Cảm xúc vay mượn và ngộ nhận về bản thân

Con người chúng ta là những sinh vật có cuộc sống và suy nghĩ vô cùng phức tạp, trí não của chúng ta hoạt động theo những quy luật mà chúng ta rất khó để có thể hiểu được và nhận thức được. Và Chúng ta luôn gặp khó khăn để hiểu chính bản thân mình, nắm được mình là ai, mình muốn gì, và thực sự mình có thể làm được điều gì. Trong cuộc sống, khi lắng nghe bản thân bạn luôn bị đánh lạc hướng bởi những tín hiệu sai lệch, và đôi khi bạn gắn cho mình những thứ không thuộc về mình. Một trong những nguyên do lớn nhất đó là bạn đang được người khác khơi nguồn cảm hứng, nhưng đáng tiếc niềm cảm hứng đó chỉ là vay mượn và nó không phải là của bạn, mà bạn chỉ tưởng vậy thôi.

Bạn có nhớ đến những trận bóng đá, khi bạn xem đội Việt Nam đá, bạn thấy cảm xúc dâng trào, tiếng hò reo, những nổi buồn làm bạn phấn khích nhanh chóng hoặc buồn đến thúi ruột vì đội tuyển nhận một bàn thua. Những niềm vui nỗi buồn đó có tính cộng hưởng, vì có nhiều người buồn cùng một lúc hoặc vui cùng một lúc, và bạn cảm thấy cảm xúc nó dâng lên đến tột đỉnh. Cái niềm vui và nỗi buồn đó, bạn chỉ sở hữu một ít, còn lại nó đến từ những người còn lại.

Giả sử, nếu xảy ra một trận bóng, mà bạn là người duy nhất ngồi trên khán đài để xem, bạn có thể đạt được những cảm xúc mà khi khán đài chật kín không? Bạn thử suy nghĩ nhé!

Cảm xúc bạn có tại một thời điểm, có thể do tự bạn sinh ra, hoặc có thể do người khác mang lại.

Nếu bạn tham dự các hội thảo hoặc các khóa học về khơi gợi sự tự tin của bản thân như “Tôi tự tin, tôi tài giỏi”, diễn giả có những thủ thuật, những trò chơi khiến bạn dễ dàng cảm thấy mình thực sự khác biệt, thực sự tự tin và bạn sẽ có cảm giác tại lúc đó là mình có đủ khả năng làm được mọi thứ. Nhưng tôi dám chắc, đa phần các bạn, sau khi học xong khóa học về, cái sự tự tin đó giảm dần bởi những thử thách thực tế, những khó khăn mà bạn đang phải đương đầu, bởi sự tự tin không đến từ lời nói hoặc triết thuyết, nó đến từ những lần vấp ngã và đứng lên, và nó cũng đến từ những thành công bé nhỏ, tích tiểu thành đại.

Khi bạn ngồi nói chuyện với một kẻ lãng mạn, bạn sẽ bị lây cảm xúc lãng mạn của kẻ đó, bạn thấy mình như sống trên những tầng mây, nhưng chỉ khi rời đi, thực tại khô khan sẽ lôi bạn về. Vì lúc đó bạn hoàn toàn không phải là một kẻ lãng mạn, tâm hồn của bạn cũng chưa phiêu du trong những miền suy nghĩ. Nếu bạn là một người sống rất thực tế, bạn mong muốn làm ra những thứ có giá trị vật chất, bạn khó lòng trở thành nghệ sỹ được bởi nghệ sỹ không mê vật chất, họ làm ra những tác phẩm họ muốn, và nếu may mắn, có những người nhìn nhận ra giá trị của các tác phẩm đó, họ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua, bạn sẽ trở thành người giàu có. Nhưng hầu hết những người có nghệ sỹ tính đều nghèo, vì chả mấy ai đồng cảm được với họ.

Khi bạn đọc những cuốn sách dạy kỹ năng làm giàu, khao khát trở nên giàu có của bạn sẽ lên cao, tôi cũng y hệt như mọi người, tự hỏi vì sao mình nghĩ mình giỏi sao lại nghèo. Tôi đã từng ngồi lên cả đống kế hoạch làm giàu, nhưng đến cuối cùng tôi chợt nhận ra, giàu tiền bạc chưa bao giờ là cái đích tôi muốn hướng đến, tôi là người giàu tình cảm và thích sáng tạo, và đó là lý do tôi hầu như chả quan tâm nhiều tới tiền, nhưng nếu tôi ngồi gần những người giỏi giang kiếm được nhiều tiền, nghe họ nói về cách họ làm giàu, thể nào tôi cũng nghĩ đến chuyện sử dụng các thế mạnh của mình để kiếm tiền, băn khoăn về điều đó trong vài tuần, rồi đâu lại vào đấy. Tôi lại lang thang đi chụp ảnh, lại ngồi viết bài không công mỗi đêm, hoặc làm người hướng dẫn miễn phí cho các bạn trẻ để giúp họ hiểu được bản thân. Nói chung, nếu cái gì không thuộc về mình, thì cái cảm giác muốn trở thành nó sẽ không mạnh mẽ chắc chắn, và rồi nó cũng sẽ qua.

Tuy nhiên, khi bạn không hiểu rõ về bản thân, và để mình tiếp xúc thường xuyên với những nguồn tạo cảm hứng, bạn sẽ bị lây lan cảm hứng, bạn sẽ dần tự kỷ ám thị, biến mình thành người khác, và bỏ lơ những tín hiệu chỉ báo của bản thân cho biết bạn đang đi lệch hướng, và cứ tự nhủ rằng mình chỉ đang bước qua những rào cản của bản thân để đi về phía tốt hơn. Cho đến ngày bạn đạt được một vài thành tựu nhờ việc bạn biến mình trở thành người không phải là mình, và bạn chợt nhận ra, mọi thứ mình đạt được đến lúc đó nó không làm cho mình có cảm giác đủ đầy. Cứ như mình đang thiêu thiếu điều gì đó, có gì đó khiến mình không thấy hạnh phúc. Bạn mới chợt nhận ra, có những điều mình đã bỏ qua quá lâu vì không lắng nghe bản thân, vì mình đã tự kỷ ám thị quá lâu đến nổi mình còn không hiểu được mình nữa.

Bạn ơi, việc tìm kiếm những người tạo ra niềm cảm hứng cho bạn là việc làm đúng, nhưng hãy tìm những nguồn tạo niềm cảm hứng để bạn làm những điều bạn yêu thích, giúp cho bạn làm những việc mà bạn tin rằng nó giúp bạn trở thành chính bạn (true-self). Đừng chỉ làm mọi việc chỉ bởi vì người ta bảo bạn nên làm như vậy.

Trờ thành người khác không làm bạn thực sự hạnh phúc và đủ đầy.

Hãy trở về với chính bạn!

Sài Gòn, ngày 12 tháng 11 năm 2019