Đôi khi bạn cảm thấy mình thật sự cô đơn giữa cõi đời này, những điều bạn làm nói ra không ai ủng hộ bạn và bạn cảm thấy như có lẽ mình đã được lập trình sai, mình không phải là người khác biệt, nhưng thay vào đó mình có vẻ như là phế phẩm. Nhưng sự thực có phải là như vậy không?
Tôi có một người bạn đồng nghiệp cực kỳ đam mê âm nhạc, anh ấy mê đàn guitar, và anh đã từng luyện tập để trở thành guitar lead đi diễn ở sân khấu ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng mâu thuẫn ở chỗ, anh lại mê lập trình và trí tuệ nhân tạo. Anh tự học một cách say mê trí tuệ nhân tạo và anh không biết đến lúc nào mới được đưa tri thức anh học được vào ứng dụng. Anh làm lập trình viên, rồi làm kiến trúc sư phần mềm, nhưng anh vẫn chờ đợi tới ngày được áp dụng những thứ mình thích, và anh vẫn tập nhạc cùng nhóm của mình. Và cho tới những năm gần đây anh mới thực sự được làm điều mình yêu thích, và vẫn tiếp tục chơi nhạc như là một niềm vui không thể thiếu. Nếu cách đây mười năm, nếu anh nghe lời ai đó cho rằng Trí tuệ nhân tạo là không có tương lai, học làm gì, và anh không nghe theo tiếng gọi trái tim, và thay vào đó nghe theo lời chúng bạn, liệu anh có ngày hôm nay? Nếu anh từ bỏ âm nhạc, không tập một tiếng đồng hồ mỗi ngày, liệu anh có được sự cân bằng của cuộc sống, giữa được làm điều mình thích và làm việc để kiếm tiền?
Mỗi chúng ta, đều mong muốn được dành thời gian để làm việc mình thích, để thõa mãn cảm giác sáng tạo, để chúng ta được chính là chúng ta. Nhưng đa phần đều bỏ qua tiếng gọi của con tim và làm theo lời dẫn hướng của lý trí.
Năm học mười 12, tôi tính thi khối D, bởi tôi thấy tôi rất yêu văn chương, thích viết lách, nhưng khi nghe mẹ tôi bảo “Con trai ai lại thi khối D”, tôi đã thi khối A, rồi học ngành CNTT, và tôi trở thành một trong những sinh viên học CNTT giỏi nhất khóa. Nhưng song song với đó, tôi luôn khao khát nổi loạn, sống phóng khoáng, làm theo ý mình. Đôi khi cái chúng ta giỏi chưa hẳn là cái chúng ta muốn làm, nhưng với sức mạnh của ý chí chúng ta làm cho chúng ta giỏi hơn, và tự thay đổi, nắn mình để mình trở nên phù hợp với khuôn khổ của xã hội, nhưng trong tim của chúng ta luôn cảm thấy chúng ta đang thiếu một thứ gì đó. Chúng ta không có cảm giác đủ đầy, và con tim luôn khao khát được thay đổi, dù không biết mình cần phải thay đổi điều gì.
Nếu bạn hỏi tôi có nuối tiếc khi không thi khối D không, tôi nghĩ là không, bởi chuyện đi học một ngành khối D vào thời điểm đó, kiểu như học văn chương chưa chắc đã giúp tôi trở thành nhà văn, mà đôi khi còn làm tôi trở nên méo mó hơn ấy chứ. Bởi khi tôi làm những điều mà mình chưa hẳn muốn, nó lại sinh ra trong tôi niềm khao khát được sống khác đi. Và rồi, tôi phải nhìn vào bản thân, tự tìm hiểu mình, tự biết tại sao mình lại muốn như vậy và rồi chợt nhận ra những đặc điểm riêng nhất của mình, những giá trị cốt lõi mà mình muốn hướng đến, tại sao mình lại có những khao khát khác biệt.
Bạn biết không, tôi là người học tương đối tốt môn Toán, có logic tốt, có khả năng lập trình tốt, và có khả năng làm chủ những thứ phức tạp. Đó là một nửa của tôi thôi. Nhưng tôi không nên và không thể phủ nhận những gì tôi có, bởi đó là quà tặng của ông trời cho mình. Và tôi nên tin những thứ mà mọi người đánh giá là mình giỏi, mình có khả năng. Và tôi cần phải tận dụng các thế mạnh dễ nhận ra đó trong công việc và đời sống của mình. Nhưng một nửa của tôi vẫn chưa phải là tôi, và tôi phải tìm ra chính mình, phải hiểu rõ mình. Bởi nghe theo bản năng chưa chắc là điều tốt nếu không hiểu rõ bản thân. Nhưng nếu bạn từ chối hiểu bản thân, bạn sẽ bị một sự dằn vặt cả đời nhưng không hiểu vì sao mình luôn thấy không đủ.
Lắng nghe con tim sẽ giúp bạn hiểu về bản thân. Đừng quên dành một ít thời gian ngồi chiêm nghiệm về bản thân, lắng nghe xem thử mình cần gì, mình muốn làm điều gì, hãy thử làm những điều mà mình nghĩ ra, xem thử bạn có thực sự thích điều đó. Hiểu mình là một quá trình thử sai, có thể bạn sẽ tìm ra được chính mình sau mười năm, hoặc có thể tới năm năm mươi tuổi bạn mới thực sự hiểu mình, nhưng nếu bạn không chấp nhận cuộc hành trình tìm kiếm chân giá trị của bản thân và không tạo lập sứ mệnh của chính mình, cuộc sống của bạn sẽ diễn ra lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, bạn sống theo quán tính nhưng chẳng biết sau cùng mình đi theo hướng nào. Sống như vậy là bạn đang lạc lối, và chúng ta đã từng nghe đến một thế hệ lạc lối sau chiến tranh thế giới thứ hai, bởi họ chẳng biết họ sống để làm gì, vì mục đích gì.
Bạn ơi, hãy lắng nghe tiếng gọi của trái tim, hãy tìm hiểu chính mình, hãy tự định nghĩa mình là ai, chọn cho mình một sứ mệnh, thiết lập cho mình những mục tiêu và thực hiện nó.
Chỉ có bạn mới có thể giúp cho thế giới biết bạn là ai, lý do mà bạn tồn tại.
Chỉ có bạn mới giúp bạn trở nên khác biệt với phần còn lại của thế giới!
Đừng chỉ bắt chước hoặc làm theo, mà hãy học cách trở thành chính mình!
Sài Gòn ngày 12 tháng 11 năm 2019