Lựa chọn

Trong cuộc sống, chúng ta thường phải cân nhắc để ra những quyết định quan trọng của cuộc đời, có khi là quyết định để tiến tới hôn nhân với một người nào đó, cũng có thể là thay đổi công việc, hoặc là chọn một ngành nghề sao cho phù hợp với bản thân. Những quyết định lớn đều đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ nhiều, đôi lúc đến mức dày vò để có sự lựa chọn phù hợp. Thế nhưng, làm sao để có những quyết định sáng suốt và phù hợp? Làm sao để sau này không hối hận với với sự lựa chọn của bản thân?

Thứ nhất, bạn đừng nên ra quyết định khi đang đang ở cực của một cảm xúc nào đó (hứng khởi quá, tức giận, buồn bã..), thay vào đó bạn chỉ ra quyết định khi bản thân cảm thấy mình đang ở trạng thái cảm xúc cân bằng, không quá vui hoặc quá buồn. Khi cảm xúc của chúng ta đang ở thái cực này hoặc thái cực khác, nó sẽ có ảnh hưởng đến việc ra quyết định của chúng ta và dễ làm cho chúng ta đưa ra quyết định không đủ chín chắn. Mấy hôm nay tôi thấy nhiều video và bài viết về iPad Pro 12.9 inches, và tôi rất muốn mua một chiếc máy như vậy để sử dụng và làm màn hình phụ cho chiếc Macbook của tôi khi cần, nhưng khi suy nghĩ kỹ càng và thử các các vụ mà tôi thấy cần thiết cho một chiếc tablet trên chiếc máy tablet Galaxy Tab S4 mà tôi đang có sẵn, tôi nhận ra mình không cần phải tìm mua một chiếc tablet mới ở thời điểm hiện tại. Chiếc Tab S4 vẫn có thể sử dụng làm màn hình phụ cho chiếc Macbook rất ổn, nó vẫn đủ tốt để thay thế cho sổ tay, và có thể dùng thay cho laptop trong soạn văn bản hoặc xử lý các file excel đơn giản, và tôi không cần gì nhiều hơn như vậy cả. Chính nhờ một chút trì hoãn mà tôi đã có quyết định thôi không mua chiếc iPad Pro 12.9 inches và nhờ vậy tiết kiệm được một khoản tiền lớn. 

Tôi thường suy nghĩ rất kỹ trong các quyết định quan trọng của cuộc đời và ít khi ra quyết định nóng vội, nhờ vậy tôi ít khi cảm thấy hối tiếc về những lựa chọn của mình. Không phải cứ quyết định lớn nào của tôi cũng mang lại cho tôi sự thành công như ý, nhưng điều quan trọng nhất là tôi đã nghĩ thật kỹ trước khi ra quyết định. Năm 2008, tôi quyết định rời bỏ vị trí giảng viên ở trường Đại học sau gần một năm trời cân nhắc, đắn đo, dày vò các kiểu. Khi rời vị trí giảng viên, tôi chuyển quan làm lập trình viên cho một công ty của Mỹ ở Huế, nhưng chỉ chín tháng sau đó công ty này bị đóng cửa vì phá sản và tôi bị thất nghiệp từ thời điểm đó, thế nhưng, dù thất nghiệp, tôi vẫn không cảm thấy hối hận với quyết định từ bỏ chiếc ghế giảng viên của mình bởi tôi đã suy nghĩ kỹ càng trước khi ra quyết định và đã sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro mà quyết định đó mang lại. Suy nghĩ kỹ càng khi ra quyết định giúp gia tăng thành công và nó cũng giúp chúng ta kiên định hơn với quyết định của mình. Càng nóng vội trong quyết định càng dễ mang lại sự hối hận và làm cho bạn chóng thay đổi hơn. 

Có một lần tôi mất xe và được người ta đưa cho một chiếc xe tay ga có kích thước lớn như một chiếc Vespa để đi. Trông chiếc xe đó rất ngầu, nhưng sau một vài tháng chạy với chiếc xe, tôi quyết định đổi lấy chiếc xe Future đời đầu để làm phương tiện đi lại. Lý do chính là vì tôi không quan tâm mình trông có “ngầu” hay không, tôi quan tâm tới sự tiện dụng nhiều hơn. Chiều cao của tôi khá khiêm tốn (cỡ 1m68) nên tôi chống chân khá mệt với chiếc xe to nặng đó, trong khi tôi rất quen với chiếc xe Honda Future, và dù rằng nhiều người đều cho rằng tôi trông ngầu hơn và đẹp hơn với chiếc xe kia, tôi vẫn cảm thấy rất hài lòng về quyết định của mình. Thông thường mọi người đều nghĩ tốt cho bạn khi ra lời khuyên, tuy nhiên bạn phải suy nghĩ kỹ về nhu cầu của chính mình, bởi ai cũng thường nói nên nhu cầu của chính họ (dù họ không cố tình) khi đưa ra lời khuyên để giúp chúng ta có giá trị tham chiếu. Những thứ quan trọng với họ, chưa chắc đã quan trọng với chính ta, thế nên lắng nghe lời khuyên từ những người mình tin tưởng là đúng, nhưng sau rốt, bạn cũng phải tự lắng nghe bản thân để ra quyết định phù hợp.

