Người tài nhưng thiếu cống hiến, lỗi tại ai?

Năm 2005, tôi trở thành giảng viên Đại học với mức lương 720.000đ/tháng, đó là đồng lương chết đói, và tôi chịu đựng được ba năm thì chịu hết nổi bởi nó chỉ đủ tiền cho một người bình thường ăn mỗi buổi sáng một tô bún bò ở Huế. Lương thấp nhưng làm nhiều, tôi phải cố dạy vượt giờ để kiếm thêm chút tiền mọn (18.000 đồng / tiết dạy), tôi vừa làm giảng viên, lại làm luôn chủ tịch Hội Sinh viên, Đảng viên phụ trách sinh viên khoa CNTT… Nói chung tôi có rất nhiều cơ hội để xài tiền, nhưng vô cùng ít cơ hội để có tiền đủ sống. Những người trong hoàn cảnh giống tôi, bắt đầu phải lăn lộn để tìm cách kiếm sống trong điều kiện như vậy, nhưng nếu bạn vừa hoạt động đoàn thể vừa đi dạy, chuyện kiếm sống có vẻ là điều vô cùng khó khăn. Tôi đã phải rời bỏ. Những đồng nghiệp của tôi phải làm “đi hai chân”, vừa dạy học, vừa tham gia dạy ở các trung tâm tin học, hoặc tham gia vào một công ty làm phần mềm để có thể sống được. Giới giảng viên, ai cũng quen với cái cụm từ “đánh bắt từ xa”, là hoạt động đi dạy các môn học cho các trung tâm đào tạo từ xa, ở các tỉnh miền Trung, dạy một tuần ở Dak Lak chẳng hạn, nhưng thu được tiền dạy một môn học trong một học kỳ, như vậy mới vừa kiếm được nhanh mà chỉ cần dạy qua loa, bởi sinh viên dạng này không thể nào bằng sinh viên hệ chính quy được, khả năng tiếp thu kiến thức của họ không tốt bằng và họ cũng không chú tâm bằng. Tôi chưa bao giờ dạy theo hệ này, và không phải ai cũng được dạy, phải có các mối quan hệ mới được sắp xếp phân bổ cho. Tôi thuộc nhóm giảng viên trẻ, nên ngoài dạy cho chính sinh viên của khoa, tôi được phân dạy nhiều ở các trường thành viên của viện Đại học Huế, toàn các môn cơ bản, dạy môn tin học đại cương cho sinh viên Nông Lâm chẳng hạn, phải nói là từ chán đến chán, vì tiền dạy ít, nhưng chả có gì vui, vì nó không mang lại cho tôi thêm kinh nghiệm gì ngoài việc đứng lớp.

Kể câu chuyện này, tôi chỉ muốn giúp cho mọi người có thể hiểu một công việc làm cho nhà nước nó giống như thế nào, bạn được trả tiền quá ít so với khả năng của bạn, nên bạn phải “đi bằng hai chân” để kiếm thêm thu nhập mà sống. Làm ở cơ quan thì chỉ vừa đủ, và dành thời gian để làm công việc khác. Tôi có cậu đàn em làm việc nhà nước, mỗi ngày đều chạy đi giao nước nhà làm để kiếm thêm thu nhập. Bà chị họ của tôi, nhờ có nhà nằm ở con phố Tây, chị ấy mở quán café, và cùng chồng mở tiệm bán tranh và các mẫu áo quần do chính chồng chị ấy (một giảng viên – nhà thiết kế nổi tiếng) thiết kế. Đại khái, muốn sống tốt với đồng lương chết đói thì chả có chuyện toàn tâm toàn ý cho công việc ở cơ quan đâu. Ai thực sự toàn tâm toàn ý được, họ rất đáng nể trọng, cho dù họ giàu sẵn hay phải chịu sự đói nghèo.

Kể chuyện xưa để nói chuyện nay, khi mà chúng ta được làm trong những công ty công nghệ, với mức lương không thể gọi là đồng lương chết đói, và có thể nói là đủ sống và có thể để dành được ở thành phố sôi động bậc nhất đất nước này. Hai người học trò của tôi, là một cặp vợ chồng, thu nhập đâu đó cỡ năm mươi triệu một tháng, dư sức sống tốt ở Sài Gòn với gia đình ba người, và họ khá là mãn nguyện vì sắm được một căn chung cư, và được làm việc mình thích. Họ không cần phải làm thêm nhiều không việc khác nhau để kiếm tiền. Họ cũng không cần phải làm freelancer, hay mua bán gì bên ngoài. Nói một cách khác, nếu muốn đủ sống, và sống đủ tốt, các bạn làm trong ngành CNTT ở Sài Gòn không gặp nhiều khó khăn nếu không muốn nói là khá thoải mái để có thể toàn tâm toàn ý cho công việc ở các công ty, những người đã bỏ tiền ra thuê mình làm đủ 8 tiếng mỗi ngày, và vẫn có thời gian cho gia đình.

