Ai là kẻ thù đáng sợ nhất của bạn? Có thể bạn sẽ nghĩ đến tình địch tranh chấp với bạn người yêu. Bạn có thể nghĩ đến một đối thủ cạnh tranh trên thương trường với bạn. Bạn có thể nghĩ đến anh chàng đồng nghiệp luôn đua tranh với bạn trong mọi cuộc đua, luôn dành nhau từng giải thưởng, từng thành tích như hình với bóng. Bạn cũng có thể sẽ nghĩ đến những người đứng ở phía bên kia chiến tuyến. Nhưng liệu họ có phải là kẻ thù đáng sợ nhất của bạn không?
Trong các cuộc đua, chúng ta luôn nhìn theo đối thủ để cố chạy để vượt qua họ, hay chúng ta sẽ tập trung để tiến về phía trước?
Trong một trận bóng bàn, vì đối thủ chơi quá hay mà bạn thua, hay vì bạn chơi kỹ năng chưa đủ tốt và nghiên cứu chưa kỹ về đối thủ nên dẫn tới việc bạn bị thua?
Thắng thua trong các cuộc chơi có quá quan trọng? Tôi nghĩ nó vẫn tương đối quan trọng vì nó sẽ giúp cho chúng ta biết được chúng ta đang ở đâu? Đang mạnh và giỏi đến cỡ nào?
Có bao giờ bạn được đề cử vào vị trí nhân viên giỏi nhất của năm, bạn rất mong chờ, nhưng không may có người khác chiếm mất vị trí đó của bạn, và bạn cảm thấy căm ghét họ, thậm chí đến mức hận thù. Nếu không có bạn đó thì bạn đã đứng nhất rồi. Và từ đó, họ trở thành cái gai trong mắt của bạn.
Bạn rất cố gắng trong công việc, bạn muốn trở thành nhóm trưởng, nhưng cuối cùng sếp của bạn chọn một người khác làm nhóm trường, và bạn bắt đầu ghét cậu bạn đồng nghiệp đó. Đến sau này bạn cũng được đề bạt làm nhóm trưởng, ở thời điểm đó cậu bạn đã bắt đầu làm tập sự quản lý dự án. Sau vài năm, cả hai cũng đều làm quản trị dự án, mà dự án của bạn đạt doanh thu rất nhiều, bạn hoàn toàn kỳ vọng được xem là PM giỏi nhất công ty, nhưng cậu bạn kia một lần nữa lại làm được điều kỳ vỹ, dù doanh thu không lớn bằng nhưng lợi nhuận vượt trội. Bạn bắt đầu thấy căm ghét cậu ta vô cùng và bắt đầu hận vì không hiểu tại sao cậu ta luôn ám bạn, không cho bạn một cơ hội trở thành người đứng nhất bao giờ. Đến một ngày công ty cần người quản lý các PM mới, bạn hồ hởi vì trong công ty không mấy ai có kinh nghiệm quản lý được như bạn, nhưng cuối cùng người ta mới là người được chọn, bạn giống như chìm hẳn xuống đáy sâu vì cố gắng mãi mà vẫn không được bất cứ danh hiệu nào. Bạn hận người đó lắm luôn và coi người ta như kẻ thù của mình.
Trong một trường hợp khác, một anh chàng làm quản lý cấp trung và rất được sếp trực tiếp yêu thích vì kỹ năng và thành tích tốt. Trong một đợt tái cơ cấu, anh chàng này được chuyển qua làm dưới sự quản lý của một ông sếp nổi tiếng hắc ám. Cả năm trời, anh chàng bị sếp luôn luôn bắt lỗi, anh chàng tụt cảm xúc đến nổi không làm việc nổi và anh ta quyết đình xin nghỉ công ty để rời khỏi người đã làm cho anh ấy trở nên quá ư khó khăn và đã được coi như một người thất bại. Với anh ta, kẻ thù lớn nhất không ai khác là vị sếp bất ngờ đến này.
Trong cuộc sống, các bạn thường chọn các đối thủ xem như kẻ thù, và thường đổ hết mọi khó khăn xui xẻo lên đầu các đối thủ của mình. Nhưng nếu bạn suy nghĩ lại xem thử điều gì khiến cho bạn thất thế trong mỗi cuộc chơi. Khi bạn thắng, bạn rất vui vẻ và hứng khởi. Nhưng nếu bạn thua, bạn cảm thấy bất lực và buồn rầu.
Khi thất bại, chúng ta thường thấy chùn gối, cơ thể suy kiệt đến nổi chả đủ sức chiến đấu và chả muốn làm gì nữa. Mặc khác sau mỗi lần thua trận, bạn lại càng cảm thấy sức ép lớn hơn khi gặp lại đối thủ mà bạn từng thua. Câu chuyện đối tuyển bóng đá Việt Nam luôn thua Thái Lan trong hai mươi năm ròng, dù có lúc chúng ta tưởng như Việt Nam đã quá mạnh so với người Thái. Và khi nghe phân tích từ các chuyện gia, bạn sẽ nghe được cụm từ “thua về mặt tinh thần”. Khi bạn gặp một chuyện mà trước đó bạn đã thất bại nhiều lần, bạn sẽ có xu hướng đoan chắc rằng, lần thực hiện tiếp theo họ có khả năng thua rất cao. Với suy nghĩ như vậy, bạn đã chuẩn bị sẵn cho chiến bại của chính mình rồi.
