Trong những năm tháng còn đi học, tôi may mắn được học những người thầy cô tuyệt vời, họ đã cho tôi những bài học cuộc sống tuyệt vời mà tôi không thể quên được. Họ thực sự là những người góp phần giúp học sinh của họ nên người, phát triển đạo đức, kỹ năng sống hơn là chỉ dạy kiến thức phổ thông.
Trong bài viết này tôi xin chia sẻ kỷ niệm về hai người thầy của tôi ở những năm học cấp hai.
Năm tôi học lớp sáu và lớp bảy ở trường chuyên Nguyễn Tri Phương ở Huế, dù ba tôi không cho học lớp chuyên, nhưng tôi khá giỏi môn Toán nên vẫn được ba cho đi học lớp của thầy Bi, thầy giáo chủ nhiệm của lớp chuyên toán. Tôi được học chung với các bạn lớp Toán và kết quả học của tôi tại lớp của thầy không tệ tí nào, có những bài tôi còn giải nhanh gấp đôi thời gian các bạn lớp Toán làm, đặc biệt là các bài số học. Nhưng đến năm lớp 7, tôi bắt đầu ham chơi điện tử và trốn học thầy khá thường xuyên, lâu lâu tôi ghé lên lớp thầy học và chơi với các bạn, dù không nộp tiền học phí đến sáu tháng nhưng thầy vẫn không nói gì. Một thời gian sau, do ba tôi nghe méc lại chuyện tôi đi chơi điện tử nên ba đã đi tìm tất cả các quán điện tử ở thành phố để đem tôi về nhà, đó là lần duy nhất mà ba tôi đã tát tôi, dù “hụt”, nhưng tôi biết ba tôi giận tôi rất nhiều. Ba đem tôi lên lớp của thầy, và hỏi thăm thầy xem tôi có đi học và nộp học phí đầy đủ không. Lúc đó, tim tôi thực sự chộn rộn, vì sợ rằng thầy sẽ nói rằng tôi không đi học đầy đủ và không đóng học phí đến sáu tháng, nhưng thầy lại báo với ba tôi là cháu học đầy đủ và đã đóng học phí đủ. Tôi thực sự không tin nổi những lời mình nghe thầy nói và chả hiểu tại vì sao thầy làm vậy. Và tôi vẫn tiếp tục học thầy và đóng một trăm ngàn đồng học phí mỗi tháng. Cho đến hè năm lớp bảy, thầy mời gọi tôi ở lại sau lớp học và bảo với tôi “Này Dũng, hè ni mi về học lớp đặc biệt của thầy hấy, ở nhà thầy”.
Nhà thầy ở đường xuống khu Vỹ Dạ, vườn rộng, và có một phòng học nhỏ, nhưng kỳ lạ là lớp học đặc biệt mà thầy nói chỉ có hai người là tôi và bạn Hưng béo, cháu ruột của thầy. Từ lúc tôi về học lớp đặc biệt đó, thầy chưa từng ngồi dạy tụi tôi một ngày nào. Lúc nào cả tôi và Hưng về tới, thầy liền bảo tôi “Dũng, con lấy sách bài tập ra, ra bài cho Hưng nó làm, rồi sửa bài cho nó. Hai đứa học đàng hoàng, thầy đi đánh cầu lông đây”. Lớp học đặc biệt diễn ra ba tháng với học phí 200.000 ngàn đồng mỗi tháng. Và thực ra tôi đóng vai thầy dạy kèm cho Hưng, còn thầy Bi thì lặn mất tăm. Lâu lâu tôi lại được cô nấu cho cả hai đứa ăn vài bát mỳ tôm.
Câu chuyện này, đến bây giờ tôi mới dám kể cho mọi người nghe, và tôi nghĩ ba tôi cũng không biết. Nhưng tôi thực sự mang ơn thầy, bởi lúc đó thực lực của tôi quá tốt, tôi chỉ là ham chơi mà thôi. Nhưng khi thầy bảo vệ cho danh dự của tôi, rồi cho tôi công việc dạy kèm để giúp cho bạn khác, thầy đã thực sự khơi gợi khả năng giúp đỡ và hỗ trợ người khác của tôi. Ba tháng kèm Hưng đã giúp thầy vừa lấy lại học phí sáu tháng đã mất, và còn rèn luyện cho tôi sự kiên trì với một cậu bé ngoan nhưng học không giỏi lắm là Hưng. Thế tôi mới hiểu cái khổ cực của thầy khi đứng trên bục giảng, còn tôi ở dưới đó không tôn trọng thầy lại đi học quỵt. Dù sau này tôi ít đi thăm thầy, nhưng thầy là người tôi không thể nào quên.
Người thứ hai có thể kể đến là cô chủ nhiệm lớp cấp hai của tôi, cô tên là Hương, dạy môn hóa. Năm lớp sáu tôi được bầu làm lớp trưởng, đến năm lớp bảy do ham chơi nên tôi xin từ chức lớp trưởng. Kết quả học tập của tôi cũng bị ảnh hưởng chút xíu, nhưng điểm của tôi vẫn khá cao. Sau khi ba tôi phát hiện ra chuyện tôi đi chơi điện tử cả mấy tháng liền, ba tôi có gặp cô giáo, chả biết ba và cô bàn bạc thế nào, mà trong một buổi họp lớp những ngày sau đó, cô đã đích thân chỉ định tôi làm một vị trí mới trong lớp đó là lớp phó kỷ luật nhằm giúp lớp giữ kỹ cương trật tự. Có lẽ không có cái vị trí nào lại dạy cho tôi bài học sâu sắc hơn vị trí đó. Cả cô Hương và thầy Bi đã giúp tôi vượt qua cơn ham chơi của tuổi mới lớn, và giúp tôi trở thành người tử tế hơn. Cả ba tôi và hai thầy cô đều chưa bao giờ trách mắng tôi, mà họ chỉ trao cho tôi niềm tin và trọng trách để tôi tin vào bản thân và có trách nhiệm với mọi người và rồi sống có kỷ luật hơn. Thay vì bị dè bỉu, tôi được trao cơ hội, thay vì bị coi thường, tôi được trao sự tin tưởng. Sau này khi lớn lên, tôi thấm thía bài học về niềm tin, bởi không có ai là không có năng lực để làm được công việc, nhưng đôi khi vì họ không tin vào bản thân và mọi người không tin vào họ nên họ không có đủ dũng khí và quyết tâm để thực hiện. Thiếu niềm tin thì khó có thể thành ông được.
Xin cho phép em gởi lời cảm ơn thầy cô!
Sài Gòn, ngày 15 tháng 11 năm 2019.