Vượt qua cơn trầm cảm

Tạo hóa sinh ra con người thường tặng cho mỗi người một vài món quà khác nhau, với một số người là thể chất mạnh mẽ, với một số người khác là khả năng tập trung tinh toán, và có một số người được thượng đế ban cho khả năng xúc cảm nhạy bén hơn người bình thường.  Tuy nhiên, những người nhạy cảm ban đầu thường không chế ngự được cảm xúc của mình, họ cảm nhận được nỗi đau của người khác và đau cùng nỗi đau của người khác. Khi họ bị tổn thương, họ cũng tổn thương nặng nề hơn những người khác, bởi trái tim họ nhạy cảm hơn. Và khi vui vẻ hạnh phúc, họ cũng hạnh phúc hơn hẳn những người khác. Họ luôn có những cảm xúc kịch kim, vui hết sức và buồn đến tận đáy tâm hồn. Những người có tâm hồn đa cảm thường bị coi là người yếu đuối, bởi họ luôn cảm thông và hy sinh mình để giúp cho người thân bớt đau khổ. Họ coi việc giúp đỡ người khác là việc buộc phải làm. Với họ không có gì quý hơn tinh cảm.

Nhưng khi họ đau khổ, buồn, giận, hoặc bị tổn thương, họ thường khó có thể quên được nỗi đau. Nỗi đau là một vòng xoáy trôn ốc, khiến họ có xúc cảm đau đớn tuyệt vọng, và nó lặp đi lặp lại mỗi lúc một lớn hơn, đến một lúc nào đó, nếu không có đủ kỹ năng để dừng lại họ bị rơi vào cơn trầm cảm. Cảm xúc chùng xuống, tuyệt vọng, bất lực với những chuyện đã xảy ra, họ chím đắm trong nỗi buồn miên man và không dứt ra được. Họ ăn không dừng được hoặc không có cảm giác đói và không ăn được. Họ mất cảm xúc với những thứ xung quanh, chỉ tập trung vào nỗi đau của họ. Người trầm cảm có thể phải tìm đến cái chết để chấm dứt nỗi đau lặp đi lặp lại không thoát ra được đó.

Những người có độ nhảy cảm cao, thường dễ rơi vào cơn trầm cảm hơn so với những nhóm còn lại. Và cơn đau của họ còn hiển hiện rõ rệt hơn.

Nếu bạn rơi vào một cơn trầm cảm, điều gì có thể giúp bạn thoát ra khỏi cơn trầm cảm đó?

Đầu tiên, bạn cần biết mình buồn vì chuyện gì. Nói nghe dễ, nhưng để tìm ra việc mình chán hay buồn vì chuyện gì là không dễ, bạn sẽ không hiểu tại sao bạn chán công việc, bởi đôi khi công việc nó không nhàm chán, mà bạn đang gặp vấn đề khác. Một người con gái tới tuổi ba mươi, chưa lập gia đình, thường bị nói này nói kia, dễ dẫn tới những cơn buồn chán và ảnh hưởng đến công việc. Đi tìm ra nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến tâm lý của mình là một quá trình khó khăn và thường cần phải có chuyên gia giúp đỡ. Và khi tìm ra được nguyên nhân, bạn đã giải quyết được 50% vấn đề rồi.

Để cơn đau khổ không kéo dài, việc đầu tiên bạn phải tập chấp nhận sự thực đang diễn ra. Nếu bạn bị mất việc, thì phải chấp nhận điều đó, và nghĩ đến việc đứng lên để kiếm công việc khác. Nếu bạn mất hết tất cả tiền bạc, bạn cũng cần phải chấp nhận thực trạng và nghĩ đến việc bắt đầu bằng con số không. Nếu người bạn yêu thương biến mất trên cõi đời này, bạn phải chấp nhận mất mát đó, rằng mình đã không còn người ta để sống tiếp. Chấp nhận nghịch cảnh để từ đó mà tiến lên là thái độ đầu tiên để thoát khỏi cơn trầm cảm.