Trước đây tôi có một bài viết về “cảm xúc vay mượn và ngộ nhận bản thân” nói về những cảm xúc hình thành nhờ tác động từ bên ngoài, những cảm xúc này sẽ khiến cho bạn có những ngộ nhận về nhu cầu hoặc khả năng của bản thân và vì vậy có thể sẽ làm bạn ra quyết định sai. Nếu bạn được ngồi gần một người có tài năng kinh doanh và lắng nghe về ước mơ cũng như quyết tâm của họ, bạn có thể sẽ cảm thấy bản thân bị thuyết phục bởi những ý nghĩ đó dù người đó không có ý định thuyết phục bạn. Tuy nhiên, mỗi con người đều có những mối quan tâm khác nhau, và vì vậy họ sẽ hạnh phúc nếu đạt được những thành tựu khác nhau. Có người sẽ cảm thấy thành đạt nếu có được nhà cao cửa rộng, chức vụ và sự tung hô từ những người xung quanh, có người lại cảm thấy hạnh phúc nếu được thực hiện quá trình sáng tạo như vẽ tranh, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật cho dù việc họ làm không tạo ra được thu nhập cao. Nếu bạn không hiểu về nhu cầu của bản thân và chỉ nghe câu chuyện của người khác để làm cảm hứng, bạn có thể có những chọn lựa không làm bạn hạnh phúc về lâu dài. Trong trường hợp của tôi, dù tôi có khả năng làm được nhiều công việc, nhưng chỉ những công việc nào mà khi đảm nhiệm tôi có được cơ hội giúp và hỗ trợ người khác phát triển và phát huy được tiềm năng của họ tôi mới cảm thấy thực sự thỏa mãn. Mặc khác, tôi thích làm những việc liên quan đến sáng tạo như nhiếp ảnh và viết lách, thế nên, nếu phải làm công việc khô khan để kiếm tiền, tôi cần phải dành một ít thời gian cho những sở thích của mình để tạo sự cân bằng. Tiền bạc đối với tôi cũng quan trọng, nhưng nếu chỉ kiếm được nhiều tiền mà không có được hai điều tôi vừa nêu ở trên, tôi cũng sẽ không cảm thấy thỏa mãn. Nhờ hiểu được nhu cầu của bản thân, tôi sẽ cân nhắc và sẽ có những lựa chọn hợp lý cho cuộc đời chứ tôi không bị cuốn theo những gợi ý của bạn bè, bởi dù họ rất giỏi, nhưng chỉ có tôi mới có thể tìm được câu trả lời cuối cùng của câu hỏi “Tôi thực sự muốn gì?”  

Có một số người (kể cả tôi) khi suy nghĩ đến một quyết định quan trọng, họ sẽ có xu hướng trì hoãn vì họ chưa chắc chắn lựa chọn nào sẽ thực sự tốt cho bản thân, tuy nhiên, nếu “câu giờ” lâu quá, họ có thể lỡ mất cơ hội và đánh mất tài sản quý báu nhất là thời gian. Bạn nên để dành một chút thời gian để cân nhắc rồi ra quyết định chứ không nên trì hoãn vô thời hạn. Với tôi, tôi sẽ cho mình một khoảng thời gian đủ dài để suy nghĩ và ra một một cột mốc để đến hôm đó tôi sẽ quyết định sẽ đi với lựa chọn nào. Vào cuối năm 2018, tôi được công ty đề nghị đảm nhiệm một vị trí về quản lý và điều phối nguồn lực để giúp công ty vì người phụ trách mảng đó sắp nghỉ việc. Đề nghị đó thực sự là một đề nghị không mấy hấp dẫn đối với một người đang làm việc chuyên về phát triển nguồn lực kỹ thuật và quản lý con người như tôi, và đặc biệt là khi tôi đang phụ trách việc hỗ trợ cho cả nhóm quản lý phát triển con người ở thành phố Hồ Chí Minh, nếu chấp nhận lời đề nghị, tôi phải rời bỏ tất cả những gì thuộc về thế mạnh của mình và đảm đương một công việc mà không có định hướng phát triển rõ rệt nào sau đó. Tôi tự cho mình vài tuần để suy nghĩ, và sau đó tôi chọn thử thách mới, bởi tôi muốn thử làm công việc đòi hỏi những kỹ năng mà tôi không thực sự mạnh, tôi muốn giúp mình vượt giới hạn của bản thân. Sự lựa chọn đó đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc trái ngược, nhiều sức ép, nhưng nó cũng mang lại cho tôi nhiều bài học và những trải nghiệm hoàn toàn mới. Ở bên ngoài nhìn vào, mọi người sẽ cho rằng tôi có lựa chọn kỳ quặc, nhưng với tôi, đó là một lựa chọn thực sự sáng suốt, nó giúp tôi phần nào vượt ra được khỏi vùng an toàn của chính mình, và nó giúp tôi khám phá chính bản thân mình, nhìn rõ hơn được những điểm mạnh và điểm yếu của mình. Nếu lúc đó tôi có quyết định không nhận vị trí được đề nghị đi nữa, tôi cũng sẽ không hối hận vì tôi đã nghĩ đủ kỹ sau một khoảng thời gian nhất định và cũng có nghĩa là tôi có những thứ cần được ưu tiên hơn là mong muốn mở rộng vùng an toàn. 

