Chúng ta thường nghe đến cụm từ “thế hệ lạc lối” hoặc “thế hệ mất mát” mà chúng ta không biết nó khởi nguồn từ đâu, thực ra chúng ta nên dùng cụm từ “thế hệ lạc lối” nó mới phù hợp với ý nghĩa của cụm từ tiếng anh là “lost generation” nhằm chỉ đến người tham chiến sống sót qua cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Sau chiến tranh, những người sống sót trở nên mất phương hướng, không có mục đích sống, và trở nên lạc lõng trong thời kỳ hòa bình.
Và tôi cũng muốn mượn cụm từ “lạc lối” để chỉ về những con người bị mất mục đích sống, sống chả biết mình sinh ra để làm gì, và không biết mình phải đi đâu, đích đến của mình là gì. Những tưởng những “tâm hồn lạc lối” ấy không nhiều, nhưng nếu bạn chợt hỏi vu vơ một vài người bạn của bạn, xem thử “mục đích sống của bạn là gì” hoặc “kế hoạch cho tương lai của bạn là gì”, bạn sẽ thấy sự lúng túng thực sự ở một vài người, “tớ cũng chả biết nữa”, hoặc “sống đến đâu hay đến đó”.
Trong thời bình, chúng ta được sinh ra và nuôi nấng đầy đủ, và khác với thanh niên thế hệ 6x, 7x, và 8x đời đầu, thanh niên thế hệ 8x đời cuối và sau này đếu được hưởng thụ cuộc sống khá đầy đủ và đói ăn không còn là vấn đề của nhóm này. Ngay cả 8x đời đầu như tôi, cái cảm giác đói nghèo nó cũng không còn nhiều. Các bậc đàn anh của chúng ta khi vừa mới sinh ra đã được cha mẹ đặt cho một mục tiêu lớn, đó là hồi phục kinh tế, thoát nghèo bởi đất nước chúng ta quá ư là nghèo khó sau bao nhiêu cuộc chiến thăng trầm. Và họ lao động cật lực, làm đủ mọi cách để kiếm miếng ăn cho gia đình, giúp gia đình thoát khỏi nghèo đói. Giấc mơi “một vợ, hai con, ba lầu, bốn bánh” là kim chỉ nam cho bao nhiêu con người suốt mấy chục năm qua, chỉ cần có đến vậy là thành công rồi.
Nhưng với thế hệ chúng tôi trở về sau, cái nhu cầu thoát nghèo không còn nhiều nữa, kể cả đến như tôi, chả có “ba lầu, bốn bánh”, thì cái nhu cầu có một căn nhà cũng trở thành một nhu cầu thứ yếu, tôi không quan tâm quá nhiều, bởi quan tâm làm gì khi tôi dư tiền để thuê một căn hộ mà không phải lo nghĩ về việc phải bảo trì nó. Thế nhưng thế hệ chúng tôi không còn được dẫn dắt bởi một kim chỉ nam rõ ràng như những thế hệ trược. Rõ ràng “thoát nghèo” không phải là nhiệm vụ, “thống nhất đất nước” thì đã hoàn thành, và bản thân tôi cũng không muốn hỏi cha mẹ về những vấn đề của tôi quan tâm.
Khi bạn được sống một cuộc sống an bình, không phải lo cơm ăn áo mặc, bạn được đi học đầy đủ, bạn sẽ muốn điều gì?
Chúng ta tạm xem cái tháp nhu cầu Maslow nổi tiếng:
Credit, source: http://www.simplypsychology.org
Giấc mơ “thoát nghèo” của cha ông ta để có chỗ trú chân, cơ ăn, áo mặt, có sức khỏe, có chút tài sản là thuộc hai tầng đầu của tháp nhu cầu. Tầng thứ ba là tinh bằng hữu, tinh cảm thân mật, gia đình, cảm giác kết nối, nhu cầu ở tầng này cũng tương đối dễ đạt được trong thời đại của chúng ta. (Thực ra, tôi xin phép nói nhỏ, dễ mà khó, bởi tác hại của mạng xã hội, bạn có thể hàng ngàn bạn trên mạng xã hội, nhưng lại không đào ra được đứa bạn thân, bởi thiên hạ lo khoe sự may mắn, thành đạt và ti tỉ thứ khác trên mạng xã hội rồi), nhưng nó vẫn còn khá dễ dàng).
Nhưng thực sự tầng bốn của tháp Maslow có khó để đạt được không? Chúng ta xem tầng bốn có những gì, ở tầng bốn người ta có nhu cầu nhận được sự tôn trọng của người xung quanh, lòng tự tôn, vị trí xã hội, sự ghi nhận của mọi người, sự tự do, và có những thành đạt nhất định để có vị thế xã hội và mình cảm thấy tự hào về mình. Cái tầng này, nói khó đạt được thì đúng là khó thật, nhưng không phải là không thể đạt được, và người ta có thể đạt được ở bất kỳ thời kỳ nào. Nếu bạn là một nhà quản lý, bạn được tôn trọng, bạn có thể đã đạt được những nhu cầu ở tầng này. Nếu bạn là nghệ sỹ sáng tạo có tài, hoặc là những nghệ nhân tài năng, hay là chuyên gia kỹ thuật/ công nghệ, bạn đều đạt được sự tôn trọng, được đánh giá cao.