Mặt khác, bạn cần nghĩ tích cực, và nghĩ tích cực ở đây là tìm mặt tích cực của những nỗi đau mà mình đón nhận.

Giả sử như bạn thất tinh, bị người yêu bỏ rơi, thì sự thất tinh đó giúp cho bạn học được bài học gì, liệu có phải bạn đang chiều chuộng người yêu quá đáng? Liệu rằng bạn quá phụ thuộc vào họ? Liệu rằng bạn có đang vẽ ra một thần tượng không có thật không? Liệu sự mất mát này có thể biến thành một sức mạnh trong bạn không? Liệu có thể biến một cảm xúc tiêu cực thành tích cực không? Nếu người yêu của bạn là một kẻ không ra gì, họ không quý trọng tình cảm của bạn, thì liệu bạn có cần phải đau khổ không, hay đây là một cơ hội giúp bạn tìm được một người xứng đáng hơn?

Khi bạn bị mất một công việc lương cao và trở nên thất nghiệp, liệu đó có là cơ hội để bạn thử sức với công việc mà bạn mong muốn bao lâu nay mà chưa được làm không? Giờ bạn không cần có dũng khí để nghỉ phép một tháng để làm những việc mình muốn làm nữa. Có lẽ đây là cơ hội giúp bạn làm mới mình chăng?

Thứ nữa, bạn có thể chọn làm những công việc không khiến bạn mệt mỏi về tinh thần nhưng lại có khả năng làm cho bạn thoát được khỏi cái cảm giác buồn bã rã rời. Bạn có thể chăm sóc cây cảnh, thêu một bức tranh chữ thập, viết nhật ký ghi ra những kỷ niệm vui vẻ – tích cực của cuộc sống, đi chợ – nấu ăn. Miến là bạn được làm những việc đơn giản, liên tục, cần sự chú tâm, bạn sẽ bị cuốn bởi những việc đó và trí óc sẽ tạm quên đi cơn sầu não.

Cách giúp bạn dễ thoát khỏi trầm cảm hơn đó là gặp gỡ, trò chuyện với mọi người, kể về nỗi đau của bạn và lắng nghe nỗi đau của người khác. Khi bạn nhận được sự đồng cảm, bạn sẽ bớt đau khổ. Khi bạn lắng nghe vấn đề của người khác, tự nhiên bạn sẽ mong muốn mình mạnh mẽ hơn để chìa bờ vai cho người ta và giúp đỡ cho người ta đứng dậy. Cái cảm giác có ai đó cần bạn sẽ làm bạn bỏ qua gánh nặng tâm lý của mình một bên để có thể giúp được những người bạn của bạn.

Còn một cách nữa mà tiếng anh gọi là “Art Therapy”, đó là sáng tác để giúp bạn vượt qua nỗi đau. Những thú vui đòi hỏi sự sáng tạo giúp bạn dễ dàng đam mê và lãng quên tất cả. Những thú vui như nhiếp ảnh, vẽ, thiết kế, đàn… giúp cho bạn thấy mình thực sự hiện hữu. Như nhiếp ảnh, nếu bạn chụp con người, đó là cơ hội cho bạn để kết nối, trò chuyện, tạo ra sự gắn kết với những người khác, và nó giúp kéo bạn ra khỏi nỗi đau kéo dài.

Bạn hãy làm những điều bạn từng muốn làm mà chưa có cơ hội để làm. Hãy tìm gặp những người mới để có những trải nghiệm mới. Hãy san sẽ cả hạnh phúc lẫn nỗi đau, bởi hạnh phúc sẽ được nhân lên và nỗi đau buồn sẽ vơi đi.

Cơn buồn bã kéo dài sẽ qua mau nếu bạn không chấp nhận nó, và tìm mọi phương cách để giúp bạn thoát khỏi nó. Sự chấp nhận, đầu hàng nỗi buồn sẽ khiến cho bạn không thể thoát ra được.

Đây là một vài cách mà tôi đã sử dụng để vượt qua nỗi buồn và cơn trầm cảm của bản thân, hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn.

Sài Gòn, ngày 19 tháng 11 năm 2019