Khi bạn gặp những thất bại liên tiếp, bạn sẽ có xu hướng đánh giá thấp bản thân, và giảm dần sự tự tin vào khả năng chiến thắng của mình. Càng khi dễ bản thân, bạn càng xuống tinh thần và luôn chọn con đường thất bại để tránh việc trực tiếp chiến đấu và vượt qua khó khăn. Hẳn chúng ta nghe một câu quá quen thuộc “tôi không làm được chuyện này đâu!”. Sếp bạn hỏi bạn có thể làm vị trí trưởng nhóm để thực hiện một công việc gì đó, và bạn sợ hãi bảo rằng “tôi chưa từng làm việc này bao giờ, xin hãy để cho người có kinh nghiệm”. Sự sợ hãi trở thành kẻ thua cuộc và bị những người khác chê cười đã làm bạn trở nên yếm thế, không dám nhận thử thách, và luôn có thái độ thiếu tích cực kể cả khi cơ hội đến với bạn.
Một khi đã không có tâm lý muốn chiến đấu, bạn đã tự đặt mình vào vị trí của kẻ thua cuộc. Ví dụ bạn có đứa con hư, và bạn luôn nói rằng “tôi thật sự bất lực với nó rồi”, có phải bạn đã buông xuôi để cho mọi thứ nó tự trôi không? Phó thác mọi thứ và bạn chọn phương án bàng quan để đời đẩy đưa mình tới đâu thì tới. Đa phần trường hợp, tâm lý đó dẫn bạn đến thua cuộc và mất mát mà thôi.
Có một cậu bạn của tôi, gặp khó khăn với vợ mình, bởi vợ cậu ấy suốt ngày chỉ chê trách cậu ta vì không đem đủ tiền về nhà cho vợ dù cậu ấy bươn chải để nuôi vợ con. Và cậu ấy cảm thấy rất thất vọng về bản thân, mặc khác dù cảm thấy vợ mình không công bằng với mình nhưng cậu ấy cảm thấy bất lực vì không nói được để vợ hiểu mà còn luôn bị gây áp lực không cần thiết khi về nhà. Điều đáng nói, là cậu ấy chỉ thường nói bóng nói gió chứ chưa bao giờ dám đi thẳng vào vấn đề. Tôi hỏi cậu ấy “em sợ nói ra vợ em bỏ chạy khỏi em đúng không?”, cậu ấy gật đầu thừa nhận. Nối lo sợ mất mát làm cho cậu ấy trở nên yếu đuối, chứ không phải là bản thân của người vợ có đủ khả năng làm cho cậu ta trở nên yếu đuối. Và khi cậu ta chọn từ bỏ và làm người thua cuộc ngay từ đầu đã làm cho cơn trầm cảm của cậu ta trở nên lớn và dai dẵng hơn bao giờ hết.
Trong cuộc sống, chúng ta được dạy dỗ hướng đến những mục tiêu và phần thưởng, khi và chỉ khi bạn đạt được phần thưởng hoặc một mục tiêu nào đó, bạn mới được coi là thành công. Nếu bạn liên tục mất phần thưởng, bạn sẽ cảm thấy buồn khổ, thậm chí là bất lực và sau đó là những cơn stress sẽ kéo đến.
Khi theo đuổi một mục tiêu, chúng ta thường có xu hướng coi các đối thủ cạnh tranh là kẻ thù. Thay vì tập trung phần lớn thời gian để đi đến đích, chúng ta lại dành nhiều thời gian hơn để quan sát và bàn tán về các đối thủ. Không chịu xây dựng nội lực, mà chỉ lo đi so sánh với bên ngoài, điều này làm cho chúng ta trở nên thiếu chuẩn bị, mà kẻ không có sự chuẩn bị thường thua nhiều hơn là thắng. Điều đáng nói là, chúng ta trở trên cay cú, hơn thua và đổ hết mọi tội lỗi lên “kẻ thù” (đối thủ) và hoàn cảnh.
Bạn ơi, nếu chúng ta làm gì không đạt được như mong muốn, đối tượng đầu tiên cần xem xét là chính bản thân chúng ta. Bản thân đã thực sự cố gắng chưa? Bản thân mình đã tập trung hết sức chưa? Có luyện tập không? Nếu chúng ta cứ bơi bơi, không có sự đầu tư, thì thành quả sẽ không đến.
Những cuộc cạnh tranh có tính thắng thua thường chỉ là những trò chơi do mọi người đặt ra cho bạn. Nhưng cuộc chơi lớn nhất chính là cuộc đời, ở đó, bạn có thể thua rất nhiều lần, nhưng nếu bạn tốt hơn mỗi ngày, bạn đã thắng được bản thân của chính mình. Kẻ thù lớn nhất của bạn không phải là những đối thủ cạnh tranh đâu, kẻ thù lớn nhất của bạn là chính bạn. Những tính cách xấu của bạn sẽ làm cho bạn trở thành kẻ thua cuộc. Tâm lý thích đổ lỗi cho hoàn cảnh sẽ khiến bạn không chỉ thua một lần mà còn sẽ thất bại nhiều lần tiếp theo.
Kẻ chiến thắng là kẻ vượt qua thất bại nhiều lần cho đến ngày đứng lên đỉnh vinh quang!
Đừng vì một thất bại nhỏ mà tự mình bỏ cuộc cuộc đua lớn nhất của cuộc đời, trong cuộc đua đó, bạn tự đua với chính mình, tự mình vượt qua chính mình.
Kẻ thù lớn nhất của bạn là ai ư? Ai có thể làm cho bạn gục ngã ngoài chính bạn? Nên hãy chiến thắng bản thân, đứng dậy mạnh mẽ sau mỗi lần vấp ngã và đi tiếp!
Sài Gòn, ngày 19 tháng 11 năm 2019