Nói ngang đó, thì thế hệ 8x đời sau và các thế hệ tiếp theo hoàn toàn dễ dàng có thể đạt được những nhu cầu căn bản thiết yếu được mô tả ở ba tầng đáy của tháp Maslow và nếu họ đủ giỏi họ có thể thõa mãn được những nhu cầu ở tầng thứ tư. Nhưng bạn biết đấy, khi bạn có những thứ đó rồi, thì chỉ cần sau một thời gian, bạn sẽ có xu hướng tìm kiếm trải nghiệm mới, và thỏa mãn nhu cầu cá nhân ở mức cao hơn. Nếu bạn không tìm ra được mục tiêu tiếp theo để phát triển bản thân, và không có mục đích để đeo đuổi, có thể bạn sẽ bị “lạc lối”. Có những người sinh ra đã quá đầy đủ, được coi trọng nhưng họ không biết làm gì tiếp theo ngoai việc tiêu tiền, ăn chơi, tìm kiếm cảm giác vui vẻ hạnh phúc trong ngắn hạn bằng mua sắm và những trò vui không bao giờ có hồi kết, nhưng sau mỗi cuộc vui, họ đếu thấy trỗng rỗng và không biết mình phải làm gì khác đi, và lại tiếp tục lao đầu vào các cuộc vui. Có những bạn trẻ thành đạt, nhưng cũng chả biết đi tiếp nữa thì mình phải làm gì, chả lẽ ai cũng lao đầu lên những vị trí trên của công ty để tang thu nhập và có danh tiếng? Lỡ như, cái nhu cầu leo nấc thang danh vọng không phải là thứ họ quan tâm, thì họ sẽ bối rối chả biết làm gì mới phải. Được người ngoài nhìn nhận là giỏi giang, thành đạt chưa chắc đã làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc sung sướng. Và khi đạt được thành đạt nhất định, bạn sẽ quen mau với vị trí đó, và bạn sẽ nhận ra rằng, việc leo thang danh vọng cũng không làm cho bạn vui hơn, bởi tới một lúc nào đó, bạn cũng chả còn nấc thang để leo, và leo cũng chả để làm gì. Đến thời điểm đó bạn sẽ rơi vào cơn khủng hoảng khó thoát nhất của cuộc đời, bạn không biết mình nên làm gì tiếp theo, và phải làm sao để có cảm giác đủ đầy và vui vẻ. Bạn sẽ tự hỏi, mình đi làm mỗi ngày để làm gì, mình kiếm thêm tiền để làm gì, và mình sống tiếp những năm tháng còn lại để làm gì. Những câu hỏi đó, là những câu hỏi mà khi bạn sẽ luôn phải trả lời khi bạn đã đạt đủ bốn tầng nhu cầu của tháp Maslow, và nếu bạn chỉ nhìn vào chức danh, thu nhập, bạn sẽ cảm thấy mình thiêu thiếu cái gì đó, mà chả biết là mình cần thêm điều gì mới cảm thấy vui, cảm thấy đủ đầy. Tôi tạm gọi những người này là những người “lạc lối”, và chúng ta thể nào cũng có một lần rơi vào trạng thái này. Và cũng không nhất thiết bạn đã thõa mãn nhu cầu ở bốn tầng dưới mới rơi vào trạng thái này, có những người sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng đã khao khát cái nhu cầu đỉnh cao nhất là tầng năm tháp Maslow.
Vậy chứ nhu cầu ở tầng thứ năm là gì, đó là nhu cầu hiện thực hóa tiềm năng của bản thân và cực đại hóa khả năng của bản thân. Tức là tôi muốn trở thành cái phiên bản tốt nhất của tôi. Làm được những điều mà tôi có tiềm năng để thực hiện được. Cái nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu đạt được trạng thái đủ đầy, làm được những điều mình nghĩ mình sinh ra để trở thành. Nhu cầu này là nhu cầu phát triển lên mức tối cao nhất. Nếu hai tầng đầu là nhu cầu cơ bản, hai tầng thứ ba và thứ tư là nhu cầu về mặt tâm lý, nhưng tầng thứ năm là nhu cầu đạt đến khả năng cực hạn của bản thân, là nhu cầu mình đạt được trạng thái đủ đầy.
Nhưng làm sao để đạt được khả năng cực hạn của bản thân? Đâu là tiềm năng của bản thân? Làm sao bạn biết được khả năng tối thượng của bạn là gì, đâu là siêu năng lực của bạn? Đây là những câu hỏi khó không dễ trả lời, muốn hiểu bản thân, bạn phải mất rất nhiều công thức. Nhưng không để bị cảm giác “lạc lối”, bạn không thể nào bỏ lơ việc quan sát chính mình được. Hiểu mình mới có thể đạt được khả năng tối đa của mình.
Ở tầng thứ năm cũng là tầng mà ở đó cá nhân làm được những công việc sáng tạo, làm được những điều mới mẻ. Nên đôi khi bạn đạt được nhu cầu tầng năm mà bạn không biết. Nếu bạn là nghệ sỹ, nhà văn, là người thiết kế, là người thiết kế game, hoặc bạn là họa sỹ, nhiếp ảnh gia, bạn sẽ có được cảm xúc đủ đầy khi bạn tạo được tác phẩm mới. Nhưng bạn sẽ bị rơi vào trạng thái không hạnh phúc nếu bạn không tạo ra được điều mới mẻ.
Con đường nào để đạt được tối đa năng lực của mình?
Chúng ta sẽ cùng tìm cách ở những bài sau nhé!
Sài Gòn, ngày 16 tháng 11 năm 2019