Thu nhập của tôi cũng tương đối ổn để nuôi một gia đình ba người, và tôi cũng không phải bươn chải để kiếm thêm tiền, bởi mục đích sống của tôi không phải là có thật nhiều tiền. Tôi dành thời gian còn lại cho gia đình và những thú vui bé mọn của mình, như là chụp hình, hoặc viết những bài blog chia sẻ kinh nghiệm với mọi người.

Câu hỏi đặt ra là, khi người ta trả cho bạn số tiền để làm tốt công việc trong tám tiếng mỗi ngày? Bạn có thực sự làm tốt, đúng và đủ năng lực của mình cho tám tiếng đó?

Có những người, dù hưởng lương tốt, nhưng vẫn làm các công việc kinh doanh khác trong cùng thời gian làm việc cho công ty bỏ tiền ra thuê mình. Hay nói cách khác họ không làm hết năng suất của mình ở các công ty đó. Họ có thể tranh thủ làm công việc freelancer, bán hàng online, tranh thủ ship hàng, tư vấn kỹ thuật… Câu hỏi đặt ra, đó là vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của những người đó, hay là lỗi của các công ty?

Theo quan điểm của tôi, đã được trả tiền thì phải làm việc được giao, cố làm tốt nhất có thể. Thế nhưng, nếu bạn không được giao công việc đủ và đúng với năng lực, nếu bạn không bị kiểm soát bởi những KPI và mục tiêu phù hợp, bạn sẽ có nhiều cơ hội để tranh thủ làm công việc khác. Cái suy nghĩ làm sao cho vừa đủ, xong thì có thời gian để làm việc riêng khác đã ăn vào trong máu của nhiều người, thậm chí tôi nhiều lúc cũng đã từng nghĩ như vậy. Nhưng khi đứng nhìn dưới đôi mắt của công ty, thì rõ ràng, đây là một sự lãng phí nhân tài vô cùng trầm trọng, khi các công ty có những nhân tài quá giỏi, họ có thể làm ra được vô cùng nhiều nguồn thu nhập cũng chỉ với mười tiếng mỗi ngày, các công ty vẫn trả cho họ tiền lương cho tám tiếng mỗi ngày. Họ là những cá nhân thông minh và tối ưu, còn các công ty vẫn sống được nhờ vào họ. Vậy có gì phải than phiền và lo lắng?

Sẽ không có gì để than phiền và lo lắng nếu mọi người đều như vậy, nhưng nếu có nhiều người lăn xả vì công việc mỗi ngày. Ở cùng một vị trí, nhưng họ rất cố gắng để có thể cống hiến nhiều nhất, và một số khác thì luồn lách cơ chế để được lợi nhiều hơn. Điều này tạo ra cảm giác bất công, và những người hoạt động năng nổ sẽ có xu hướng chùng xuống hoặc điều chỉnh thái độ làm việc để được “công bằng” hơn. Hay nói cách khác, đây là một hiểm họa tiềm tàng của công các công ty, khi sở hữu được nhiều người tài nhưng trái tim của họ không đặt cho công ty, họ được đặt ở chỗ khác.

Có những bạn cho rằng, các bạn làm ít thời gian nhưng giá trị mang lại nhiều hơn những người khác nên các công ty đâu có thể bỏ qua các bạn. Nếu là như vậy, phải chăng các công ty lại sa vào cái câu chuyện làm cho nhà nước mà tôi nêu ra ở đầu bài, tức là trả lương không tương xứng với khả năng, nên người ta chỉ làm cho “đủ”, và dành thời gian còn lại để “đi hai chân”, tối ưu hóa thu nhập?

Làm nhân viên thật khỏe, khi làm quản lý, lại phải nghĩ ngợi lung tung.

Cá nhân tôi, tôi thích được làm công việc yêu thích, thu nhập đủ tốt để mình có thể tận tâm tận lực với công việc. Thu nhập thế nào là đủ tốt? Nghĩa là nó tương đối cạnh tranh với thị trường, tiền đủ để nuôi gia đình ở mức sống trung lưu và có dư ra để để dành và tích lũy.

Tuy nhiên, lòng tham của con người là vô đáy, khó mà biết thế nào là đủ, nên bàn thân doanh nghiệp phải có cách để đảm bảo nhu nhập cạnh tranh và vẫn duy trì lợi nhuận và phát triển được. Còn người lao động sẽ tuân theo quy luật cung cầu, đến làm việc với chỗ nào họ thấy “được giá”. Tuy nhiên, sự “được giá” ở đây, không chỉ là đồng lương, mà còn là môi trường – văn hóa làm việc, là quan hệ bạn bè đồng nghiệp, là vị trí địa lý,… Doanh nghiệp làm ăn thì phải kiếm lời, nên để đảm bảo lợi ích cho nhân viên, doanh nghiệp ngoài việc quan tâm đến lương, còn phải quan tâm đến các giá trị vô hình để tạo sự gắn kết. Chứ doanh nghiệp chả nên như ông Táo Tháo, nuôi anh Từ Thứ bao nhiêu năm mà chả hiến một mưu kế nào.

Lâu lắm rồi mới viết bài về “công việc”, đến mai lại viết về những chủ đề quen thuộc mà thôi!

Viết xong là đúng nửa đêm!
Sài Gòn, ngày 22 tháng 11 năm 2019