dẫn dắt người khác và được trả tiền nhiều hơn, một số siêu ít ỏi là nhà sản xuất, tạo ra giá trị vật chất và có nhu cầu định hướng nhu cầu cho mọi người để tăng số lượng sản phẩm bán được.
Ở một thế giới, mà mọi thứ đều trở nên “dễ đạt được” một cách khủng khiếp khi cả tá cẩm nang làm giàu được viết ra nhan nhản mỗi ngày. Ở thế giới mà “ai cũng tự tin, ai cũng tài giỏi”. Nhưng hóa ra ở thế giới đó, ai cũng mỏng manh, mềm yếu và dễ vụn vỡ. Bởi mỗi một người đều có hàng tá những căn bệnh tâm lý, căn bệnh FOMO (fear of missing out), căn bệnh GAS (Gear Acquisition Syndrome), căn bệnh sợ bị lạc loài vì lạc loài thì sẽ bị đám đông ném đá, căn bệnh trầm cảm, bệnh mua sắm, bệnh cô đơn… và khủng khiếp hơn cả đó là bệnh bắt chước, đi theo sự dẫn dắt và mất dần khả năng khác biệt và sáng tạo.
Bạn ơi, tôi có đủ tất cả những vấn đề mà tôi đã nêu trên đó, nhưng tôi vẫn không thể quên rằng cha ông chúng ta là những cá thể vô cùng độc lập và sáng tạo. Cha ông chúng là những con người khao khát tri thức, khao khát cống hiến, và có khao khát tạo ra những thứ có thể lại cho ngàn sau.
Còn chúng ta, những kẻ tiêu dùng, chúng ta sẽ để lại gì cho thế giới ngoài đống rác điện tử, các sản phẩm tiêu dùng rẻ tiền (ngay cả các video clip cổ trang cũng có những đồ vật ghi chữ Tiki.vn ở trên đó), nhưng cơn khao khát về địa vị và danh vọng, những cuộc đua không có hồi kết. Đâu rồi những con người sống yêu thương, chan hòa với thiên nhiên, ít ham muốn thõa mãn nhu cầu cá nhân nhưng luôn mong muốn cùng mang lại những điều tốt đẹp cho mọi người? Thực tế, những con người đó có đấy, nhưng phần nào họ cũng bị lôi kéo và trở nên biến chất bởi cái nền văn hóa tiêu dùng khổng lồ này. Chỉ cần chớm nổi lên vì những sản phẩm truyền thông chất lượng, lập tức họ được các nhãn hàng chú ý và ngay lập tức họ trở thành KOL, và không còn có thể nói thẳng những điều họ dám nói.
Nếu bạn là người thực sự sáng tạo, nhưng bạn không nắm những chiêu thức truyền thông, số lượng người theo dõi bạn làm sao có thể trở nên cao chót vót được? Rồi bạn sẽ học cách xài Instagram, chạy quảng cáo trên facebook, làm sao để câu like, làm sao để tăng tương tác. Những kẻ nói thẳng, nói thật, không hoa hòe hoa sói sẽ sống khiêm nhường trong các ốc đảo, có vài chục người đọc trung thành và chỉ vậy thôi, bởi nếu bạn bắt đầu cơn khao khát trở nên nổi tiếng, giàu có, bạn sẽ không thoát khỏi cái bẫy của thế giới tiêu dùng này.
Mọi thứ ở thế giới hiện tại này đều quá “tốt”, và vì nó quá “tốt”, chúng ta cần nên dừng lại và suy nghĩ đôi chút. Bởi chúng ta quá giỏi sử dụng những chiêu thức dẫn dắt tâm lý của người khác mà quên mất rằng, chúng ta cần được sống một đời sống ít bị dẫn dắt hơn. Chúng ta cần làm sạch tâm trí, cần thưởng thức những niềm vui nhỏ bé thường nhật, những cái bắt tay, những nụ cười chào nhau buổi sáng nồng ấm, những món quà nhỏ bé ít giá trị vật chất nhưng nhiều giá trị tinh thần, những điều cho đi không cần nhận lại.
Lũ chúng ta có những món tài sản vô giá nhưng dễ dàng tạo ra, đó là yêu thương và sẻ chia. Đó là chìa bàn tay và nâng đỡ những người khác. Những thứ đó bạn có thể cho đi mà chả mất gì cả. Cho đi yêu thương để cho thế giới này thực sự trở nên bớt màu vật chất hơn.
Và hãy đầu tư thời gian (thứ tài sản quý báu nhất) để cho chính bạn, cho bạn trở thành một cá thể khác biệt và duy nhất, hãy dành thời gian cho sáng tạo, cho khám phá, cho những sản phẩm mà bạn có thể tạo ra dù nó có thể không bóng bẩy như những thứ mà những người khác đã và đang tạo ra.
Bạn ơi, vợ tôi bảo rằng, anh hãy bớt viết kẻo người ta tưởng anh tâm thần. Tôi thừa nhận, tôi là một kẻ lạc loài, tâm thần và hoang tưởng và tôi thà vậy để có thể viết ra hết những điều hoang tưởng của chính mình.
Ở thế giới mà chúng ta đang sống, vẫn có bạn và có tôi, những người thụ động hoặc chủ động tạo ra nó và duy trì nó.
Trong thế giới mà chúng ta đang tạo ra ấy, có một kẻ điên như tôi đang mỗi đêm suy nghĩ trằn trọc mà quên rằng mình cũng cần phải giàu có những những người khác. Cô bạn đồng nghiệp bảo tôi là “lão ngoan đồng”, đám bạn thời học sinh bảo tôi là “Paven”, và chả sao cả, bởi thế giới cần tất cả chúng ta để mang lại những sắc màu của cuộc sống.
Và chúng vẫn phải tồn tại trong thế giới ngập tràn ánh đèn led, neon đó…
Sài Gòn, ngày 07 tháng 11 năm 2019