Khi bạn có nhiều lựa chọn, bạn có thể chọn một hướng nào đó hoặc chọn không làm gì cả, nhưng điều quan trọng là, bạn cần phải chấp nhận quyết định của mình ở thời điểm đó và không day dứt về nó. Sau đó, nếu bạn cảm thấy cần thay đổi quyết định thì hãy thay đổi quyết định chứ đừng ray rứt về quá khứ, bởi nếu bạn có dằn vặt cỡ nào đi nữa, bạn cũng không thể nào thay đổi được quá khứ cả, thay vào đó hãy tập trung vào hiện tại và dành một ít nguồn lực để chuẩn bị cho tương lai. Tôi sẽ để dành một ít thời gian để phân tích các quyết định trong quá khứ để thu lượm những bài học nếu có, nhưng tôi không bao giờ cảm thấy hối hận, bởi nếu có được phép quay trở lại, tôi cũng sẽ vẫn dành thời gian phân tích như thế và rút cuộc tôi vẫn tiếp tục với lựa chọn đó. Bạn hãy thử nghĩ và rồi bạn cũng sẽ nhận ra, trong hoàn cảnh mà bạn đã trải qua trong quá khứ, bạn sẽ vẫn là bạn, sẽ vẫn ra những quyết định y hệt bạn đã từng chọn lựa, thế nên, chả cần phải tốn thời gian mà nuối tiếc và u hoài, việc cần làm là suy nghĩ cho hiện tại và lựa chọn bước tiếp theo sẽ phải làm gì. 

Cuộc sống của mỗi người là một chuỗi tiếp nối các lựa chọn, có thể bạn sẽ có lựa chọn tốt hoặc ngu ngốc, nhưng điều quan trọng là, bạn có thực sự có chủ quyết trong những lựa chọn của mình hay không, hay chỉ sống một cuộc đời không có chủ kiến và rồi luôn hối hận vì mình đã không thực sự làm chủ đời mình. Người xưa có câu “Tận nhân lực, tri thiên mệnh”, tức là khi đã làm gì thì gắng làm cho hết sức hết lòng, thành bại là do ông trời quyết định, nhưng lúc đó sẽ không có gì hối tiếc vì dù sao mình cũng đã cố gắng hết sức rồi. Nhưng để có được niềm tin mà “tận nhân lực”, chúng ta phải làm tốt khâu lựa chọn.

Tóm lại, có mấy điểm chúng ta cần làm khi ra quyết định: 

  • Một là hãy ra quyết định khi tâm đã tĩnh, 
  • Hai là phải hiểu mình, tránh lựa chọn chỉ vì bị thuyết phục bởi những người khác chứ không phải là nhu cầu tự có của bản thân
  • Ba là mặc dù cho phép trì hoãn để ra quyết định một cách đúng đắn và thấu suốt, bạn vẫn phải cho mình một thời hạn cụ thể để phải ra quyết định nếu không bạn sẽ hối hận vì lãng phí thời gian và sự trì hoãn của mình
  • Thứ tư, bạn phải làm chủ cuộc đời của bạn, phải tự mình ra những quyết định chọn lựa cho mình trong cuộc đời, đừng để người khác chọn lựa cho mình. Khi bạn đã chọn lựa với suy nghĩ thấu đáo, bạn sẽ có tâm thế khác hẳn so với việc tiếp nhận thất bại hoặc sự thay đổi do sự chọn lựa giúp cho bạn đến từ người khác.
  • Thứ năm, tự mình ra quyết định lựa chọn mới giúp mình có niềm tin vào lựa chọn để có thể ra hết sức và mang về thành tựu cho chính mình. 

Sài Gòn, ngày 14 tháng 07 năm 2020